Hotline 24/7
08983-08983

Công bố quốc tế về y học: Người Việt chỉ làm “thợ” cho nước ngoài

Các công bố quốc tế trong ngành y học lâm sàng của Việt Nam có đến 90,6% yếu tố nước ngoài tham gia dưới hình thức hợp tác quốc tế.

Con số này do GS Nguyễn Văn Tuấn, Nghiên cứu viên chính tại Viện Garvan (Úc), thực hiện trong giai đoạn 2001-2015 đăng trên Tạp chí Nghiên cứu khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2017.

Với lĩnh vực y tế công cộng có đến 93,8% và lĩnh vực y sinh học có đến 89,4%.

Công bố quốc tế về y học: Người Việt chỉ làm “thợ” cho nước ngoài - 1

Các công bố quốc tế ISI/Scopus của các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực y học lâm sàng chủ yếu là hợp tác với nước ngoài, và tỉ lệ chuyên gia nước ngoài tham gia chiếm tới 90,6%.

Điều này khiến ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan, Phó Chủ nhiệm bộ môn Nội tổng quát, ĐH y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhìn nhận “trong lĩnh vực y học, nhà khoa học của Việt Nam vẫn làm “thợ” cho nước ngoài rất nhiều, khi không đóng vai trò quan trọng trong một công bố quốc tế”.

ThS Lan cho hay, một người bác sỹ, người nghiên cứu giỏi không phải chỉ thụ động sử dụng kiến thức của người khác mà phải nghiên cứu để tạo ra những tri thức mới. Nếu người nghiên cứu chỉ thu động sử dụng tri thức mà không tạo ra tri thức mới thì chỉ có thể làm “thợ giỏi” mà không phải là “bác sỹ giỏi”

“Các nghiên cứu y học công bố quốc tế ISI/Scopus hiện nay, các tác giả chính vẫn là người nước ngoài. Trong khi đó, nhà khoa học Việt Nam chủ yếu làm các phần việc đơn giản hơn” - ThS Thục Lan cho hay.

ThS Lan dẫn chứng trong một xếp hạng ĐH của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây, không có trường ĐH về y dược nào nằm trong top 20 trường cao nhất cho cả 3 tiêu chí: nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo, cơ sở vật chất và quản trị.

Nhìn nhận về thực trạng này, TS Lê Văn Út, Trưởng phòng khoa học và công nghệ, ĐH Tôn Đức Thắng dẫn dữ liệu từ ISI -Web of Knowledge cập nhật đến ngày 28/05, trường ĐH Y Hà Nội có số lượng công bố ISI nhiều nhất với 48 bài báo khoa học. Xếp tiếp theo là ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Duy Tân.

Tổng cộng, Việt Nam chỉ xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á với hơn 5.600 công bố ISI xếp sau Malaysia, Singapore, Indonesia và Thái Lan.

“Để tăng số lượng công bố quốc tế, các trường ĐH cần được tạo cơ chế tăng tính tự chủ. Người hiệu trưởng được xem như là CEO với việc mạnh dạn xây dựng nhiều chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học, thay vì tư duy nhiệm kỳ”- TS Út chia sẻ.

Công bố quốc tế về y học: Người Việt chỉ làm “thợ” cho nước ngoài - 2Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế cần được đầu tư để có nhiều công bố quốc tế hơn. Trong ảnh: Triển lãm về thiết bị y tế do BV Bình Dân, TPHCM tổ chức. Ảnh: Hà Thế An.

Siết chặt "đầu vào" và nhìn thấy "đầu ra" cho các nghiên cứu khoa học

Để nâng cao năng lực nghiên cứu cho nhà khoa học, hiện nay Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đang có nhiều chương trình hỗ trợ.

Theo ông Phạm Văn Xu, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, hiện đơn vị đang triển khai chương trình hỗ trợ đào tạo về chuyên gia khoa học ngắn hạn (dưới 1 năm).

Theo đó, những chuyên gia về khoa học và công nghệ đang làm việc trong các tổ chức công lập trên địa bàn TPHCM sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nâng cao năng lực phục vụ cho công việc hiện tại của họ. Đối với các chuyên gia trong các đơn vị tư nhân cũng được hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo.

Cũng theo ông Xu, hằng đêm, tại Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM vẫn thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo về sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Chương trình đào tạo này hoàn toàn miễn phí do Phòng Sở hữu trí tuệ triển khai.

Đề xuất về vấn đề nâng cao năng lực nghiên cứu bằng các công bố quốc tế, TS Lê Văn Út cho rằng, các trường ĐH cần phải làm được 3 việc: tập trung vào các chính sách khoa học và công nghệ, có chuyên gia đủ năng lực thẩm định công trình nghiên cứu, thường xuyên cung cấp thông tin khoa học cho nhà khoa học.

