Hotline 24/7
08983-08983

Cuộc chiến với căn bệnh thời đại

"Một người bị huyết áp lại mắc đái tháo đường có thể uống ít nhất mười loại thuốc mỗi ngày, kể cả các loại thuốc chống suy thận, tuần hoàn não...", GS Phước nói.

Bệnh của thời ít vận động, nhiều stress
 
Bệnh lý tim mạch đang được toàn cầu quan tâm, bởi đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới (khoảng 17,3 triệu người mỗi năm). Nguyên nhân được lý giải: thời buổi hiện đại, phương tiện hỗ trợ con người đủ mọi mặt, thêm vào đó năng lượng nạp vào quá nhiều nhưng không có thời gian để tiêu hao.
 
Con người ngày càng ít có điều kiện rèn luyện cơ thể, nếu lười tập thể dục càng khiến cơ thể tích tụ nhiều cholesterol xấu, gây rối loạn mỡ máu, dễ dẫn đến bệnh lý tim mạch. Thêm vào đó, con người ngày càng chịu nhiều áp lực, căng thẳng với mọi mối quan hệ xung quanh. Bộ não bị chi phối nhiều, không còn chỗ cho sự thanh thản.
 
Tất cả khiến bệnh tim mạch đến nhanh hơn, khó ngờ hơn. GS Đặng Vạn Phước cho biết: "Có những trường hợp chỉ mới thấy tê tê các đầu ngón tay, rồi tự dưng bị hôn mê sâu một thời gian. Bác sĩ cứu kịp, nhưng khi tỉnh lại, họ phải sống đời thực vật, trở thành gánh nặng cho gia đình và cả xã hội".
 
Nhiều người còn chủ quan, đinh ninh chỉ khi bước sang tuổi xế chiều, sức lực dần tàn thì nguy cơ về tim mạch mới được dịp trỗi dậy. Điều này không hẳn đúng, bởi ở mỗi lứa tuổi, mỗi giai đoạn, con người ta sẽ gặp những nguy cơ về tim mạch khác nhau. "Ở trẻ em thì mắc bệnh tim bẩm sinh, tuổi học đường thì gặp phải chứng van tim hậu thấp. Người cao tuổi (trên 50) lại gặp các vấn đề cao huyết áp, phình động mạch chủ, suy tim, vỡ mạch máu não.
 
Đặc biệt gần đây, độ tuổi 30 - 50 lại thường gặp các vấn đề nguy hiểm như tai biến, đột quỵ", GS Phước nói. Cũng theo GS Phước, dường như bệnh lý tim mạch ở phụ nữ đang bị bỏ quên hoặc chưa được đánh giá đúng mức, bởi nếu ở độ tuổi sinh sản, tỷ lệ bệnh tim mạch ở nam giới luôn cao hơn nữ thì từ giai đoạn mãn kinh trở về sau, bệnh nhân nữ bị tim mạch chiếm tỷ lệ không thua nam giới.

Một chế độ ăn hợp lý cho một trái tim khỏe mạnh.(Ảnh minh họa)

Một chế độ ăn hợp lý cho một trái tim khỏe mạnh.(Ảnh minh họa)

Nguyên nhân bởi ở tuổi sinh sản, phụ nữ chỉ lo lắng những tai biến trong việc sinh, chăm sóc và nuôi dạy con cái chứ ít quan tâm đến sức khoẻ của trái tim, khiến bệnh lý về tim mạch tăng vọt khi họ bước sang tuổi xế chiều. Một bạn đọc tên Thuỷ, 60 tuổi, thổ lộ: "Thời còn 30, 40 tuổi, tôi làm việc hết mình, không quản ngày đêm. Đến lúc về hưu, tinh thần cảm thấy trống trải, tôi bị stress, rồi tăng huyết áp phải cấp cứu. Cách đây một năm tôi đi khám, tầm soát tim mạch, mới biết mình bị hẹp van tim, phải điều trị bằng thuốc mỗi ngày. Đó cũng là một nỗi niềm của lứa tuổi chúng tôi khi không còn có ích cho xã hội nữa".

