Hotline 24/7
08983-08983

Cuba yêu cầu Mỹ không chính trị hóa sức khỏe ngoại giao đoàn

Chính quyền Cuba yêu cầu Mỹ hợp tác với họ điều tra về vấn đề sức khỏe xảy ra với các nhà ngoại giao Mỹ tại Havana và không chính trị hóa vấn đề này.

Cuba yêu cầu Mỹ không chính trị hóa sức khỏe ngoại giao đoàn - Ảnh 1.Ông Eduardo Rodriguez Parrilla, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba, phát biểu tại trụ sở LHQ ở New York ngày 22/9 - Ảnh: REUTERS

Nguồn tin của Reuters từ chính phủ Cuba cho biết Mỹ đã không cung cấp chứng cứ về tình trạng tổn hại sức khỏe của các nhà ngoại giao, bao gồm mất thính lực, choáng váng, buồn nôn, mà họ nói các nhà ngoại giao cũng như người thân của họ ở tại Havana gặp phải.

Các bác sĩ Cuba cũng không được phép kiểm tra sức khỏe của bất cứ ai. Người phát ngôn của đại sứ quán Mỹ tại Havana từ chối bình luận về thông tin này.

Trước Đại hội đồng LHQ, ông Rodriguez nói: "Cuộc điều tra nhằm làm rõ vấn đề này vẫn đang tiếp tục, và để có thể đi đến kết luận, rất cần có sự hợp tác của chính quyền Mỹ".

"Sẽ không tốt lành gì nếu vấn đề này bị chính trị hóa", ông Rodriguez nói. Chính quyền Cuba thời gian qua cũng đã phủ nhận mọi liên quan tới sự việc.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida là một trong số 5 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa một tuần trước đó lên tiếng kêu gọi tổng thống Donald Trump trả đũa Cuba bằng cách trục xuất các nhà ngoại giao của họ và có thể đóng cửa đại sứ quán Mỹ tại Havana.

Ông Rubio cũng là người từng tham gia xây dựng chính sách mới với Cuba của ông Trump, đảo ngược nhiều phần hòa giải đã đạt được dưới thời cựu tổng thống Barack Obama và áp dụng lập trường cứng rắn hơn với quốc gia này.

Đầu tháng 8 năm nay chính phủ Mỹ lần đầu tiên thừa nhận họ đang điều tra về vụ việc mà theo họ bắt đầu xảy ra từ cuối năm 2016. Nhiều người Canada cũng bị ảnh hưởng, theo như lời một quan chức Canada. Điều này càng khiến sự việc trở nên bí ẩn hơn.

Theo một quan chức Bộ ngoại giao Mỹ thông báo tuần trước, trường hợp gần đây nhất xảy ra vào cuối tháng 8, khiến tổng số người bị ảnh hưởng sức khỏe trong phái đoàn ngoại giao của Mỹ tại Cuba lên tới 21.

Một số người trong họ đã trở về nhà để khám bệnh, điều trị. Số khác đã được khám ngay tại Cuba vì tại đó có một bác sĩ phục vụ toàn thời gian.

Cho tới nay các cuộc điều tra của Mỹ, Canada và Cuba đều vẫn chưa tìm ra câu trả lời về nguyên nhân gây ra sự cố sức khỏe với các nhà ngoại giao. Các chuyên gia đều nhất trí cho rằng rất khó để biết các vụ tấn công này đã được tiến hành như thế nào và động cơ là gì.

Theo D. Kim Thoa - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X