Ông lý giải, tại ĐH Tôn Đức Thắng, các công bố quốc tế hay các công trình nghiên cứu đều phải có đầu ra cụ thể bằng việc chuyển giao cứng và mềm. Công trình nghiên cứu chuyển giao cứng là được sử dụng để ứng dụng vào thực tế sản xuất, doanh nghiệp. Chuyển giao mềm là ứng dụng vào hoạt động đào tạo để nâng cao năng lực giảng dạy của trường ĐH, từ đó tạo dựng thương hiệu của ĐH nghiên cứu.

“Tại trường chúng tôi có đến 53 nhóm nghiên cứu. Mỗi nhà khoa học đều được đánh giá năng lực thông qua các công cố quốc tế ISI/ Scopus. Mỗi nhà khoa học sẽ làm việc theo đúng năng lực và vị trí của mình. Thu nhập của nhà khoa học cũng thể hiện bằng chất lượng và kết quả nghiên cứu bằng việc xếp hạng” - TS Út cho hay.

Cũng theo TS Út, khi đăng ký một đề tài nghiên cứu, sẽ có một Hội đồng chuyên môn độc lập là những chuyên gia đầu ngành trong những lĩnh vực tương ứng để đánh giá toàn diện đề tài khoa học.

Đồng tình với quan điểm này, ThS. BS Hồ Phạm Thục Lan cho rằng, cần quản lý chặt đầu vào về chất lượng của các công bố khoa học. Nhiều trường ĐH vẫn có tình trạng, người ngồi Hội đồng chuyên môn không có chuyên môn trực tiếp đến đề tài nghiên cứu, không có công bố quốc tế.

“Tại một số quốc gia như Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, báo cáo đề tài nghiên cứu không có hội đồng chuyên môn. Đề tài được chuyển đến 3 chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực đó để phản biện độc lập và đưa ra quyết định đề tài đó có đạt yêu cầu không. Đó là tiêu chuẩn để đánh giá đầu vào chất lượng các nghiên cứu khoa học”- ThS Lan chia sẻ.

Ngoài ra, ThS Lan còn mở rộng góc nhìn của mình với suy nghĩ đã làm khoa học thì đừng nên vụ lợi. Người làm nghiên cứu hãy lấy khoa học, lấy sự tìm tòi để tìm ra những tri thức mới làm trọng tâm chứ đừng làm khoa học vì tiền, hay danh lợi cho bản thân mình. Như vậy, mới tạo ra văn hóa khoa học cho cộng đồng.

Nói về văn hóa nghiên cứu khoa học, ông Nguyễn Hoàng Dũng, chuyên gia về kinh tế, nguyên là cán bộ Quản lý sau ĐH tại ĐH Ngân hàng TPHCM chia sẻ, mỗi sinh viên cần tạo cho mình thói quen nghiên cứu từ những cái nhỏ nhất.

Ông Dũng nói rằng, vì suy nghĩ nghiên cứu là tìm tòi ra những tri thức cao siêu mà nhiều sinh viên thấy nghiên cứu khoa học trở nên xa vời, khó khăn.

“Các bạn hãy đặt cho mình tâm thế nghiên cứu từ những vấn đề xung quanh mình để làm thành các bài tập nhỏ, bài tiểu luận, bài luận… Hãy đam mê từ những cái nhỏ như thế, thay vì cố gắng làm những cái to tát, vượt quá sức mình. Xây dựng thói quen nghiên cứu phải bắt đầu bằng những việc như thế”- ông Dũng nói.

Có hai nhóm phân loại uy tín được cộng đồng khoa học công nhận trên trên thế giới:Phân loại theo Viện thông tin khoa học Mỹ (Institute for Scientific Information, thường gọi là ISI) và theo Scopus (Hà Lan).

ISI do Eugene Garfield sáng lập năm 1960, sau này được công ty Thomson mua lại và hiện nay gọi là Thomson Scientific, một bộ phận thương mại của tập đoàn Reuters.

Đây là cơ sở dữ liệu phong phú với hơn 10.000 tạp chí được lựa chọn khách quan và có xử lý của các chuyên gia để phân loại theo các lĩnh vực, trong đó khoa học tự nhiên,khoa học xã hội, nghệ thuật và nhân văncó từ năm 1900 đến nay.

Scopus được xây dựng từ tháng 11 năm 2004 và thuộc sở hữu của Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan), dành cho thuê bao trực tuyến, có trả phí.

Đây là một cơ sở dữ liệu thư mục chứa bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học. Scopus có chứa hàng chục triệu bản tóm tắt, gần 22.000 danh mục từ hơn 5.000 nhà xuất bản, trong đó hơn 30.000 là tạp chí đánh giá chuyên ngành trong khoa học, kỹ thuật, y tế, xã hội, nghệ thuật và nhân văn.

Theo Hà Thế An - Khám phá

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X