Hotline 24/7
08983-08983

Con trai 51 tuổi không lập gia đình, 8 năm nuôi mẹ nằm một chỗ

Không thấy mặt cha từ nhỏ, cuộc sống của anh Minh là mẹ. Đến khi người sinh ra mình cũng bạo bệnh và liệt nửa người, anh quyết định ở vậy toàn tâm toàn ý chăm sóc mẹ trong căn nhà đã cầm cố để lo viện phí.

"Mỗi ngày cứ đều đặn 3 lần, tôi cho mẹ ăn uống. Mẹ không ăn cơm được nên chỉ còn cách nấu cháo với rau củ bằm nhuyễn ra. Cũng khoảng 3 lần như vậy là thay quần áo, lo vệ sinh cho mẹ. Mẹ đã nằm một chỗ gần chục năm rồi, mọi sinh hoạt đều không thể tự lo được. Lắm khi cả đi nặng bà cũng không thể rặn nổi, tôi phải tự tay mình để giúp mà..."

Anh Minh chăm sóc mẹ.

8 năm nuôi mẹ nằm một chỗ

Chú Lê Văn Minh (51 tuổi) mỉm cười khi có người hỏi về việc chăm sóc mẹ mình. 8 năm qua, đó là công việc mà người đàn ông vẫn làm để níu mạng sống cho cụ bà Lê Thị Dung (76 tuổi), mẹ ruột của chú.

Nhưng đó chỉ là một đoạn đường nhỏ so với thời gian nửa thế kỷ hai mẹ con nương tựa vào nhau.

Ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con bên đường Phạm Thế Hiển.

Trong căn nhà "của mình nhưng không phải của mình", chú Minh tâm sự, lúc mẹ nằm trong phòng hồi sức phải cắm ống thở và truyền thuốc liên tục, để có tiền lo cho bà anh đã cầm cố căn nhà giá 60 triệu đồng.

Bà Dung nằm một chỗ đã 8 năm.

Đó là một ngày của năm 2011, bà Dung bỗng lên cơn cảm sốt, co giật rồi cứng miệng. Gom chút tiền làm mướn dành dụm ít ỏi, ông Minh bắt xe đưa mẹ mình vào bệnh viện gần nhà, rồi chuyển vào Bệnh viện Nhân dân 115 vì tình trạng quá nặng.

Một mình người con trai lo cho mẹ.

Bà Dung không còn nói được, chỉ gật đầu khi được con hỏi.

Ở đây, bác sĩ chẩn đoán cụ bà bị nhồi máu não nặng, biến chứng suy đa cơ quan. Cấp cứu bằng mọi con đường, bà chỉ có thể giữ tính mạng, nhưng đau lòng là sẽ vĩnh viễn liệt nửa người.

Mỗi tháng 1 lần, người con lên viện mua thuốc cho mẹ uống.

"Lúc đó cứ một ngày là đóng 3-5 triệu tiền viện phí. Không đủ tiền và cũng không vay nổi nữa, tôi buộc phải đem giấy tờ nhà mang cầm. Bây giờ mỗi tháng đóng hơn 2 triệu tiền lời.

Người ta biết hoàn cảnh mẹ con tôi khó khăn nên tháng nào có thì đưa, tháng nào không đủ cũng giảm. Nhà họ cũng không siết mà để cho mẹ con tôi sống những ngày cuối đời"  - người con đầu đã bạc chia sẻ.

Căn nhà của họ thấp tè, lụp xụp, các vật dụng trong nhà đều được cho.

Hỏi rằng, gia đình không còn ai thân thích hỗ trợ sao? Chú Minh đáp lời: Nhà còn người dì và đứa cháu, nhưng qua khu Thanh Đa (quận Bình Thạnh) ở cũng vài năm nay rồi.

Hỏi, vậy chú không có anh em ruột thịt gì sao? Người con lại chậm rãi đáp, rằng từ lúc sinh ra chỉ có mẹ là người luôn ở bên mình. Cha còn không biết mặt, huống gì anh em.

Nhờ chủ nợ thương tình, gác xếp ở trên được người con cho thuê giá 1 triệu/tháng dù nhà đang cầm cố.

