Hotline 24/7
08983-08983

Cụ ông Hà Nội 85 tuổi cắp sách lên giảng đường

Những hôm tắc đường, chiếc xe đạp của cụ Linh bị quây giữa vòng xoáy ôtô, xe máy, nhưng cụ luôn có mặt ở lớp đúng giờ.

7h sáng mỗi ngày, trong ngôi nhà ở Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cụ Cao Nhật Linh ăn vận giản dị, xỏ dép quai hậu, cầm theo chiếc túi đựng bút vở trước khi dắt xe đến trường. Ngang qua vợ - cụ Đỗ Thị Đông, 87 tuổi - đang ngồi trước cửa phòng mình, cụ Linh với tay qua bắt. "Tôi đi nhé bà!".

Quãng đường từ nhà tới trường Đại học Đông Đô (Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy) hơn 3 km, cụ Linh đạp xe mất 35 phút. Những hôm mưa to, gió mạnh, cụ phải ra sức đạp. "Những hôm tắc đường khiến tôi vất vả nhất. Các con nói chở đi, nhưng tôi muốn tự mình", cụ nói.

Ngày nào cụ bà cũng ngồi sẵn ở cửa, chờ tiễn cụ ông đi học. Ảnh: Phan Dương.
Ngày nào cụ bà cũng ngồi sẵn ở cửa, chờ tiễn cụ ông đi học. Ảnh: Phan Dương.

Cụ Linh ở một mình trong căn phòng rộng chừng 30m2, vợ và các con ở các phòng xung quanh. Khắp phòng cụ la liệt sách vở. Vài cuốn sách luật nằm trên tấm phản - nơi hàng đêm cụ chong đèn ngồi học. Bên trong cuốn sách đánh dấu nhiều dòng chữ nắn nót, lúc là điều cụ chiêm nghiệm được, khi đơn giản là nhật ký đọc trang đó ngày nào. 

"Năm ngoái tôi học 4 môn luật. Tôi thấy cuốn Luật Hôn nhân và Gia đình rất hay, đã đọc lại nhiều lần. Cuốn Luật Quốc tế tôi cũng rất thích", cụ sinh viên năm 2, khoa Luật, nói.

Trong các giờ học, vì mắt kém nên cụ Linh thường nghe giảng viên nói rồi tổng hợp và viết lại theo ý mình hiểu vào vở. Cụ thấm nhuần khẩu hiệu "tự học là chính", nên cứ đêm đêm lại mang sách ra đọc.

Bước sang năm thứ hai, cụ Linh học hai môn "khó nhằn" là Soạn thảo văn bản pháp luật và Tiếng Anh. Cụ không rành công nghệ, chưa từng chạm tay vào bàn phím, cũng không dùng điện thoại di động, nên việc soạn thảo văn bản khó khăn. "Môn tiếng Anh tôi học từ thời thiếu niên, 65 năm không đụng đến cũng quên rồi. Các bạn tôi được học từ nhỏ. Các bạn giỏi quá nên tôi theo không được", khuôn miệng móm mém, cụ cười nói.

Giờ tiếng Anh hôm 4/10, cụ Linh ghi vào vở: "Giờ đầu tiên kiểm tra Tiếng Anh, học trò đã làm một bài thơ thay cho bài kiểm tra nộp lên. Cô giáo đã giơ bài thơ ra khoe, biểu dương trước lớp".

Trước đó là dòng: "Thứ 5, ngày 20/9, cô giáo Nhàn liên hoan bánh kẹo nước ngọt mời học trò hạnh phúc trăm năm của cô giáo. Học trò Nhất Linh đã làm một bài thơ lục bát gồm 3 đoạn, thay mặt lớp đọc chúc mừng cô giáo".

Thường cụ Linh đi ngủ lúc 9h tối, và 3h sáng dậy học ở phòng riêng. Ảnh: Trường Hùng.
Thường cụ Linh đi ngủ lúc 9h tối, và 3h sáng dậy học ở phòng riêng. Ảnh: Trường Hùng.

