Hotline 24/7
08983-08983

Cuộc sống của những chị em được đặt tên Bắc - Nam - Thống - Nhất trong ca sinh 4 đầu tiên ở Hà Nội

Đúng 40 năm sau ca sinh 4 ở Hà Nội, 4 đứa trẻ được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đỡ đầu và đặt tên Bắc - Nam - Thống - Nhất đều trưởng thành và có cuộc sống riêng.

Ngày 17/4/1977 tại BV Phụ sản Trung ương (khi đó gọi là Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương), ca sinh 4 được coi là "chấn động" thời bấy giờ được đông đảo người dân Việt Nam biết đến.

40 năm về trước, sản phụ Bùi Thị Hương thậm chí còn không hay biết mình sẽ sinh một lúc 4 người con. Các bé gái khi đó được chính cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận đỡ đầu và đặt những cái tên đầy ý nghĩa, lần lượt: Bắc - Nam - Thống - Nhất.

Vợ chồng bà Hương cùng 4 cô con gái chụp ảnh với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Cứ 10 phút lại đẻ 1 đứa, suýt thì quên đứa con út trong bụng

Căn nhà nhỏ hơn 40 m2 của bà Bùi Thị Hương (73 tuổi) nằm trong con ngõ sâu của khu tập thể Yên Ngưu (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Sau nhiều lần thay đổi chỗ ở, bà Hương chuyển về đây sống cùng người con gái út Nguyễn Như Nhất và đứa cháu ngoại. Chuyện của 40 năm về trước, bà Hương vẫn nhớ như in từng chi tiết. Hồi ức về những năm 70 lúc này như một bộ phim lịch sử được tua lại, tất cả hiện lên rõ nét như chỉ mới hôm qua.

Năm 1970, bà Hương sinh con gái, con trai đầu lòng nhưng tiếc thay bé trai không thể giữ được. Tới năm 1977, bà mang thai lần thứ 2 và thời đó, bản thân người phụ nữ 32 tuổi cũng chẳng nghĩ trong cơ thể mình đang có tới 4 hài nhi bé bỏng.

Ca sinh 4 của sản phụ Hương rất được báo chí năm đó quan tâm

Niềm hạnh phúc của vợ chồng trẻ bên 5 cô con gái

Đến tháng thứ 7 của thai kỳ, toàn thân bà Hương phù nề kinh khủng. Khi chụp phim siêu âm, bác sĩ lúc bảo thai nhi có 8 chân, 2 đầu, lúc sau lại thành 8 chân, 3 mình. Nhiều người ác ý đồn đại rằng bà mang "quái thai" nghi do bị nhiễm độc thai nghén. Không bận tâm lời nói dèm pha của người đời, bà Hương nhập viện trước 1 tháng chờ sinh con.

"Tháng thứ 8 bác trở dạ, bác sĩ cũng không nghĩ là sinh tư. Khi chứng kiến các bé lần lượt chào đời, cả bệnh viện nhốn nháo ồn ào cả lên, ai nấy đều rất ngạc nhiên", bà Hương tâm sự.

Chủ nhật ngày 17/4/1977, nằm trên bàn đẻ cứ 10 phút sản phụ Hương lại sinh 1 cháu. Khi 3 người con lần lượt chào đời, bà không nghĩ bên trong bụng vẫn còn bé thứ 4. Các y tá thực tập khi đó cứ tưởng hết rồi, suýt nữa thì bỏ quên người con út. Chị Nhất do đó ra ngoài chậm hơn các chị 5 phút, bị nước ối tràn vào mắt dẫn đến đục thủy tinh thể. Tổng cộng 45 phút tất cả cho ca sinh hiếm gặp thời bấy giờ.

Thấm mệt sau khi sinh 4 người con, bà Hương mệt ngủ thiếp đi và ngày hôm đó cả gia đình vì quá bất ngờ cũng chưa nghĩ tới việc đặt tên cho các con. Nhà nước lúc đó vô cùng quan tâm tới trường hợp đặc biệt của mẹ con sản phụ Hương. Ngay ngày hôm sau, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đích thân gọi điện hỏi thăm, đồng thời cử cán bộ xuống bệnh viện đặt tên cho các bé lần lượt là Bắc, Nam, Thống, Nhất.

Lớn lên, 4 chị em Bắc - Nam - Thống - Nhất vẫn luôn được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng quan tâm như con cháu trong nhà.

Sau khi sinh, bà Hương phải nằm viện 2 tháng mới được về nhà. Đến thời điểm Tết năm đó, chuyến thăm bất ngờ của cố Thủ tướng cho đến tận bây giờ bà vẫn chưa thể nào quên. "Đúng mồng 2 Tết năm đó, bác Phạm Văn Đồng cùng 7 chiếc ô tô chở đường, sữa, quần áo đến thăm gia đình bác ở nhà tập thể Trung Tự. Mỗi tháng bác Đồng cho mỗi cháu 5 hào, sau tăng lên mấy trăm ngàn đồng cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Bản thân bác cũng được cho hưởng 2 lương, 1 lương hưu và 1 lương nuôi 4 đứa con".