Nửa đời người hai mẹ con chú Minh nương tựa bên nhau thì phần nhiều đã là nỗi buồn cơ cực mưu sinh, bệnh tật. 8 năm rồi, cái quyền được dắt tay mẹ bước ra đường như bao người bình thường của chú Minh cũng bị số phận tước đoạt.

"Tôi chỉ nghĩ đến mẹ thôi, còn lập gia đình gì nữa"

Kể từ ngày mẹ nằm liệt, chú Minh không thể đi làm xa. Từ chỗ ai thuê gì làm đó, chú chọn đi bán vé số lòng vòng các con đường gần nhà để linh động thời gian. Xấp vé số mỗi ngày bán được trên dưới 100 tờ, đa phần là nhờ sự xót thương của hàng xóm biết chuyện.

Những người hàng xóm tốt bụng biết hoàn cảnh cũng thường hỗ trợ tiền tã cho bà Dung.

"Con đường Phạm Thế Hiển ở quận 8 này chắc mọi người không còn xa lạ gì chuyện tôi bán vé số. Tôi rảo đi rồi lại rảo về một ngày mấy lần. Bữa đi xe đạp, bữa thì đi bộ. Tôi sợ mình đi lâu quá rồi mẹ lên cơn tai biến, bất đắc kỳ tử. Giờ tôi chỉ còn mình mẹ là người thân duy nhất của cuộc đời" - chú Minh tâm sự.

Cuộc sống hằng ngày của họ phụ thuộc vào cọc vé số của chú Minh.

Nói rồi, chú lại đút nước cho mẹ uống, hỏi mẹ có mệt, có đau không. Ngoài đủ sức trả lời những câu hỏi này của con, bà Dung giờ như ngọn đèn treo trước gió.

Nằm lâu các cơ, tứ chi đã teo lại, người mẹ giờ không còn đủ sức tự ngồi dậy chứ đừng nói chuyện mong chữa bệnh liệt nửa người. Để cầm cự, mỗi tháng chú Minh đến bệnh viện, mua thuốc bổ và thuốc chống lên tăng xông cho mẹ. Tấm thẻ bảo hiểm y tế giờ là cứu cánh vô cùng lớn với bà cụ đủ thứ bệnh và đứa con bán vé số.

Bữa cơm đạm bạc hằng ngày của người con trai 51 tuổi.

Tôi buộc miệng hỏi đến giờ chú vẫn chưa lập gia đình sao. Chú Minh lại cười buồn, nói thân mình như vậy, hoàn cảnh như vậy thì ai mà thương.

Tôi không chấp nhận suy nghĩ này, nói với chú rằng chuyện vợ chồng là duyên nợ.

Làm bạn với chú Minh là con chó nhỏ.

Chú Minh nói giờ chỉ muốn dành thời gian lo cho mẹ.

Chú Minh khẽ gật đầu, bảo đúng là như vậy. Nhưng tâm trí chú từ lâu chỉ suy nghĩ đến việc cố lo cho mẹ thật khỏe, thật tốt.

"Tôi chỉ nghĩ đến mẹ thôi, còn lập gia đình gì nữa. Với lại, tôi cũng không thích lập gia đình" -  chú Minh nói, gương mặt nghĩ ngợi xa xôi.

Hằng ngày sau khi mẹ ngủ, chú cũng lấy gối mền trong tủ ra nằm cạnh.

Quay trở về hoàn cảnh hiện tại, tôi hỏi chú Minh mong muốn lớn nhất bây giờ là gì. Người con hiếu thảo đáp rằng bây giờ chỉ mong chuộc lại cái nhà, lấy lại giấy tờ, mảnh đất cắm dùi của ông bà ngoại.

Hai mẹ con nương tựa vào nhau lay lắt sống qua ngày.

Có vậy thì dẫu sau này đến ngày trút hơi thở cuối đời, hai mẹ con xem như cũng giữ lại một chút an ủi cho tổ tiên dòng họ.
Theo Hoàng Lê - Báo Dân Sinh

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X