Hotline 24/7
08983-08983

Cụ ông "ra đi" thanh thản trong vòng tay người tình thất lạc 50 năm

Câu chuyện về cặp đôi bị chia tách trong hơn 5 thập kỷ từng làm thế giới xúc động khi họ đoàn tụ vào năm 2010.

Cụ ông người Trung Quốc, Yuan Dibao, nhân vật chính trong câu chuyện trên, vừa ra đi một cách thanh thản vào ngày 19/10 ở quê nhà Hạ Môn, phía đông nam tỉnh Phúc Kiến, trong vòng tay người phụ nữ ông yêu nhất, bà Danny Li, tờ Haixing Morning Daily đưa tin.

Ông Dibao và bà Li gặp lại sau 50 năm mất liên lạc

Ông Dibao và bà Li từng trở thành tiêu đề trên các phương tiện truyền thông vào năm 2010, khi họ gặp lại nhau sau 50 năm xa cách ở Hạ Môn và cưới nhau ngay sau đó.

Ông Dibao lần đầu gặp bà Li tại trường Cao đẳng Y khoa Chiết Giang vào năm 1953 khi Dibao là sinh viên còn Li là một giáo viên tiếng Nga. Bà Li sinh ra ở Bắc Kinh, là con gái của một giáo sư mỹ thuật Trung Quốc ở Hàng Châu và một phụ nữ Pháp. Li thông thạo không chỉ tiếng Quan Thoại mà cả tiếng Pháp, Anh và Nga.

Trả lời phỏng vấn của tạp chí Life Week vào năm 2012, ông Dibao nhớ lại lần đầu tiên nhìn thấy bà Li: "Cô ấy mặc bộ đồ giống như một nữ thần đang dạo chơi trong gió và chúng tôi như những gã trai quê mùa không thể rời mắt khỏi cô ấy".

Dibao là con trai của một mục sư ở Hạ Môn. Ông đã phải cưới một người phụ nữ mà gia đình dàn xếp. Dù vậy Dibao vẫn dành tình cảm cho giáo viên tiếng Nga của mình và cả hai có nhiều thời gian bên nhau, mặc dù thời đó việc hẹn hò giữa giáo viên và học sinh bị ngăn cấm cũng như lên án mạnh mẽ.

Ảnh thời trẻ của ông Dibao và bà Li

Vào một ngày, khi cặp đôi đi dạo ở Hàng Châu, Dibao đã hát tặng Li một bài. Li đáp trả bằng một bài hát của Nga. Mặc dù Dibao không hiểu hết nghĩa của các từ nhưng khi về nhà ông liền lôi từ điển ra tra.

"Lời bài hát của cô ấy như thế này: Cánh đồng bên dòng sông, hoa dâu tây nở/ Một chàng trai trẻ đã lấy đi trái tim của tôi, nhưng tôi không thể nói với anh ấy/ Tôi không thể tiết lộ cả trái tim mình", Dibao kể lại với Life Week. "Lúc đó, tôi đã hiểu trái tim của cô ấy".

Tuy nhiên, Dibao nói với Li rằng ông cảm thấy bổn phận của mình là phải ở bên vợ và hy vọng Li có thể kết hôn với người đàn ông cô yêu. Sau đó, bà Li quyết định đến sống ở Lyon, Pháp. Cặp đôi vẫn tiếp tục viết thư cho nhau nhưng vào giai đoạn Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, những lá thư của họ bị trả lại rồi dần mất liên lạc.

Ông Dibao, người từng làm việc tại một trung tâm phòng chống dịch bệnh ở Hạ Môn, đã có 3 con với vợ đầu, người đã chết vì ung thư vào năm 1994.

Cuối cùng, vào mùa xuân năm 2010, Dibao chia sẻ câu chuyện tình yêu thời trẻ cho một trong những con dâu của mình và nói với con dâu về những hối tiếc trong cuộc đời. Con dâu của Dibao đã khuyến khích ông viết một lá thư tới địa chỉ cuối cùng của Li tại Pháp.

Dibao nói trong một cuộc phỏng vấn: "Con dâu nói với tôi rằng người Pháp thường không chuyển nhà nhiều, vì vậy tôi đã viết 5 lá thư bằng tiếng Trung gửi cho Li và một bức thư gửi cho người thân của Li".

"Tại sao lại là 5 lá thư? Bởi vì nếu sai địa chỉ, tôi nghĩ người đưa thư có lẽ rất tò mò vì sao lại gửi những 5 lá thư và có lẽ anh ta sẽ mở thư và giúp tôi tìm Danny".

Tuy nhiên, ông Dibao đã nhận được thư trả lời của bà Li chỉ 17 ngày sau khi gửi lá thư đầu tiên. Sau khi biết rằng bà Li vẫn còn độc thân, Dibao, với sự ủng hộ từ gia đình, đã hỏi cưới Li và bà đồng ý.

Cặp đôi cưới nhau ngay sau khi đoàn tụ

Vào thời điểm cặp đôi đoàn tụ, bà Li đã phải sử dụng máy trợ thính để giao tiếp nhưng cả hai thường xuyên hát bài hát họ yêu thích "Khi chúng ta còn trẻ" giống như những ngày xưa cũ họ từng làm ở Hàng Châu.

Lời bài hát có đoạn:

"Một ngày khi chúng ta còn trẻ
Đó là buổi sáng tháng 5 tuyệt vời
Em nói với anh rằng em yêu anh
Khi chúng ta còn trẻ".

Theo Ngoisao.net

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X