Hotline 24/7
08983-08983

Đái tháo đường type 1 và type 2 có gì khác nhau

Bệnh tiểu đường có hai type tiểu đường: typ 1 và type nhưng hầu như đều không hiểu chúng khác nhau ở điểm nào. Dưới đây là 5 điểm khác nhau của 2 type tiểu đường được Viện Y học ứng dụng Việt Nam tổng hợp giúp bạn.

Tiểu đường type 1 nằm trong nhóm thiểu số: trong số 29 triệu người Mỹ mắc tiểu đường, chỉ có 1.25 triệu người bị tiểu đường type 1, còn lại đều đang phải đối phó với căn bệnh tiểu đường type 2. Điểm giống nhau duy nhất giữa hai type là bệnh nhân đều không thể kiểm soát được mức độ đường huyết. Dưới đây là 5 điểm khác nhau mà chúng ta cần tìm hiểu.

Tiểu đường type 1 là một bệnh tự miễn, type 2 thì không

Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể gặp trục trặc với hormon insulin, đây là một nội tiết tố do tuyến tụy tiết ra giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng cho tế bào sử dụng. Khi không tiết đủ insulin, nồng độ đường sẽ tăng cao trong máu và gây bệnh tiểu đường.

Cả bệnh nhân tiểu đường type 1 và type 2 đều gặp phải tình trạng kể trên, tuy nhiên nguồn gốc của hai type hoàn toàn khác nhau.

Đối với bệnh tiểu đường type 1, cơ thể sẽ không thể sản xuất ra insulin. Nguyên nhân là do tiểu đường type 1 được xếp vào nhóm bệnh tự miễn, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công và hủy hoại các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy. Hiện cơ chế bệnh sinh vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên yếu tố gien di truyền có thể đóng vai trò chủ yếu.

Những bệnh nhân mắc tiểu đường type 2 vẫn có thể sản xuất insulin nhưng hoặc là lượng insulin tiết ra không đủ hoặc là cơ thể có hiện tượng đề kháng với insulin. Các yếu tố nguy cơ đối với bệnh tiểu đường type 2 bao gồm béo phì (đặc biệt là béo phần bụng) và lối sống ít vận động thể lực. Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh của chính bản thân bạn.

Sử dụng hormon insulin là liệu pháp bắt buộc đối với tiểu đường type 1, liệu pháp điều trị tiểu đường type 2 có thể thay đổi tùy bệnh nhân

Do những bệnh nhân tiểu đường type 1 không thể sản xuất đủ insulin nên họ cần được tiêm insulin mỗi ngày hoặc sử dụng bơm insulin tự động gắnvàocơ thể. Nếu không được bổ sung insulin hàng ngày, họ có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.

Với bệnh nhân tiểu đường type 2, có khá nhiều lựa chọn điều trị. Nhóm bệnh nhân này thường được yêu cầu theo dõi chặt chẽ chế độ ăn, luyện tập thể thao nhiều hơn để giảm cân và sử dụng những loại thuốc uống có tác dụng kích thích tuyến tụy tiết insulin và/hoặc giảm đường huyết. Trong trường hợp những biện pháp này không có hiệu quả hoặc bệnh diễn biến nặng hơn, bạn có thể phải tiêm insulin.


Trong bệnh tiểu đường type 1, mức độ đường huyết thường xuyên hạ thấp tới mức nguy hiểm

Đường huyết cao rất nguy hiểm, tuy nhiên đường huyết hạ quá thấp cũng nguy hiểm không kém: nó có thể gây mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi và run chân tay. Trong những trường hợp nặng, tình trạng hạ đường huyết có thể khiến bạn bị ngất và thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.

Mặc dù bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nói chung đều có thể ít nhiều gặp phải hiện tượng hạ đường huyết nhưng tình trạng này thường phổ biến hơn ở bệnh nhân tiểu đường type 1. Do vậy, cần phải hết sức thận trọng trong việc tính toán lượng insulin cần thiết để nạp vào cơ thể (qua đường tiêm hoặc ống bơm) dựa trên lượng thực phẩm ăn vào và mức độ hoạt động thể lực. Tính toán chính xác lượng insulin không phải luôn dễ dàng và nếu dùng quá liều còn khiến đường huyết hạ quá mức. Việc luyện tập thể dục thể thao, mặc dù chỉ ở mức độ vừa phải, đôi khi cũng gây hạ đường huyết.

Do vậy nếu bạn xuất hiện những dấu hiệu hạ đường huyết nêu trên, bạn cần nhanh chóng có những biện pháp giúp làm tăng lượng đường trong máu bằng cách uống một cốc nước trái cây, ăn một vài chiếc kẹo cứng hay ăn một vài viên đường glucose.


Ăn nhiều thực phẩm chứa đường có thể gây nguy hiểm đối với bệnh nhân tiểu đường type 2

Mặc dù việc ăn nhiều đồ ngọt là không được khuyến khích đối với bệnh tiểu đường nhưng những bệnh nhân tiểu đường type 1 có thể ăn những thứ mà họ muốn trong trường hợp đã sử dụng đủ liều insulin. Do vậy, nếu bạn đang có kế hoạch đi dự sinh nhật một người bạn, hãy mang theo insulin để phòng trường hợp đường huyết tăng vọt vì đồ ngọt.

Tuy nhiên, nếu bạn mắc tiểu đường type 2 thì hãy thận trong hơn khi ăn bất cứ thực phẩm nào. Hầu hết bệnh nhân tiểu đường type 2 không phải sử dụng insulin, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ khó kiểm soát được lượng đường trong máu hơn. Tiểu đường type 2 có mối liên hệ chặt chẽ với bệnh béo phì, do vậy ăn quá nhiều đồ ngọt còn dễ khiến bạn tăng cân.


Tiểu đường type 1 thường khởi phát ở trẻ em, tiểu đường type 2 có xu hướng xuất hiện muộn hơn

Mặc dù người lớn hoàn toàn có khả năng mắc bệnh tiểu đường type 1 nhưng đây là căn bệnh phổ biến hơn ở trẻ em. (Đó là lý do căn bệnh này còn được gọi là tiểu đường thanh thiếu niên.) Mặt khác, tiểu đường type 2 lại có xu hướng khởi phát ở người có tuổi: Nguy cơ mắc bệnh tăng lên nhiều lần sau tuổi 45.

Bất kể căn bệnh hình thành ở thời điểm nào hay bạn mắc tiểu đường type 1 hay type 2, bạn cũng cần phải hết sức thận trọng với căn bệnh này. Nhiều người cho rằng tiểu đường type 1 mới thực sự nghiêm trọng và type 2 chỉ gây ra một số bất tiện nhỏ trong cuộc sống. Tuy nhiên bạn cần hiểu rằng cả hai type đều có thể dẫn tới những biến chứng hết sức nghiêm trọng như mù lòa, cắt cụt chi và suy thận.

Bạn hoàn toàn vẫn có thể sống lâu và khỏe mạnh dù mắc phải một trong hai type tiểu đường này. Sử dụng thuốc đúng chỉ dẫn, thường xuyên theo dõi nồng độ đường huyết, ăn uống lành mạnh, tập luyện thể thao và hạn chế stress là những yếu tố quan trọng giúp bạn chung sống khỏe mạnh với căn bệnh tiểu đường.

Theo Prevention/Viện y học ứng dụng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X