Có bằng đại học là ước mơ cháy bỏng của cụ Cao Nhất Linh, sinh năm 1934. Thuở nhỏ, cụ được đến trường, học qua tiếng Anh, tiếng Pháp. Sau cải cách 1956, cụ đi làm công nhân trên Sơn La, rồi sau này trở về Cổ Nhuế, lấy vợ, sinh con, làm thợ hồ, thợ mộc.

"Trong tôi luôn có khát khao được đi học. Năm 1968, khi đó còn khó khăn nhưng tôi đã thi lấy bằng cấp 3", cụ khoe tấm bằng được ép plastic, cất giữ cẩn thận 50 năm qua. Ngày ấy sống giữa xóm lao động nghèo, nhưng trong nhà ông bố trẻ không lúc nào thiếu sách, như Truyện Kiều, tác phẩm của Hồ Xuân Hương...

Ở tuổi già khi 3 con đã yên bề gia thất, cụ Linh tích cực tham gia câu lạc bộ thơ và hiện là Chủ tịch CLB thơ Đường luật quận Bắc Từ Liêm. Sinh hoạt trong hội thơ, nhiều người bạn có bằng thạc sĩ, tiến sĩ càng thôi thúc cụ đi học. 

Năm 2014, cụ đăng ký lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, sau hai tháng thì được cấp chứng chỉ. Vẫn chưa hoàn thành ước mơ có bằng đại học, năm sau, cụ đăng ký thi vào Đại học Luật Hà Nội, được 11 điểm, không đỗ. Cụ cũng từng vài lần gõ cửa Học viện Tư pháp. "Ở đó bảo tôi phải có bằng đại học, có bằng cấp tiếng Anh thì mới được đăng ký. Tôi đành lủi thủi đi về", cụ kể.

Đầu năm 2018, cụ được xét duyệt trở thành sinh viên ngành Luật của Đại học Đông Đô, được miễn 50% học phí. Trong suốt quá trình ấy cụ giữ bí mật, chỉ tiết lộ duy nhất với vợ. Sau này thấy bố ngày ngày đạp xe đến trường, các con cụ hiểu ra và ủng hộ.

Từ ngày chồng đi học, đêm nào cũng lọ mọ dậy từ 2-3 giờ sáng chong đèn, xem sách, thơ văn, cụ bà Đông không ngủ được nên chuyển lên tầng hai. Trong khi nhiều người lo lắng sức khỏe cụ Linh, cụ bà không ngăn cản, ngược lại khích lệ. "Tôi thì chỉ lo được việc cơm nước cho ông ấy lúc đi học về ăn thôi, nên về tinh thần phải ủng hộ", cụ bà nói.

Cụ Linh sống quây quần cùng các con, có một số căn phòng cho thuê. Các con cụ hầu hết chỉ học đến cấp 3 và làm các công việc tay chân. Chị Hải Đường (45 tuổi, thợ may, con gái út của cụ) chia sẻ: "Tất cả chúng tôi đều biết bố khát khao học tập và ủng hộ bố. Bố là tấm gương cho các cháu noi theo".

Từng phải cắt bỏ 2/3 dạ dày, hiện cụ Linh ăn ít, ngủ ít. Cụ mong có sức khoẻ để lấy được bằng đại học vào năm 2021.

Chị Nguyễn Thanh Hải - giáo vụ Đại học Đông Đô cho hay, cụ Linh rất chăm chỉ, hôm nào cũng đến trường sớm nhất lớp. Trong hai năm học, cụ chỉ xin nghỉ hai buổi vì lịch họp hội thơ Đường. "Chúng tôi muốn xưng bác - cháu, nhưng cụ luôn nhất nhất xưng cô giáo - học trò. Trên lớp cụ làm bài kiểm tra bình thường, có những môn điểm cao, điểm thấp. Thường các môn điểm cao của cụ thiên về viết lách", chị Hải cho biết.

Sinh viên Vũ An - lớp trưởng lớp cụ Nhật Linh cho hay: "Ban đầu bác vào khiến chúng em rất bỡ ngỡ. Sau đó thì quen dần. Ở lớp bác hay giơ tay phát biểu những môn về Luật. Nhờ có bác mà các hoạt động ca nhạc, văn nghệ chào mừng của lớp luôn sôi động".


Theo Vnexpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X