Hotline 24/7
08983-08983

Đái tháo nhạt có nguy hiểm không?

Theo các bác sĩ khoa nội tiết, đái tháo nhạt là một căn bệnh chuyển hóa nguy hiểm ngang với đái tháo đường, có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người bệnh. Bệnh tuy ít gặp nhưng lại gây mất nước nặng, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là đối với người cao tuổi.

Đái tháo nhạt ảnh hưởng đến cơ thể bạn như thế nào?

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hạnh, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết bệnh đái tháo nhạt có hai dạng là đái tháo nhạt trung ương và đái tháo nhạt do thận.

Cơ thể của bạn sản sinh ra một loại hoocmon được gọi là hoocmon chống bài niệu (ADH). Nội tiết tố này được sản xuất tại một vùng của não có tên là vùng dưới đồi và được dự trữ ở tuyến yên. Nó giúp thận của bạn giữ lại nước làm cho nước tiểu trở nên cô đặc.

Khi bạn khát hoặc mất nước nhẹ, mức ADH tăng lên. Thận của bạn tái hấp thu nhiều nước hơn, gây cô đặc nước tiểu. Nếu bạn uống quá nhiều nước, mức ADH sẽ giảm xuống, làm bạn tiểu nhiều hơn.

Khi cơ thể bạn không sản sinh đủ lượng ADH, tình trạng này gọi là đái tháo nhạt trung ương. Nếu cơ thể bạn tạo đủ lượng ADH nhưng thận của bạn phản ứng kém, bạn đã mắc đái tháo nhạt do thận. Cả hai loại đều dẫn đến một hậu quả chung.Thận của bạn không giữ được nước, dù cho bạn có đang mất nước bạn vẫn tiểu nhiều.

Nguyên nhân gây bệnh đái tháo nhạt

- Bệnh đái tháo nhạt chủ yếu do thiếu nồng độ hormone kháng lợi niệu ADH trong máu, làm cho sự hấp thụ nước trong ống thận giảm.

- Do các rối loạn chức năng ở thùy tuyến yên, các khối u tổn thương đến mạch máu.

- Ngoài ra cũng do người bệnh có một số chấn thương nền sọ, phẫu thuật sọ não vùng tuyến yên, nhiễm khuẩn, lao màng não, giang mai…

Những dấu hiệu của bệnh đái tháo nhạt

Uống nước và đi tiểu nhiều lần

Đây được cho là biểu hiện dễ thấy nhất ở người đái tháo nhạt. Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hạnh, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Nội tiết Trung ương chia sẻ trên báo Đất Việt, đái tháo nhạt là tình trạng người bệnh đi tiểu rất nhiều, nước tiểu có tỷ trọng thấp. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là đi tiểu và uống nước nhiều lần trong ngày. Bệnh nhân có thể đi tiểu 5 - 20 lít mỗi ngày, nếu bệnh nặng thì có thể tiểu đến 40 lít mỗi ngày.

Thích uống nước lạnh, miệng luôn khô

Bệnh nhân đái tháo nhạt miệng luôn khô và luôn cảm thấy khát nước. Ảnh minh họa.
Bệnh nhân đái tháo nhạt miệng luôn khô và luôn cảm thấy khát nước. Ảnh minh họa.

Người bệnh đái tháo nhạt luôn cảm thấy khát, có thể uống bất cứ loại nước nào để chống chọi với cơn khát. Nếu không bổ sung nước kịp thời, họ sẽ luôn cảm thấy khô khan, khó chịu.

Da khô và không thể tiết mồ hôi

Người bị đái tháo nhạt nạp rất nhiều nước nhưng đi tiểu nhiều khiến lượng nước thẩm thấu vào cơ thể khá ít, luôn trong tình trạng thiếu nước dẫn đến lượng nước không đủ để nuôi sống cơ thể.

Chán ăn, mất ngủ, rối loạn tâm thần

Nếu tình trạng thiếu nước kéo dài, thường xuyên người bệnh sẽ cảm thấy chán ăn, mất cảm giác đói. Bệnh nhân có nguy cơ bị sốt cao, rối loạn tâm thần.

Tình trạng khát nước và đi tiểu nhiều cũng khiến không ít người nhầm lẫn bệnh đái tháo nhạt với bệnh tiểu đường hoặc loạn thần kinh chức năng. Vì thế, các bác sĩ khuyên bạn nên đến bệnh viện kiểm tra để nắm được rõ nhất tình trạng sức khỏe.

Cách chẩn đoán bệnh đái tháo nhạt

Nếu bạn có tình trạng trên, bạn có lẽ sẽ phải tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ với triệu chứng khát nước và tiểu nhiều.

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ làm một chuỗi các xét nghiệm máu và nước tiểu có thể phải mất đến nhiều giờ. Bạn sẽ phải nhịn uống trong suốt quãng thời gian đó do vậy sẽ khát nước nhiều hơn. Bác sĩ sẽ đo nồng độ natri trong máu và trong nước tiểu của bạn. Bác sĩ có thể cho bạn sử dụng ADH thay thế để xem tình trạng phản ứng của thận đối với việc cô đặc nước tiểu. Kết quả các xét nghiệm và phản ứng của thận đối với ADH sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán

Chữa trị đái tháo nhạt như thế nào?

Với mọi bệnh nhân đái tháo nhạt thì biện pháp điều trị đầu tiên và quan trọng nhất là phải uống đủ nước. Lượng nước uống vào gần tương đương với lượng nước tiểu. Với những bệnh nhân bị bệnh nhẹ thì có thể bác sĩ chỉ khuyên uống 2 - 3 lít nước/ngày mà không cần dùng thuốc.

Tùy vào từng nguyên nhân của bệnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chữa trị:

- Đối với bệnh nhân đái tháo nhạt trung ương, gây ra bởi các bệnh lý vùng dưới đồi - tuyến yên như u tuyến yên thì cần phẫu thuật loại bỏ khối u trước. Sau đó, bệnh nhân sẽ được điều trị thay thế bằng loại hormon tổng hợp có tác dụng tương đương có tên là demopressin dưới dạng thuốc xịt mũi, viên uống (minirin) và cả dạng tiêm, tùy mức độ bệnh để giảm lượng nước tiểu và lượng nước uống vào hàng ngày.

- Đối với những người mắc bệnh do tổn thương thận khó chữa trị hơn. Nếu nó gây ra bởi thuốc, dừng thuốc có thể giúp ích cho việc chữa trị. Bác sĩ có thể cho uống hipothiazid để đào thải bớt muối, giúp bệnh nhân giảm khát và số lần đi tiểu giảm đáng kể.

Nguồn tham khảo:
https://yhoccongdong.com/thongtin/benh-dai-thao-nhat-la-gi/
http://www.doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe/dai-thao-nhat-can-benh-nguy-hiem-it-nguoi-chu-y-a90339.html

Lê Hoa (Tổng hợp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X