Nhớ lại lời dặn dò của bác Đồng trước khi ra về, bà Hương xúc động nhắc lại nguyên xi: "Cháu rất là giỏi, một mẹ nuôi 4 đứa con. Cháu cần gì cứ nói, nghèo thì nghèo cũng phải có cái áo len".

4 bé gái may mắn được bác Phạm Văn Đồng quan tâm và thương yêu, cứ một năm khoảng 2-3 lần bác lại cho người xuống đưa 4 cháu lên nhà chơi và cho ăn cơm. Những bức ảnh sờn mòn theo năm tháng ghi lại khoảnh khắc Bắc, Nam, Thống, Nhất bên cạnh bác Đồng được gia đình trân quý và xem như "báu vật".

Ngày cố Thủ tướng mất, cả nhà bà Hương thương tiếc như một người bố, một người ông đã ra đi. "Lúc sinh thời, ông quan tâm và yêu quý 4 cháu. Nghe tin ông mất, ai cũng nhìn ảnh ông mà khóc, cố gắng đưa ông đi đến nơi về đến chốn để trọn vẹn đạo lý ở đời".

Mẹ không nhận ra con, người yêu không nhận ra người thương vì quá giống nhau

Bắc, Nam, Thống, Nhất sinh ra mỗi bé chỉ nặng hơn 1 cân, sức khỏe yếu lại thường xuyên ốm đau khiến "công cuộc" nuôi 4 cô con gái không phải là đơn giản. Cứ ốm là cùng ốm, đau cùng đau, đói cùng đói, một bé vào viện bà Hương lại ẵm 3 người con còn lại chạy theo. Một thời sau khi sinh, dù được Nhà nước cho hưởng 2 suất lương nhưng nhà khi đó 7 miệng ăn thì chừng đó âu cũng không đủ. Bởi vậy ngay khi sức khỏe ổn định sau sinh, bà Hương cũng tranh thủ nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau, bán cháo lòng, bán hàng cơm, trông trẻ...

"Lương giáo viên của chồng cũng không đủ nên bác phải làm đủ thứ nghề để có thêm thu nhập nuôi nấng các con. Đến khi về hưu, bác lại nhận trông giữ trẻ cho bà con hàng xóm", bà Hương tâm sự.

Những cô gái năm đó đã dần trưởng thành...

Bà Hương nói đùa may khi chụp bức ảnh này mỗi chị mặc 1 màu áo dài nếu không cũng khó phân biệt

Cách đây 14 năm, chồng bà mất vì căn bệnh ung thư. Các con khi đó cũng đã lớn khôn và lập gia đình riêng. Chị Bắc lấy chồng ở phường Xuân Đỉnh, hiện có 2 con. Chị Nam, chị Thống cùng lấy chồng và ở huyện Thanh Trì. Hiện ba chị cùng góp vốn và mở hiệu làm tóc chung.

Riêng cô út Như Nhất vẫn đang ở cùng mẹ và cháu gái hơn 20 tuổi là con của chị gái đầu. Chị Nhất vì thị lực yếu từ khi sinh ra nên đang làm việc tại Trung tâm Người khiếm thị huyện Thanh Trì. Cứ sáng chị đi tối lại về, chuyện nhà cửa, nấu cơm bà Hương tự tay lo liệu.

4 chị em của ca sinh 4 thời đó bây giờ đều đã có cuộc sống gia đình riêng

Nói về tính cách của 4 cô con gái, bà Hương tự hào cho biết các con bà đều ngoan ngoãn, hiếu thảo. Được biết, ngoài tên do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt cho, 4 chị còn được gia đình gọi bằng tên khác đó là Thủy - Chung - Hiếu - Thảo. Từ nhỏ cả 4 có giọng nói đều rất giống nhau. Đặc biệt khuôn mặt của chị Bắc và chị Thống "y xì" như hai giọt nước đến nỗi không chỉ mẹ mà người yêu lắm khi cũng nhầm lẫn, không phân biệt được.

Ở tuổi 73, sức khỏe bà Hương giảm dần. Nhất là mấy năm nay bà bị bệnh tim nên chẳng rõ thuốc để ở nhà bao nhiêu là đủ. Cứ hàng tháng, bà lại đi viện khám và uống thuốc thường xuyên. Dù là thế nhưng bản thân bà vẫn cảm thấy may mắn vì đã có thể nuôi nấng được các con khôn lớn, trưởng thành. Đến bây giờ, niềm vui của người mẹ đơn giản là giây phút cả gia đình cùng nhau đoàn tụ dịp lễ, Tết. Lúc này cả nhà đông đúc, tiếng cười nói của các con, các cháu khiến bà có thêm niềm vui, nghị lực để sống tốt, sống khỏe.

Bà Hương hạnh phúc xem lại những bức ảnh xưa cũ

Ngược dòng ký ức của những năm 70 về hiện tại cũng đã hơn 40 mùa xuân, ấy là bấy nhiêu nghị lực và kiên cường của một người mẹ đầy bản lĩnh và kiên cường. 4 chị em dù mang tên Bắc - Nam - Thống - Nhất hay Thủy - Chung - Hiếu - Thảo đều là những đứa trẻ đặc biệt, là nguồn cội sự sống của bà Hương.

Theo Minh Nhân - Ảnh: Tuấn Phạm - Trí thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X