Hotline 24/7
08983-08983

Cục Quản lý Dược "tính kế" tránh khan hiếm vắc - xin như thế nào?

Trước thông tin vắc-xin dịch vụ “cháy” hàng tại nhiều địa phương, người dân chen chân xếp hàng từ 1h sáng vẫn không có vắc-xin, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương nên ký hợp đồng với các loại vắc xin của các nhà phân phối khác nhau, để tránh bị phụ thuộc quá lớn vào một nguồn cung.

Nhiều tháng nay, tình trạng khan hiếm vắc-xin dịch vụ, cung không đủ cầu đã xảy ra ở một số tỉnh miền Trung như Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế.

Vỡ trận tiêm vắc-xin ở Đà Nẵng hồi tháng 3 năm nay. Ảnh: Thuỳ Trang.

Không chọn phương án "độc quyền" cung ứng


Ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết Cục Quản lý Dược đang "tính kế" trăm đường để chặn đứng thực trạng này.

Theo ông Đông, trước mắt, Cục Y tế dự phòng, Dự án Tiêm chủng mở rộng cần tiếp tục phối hợp với Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân. Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cần chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các ban ngành trong tỉnh để tăng cường công tác truyền thông, tư vấn cho các bậc cha mẹ và cộng đồng về việc chuyển đổi vắc - xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng vắc - xin miễn phí và thực hiện các biện pháp đảm bảo đủ vắc - xin trên địa bàn.

Ông Đông cho biết, Bộ Y tế đã chỉ đạo cụ thể tới từng Sở Y tế và đề nghị Sở Y tế phải đôn đốc, kiểm tra công tác dự trù của các cơ sở tiêm chủng.

Ông Đỗ Văn Đông.

Cụ thể, hợp đồng giữa các cơ sở cung ứng với các cơ sở tiêm chủng cần thể hiện dưới dạng hợp đồng chi tiết, có số lượng, giá từng loại vắc - xin và thời gian giao hàng đồng thời nêu rõ ràng trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Bởi theo ông Đông, vắc - xin dịch vụ được điều tiết do thị trường. Chỉ khi các cơ sở tiêm vắc - xin dịch vụ đặt hàng, các doanh nghiệp dược mới đi đặt hàng các hãng dược nước ngoài.

Và dĩ nhiên, lúc đó, các hãng sản xuất mới bắt tay vào sản xuất. Như vậy độ trễ thời gian giữa lúc nhu cầu rộ lên và vắc - xin về đến cơ sở tiêm dịch vụ thông thường phải khoảng 3 đến 6 tháng. Như vậy sẽ xảy ra hiện tượng khan hiếm cục bộ vắc - xin.

"Nên ký hợp đồng với các loại vắc - xin của các nhà phân phối khác nhau, không nên chỉ sử dụng một loại vắc xin của một nhà cung ứng ngay cả khi nguồn cung vắc - xin đảm bảo để tránh bị phụ thuộc quá lớn vào một nguồn cung nào đó" - ông Đông kiến giải.

Trong trường hợp cơ sở tiêm chủng nào có vướng mắc trong khâu đấu thầu, phải báo cáo ngay Lãnh đạo Sở Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh để có thể tiến hành chỉ định thầu vắc - xin.

Người dân xếp hàng đăng ký tiêm vắc - xin ở Huế hôm qua (8/5). Ảnh: Phúc Đạt.

Chiến lược lâu dài hướng đến sử dụng vắc xin miễn phí

Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng phải có dự trữ số lượng vắc xin tại kho để đủ đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong ít nhất một tháng để đảm bảo không bị gián đoạn khi một loại vắc xin nào đó có vấn đề về nguồn cung.

Hơn nữa, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các Sở Y tế có sự phối hợp lẫn nhau trong việc chia sẻ bệnh nhân, lượng vắc - xin sẵn có trong những trường hợp cần thiết, nhất là tại nơi có thiếu cục bộ.

Ông Đỗ Văn Đông cho biết, theo Luật Dược quy định các nhà sản xuất, nhập khẩu, cung ứng vắc xin có trách nhiệm phải báo cáo kịp thời về Cục Quản lý Dược các trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng vắc - xin.

Thực tế, Cục Quản lý Dược thường xuyên trao đổi, liên lạc với các cơ sở kinh doanh để kịp thời nắm bắt các thay đổi trong nguồn cung vắc - xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng.

Tuy nhiên, theo ông Đông, chiến lược lâu dài của ngành Y tế, của Chính phủ là các vắc - xin trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia bao phủ được tối đa các bệnh nguy hiểm có thể phòng tránh được bằng vắc - xin ở trẻ em.
Theo Thảo Anh - Lao Động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X