Hotline 24/7
08983-08983

Đái tháo đường: Nín thở với phần chìm của “tảng băng trôi”

“Tảng băng trôi” đái tháo đường nguy hiểm hơn chúng ta vẫn thấy. Việc “chiều” bản thân trong lối sống sinh hoạt và chế độ ăn uống của chúng ta đã trực tiếp tạo ra cơn địa chấn tàn phá sức khỏe mang tên “Đái tháo đường”.

Đái tháo đường có gì mà nguy hiểm đến thế?

Các thống kê trên thế giới chỉ ra, cứ khoảng 12 người thì có 1 người bị đái tháo đường. Mỗi 7 giây trôi qua, trên toàn thế giới có 1 người mắc mới bệnh đái tháo đường.

Ở Việt Nam, tỉ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành là 5,42%. Trong đó, 85% chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như: tim mạch, suy thận, thần kinh, mù mắt, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, tai biến chứng bàn chân đái tháo đường...

Người bị mắc đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ gấp 2 người bình thường, kèm theo đó là gấp 4 lần nguy cơ mắc phải các bệnh về tim mạch.

Thử nghĩ, cứ 6 giây lại có một nạn nhân đái tháo đường qua đời vì các biến chứng. Số liệu này cho thấy nó còn khủng khiếp hơn các đại dịch Ung thư, HIV… Có lẽ, nên có một cái nhìn khác về căn bệnh này.

ThS.BS Võ Tuấn Khoa - Khoa Nội tiết - BV Nhân dân 115

Hãy cùng nhau làm tan chảy tảng băng lì lợm

Bệnh đái tháo đường không thể điều trị dứt điểm nhưng không có nghĩa là bó tay trước nó.

Theo ThS.BS Võ Tuấn Khoa - Khoa Nội tiết - BV Nhân dân 115: Tảng băng lì lợm ấy hoàn toàn có thể dự phòng hoặc làm chậm xuất hiện bệnh bằng việc tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động, tập thể dục.

Tăng cường tập thể lực. Nên tập ít nhất 45 phút/ngày và tối thiểu 5 ngày/tuần. Hãy mặc đồ thể thao, giày và vớ phù hợp, tập với tinh thần thoải mái. Hãy tập chậm khi thấy mệt, không nói được.

Khi đường máu < 100mg/dL hay > 250mg/dL, đang mắc các bệnh cơ hội, bị xuất tiết, xuất huyết hãy thôi tập và giải quyết các vấn đề đó trước đã.

Ăn uống lành mạnh. Hãy bổ sung nhiều rau trong khẩu phần ăn, ưu tiên ăn sống, luộc, hấp và ăn trước bữa. Trái cây tốt nhưng nên ăn vừa phải, ăn nguyên trái không ép nước, không dùng thay bữa ăn. Bổ sung lượng đạm từ thịt nạc, cá, trứng, hải sản. Tuy nhiên, nếu có biến chứng về thận mạn hãy nghe lời khuyên của bác sĩ.

Tránh xa những thực phẩm chứa đường hấp thu nhanh như nước ngọt, bánh kẹo, đường mía. Nên ăn nhạt. Không nên sử dụng mỡ động vật, magarine, lòng đỏ trứng, đồ phủ tạng, đồ chiên nhiệt độ cao hay chiên nhiều lần. Không hút thuốc lá và rượu bia quá chén.

Dùng thuốc hợp lý. Tuân thủ toa thuốc do bác sĩ chỉ định. Đừng dại dùng chung toa thuốc với người khác vì nên nhớ toa thuốc chỉ thích hợp với chủ nhân của nó. Thời điểm uống thuốc rất quan trọng. Xin đừng tự ý điều chỉnh liều thuốc và nên đi tái khám định kì.

Lê Bình
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X