Hotline 24/7
08983-08983

Cuộc chiến Trường Sa 1988 và bài học bảo vệ chủ quyền

Cuộc chiến Trường Sa năm 1988 đã cho Việt Nam một bài học về tự chủ,  tự cường và huy động sức mạnh quốc tế để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Cuoc chien Truong Sa 1988 va bai hocbao ve chu quyen

Liên Xô khảo sát khả năng của quân cảng Cam Ranh

Giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Việt Nam có một vị trí quan trọng cấp chiến lược đối với Hải quân Xô viết trong các biển của châu Á - Thái Bình Dương, và Bộ tư lệnh lực lượng hải quân Xô viết hoàn toàn không muốn bỏ qua cơ hội vô cùng quý báu này.

Tháng 5/1978 Tàu tuần dương tên lửa “Đô đốc Fokin” ghé thăm Quân cảng Cam Ranh. Tháng 12/1978, một phái đoàn sĩ quan cao cấp của Bộ tư lệnh Hải quân Xô viết và Hạm đội Thái Bình Dương do Đô đốc Kozlov đứng đầu đã đến thăm chính thức Việt Nam.

Tổng Tư lệnh lực lượng Hải quân Liên Xô Đô đốc S.Gorshkov tại cuộc họp với đoàn đã ra chỉ thị phải tìm hiểu và nắm vững những gì còn lại trong Cam Ranh sau sự ra đi của người Mỹ.

Cần phải làm rõ được quan điểm của cơ quan lãnh đạo cao cấp lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam về khả năng có thể sử dụng quân cảng Cam Ranh làm chỗ neo đậu và phục vụ hậu cần kỹ thuật cho hạm đội Thái Bình Dương và khả năng cả hai bên cùng khai thác sử dụng.

Khi đó, Việt Nam đã bắt đầu tiếp nhận viện trợ những tàu chiến của Liên Xô, đồng thời trong các trường đại học quân sự và các trường huấn luyện kỹ thuật nước bạn đã tiếp nhận hơn 2000 sĩ quan và hạ sĩ quan của Việt Nam sang nghiên cứu và học tập.

Phái đoàn cán bộ cao cấp của Hải quân Xô viết cũng được tận mắt thấy những thành quả của Hợp tác Hữu nghị Việt-Xô khi được đến thăm tất cả các căn cứ Hải quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam Hải Phòng, Hạ Long, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng.

Ở Đà Nẵng, Đoàn đã gặp nhóm chuyên gia quân sự, các sĩ quan và hạ sĩ quan Xô viết làm nhiệm vụ huấn luyện viên cho các thủy thủ Việt Nam điều khiển, khai thác và sử dụng các tàu tuần tra ven biển SKR-82 và SKR-96 thuộc Project 159.

Được sự cho phép của Tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam Chuẩn đô đốc Giáp Văn Cương, phái đoàn sĩ quan cao cấp của Bộ tư lệnh lực lượng Hải quân Xô viết và Hạm đội Thái Bình Dương đã tiến hành thăm, nghiên cứu và quan sát kỹ lưỡng quân cảng Cam Ranh.

Căn cứ chiếm một diện tích rất lớn, để đi vòng quanh khu vực cần tới 3 giờ ngồi xe. Xưởng sửa chữa tàu chiến rất lớn, được trang bị cẩu dàn với trọng tải lên đến 100 tấn, đã được các sĩ quan kỹ thuật quan tâm đặc biệt. Hai cầu tàu bê tông cốt thép có thể tiếp nhận tàu tất cả các lớp và các chủng loại khác nhau. Một cầu tàu đã bị hư hỏng nặng do bị một vụ nổ lớn ở trung tâm.

Cuoc chien Truong Sa 1988 va bai hocbao ve chu quyen

Quân cảng Cam Ranh thời điểm Liên Xô tiếp nhận xây dựng

Tất cả các công trình trên bến cảng đều được kết nối với hệ thống cung cấp nước sạch và điện công nghiệp, nhưng cũng bị hư hỏng nặng từ khi quân đội Mỹ rút khỏi Cam Ranh.

Các sĩ quan không quân Hải quân đặc biệt quan tâm đến hai đường băng trên sân bay quân sự, chúng có chiều dài đến 3000m, một đường băng cần phải được sửa chữa do đã bị hư hỏng nhẹ còn một công trình bị phá hủy nặng nề cần phải phục hồi là trung tâm chỉ huy điều khiển bay.

