Hotline 24/7
08983-08983

Con trai đầu của cháu mắc bệnh xương hóa đá. Vậy bé sau có bị như anh nó không ạ?

Cháu có một bé trai được 3 tuổi mắc bệnh Oesopetrosis dạng thể nhẹ, hiện cháu lại đang mang thai tháng thứ 3.

Thưa bác sĩ, Gia đình cháu có một bé trai được 3 tuổi. Cách đây một tháng, vô tình phát hiện bé mắc bệnh Oesopetrosis dạng thể nhẹ, hiện hồ sơ của bé đang được theo hội chuẩn ở BV Huyết Học để tìm phương pháp điều trị. Hơn nữa cháu lại đang mang thai tháng thứ 3, cháu đang rất lo lắng không biết bé sau có bị giống anh nó không.

Hiện nay tại các BV trong nước đã có nơi nào xét nghiệm tìm ra đột biến NST cho căn bệnh này chưa? Nếu có thì cháu có thể đến BV nào và từ tháng thai thứ mấy thì có thể xét nghiệm được ạ? Biện pháp và cách điều trị cho căn bệnh này? Xin BS tư vấn giúp. Cám ơn và chúc BS luôn khỏe.

(Hạnh - TPHCM)

Bạn Hạnh thân mến,

Osteopetrosis có nghĩa là bệnh xương hóa đá. Đây là một loại bệnh xương hiếm gặp, có tính chất di truyền và đặc trưng bởi sự gia tăng mật độ xương trên X-quang.

Các nhà nghiên cứu đã mô tả một vài dạng chính của bệnh xương hóa đá dựa trên kiểu di truyền của bệnh như: dạng lặn của nhiễm sắc thể thường, dạng trội của nhiễm sắc thể thường hoặc dạng liên kết với nhiễm sắc thể X.

Bệnh xương hóa đá dạng trội của nhiễm sắc thể thường hay còn gọi là bệnh Albers-Schönberg là thể nhẹ nhất. Những người mắc thể này thường không có triệu chứng hay chỉ phát hiện tình cờ khi chụp X-quang vì một lý do nào đó. Tiên lượng thể này thường tốt.

Có ít nhất 9 genes bị đột biến gây ra các thể xương hóa đá khác nhau. Các genes liên kết với bệnh xương hóa đá có liên quan đến sự hình thành, phát triển và có chức năng của các tế bào đặc biệt gọi là hủy cốt bào. Những tế bào này sẽ phá vỡ mô xương trong quá trình tái cấu trúc xương, và cũng là một quá trình bình thường mà mô xương cũ được lấy đi và mô xương mới được tạo ra để thay thế. Xương liên tục được tái cấu trúc và quá trình này được kiểm soát cẩn thận để đảm bảo xương được chắc và khỏe .

Đột biến trong bất cứ genes nào liên kết với bệnh xương hóa đá sẽ dẫn đến bất thường hoặc mất các chức năng của hủy cốt bào. Điều này sẽ dẫn đến xương cũ không bị phá hủy và xương mới không được hình thành. Cấu trúc xương bất thường về mật độ và có khuynh hướng dễ gãy là đặc điểm chính của bệnh xương hóa đá.

Thông thường, bệnh di truyền theo tính trạng trội của nhiễm sắc thể thường, có nghĩa là một bản sao của một gene bị biến đổi trong mỗi tế bào là đủ gây ra bệnh này. Phần lớn người bị bệnh xương hóa đá kiểu trội của nhiễm sắc thể thường sẽ di truyền tình trạng này từ cha mẹ mình.

Bệnh xương hóa đá cũng có thể di truyền theo tính trạng lặn của nhiễm sắc thể thường, có nghĩa là cả hai bản sao của một gene trong mỗi tế bào đột biến. Cha mẹ của người có tính trạng lặn của nhiễm sắc thể thường mỗi người mang một bản sao gene đột biến, nhưng họ thường không có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh này.

Kiểu di truyền nữa là theo nhiễm sắc thể X. Ở nam (chỉ có một nhiễm sắc thể X) một sự thay đổi của bản sao gene trong mỗi tế bào cũng đủ gây ra bệnh này. Ở nữ (có hai nhiễm sắc thể X) sự đột biến phải xảy ra ở 2 bản sao của gene mới gây ra bệnh.

Chẩn đoán bệnh xương hóa đá bằng xét nghiệm DNA từ bào thai có thể thực hiện bằng 2 cách sau:

- Chọc ối sau tuần thứ 15 của thai kỳ

- Sinh thiết gai nhau từ tuần thứ 11- 14 của thai kỳ

Bệnh xương hóa đá cũng có thể chẩn đoán sớm bằng siêu âm ở tuần thứ 14 của thai kỳ. Tuy nhiên siêu âm bình thường vẫn không loại trừ khả năng trẻ bị bệnh xương hóa đá.

Về điều trị, các phương pháp sau đây được dùng cho bệnh xương hóa đá:

- Bổ sung Calcium và Vitamine D

- Gamma interferon

- Corticosteroids

- Erythropoietin

- Ghép tủy xương (máu cuống rốn)

Hiện tại chưa có bệnh viện nào trong nước thực hiện việc tầm soát bệnh xương hóa đá ở phụ nữ mang thai. Bạn có thể liên hệ với phòng di truyền của BV Hùng Vương và Từ Dũ để được tư vấn thêm.

Cầu chúc bạn gặp nhiều may mắn.
BS Nguyễn Vỹ

 

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X