Hotline 24/7
08983-08983

Cuộc gọi van nài của Bắc Kinh sau vụ tấn công tàu Indonesia

Một quan chức Trung Quốc đã gọi điện cho Chính phủ Indonesia, khẩn thiết đề nghị không báo cho truyền thông vì 2 nước là bạn.

Vài giờ sau khi xảy ra vụ đụng độ giữa tàu cảnh sát biển Trung Quốc và lượng chấp pháp của Indonesia trên biển Đông, một quan chức cấp cao Trung Quốc đã gọi điện cho Chính phủ Indonesia, khẩn thiết đề nghị: 'Đừng báo cho truyền thông, dù gì chúng ta cũng là bạn'.

Đề nghị này đã bị cự tuyệt khi Jakarta lập tức tổ chức họp báo, quyết liệt lên án hành động của Trung Quốc, Bloomberg tường thuật.

Duy trì quan hệ hữu hảo

Từ trước đến nay, Indonesia vẫn giữ lập trường trung lập đối với mâu thuẫn trên biển Đông giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác.

Tuy nhiên, sự việc lần này đã kéo chính quyền Jakarta vào tranh chấp chủ quyền trên vùng nước dồi dào tài nguyên này.

Một quan chức Indonesia tiết lộ, Jakarta không muốn phản ứng lại Trung Quốc nhưng buộc phải hành động khi Bắc Kinh có những hành động khiêu khích quá mức, ngày càng lấn át trên biển Đông.

Những bí ẩn đằng sau chính sách ngoại giao song phương cho thấy cả 2 bên đều không muốn làm to chuyện, mặc dù vì các lý do khác nhau.

Từ lâu Indonesia đã tránh việc đưa bất ổn xảy ra trên biển Đông lên báo chí, vì muốn nuôi dưỡng mối quan hệ kinh tế lệ thuộc mạnh vào Trung Quốc.

Về phần mình, mỗi sự ủng hộ từ quốc tế đều có ích cho Trung Quốc, khi nước này chuẩn bị cho phiên xử tại Tòa án quốc tế tại The Hague, Hà Lan, liên quan đến tranh chấp chủ quyền với Philippines.

'Trong quá khứ, khi những sự vụ tương tự xảy ra, Indonesia thường xoa dịu hoặc thậm chí dập tắt vì mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc', ông Ian Storey, chuyên gia tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tiếp tục lấn lướt và áp đặt các yêu sách pháp lý với lãnh hải của Indonesia, Jakarta sẽ không còn cách nào khác ngoài việc lên án hành động của Trung Quốc và đối đầu với các hành động khiêu khích, ông dự đoán.

Trung Quốc hiện là bạn hàng thương mại 2 chiều lớn nhất của Indonesia.

Đây cũng là nước cấp vốn cho chính quyền ông Joko Widodo xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng.

Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Indonesia trong quý cuối năm 2015, được dự đoán sẽ duy trì vị thế thượng phong trong 5 năm tới.

Một đội tàu cá Trung Quốc. Ảnh: Gett.

Nỗ lực bị phá hoại

Bộ trưởng Bộ thủy sản của Indonesia, bà Susi Pudjiastuti cho biết vào ngày 19/3, khi Indonesia đang cố gắng bắt giữ 1 tàu Trung Quốc đánh bắt phi pháp trong vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia thì 1 tàu hải cảnh của Trung Quốc can thiệp và ngăn cản.

Trong quá trình cẩu chiếc tàu cá Trung Quốc lên tàu của Indonesia, 1 chiếc tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiếp cận và tìm cách đâm va vào tàu của Indonesia.

Sau đó, 1 chiếc tàu hải cảnh khác của Trung Quốc có kích thước lớn hơn xuất hiện, phía Indonesia quyết định thả chiếc tàu cá của Trung Quốc đi nhưng toàn bộ thủy thủ đoàn 8 người của tàu cá bị bắt giữ.

Phía Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa phía Indonesia phải thả người.

Ngoại trưởng Indonesia đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta và thể hiện 'sự phản đối mạnh mẽ đối với việc tàu tuần duyên Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền Indonesia'.

'Trong nhiều năm qua, Indonesia đã theo đuổi và thúc đẩy hòa bình ở biển Đông.

Tuy nhiên, với sự việc diễn ra ngày hôm qua, chúng tôi cảm thấy nỗ lực của mình bị phá hoại', bà Susi trả lời báo giới sau khi gặp các quan chức Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta.

Bà cũng cho biết, nước này đang xem xét đưa vụ đụng độ ra tòa án quốc tế.

Về phần mình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh trả lời báo chí cho biết, vụ việc xảy ra trong 'ngư trường truyền thống của Trung Quốc' và tàu cá Trung Quốc đã bị 'tấn công và quấy rối' bởi tàu vũ trang của Indonesia.

Toan tính của Trung Quốc

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết biển Đông, bao gồm cả các vùng biển gần những nước Đông Nam Á hơn.

Mặc dù Indonesia không phải là 1 bên tranh chấp ở Biển Đông, vùng biển xung quanh quần đảo Natuna giàu tài nguyên của nước này đã bị cái gọi là bản đồ 'đường lưỡi bò' của Trung Quốc xâm lấn.

Trong vài năm qua, Trung Quốc đã mở rộng tập trận hải quân và tuần tra ở các vùng cực nam của 'đường lưỡi bò' phi pháp, sát với vùng biển Indonesia, nhiều lần đối đầu trực tiếp với các tàu của Indonesia.

Sự việc tương tự từng xảy ra vào năm 2010, khi tàu tuần tra Indonesia bắt giữ một tàu Trung Quốc đánh bắt cá trái phép trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Jakarta, Bắc Kinh đã phái một tàu hành pháp chĩa súng máy vào tàu Indonesia và buộc thả tàu cá Trung Quốc.

Tiếp đến hồi tháng 3/2013, Indonesia tiếp tục bắt một tàu cá và 9 ngư dân Trung Quốc lên bờ vì đánh bắt trái phép, tàu hành pháp Trung Quốc lại đe đọa, buộc Indonesia phải thả các ngư dân này.

Bà Natalie Sambhi, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm USAsia Perth cho rằng giữ im lặng trong trường hợp này sẽ là tín hiệu cho thấy chính quyền của Tổng thống Joko Widodo sẵn sàng dung túng các hành vi vi phạm chủ quyền khi căng thẳng leo thang.

Hiện chưa rõ Trung Quốc đang toan tính để thử lập trường của Indonesia, hay đang muốn thể hiện vị trí thống lĩnh của một cường quốc một cách bất thường, ông Euan Graham, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy ở Sydney nhận xét.

Theo Trần Giang - Trí thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X