Các bộ phận tham gia khảo sát tình hình quân cảng Cam Ranh đều có sự tháp tùng của các quân nhân Việt Nam. Các sĩ quan Liên Xô có sự hiểu biết trang thiết bị Mỹ rất sâu sắc. Ngoài ra, các cán bộ nghiên cứu nước bạn còn tiến hành khảo sát kỹ lưỡng mặt biển, đáy biển.

Sau khi hoàn thành công tác thẩm định toàn bộ quân cảng, kết luận được đưa ra là Quân cảng Cam Ranh có đủ điều kiện trở thành một căn cứ đảm bảo và cung cấp các dịch vụ hậu cần kỹ thuật hoàn hảo cho các chiến hạm của hải quân Xô viết trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (PMTO).

Sau cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 của Trung Quốc, Chính phủ Liên bang Xô Viết và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đẩy nhanh tiến trình đàm phán và ký kết Hiệp định về việc cho phép hải quân Liên Xô sử dụng quân cảng Cam Ranh của Việt Nam.

Hiệp định này sẽ được xây dựng dựa trên 2 nội dung cốt lõi là cho phép các chiến hạm Xô viết cập bến và neo đậu tại Quân cảng Cam Ranh của Việt Nam, cũng như các máy bay chiến đấu của Không quân Hải quân Liên Xô được cất hạ cánh trên sân bay quân sự Cam Ranh.

Việt-Xô ký kết Hiệp định đồn trú Cam Ranh

Hai nước đã thống nhất được các nguyên tắc cơ bản về khai thác sử dụng quân cảng Cam Ranh là đồng sử dụng quân cảng cũng như sân bay quân sự và các trang thiết bị, cơ sở vật chất khác để giải quyết các vấn đề về hậu cần kỹ thuật.

Ngày 30/12/1979 các bên cùng với đại diện chính thức của các Bộ tư lệnh Hải quân đã ký vào văn bản hiệp ước. Theo đó, lực lượng Hải quân Liên Xô, mà cụ thể là hạm đội Thái Bình Dương, được sử dụng căn cứ hải quân Cam Ranh, cùng với Hải quân Việt Nam trong vòng 25 năm không trả phí.

Căn cứ hậu cần kỹ thuật và dịch vụ bảo đảm của Hải quân Liên Xô tại quân cảng Cam Ranh của Việt Nam có thể cho phép hiện diện cùng một lúc 10 chiến hạm nổi, 8 tàu ngầm cùng với căn cứ nổi, 6 tàu hậu cần kỹ thuật và vận tải ở 7 cầu cảng của Cam Ranh.

Cũng theo Hiệp ước này, Hải quân Liên xô được Vùng trinh sát bán cầu phía Đông do phi đội máy bay trinh sát của Hải quân Liên Xô đảm nhiệm, bao gồm máy bay trinh sát Tu-16, Tu-142 và Tu-95, có căn cứ sân bay Cam ranh tại Việt Nam.

Cuối tháng 12/1979, Tổng tư lệnh lực lượng Hải quân Liên bang Xô viết, đô đốc S. Gorshkov thăm chính thức quân cảng Cam Ranh. Đô đốc đã dành hẳn một ngày để thăm và làm quen với mọi nơi trong quân cảng.

Đô đốc Gorshkov sau chuyến thị sát vẫn chưa hài lòng với tiến độ phục hồi các công trình trên quân cảng và lập tức đã đưa ra những chỉ lệnh cần thiết. Và ngay sau đó, vào tháng 4-1980 đơn vị đầu tiên của căn cứ hậu cần kỹ thuật với 50 quân nhân trên tầu vận tải “PM-156” đã cập cảng Cam Ranh.

Với quân cảng Cam Ranh, lực lượng Hải quân Xô viết đã nâng tầm những ảnh hưởng chính trị của Liên Xô trong khu vực Đông Nam Á - Khu vực trung tâm chính trị quân sự và kinh tế của Trung Quốc, đồng thời là vùng tranh giành ảnh hưởng của Mỹ và cửa ngõ thông sang Ấn Độ Dương, qua eo biển Malacca.

Hải quân Xô viết đã tích cực mở rộng sự hiển diện ở các khu vực này. Sự hiện diện của hải quân Xô Viết trên vùng nước phía Tây Thái Bình Dương mỗi năm một tăng. Từ 6900 giờ hải hành năm 1979, lên 10.400 giờ trong năm 1980 và đến năm 1981 đã là 11 800 giờ.

