Hotline 24/7
08983-08983

Đã quan hệ tình dục hay cổ tử cung có tổn thương… vẫn nên tiêm ngừa HPV

Mới đây, buổi tư vấn trực tuyến của ThS.BS Lê Quang Thanh - Giám đốc BV Từ Dũ một lần nữa khẳng định rằng các trường hợp đã quan hệ tình dục, cổ tử cung hiện đang có tổn thương, đang cho con bú… vẫn nên tiêm ngừa HPV để bảo vệ bản thân khỏi UTCTC.

Thưa bác sĩ, đã quan hệ tình dục rồi thì có tiêm vắc xin ngừa HPV được nữa không và còn hiệu quả không?

(Từ trái quá) BS Liên Hương – BV Từ Dũ, ThS. BS Lê Quang Thanh – GĐ BV Từ Dũ, ThS. BS Lê Ngọc Diệp – BV Từ Dũ
(Từ trái quá) BS Liên Hương - BV Từ Dũ, ThS. BS Lê Quang Thanh - GĐ BV Từ Dũ, ThS. BS Lê Ngọc Diệp - BV Từ Dũ

ThS.BS Lê Quang Thanh - Giám đốc BV Từ Dũ: Khi đã quan hệ tình dục thì chưa chắc người phụ nữ đó bị nhiễm HPV. Nếu có nhiễm HPV thì chưa chắc đã nhiễm những chủng nguy cơ cao như HPV 16-18. Vì vậy, bất kể tình trạng đã quan hệ hay chưa, miễn còn trong độ tuổi tiêm ngừa (9-26 tuổi) thì đều tiêm ngừa được.

Nếu đang dự định có thai thì có nên tiêm ngừa HPV không thưa bác sĩ? Nếu có thì lịch tiêm như thế nào?

ThS.BS Lê Quang Thanh - Giám đốc BV Từ Dũ: Phụ nữ có kế hoạch mang thai nên tiêm ngừa một số bệnh thường xảy ra trong thai kì làm ảnh hưởng đến tính mạng và sức khoẻ của thai phụ và thai nhi như Viêm gan siêu vi B, Rubela, đậu mùa... Trong đó, riêng đối với HPV chị em nên hoàn tất trước khi mang thai 3 tháng là tối ưu.

Trường hợp không được như vậy thì có thể hoàn tất trước khi mang thai 1 tháng. Như vậy, chúng ta có thể yên tâm khi mang thai không có những biến chứng do virut HPV gây ra.

Nếu tiêm vắc xin ngừa HPV khi đã thụ thai thì có gây ảnh hưởng đến thai nhi không và sinh xong có tiếp tục tiêm cho đủ liệu trình?

ThS.BS Lê Quang Thanh - Giám đốc BV Từ Dũ: Chúng ta có thể yên tâm vì vắc xin HPV là vắc xin tái tổ hợp, nó an toàn trong thai kỳ. Nếu lỡ tiêm khi đang mang thai cũng đừng nên lo lắng vì khoa học chứng minh vắc xin không ảnh hưởng đến thai kì. Sau khi hết thời kì hậu sản là 6 tuần thì chúng ta có thể tiêm mũi tiếp theo.

Các bà mẹ đang cho con bú thì có tiêm ngừa vắc xin này được không thưa bác sĩ?

ThS.BS Lê Quang Thanh - Giám đốc BV Từ Dũ: Vắc xin đã được khoa học chứng minh không ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như không ảnh hưởng đến sữa mẹ. Vì thế, trong giai đoạn cho con bú, chị em vẫn có thể tiêm ngừa theo lịch tiêm như quy ước.

Nếu sau khi xét nghiệm PAP phát hiện có tổn thương tiền ung thư thì tiêm ngừa HPV còn ý nghĩa nữa không?

ThS.BS Lê Quang Thanh -Giám đốc BV Từ Dũ: Khi làm PAP nội soi cổ tử cung phát hiện ra có sang thương ở cổ tử cung là giai đoạn tiền ung thư. Trong trường hợp đó vẫn nên tiêm ngừa vì vẫn còn những lợi ích từ những chủng vắc xin còn lại trong vacxin (Ví dụ như ngừa 2 chủng HPV 6-11 gây bệnh mào gà sinh dục). Khi tiêm ngừa, ngoài việc dự phòng đối với các loại sang thương UTCTC còn dự phòng cho các sang thương tiền ung thư âm hộ và âm đạo hay ung thư trực tràng. Lời khuyên của chúng tôi là có sang thương cổ tử cung chúng ta vẫn nên tiêm vắc xin ngừa HPV.

Tiêm vắc xin là biện pháp rất hữu hiệu giúp phòng ngừa nhiễm HPV
Tiêm vắc xin là biện pháp rất hữu hiệu giúp phòng ngừa nhiễm HPV

Đang điều trị viêm lộ tuyến có tiêm ngừa HPV được không?

ThS.BS Lê Quang Thanh - Giám đốc BV Từ Dũ: Đầu tiên phải khẳng định viêm lộ tuyến cổ tử cung chưa phải là nguyên nhân dẫn đến UTCTC nhưng đó là điều kiện thuận lợi cho việc nhiễm HPV. Đối với trường hợp này, cần phải tiêm ngừa càng sớm càng tốt. Trong quá trình tiêm thì vẫn điều trị viêm lộ tuyến như bình thường.

UTCTC là bệnh ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ, với 95% trường hợp do vi rút HPV gây ra. Theo Kế hoạch Dự phòng và Kiểm soát UTCTC giai đoạn 2016-2025 của Bộ Y tế, 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời, tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra ở độ tuổi 20-30, có thể lên đến 20-25%.

Cũng theo tài liệu này, mỗi ngày tại Việt Nam có 7 phụ nữ qua đời vì UTCTC và có thêm 14 ca mắc mới. Bệnh nhân UTCTC phải chịu nhiều hậu quả nặng nề như suy giảm sức khỏe, có nguy cơ vô sinh, suy kiệt về tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và hạnh phúc gia đình. Hành động ngay để bảo vệ bản thân và những người phụ nữ yêu thương của bạn bằng cách tìm hiểu thêm thông tin về bệnh, tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ và quan trọng nhất là tiêm vắc xin HPV.


Theo Afamily.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X