Hotline 24/7
08983-08983

Dân Hàn Quốc 'chê tiền', nhiều người Việt 'hôi của' không sót một xu

Một người phụ nữ rải tiền khắp quảng trường Seoul nhưng không ai ở Hàn Quốc nhặt, trong khi ở Việt Nam thì có vô số vụ hôi của đáng xấu hổ.

Một câu chuyện khá hy hữu vừa xảy ra hôm 21/3 ở Hàn Quốc khi có một người phụ nữ đã ôm đống tiền 22 triệu won (khoảng 400 triệu đồng) với các mệnh giá 1.000 won, 5.000 won, 10.000 won đi rải khắp quảng trường Seoul.

Được biết, người phụ nữ này vì sợ chồng cũ và con trai lấy hết tiền nên cô quyết định dành tặng toàn bộ số tiền đó cho bất cứ ai qua đường.

Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là không có bất cứ người qua đường nào dừng lại để nhặt tiền. Duy chỉ có vài người tò mò đứng lại để chụp ảnh cảnh tượng lạ lùng. Cảnh sát sau đó đã huy động lực lượng đi thu gom và trả lại toàn bộ số tiền cho chủ nhân của nó.

Cảnh sát thu gom tiền được ném tại quảng trường Seoul. Ảnh: Kênh 14.Cảnh sát thu gom tiền được ném tại quảng trường Seoul. Ảnh: Kênh 14.

Câu chuyện được đông đảo dân mạng Việt Nam chia sẻ cùng thái độ vô cùng kinh ngạc, khó có thể tưởng tượng có những đất nước mà người dân lại 'chê tiền' đến thế.

Từng nhớ vào đêm giao thừa chào đón năm 2015 ở Bến Thượng Hải, trung tâm TP Thượng Hải đã xảy ra vụ giẫm đạp kinh hoàng sau khi có một ai đó ném những tờ tiền đôla giả từ ban công khiến mọi người cùng lao vào nhặt vì tưởng rằng đó là tiền thật.

Vụ việc khiến ít nhất 36 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Và 'nếu sự việc xảy ra ở Việt Nam thì tôi dám cá là không sót lại một tờ tiền nào' - một độc giả bình luận.

Cảnh tượng giẫm đạp kinh hoàng ở Bến Thượng Hải. Ảnh: Internet.Cảnh tượng giẫm đạp kinh hoàng ở Bến Thượng Hải. Ảnh: Internet.

Những chuyện hôi của đã không còn xa lạ ở Việt Nam, trong đó, có lẽ nhiều người vẫn chưa quên vụ hôi bia ở Đồng Nai vào trưa 4/12/2013.

Theo đó, khi đang lưu thông trên một tuyến đường của TP Biên Hòa (Đồng Nai), do tránh một chiếc xe vượt ẩu, chiếc ôtô chở bia bẻ lái bất ngờ khiến hàng ngàn két bia đổ xuống đất.

Chỉ ít phút sau, người dân quanh khu vực cũng như người đi đường đã đổ xô tới hiện trường và bắt đầu 'hôi bia' như đi trẩy hội. Mặc mọi việc xung quanh, ai cũng tranh thủ lấy được nhiều bia nhất có thể.

Người dân 'hôi bia' ở Đồng Nai vui như 'trẩy hội'. Ảnh: Internet.Người dân 'hôi bia' ở Đồng Nai vui như 'trẩy hội'. Ảnh: Internet.

Không chỉ gây rúng động dư luận trong nước, vụ hôi bia này còn được các tờ báo nước ngoài đưa tin và khiến bạn bè quốc tế bàng hoàng, ngạc nhiên trước cách ứng xử xấu xí của một bộ phận người dân Việt.

Và không chỉ mỗi vụ hôi bia trên khi chuyện người Việt hôi của trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội, phản ánh tật xấu trục lợi từ những tai họa của người khác.

Nhớ hồi đầu tháng 9/2014 xảy ra vụ tai nạn thảm khốc khi chiếc xe khách giường nằm rơi xuống vực ở Lào Cai khiến 14 người chết và hơn 30 người khác bị thương.

Hiện trường vụ xe giường nằm lao vực ở Lào Cai. Ảnh: Lao động.Hiện trường vụ xe giường nằm lao vực ở Lào Cai. Ảnh: Lao động.

Trong khi dư luận cả nước chưa hết bàng hoàng thì một số nạn nhân bị thương chia sẻ về việc có những kẻ đã lợi dụng đêm tối mà lấy hành lý, điện thoại, tài sản của những người gặp nạn đem bán, thậm chí có gia đình phải chuộc lại đồ của những người tử vong.

Rồi biết bao vụ xe tải bị lật khác, người dân thi nhau đến thu nhặt tất cả những thứ có thể dùng được, thậm chí khi một chiếc xe bồn chở dầu lao xuống ruộng đầu năm nay ở quận Hải Châu (Đà Nẵng) thì một số người dân cũng mang can nhựa ra hứng dầu tràn…

Người dân xách can đi 'hôi dầu'. Ảnh: Vnexpress.Người dân xách can đi 'hôi dầu'. Ảnh: Vnexpress.

TS Phan Đình Tân, người phát ngôn của Bộ VH - TT - DL từng chia sẻ về chuyện người Việt hôi của rằng:

'Tôi thấy hành động này phản văn hóa vô cùng, đã không giúp còn gây hoạn nạn thêm cho nạn nhân, tinh thần lá lành đùm lá rách, truyền thống bầu ơi thương lấy bí cùng của chúng ta ở đâu'.

Phía Bộ Văn hóa cũng đánh giá đây là hành động hết sức phản cảm, xã hội cần lên án mạnh mẽ để những hành động này không còn đất sống.

'Trách nhiệm ở đây thuộc từng cá nhân là chính, nhìn thấy có yếu tố ứng xử văn hóa của từng con người, cộng với những tập tục, lề thói cũng không tốt đẹp, nó phát huy một cách vô thức trong lúc đó.

Còn trong giáo dục không có ai giáo dục những hành vi đó, đây chính là những hành động phi văn hóa, phi giáo dục', ông Tân nói.

Xem video ghi lại một vụ hôi nhãn ở Quảng Bình:


Dù ai cũng thuộc nằm lòng câu nói 'nhặt được của rơi, trả người đánh mất', ấy thế nhưng những câu chuyện hôi của vẫn cứ thế xảy ra một cách đáng xấu hổ.

Tự hỏi đến bao giờ thì Việt Nam mới hết cảnh tượng trên, đến bao giờ người dân Việt Nam mới hành xử được những điều tương tự như ở đất nước Hàn Quốc, để nếu một ngày bạn không may đánh rơi ví tiền ở Hà Nội, TPHCM hay bất cứ một nơi nào trên đất nước này, bạn chẳng cần lo lắng mà tin tưởng rằng, chỉ cần đi tới đồn cảnh sát gần nhất để báo cáo vụ việc hay quay lại nơi mà bạn cảm thấy có thể đã đánh rơi, 99% bạn sẽ tìm lại được chiếc ví của mình, giống như những gì đang diễn ra ở Thủ đô Seoul của Hàn Quốc!

Theo T.N - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X