Trong thời gian này, giữa Việt Nam và Liên bang Xô viết đã ký kết hiệp định viện trợ không hoàn lại bằng các công trình quân sự mà phía Liên Xô đầu tư xây dựng và cung cấp trang bị. Từ năm 1984 đến 1992, Liên Xô đã xây dựng hơn 30 công trình, trong đó có đài radar quan sát và theo dõi vệ tinh.

Trong vòng 5 năm, Liên Xô đã tập trung một cụm chiến hạm rất lớn tại Vịnh Cam Ranh. Nếu cuối năm 1979, Hạm đội Thái Bình Dương chỉ hiện diện 8 tàu, thì đến năm 1983 đã có 22 tàu, trong đó có 4 tàu ngầm (cả diesel lẫn tàu ngầm hạt nhân) và 6 chiến hạm có lượng giãn nước rất lớn; năm 1984 là 24 tàu.

CQ-88 va bai hoc bao ve chu quyen

Tàu chiến Liên Xô vận chuyển trang, thiết bị đến quân cảng Cam Ranh

Từ năm 1983, sân bay quân sự ở quân cảng Cam Ranh được biên chế một đơn vị không quân hỗn hợp cấp trung đoàn, bao gồm 4 máy bay ném bom chiến lược Tu-95, 4 máy bay chống ngầm Tu-142, phi đoàn Tu-16 với 20 máy bay, phi đoàn MiG - 25 với 15 chiếc, hai máy bay vận tải An-24 và 3 máy bay trực thăng Mi-8.

Từ sân bay Cam Ranh, các máy bay thuộc trung đoàn không quân hỗn hợp đã thực hiện các hành động tuần tra tầm xa, trinh sát toàn bộ khu vực Biển Đông và vươn xa tận Thái Bình Dương.

Thực tế cho thấy, sự hiện diện của Hạm đội Thái Bình Dương với lực lượng Không quân hỗn hợp của Hải quân Xô Viết đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc bình ổn tình hình Biển Đông nói riêng và Khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Trong vòng 10 năm, sự hiện diện của hải quân Liên Xô trên quân cảng Cam Ranh đã kiềm chế tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc. Những chiến hạm của hải quân Mỹ cũng không thể xuất hiện thường xuyên trên Biển Đông trong gần hai thập kỷ.

Cùng với những công trình dân sinh được xây dựng trên đất nước ta, quân cảng Cam Ranh đã trở thành một biểu tượng Hòa bình và Tình đoàn kết hữu nghị cao đẹp của hai quốc gia Việt Nam - Liên Xô, đồng thời cũng là những cơ sở vật chất quý báu cho hải quân Việt Nam sau này.

Tuy nhiên, mối lương duyên tốt đẹp Việt-Xô đã bị sứt mẻ vào giai đoạn cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi những biến động trong tình hình chính trị và khó khăn về kinh tế, cùng với sự chuyển hướng chiến lược trong chính sách ngoại giao của Liên Xô.

Gạc Ma-88 và mối tương quan với sự tan rã của Liên Xô

Các cuộc xung đột quân sự thường xuyên xảy ra do sự chi phối của quan hệ giữa các nước lớn, mà chủ yếu do vai trò của các lãnh tụ cầm quyền. Ví dụ như các bước ngoặt về chiến tranh Việt Nam đã xảy ra sau những biến động do việc Nixon lên cầm quyền ở Mỹ (1968), Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền ở Trung Quốc (1978).

Cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc nhằm chiếm đoạt quần đảo Trường Sa của Việt Nam diễn ra cùng với bước ngoặt lớn của Liên bang Xô viết, với việc Mikhail Gorbachev lên làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, vào năm 1985.

Nhà lãnh đạo Gorbachev, với sự chỉ đạo của phương Tây đã thực hiện một cuộc cải tổ siêu lớn đồng nghĩa với siêu tệ hại, dẫn tới một trong những sự kiện bi thảm nhất của Khối Xã hội Chủ nghĩa và lớn nhất trong lịch sử thế giới là sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.

Với cuộc cải tổ kinh tế (perestroika) lộn ngược, cải cách chính trị (glasnost) hỗn loạn, nhà lãnh đạo Liên Xô - sau này đã bị gọi đúng tên là “Kẻ phản bội Chủ nghĩa Cộng sản” - đã lái Liên Xô đi chệch con đường Chủ nghĩa Xã hội, dẫn tới sự khủng hoảng toàn diện trong giai đoạn đó.