Những biến chứng không thể ngó lơ

Rất nhiều biến chứng và những bệnh lý khác không ít thì nhiều cũng liên quan và tìm cơ hội "phối hợp" với các bệnh tim mạch. Căn bệnh mà thế giới và cả nước ta đang quan tâm chính là đái tháo đường. Theo thông tin GS Phước chia sẻ, nếu cách đây vài chục năm bệnh đái tháo đường chỉ chiếm 0,6% trên cả nước thì hiện tỷ lệ này đã tăng gấp mười lần (khoảng 6%)! Đáng lo nhất là bệnh đái tháo đường gia tăng nếu phối hợp với chứng cao huyết áp càng làm sức khoẻ người bệnh trầm trọng và khó kiểm soát. "Một người bị huyết áp lại mắc đái tháo đường có thể uống ít nhất mười loại thuốc mỗi ngày, kể cả các loại thuốc chống suy thận, tuần hoàn não...", GS Phước nói.

GS.TS.BS Đặng Vạn Phước
Thêm một biến chứng từ tim mạch chưa được xã hội chú ý nhiều, là suy giảm chức năng thận. Bệnh lý tim mạch ở não thì gây ra đột quỵ, tai biến, vỡ mạch máu não; xảy ra ở tim thì dẫn đến suy, nhồi máu cơ tim; còn ở thận lại làm cho các mạch máu nuôi thận kém, lượng máu lưu thông tới thận giảm khiến cho thận ngày càng suy.

Đổi thói quen, tim thêm khoẻ

Tại buổi giao lưu, khá nhiều câu hỏi của bạn đọc tập trung vào việc phòng ngừa bệnh lý tim mạch. Theo GS Phước, điều đó chứng tỏ nhận thức của người dân ngày một nâng cao. "Đã đến lúc chúng ta thấy được rằng, chờ đến khi xảy ra biến chứng như vỡ mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim mới cuống cuồng điều trị thì đã muộn. Y học nước ta phát triển vượt bậc, có thể phẫu thuật thay thế tim và làm nên những cuộc điều trị ngoạn mục. Nhưng việc đưa quả tim một cô gái còn son trẻ, khoẻ mạnh thay cho một người già, thì quả tim đó cũng nhanh chóng bị già nua, xơ vữa theo chu kỳ sinh học của chủ nhân mới. Vì vậy, việc phòng ngừa là vô cùng quan trọng, đặc biệt là hạn chế các yếu tố nguy cơ như bệnh tiểu đường, điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện để tránh chứng rối loạn mỡ trong máu, béo phì. Bỏ thói quen hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia. Nếu chúng ta chịu khó thực hiện sớm các thói quen trên thì bệnh sẽ không có cơ hội xảy ra, hoặc nếu có thì việc can thiệp sẽ kịp thời hơn", GS Phước nhấn mạnh.

Đối với các trường hợp trẻ em bị tim bẩm sinh, phần lớn nguyên nhân là do những diễn tiến trong quá trình thai kỳ của người mẹ. Thai phụ nên bảo vệ bản thân tránh khỏi các chứng bệnh sởi, cúm, nhiễm siêu vi, ăn uống thiếu vitamin, hoặc dùng thuốc bừa bãi trong thời kỳ mang thai. "Mọi người cần thực hiện thói quen tầm soát tim mạch sáu tháng một lần tại các bệnh viện chuyên khoa, đo huyết áp định kỳ. Trong chế độ ăn uống, phải giảm muối, ăn đầy đủ các chất khoáng, vitamin, tránh lạm dụng thực phẩm chứa nhiều cholesterol xấu như: nội tạng và da động vật, thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị. Khi có bệnh, hãy học cách sống thanh thản, lạc quan", GS Phước nhắn nhủ.

AloBacsi.vn
Theo Dũng Anh, My Khanh - SGTT
 


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X