Hotline 24/7
08983-08983

Cong vẹo cột sống học sinh: Áp lực từ những chiếc cặp

Vẹo cột sống ở độ tuổi đi học không còn xa lạ trong những năm gần đây khi những chiếc cặp khổng lồ được phụ huynh trang bị cho con đến trường.

Hình ảnh học sinh tiểu học oằn lưng để vác chiếc cặp nặng 4 - 5kg đã trở thành quen thuộc trên các sân trường. Đằng sau đấy có thể là những hệ lụy bệnh lý về cột sống, trong đó có tật cong vẹo cột sống mà trẻ phải chịu khi lớn lên.

Gãy xương vai vì đeo cặp nặng

Trên đường đi bộ từ trường về nhà khoảng 2km, cháu Yến Anh, học trường Tân Thới Thạnh (Hóc Môn, TPHCM) thường cảm thấy rất đau vai trái. Một hôm, khi ngủ dậy thấy vai cháu sưng to, gia đình đã đưa đi khám bệnh.

Yến Anh khẳng định cháu không bị té, không va chạm mạnh vào đâu và cũng không bị ai đánh. Nghi cháu bị gãy xương đòn nên bác sĩ chỉ định chụp X-quang vai và cột sống. Kết quả cho thấy, cháu bị gãy di lệch xương đòn trái, cột sống bị vẹo và gù nhẹ.

Trẻ mang cặp khủng đến đường và nguy cơ cong vẹo cột sống rất lớn. Ảnh: Võ Tuấn

Những buổi đi học, trong cặp Yến Anh có 4 quyển vở 200 trang, 5 quyển sách giáo khoa, một hộp viết, một bảng đen, một bình nước 250ml, một áo khoác. Gia đình đã cân thử cặp sách và các đồ dùng mang theo nặng 4,5kg.

Đây không phải là trường hợp cá biệt mà phần lớn các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM, tình trạng trẻ oằn vai vác cặp không còn xa lạ.

Anh Minh Hoàng - phụ huynh của cháu Hoàng My, học lớp 4 Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì - cho biết: "Sáng sớm, nhìn thấy con mang cặp đi học mà thương, cháu đeo ba lô mà muốn xệ cả hai vai xuống. Nhiều khi tôi bảo con bỏ bớt sách hoặc đồ không cần thiết ở nhà cho nhẹ, nhưng cháu không chịu, sợ đi học thiếu đồ dùng cô giáo la. Trong ba lô của cháu lúc nào cũng có khoảng 4 - 5 cuốn sách học, thêm nữa là bút chì, thước kẻ, màu tô, đất sét, nước uống…".

BS Huỳnh Bá Lĩnh - Trưởng đơn vị phẫu thuật - xương khớp, Bệnh viện (BV) đa khoa Vạn Hạnh - cho biết: "Gãy xương đòn do mang cặp như cháu Yến Anh ở Hóc Môn là rất hiếm. Tuy nhiên khả năng này vẫn xảy ra nếu xương phải chịu trọng lượng cặp lớn quá lâu ngày. Một đứa trẻ cao chừng 129cm, nặng khoảng 27kg, ngày nào cũng đi bộ 2km và mang chiếc ba lô nặng hơn 4,5kg trong khi thành phần xương không có gì bất thường thì nguyên nhân dẫn đến đến gãy xương đòn do đeo cặp nặng mỗi ngày là có thể đến 99%".

Phải chuyển sang ba lô kéo

Biết con không dám mang thiếu thứ gì theo yêu cầu của cô giáo, chị Huyền, có con học tại Trường Tiểu học Sơn Cang, phường 13, quận Tân Bình mua ba lô có bánh xe và tay kéo cho con dùng: "Nhìn thấy con mang cặp nặng, tôi sợ cháu bị vẹo cột sống, đau vai và ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao sau này".

Một chuyên viên của Phòng Tiểu học Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM - cho biết: "Điều phi lý nhất là nhiều trường yêu cầu học sinh sắm vở 200 trang. Mỗi ngày đi học, học sinh phải mang toàn bộ sách và 3 - 4 quyển vở nên rất nặng. Thậm chí, nhiều trường không có nước cho học sinh nên các cháu phải đem theo bình đựng nước uống. Đó là chưa kể hàng loạt vật dụng khác như bút chì, tẩy, thước kẻ, tô màu, đất sét... khiến chiếc cặp đã to lại càng nặng hơn".

Bà Lê Thị Bạch Tuyết - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chương Dương (Q.5) - cho biết: "Hiện nay để giảm gánh nặng cho HS, loại vali kéo hoặc cặp có bánh xe đang được dùng rất phổ biến vì đựng được nhiều và tiện lợi. Nhưng ở những trường HS phải đi cầu thang thì các cháu vẫn phải khệ nệ xách lên cầu thang, mà với những chiếc vali quá to, quá nặng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu".

Theo PGS.TS Võ Văn Thành, Chủ tịch Hội cột sống TPHCM: Vẹo cột sống có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Tuổi dễ phát triển nhanh nhất là dậy thì, khoảng 10 - 17 tuổi ở các cháu gái, diễn biến nặng nhất quanh tuổi 13 - 15 tuổi và khoảng 12 - 18 tuổi ở các cháu trai, nhất là ở tuổi 14 - 16 tuổi. Dị tật vẹo cột sống thấy ở các độ tuổi: Dưới 3 tuổi (vẹo cột sống ấu niên), từ 3 - 10 tuổi (vẹo cột sống thiếu nhi), từ 10 - 18 tuổi (vẹo cột sống thanh thiếu niên), trên 18 tuổi (vẹo cột sống người lớn).

PGS Thành khuyến cáo, các bậc phụ huynh và nhà trường không nên để trẻ mang cặp nặng tới 4 - 5kg. Cặp học sinh nên làm bằng vật liệu nhẹ và vững chắc.

Tập vở của học sinh mang vừa đủ, không nhất thiết phải dùng cuốn tập 200 trang, sách môn nào học cần thiết thì mang theo, nếu sách vở có thể để bớt lại ở trường học thì càng tốt. Học sinh nên mang ba lô sau vai với trọng lượng vừa phải học để cơ thể chịu lực cân đối khi đi bộ đường xa.

"Giảm cân" cho cặp không chỉ để giảm nguy cơ gù vẹo cột sống mà còn tránh cho các cháu khỏi sự mệt mỏi vì phải mang vác. Phụ huynh cần chú ý theo sát thời khóa biểu để chuẩn bị sách vở, dụng cụ học tập hợp lý, chứ không nên nhét "tất tần tật" mọi thứ vào cặp trẻ con.
Thế nào là cong vẹo cột sống

Cột sống là một cột trụ xương được tạo nên bởi các đốt sống chồng khít lên nhau (33 - 35 đốt sống), có nhiệm vụ nâng đỡ cơ thể, tham gia vận động và bảo vệ tủy. Bình thường cột sống là một trục thẳng khi nhìn theo trục trước - sau; khi nhìn theo trục nghiêng có 4 đoạn cong ở cổ, ngực, thắt lưng, xương cùng. Khi cột sống lưng trẻ có biểu hiện cong sang bên ( hình chữ C hoăc chữ S), gù ra sau mà điển hình gặp trong lao cột sống (cột sống lưng lồi ra phía sau), hoặc ưỡn ra trước (đoạn thắt lưng).


AloBacsi.vn
Theo Võ Tuấn - Lao Động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X