Đường lối đối ngoại xích lại với với phương Tây và hòa dịu với Trung Quốc, đã dẫn tới việc Liên bang Xô viết bỏ rơi các nước cộng hòa trong Liên bang và các nước Xã hội chủ nghĩa anh em, từ Đông Âu tới châu Á, châu Phi.

Một ví dụ điển hình về việc Gorbachev bỏ rơi những người anh em là sau này, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Gruzia G.D. Mgeladeze kể lại: Vào một buổi tối muộn tại Văn phòng của Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đảng D.I. Patiasvili đã có cuộc thảo luận về tình hình Tbilisi, giai đoạn đó đang rất hỗn loạn do cải tổ chính trị.

Tại Hội nghị đã đưa ra vấn đề sao Trung ương chưa cho phép bắt giữ các thủ lĩnh cực đoan. Ban lãnh đạo Gruzia đang bị lửa đốt dưới chân, vậy mà Trung ương vẫn yêu cầu họ chờ đợi luật mới ra đời làm cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Tbilisi leo thang không thể kiểm soát được.

Cũng như vậy, khi ở vùng Baltic xảy ra trường hợp tương tự thì ở đó họ cũng chỉ nhận được sự “an ủi” của Gorbachev: “Không để bị khiêu khích, không được can thiệp. Đó chỉ là đám bèo bọt trên làn sóng cải tổ lành mạnh. Chính chúng sẽ bị cuốn trôi”.

CQ-88 va bai hoc bao ve chu quyen

Vị trí chiến lược quan trọng của quân cảng Cam Ranh trên Biển Đông

Không những thế, trong thời kỳ diễn ra “cuộc cách mạng nhung” ở Tiệp Khắc (năm 1989), khi phong trào đối lập đang lên cao giai đoạn cuối thập niên 80, Gorbachev đã gọi điện thoại yêu cầu Thủ tướng Tiệp Khắc Adamets không được áp dụng những biện pháp trấn áp.

Sự can thiệp của Gorbachev đã dẫn đến việc Đảng Cộng Sản đã buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với phe đối lập ở Tiệp Khắc để rồi kết cục bằng sự đầu hàng vô điều kiện của những người cộng sản, khởi đầu cho sự tan rã hàng loạt của các quốc gia Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu.

Một nguyên nhân là, nếu Liên Xô giúp Việt Nam đối đầu quân sự với Trung Quốc thì chắc chắn là tất cả các nước trong Liên bang Xô viết sẽ dâng cao tinh thần yêu nước và đoàn kết gắn bó với nhau thành một khối. Khi đó, Gorbachev sẽ rất khó để làm phân rã nội bộ Liên Xô.

Lợi dụng xu hướng Liên Xô giảm hiện diện ở Cam Ranh, tạo ra khoảng trống quyền lực ở khu vực Biển Đông, Trung Quốc bắt đầu bành trướng thế lực xuống vùng biển phía nam, nơi trước nay họ chưa hiện diện thường xuyên về quân sự.

Và sau đó đã nổ ra cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam tháng, dẫn đến trận chiến đẫm máu ở Gạc Ma, tháng 3/1988 - đúng thời điểm Moscow và Bắc Kinh bắt đầu đàm phán về vấn đề biên giới và bình thường hóa quan hệ.

Tuy nhiên, đánh giá một cách công bằng là không phải nhân dân Liên Xô mà chỉ một nhóm nhỏ trong những nhà lãnh đạo Liên bang Xô viết, đứng đầu là Gorbachev đã phản bội lại lí tưởng cộng sản, phản bội những người anh em, đồng chí ở Việt Nam.

Bài học bảo vệ chủ quyền biển đảo

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 và nước Nga trở thành kế thừa những nền tảng hợp tác quốc phòng nói chung và các căn cứ quân sự của Liên Xô ở hải ngoại nói riêng, quan hệ giữa Nga với Việt Nam cũng đã chuyển sang một hình thức mới.

