Hotline 24/7
08983-08983

Công viên hoa mai ở Việt Nam, tại sao không?

Tại sao hoa anh đào Nhật Bản nhuộm hồng nhiều con sông, phủ khắp các triền đồi, lối đi, nở rộ trên các cung đường, công viên và thu hút hàng triệu du khách, còn hoa mai của chúng ta lại chưa khoe sắc trên quy mô lớn được?

Công viên hoa mai ở Việt Nam, tại sao không? - Ảnh 1.

Cây mai vàng 30 tuổi của ông Ba Đối ở xóm Cống Cây Gòn, Đông Bình, Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long khoe sắc vào dịp tết Mậu Tuất - Ảnh: Facebook Nguyễn Văn Tiến Hùng

Đây là trăn trở của bạn đọc Vũ Huyền tham gia chuyên mục Tết của tôi.

Nhằm góp thêm góc nhìn Tuổi Trẻ Online giới thiệu đề xuất thành lập công viên hoa mai của bạn đọc này.

"Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, chúng ta chứng kiến hàng ngàn lượt khách đổ về thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai để thưởng lãm lão mai khoảng 50 tuổi nở vàng rực rỡ.

Cũng trong dịp tết, người dân các nơi cũng đổ dồn về quốc lộ 53 (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) ngắm và chụp ảnh với cây mai khoảng 30 tuổi.

"Thay vì chốn công cộng trưng hoa mai giả như hiện nay, tại sao không trồng đại trà loài cây thanh cao như vậy để có những con đường hoa mai, những công viên rực rỡ sắc mai vàng để hút khách du lịch?"

Vũ Huyền

Một cây lão mai đã "hút khách" đến thế, thử nghĩ nếu có công viên hoa mai thì sức hấp dẫn sẽ lớn như thế nào?

Thật không khó để tưởng tượng. Hãy thử xem với hoa anh đào ở Nhật Bản. Vào tháng ba, tháng tư hàng năm hoa anh đào nở rộ trên các ngả đường, ven sông, công viên… 

Những tháng này cũng trở thành tháng cao điểm du lịch đối với đất nước Mặt trời mọc, bởi rất rất nhiều người trên thế giới muốn đến đây ngắm hoa anh đào.

Hoa anh đào đã trở thành "thương hiệu" với du lịch, văn hóa Nhật Bản. Hấp lực mà hoa anh đào tạo ra với Nhật Bản cũng tương tự như hoa Tulip với đất nước Hà Lan.

Trở lại với hoa mai. Hoa mai phân bố trên thế giới không nhiều, tập trung nhiều nhất ở Đông Nam Á. Trong đó, mai vàng Trung bộ, Nam bộ nước ta được đánh giá là có vẻ đẹp vượt trội, đa dạng loài, có mùi thơm dịu.

Cây mai ngày tết trổ hoa tươi tắn được xem như là vật mang lại may mắn, hân hoan, thịnh vượng cho cả năm.

Hiện nay, có một sự khác biệt trong cách thưởng mai vàng. Đó là đến mùa mai nở, chúng ta bỏ cây vô chậu, mang trưng trong nhà rồi tự thưởng lãm! 

Nói nôm na, chúng ta tự thưởng thức trong phạm vi hẹp chứ chưa khoe ra, chưa thật sự gia tăng giá trị cho hoa mai cũng như quảng bá văn hóa Việt tới bạn bè trên thế giới.

Còn ngoài đường, chúng ta lại trưng những cây mai giả treo tòng teng bánh chưng bằng xốp. Liệu những cây mai giả có thể níu chân và ngày càng thu hút được hàng triệu du khách bốn phương? Cây mai giả nói gì về văn hóa Việt?

Tôi nghĩ rằng TPHCM hoàn toàn có thể làm được nhiều hơn thế. Chúng ta hoàn toàn có thể quảng bá rộng rãi văn hóa và du lịch Việt Nam từ hoa mai.

Mai có lợi thế là nở hoa trùng với thời điểm giao mùa thiêng liêng của đất trời và là một kỳ nghỉ tết của mọi người. Thật là đẹp đẽ biết bao nhiêu hình ảnh bên những cây mai, dưới bóng mai cổ thụ, người dân vui chơi chụp ảnh, xin chữ đầu năm, ca hát, chuyện trò…

Hơn nữa, người chơi mai hoàn toàn có thể kéo dài hơn bằng cách hãm cho mai nở muộn, thành nhiều đợt, để có thêm khoảng thời gian dài dài thu hút bạn bè khắp nơi trên thế giới sẽ đến TP.HCM nhiều hơn để ngắm mai nở.

Như thế, cùng với hoa mai trưng trong nhà, tôi đề xuất TPHCM nên có những con đường hoa mai, nhiều công viên rợp bóng mai vàng.

Làm được điều này sẽ góp phần tạo nét đặc trưng cho thành phố, tạo sức thu hút với du khách cũng như không gian văn hóa đặc sắc cho người dân TPHCM cùng bạn bè trong và ngoài nước hưởng thụ.

Ngày đầu xuân tôi đề xuất ý tưởng này mong bạn đọc gần xa góp ý. Nếu thấy khả thi mong mọi người bổ sung nên đặt công viên hoa mai ở đâu cũng như làm cách nào để chăm sóc, bảo quản mai thật tốt, tránh bị trộm cắp,...

Hơn 600 bài viết tham gia Tết của tôi

Chỉ hơn hai tuần phát động, tính đến ngày 20/2 (Mùng 5 tháng giêng) đã có 600 bài viết gửi đến Tuổi Trẻ Online tham dự mục Tết của tôi. Và đây là một trong những chuyên mục thu hút được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc.

Các tác giả đủ lứa tuổi khắp các vùng quê đất nước, từ cụ ông 83 tuổi đến người trẻ tuổi, từ người ở trời Tây thương nhớ quê nhà hay người nhập cư không thể trở về bên mâm cơm gia đình... mỗi người đều có một hoặc nhiều câu chuyện về tết. Có tác giả gửi bài nhiều lần, nhiều bài.

Trong đó không chỉ là câu chuyện hồi tưởng về quá khứ như "Tôi vẫn nhớ tết tuổi thơ" (Hồng Như) mà còn là những suy ngẫm về tình đất, tình người, như "Một lần "bị" ăn tết ở Sài Gòn, tôi đã thấy gì?" (Chung Thanh Huy) đã nhận 48 ý kiến bình luận của bạn đọc.

Các bài viết còn thể hiện khát vọng của tuổi trẻ về lập thân lập nghiệp, về Việt Nam trong tương lai như "Thư gửi ba mẹ của một du học sinh nhớ tết Sài Gòn" (Lê Thị Hồng Vân, Pháp)...

Như bạn đọc Diễm Hà tâm sự: "Tết của tôi là món quà xuân để mọi người chia sẻ, tìm đến sự đồng cảm. Cảm ơn quý báo đã đăng bài. Ba tôi vui lắm".

Gửi đến bài thơ của ba mình, Diễm Hà viết kèm: "Đây là bài thơ của ba tôi viết tặng mẹ tôi. Mẹ tôi ra đi vào tết cách đây 4 năm. Nên tết trong ba tôi là những ngày nhớ. Tôi mong bài thơ được đăng như là món quà xuân với ba tôi tết này"...

Một lần nữa xin cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng của bạn đọc. Hi vọng tiếp tục nhận được nhiều đóng góp, chia sẻ trong các chuyên mục tiếp theo để Tuổi Trẻ Online ngày càng đa dạng, phong phú hơn.

Theo Vũ Huyền - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X