Năm 1998, Hà Nội có nhắc Moscow về vấn đề, thời hạn của hiệp định sử dụng quân cảng Cam Ranh đã gần đến thời điểm hết hiệu lực (hiệu lực chấm dứt vào năm 2004) và mong muốn Nga tiếp tục thuê sử dụng căn cứ theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, do những khó khăn nội tại, Nga đã quyết định không tiếp tục đồn trú tại Cam Ranh nữa. Ngày 24/7/2001 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Ivanov tuyên bố rằng lực lượng hải quân Nga sẽ chấm dứt sự hiện diện ở Việt Nam.

Ngày 2/5/2002, Liên bang Nga và Việt Nam đã ký một nghị định chuyển giao căn cứ PMTO của Nga cho Hải quân Việt Nam. Việc Hạm đội Thái Bình Dương rời khỏi Cam Ranh đã khiến đông đảo các quan chức quân sự và học giả Nga lúc đó vô cùng tiếc nuối.

Thời điểm đó, quân đội Nga đã bỏ hầu hết các căn cứ quân sự nước ngoài, chỉ còn duy trì một vài căn cứ nằm ở Tajikistan, Armenia, Abkhazia (thuộc Nga) và Nam Ossetia (Gruzia). Ngoài ra, tại cảng thành phố Tartous (Syria) có căn cứ hậu cần-kỹ thuật cho Hải quân Nga.

Sau khi ra đi, năm 2002, Nga đã quay trở lại Cam Ranh.

Những năm gần đây, cùng với sự ổn định về chính trị và khởi sắc về kinh tế, Nga đã tái khởi động chương trình phát triển quân đội. Trong tương lai, đối với Hải quân Nga, việc tăng cường phạm vi ảnh hưởng có thể đạt được nhờ sử dụng các căn cứ quân sự ở nước ngoài, trong đó, trọng tâm là Cam Ranh.

Ngày 7/3/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có chuyến thăm hai ngày đến Việt Nam, khởi đầu bằng hoạt động thăm Cam Ranh, đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các công dân và chiến sĩ Liên Xô, Nga, và Việt Nam đã hy sinh vì sự nghiệp hòa bình và ổn định trong khu vực.

Cũng trong năm 2013, Moscow và Hà Nội đã đạt được thỏa thuận cùng có lợi về việc sử dụng vịnh Cam Ranh. Hoạt động này giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng của Cam Ranh, để biến căn cứ thành một trung tâm quốc tế lớn phục vụ cho các tàu dân sự và tàu chiến.

Kể từ năm 2014, lực lượng không quân Nga cũng được tiếp cận với sân bay ở quân cảng này của Việt Nam. Các máy bay tiếp dầu trên không IL-78 của Nga sử dụng sân bay trên bờ Biển Đông để tiếp nhiên liệu trên không cho chiến đấu cơ Tu-95 trong không phận quốc tế.

Hiện nay, Nga cũng đã bán cho Việt Nam nhiều hệ thống vũ khí hiện đại và cũng đang hợp tác trong việc nghiên cứu, phát triển kỹ thuật quốc phòng. Việc khôi phục hợp tác kỹ thuật quân sự Việt-Nga đang giúp nâng cao khả năng quốc phòng của cả hai quốc gia.

Ngoài ra, cả Mỹ và Nhật Bản cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến việc có thể sử dụng một phần cảng Cam Ranh để phục vụ cho nhu cầu của hải quân nước mình. Và tháng 11/2015, Việt Nam đã đồng ý cho phép các chiến hạm Nhật vào cảng Cam Ranh tiếp liệu và bổ sung hậu cần.

Việt Nam khẳng định nguyên tắc bất biến là bảo vệ chủ quyền dựa trên nội lực của chính mình

Hiện nay, Việt Nam luôn nhất quán thực thi chính sách đối ngoại độc lập dựa trên các nguyên tắc “không liên kết và không tham gia vào các liên minh” nhằm chống lại một nước thứ 3.

Chúng ta luôn sẵn sàng mở cửa đối với mọi đối tác trên cơ sở tôn trọng chủ quyền độc lập của Việt Nam và không có những hành động gây ra những cẳng thẳng hoặc gia tăng mâu thuẫn trong khu vực.

Những bài học kinh nghiệm xương máu từ quá khứ cho thấy, việc tranh thủ sức mạnh quốc tế để bảo vệ chủ quyền là vấn đề mang tính ứng biến, thay đổi qua từng thời kỳ lịch sử, còn yếu tố mang tính nguyên tắc bất biến là phải dựa vào chính ý chí, bản lĩnh và nội lực của Việt Nam.

Theo Thiên Nam - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X