Hotline 24/7
08983-08983

Coi chừng quỵ vì hen suyễn

Cuối năm, không khí lạnh tràn về là cao điểm của bệnh lý hô hấp, đặc biệt là hen suyễn. Những ngày này, phòng khám suyễn các bệnh viện đều tăng mạnh.

Riêng tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2, mỗi ngày có trên 100 bé đến khám. BS.CKII Đặng Thị Huyên - Trưởng khoa khám bệnh - BV Nhi đồng 2 cảnh báo: Không chỉ ở trẻ con, mà cả người lớn, rất dễ khởi phát, lên cơn suyễn đột ngột vào mùa lạnh.

Ngất xỉu mới biết suyễn

Suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp, làm đường thở (gọi là phế quản) bị viêm, sưng phù trong lòng phế quản và dễ bị co thắt khi gặp yếu tố kích ứng đường thở, làm hẹp lòng phế quản. Đây cũng là lúc bệnh nhân xuất hiện cơn ho, nặng ngực, khó thở. Suyễn có nhiều dạng, điển hình nhất là ho, khạc đàm, khó thở, nặng ngực, khò khè.

Tuy nhiên, có dạng suyễn chỉ đơn thuần là ho, không kèm với các triệu chứng khác vì vậy rất dễ nhầm lẫn suyễn với bệnh lý tai mũi họng. PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan - Trưởng Trung tâm chăm sóc hô hấp BV Đại học Y Dược TPHCM gọi đây là “suyễn giấu mặt”, rất nguy hiểm, vì không hội tụ đủ ba dấu hiệu: khò khè, khó thở, tức ngực nên thường bị nhầm là viêm họng, điều trị bằng kháng sinh, thậm chí phải cắt amiđan, can thiệp phẫu thuật vùng mũi họng, xoang... Hay có dạng suyễn chỉ có biểu hiện khó thở hoặc đau thắt ngực thì dễ bị nhầm với bệnh lý tim mạch.

Chính vì vậy, ngay cả khi được bác sĩ (BS) chẩn đoán là suyễn, nhiều người không tin, cho rằng mình chỉ bị viêm họng thông thường và vẫn chăm chăm trị ho; đến khi lên cơn suyễn, ngất xỉu, được đưa vào bệnh viện cấp cứu mới chịu chấp nhận bệnh suyễn.

Một bệnh nhân là trình dược viên. Chị bị ho đêm về sáng và những khi ngửi mùi dầu chiên. Đến BS chuyên khoa tai mũi họng khám, chị được kết luận là viêm họng xung huyết và trào ngược dạ dày thực quản. Uống thuốc kháng sinh 10 ngày cũng không dứt, chị lại đến một BS khác. Sau khi chụp X-quang phổi, nội soi họng thấy không có tổn thương, BS nghi ngờ chị bị suyễn. Nghe đến đó, chị hoài nghi: “Em chỉ có ho, không khó thở, khò khè, tức ngực làm sao bị suyễn được”.

Coi chung quy vi hen suyen
Ảnh minh họa - Shutterstock

BS cho thuốc xịt dự phòng, nhưng chị nhất quyết không dùng. Chị tự mua thuốc điều trị viêm họng và uống thêm siro thảo dược trị ho, nhưng tình hình không cải thiện. Cuối năm 2015, khi đang chiên cá, chị bất ngờ ho sặc sụa và ngất xỉu, phải vào BV ĐH Y Dược cấp cứu. Chị được điều trị theo phác đồ suyễn, sau đó dùng thuốc xịt dự phòng hằng ngày. Sau một thời gian ngắn, chị không còn ho, không khó chịu khi nghe mùi chiên xào.

Điều nguy hiểm nhất mà suyễn giấu mặt gây ra là làm chậm việc điều trị khiến đường thở bị tắc nghẽn, khó phục hồi. Lúc này, thuốc trị suyễn không đáp ứng được, hoặc chuyển sang dạng phổi tắc nghẽn mạn tính gây tàn phế, tử vong.

Nguy, nhưng không hiểm

Cuối năm cũng là mùa cúm vì trời thường bất ngờ trở lạnh. Đây là mùa những tác nhân kích thích suyễn bộc phát, đặc biệt là trẻ em. Trung bình mỗi ngày có khoảng 100 trẻ khám suyễn ở BV Nhi Đồng 2. Còn BV ĐH Y Dược có hơn 30 người/ngày và con số này tăng lên mỗi ngày. Nhiều người, nhất là trẻ em, suyễn “ngủ yên” cả năm đến mùa lạnh thì “thức dậy”, cộng với việc sơn sửa, dọn dẹp nhà cửa nên dễ bị kích ứng bởi mùi sơn, bụi bặm lại lên cơn.

Theo BS.CKII Đặng Kim Huyên, những trẻ bị viêm phế quản lặp đi lặp lại, hay trẻ dưới hai tuổi bị viêm tiểu phế quản nhiều lần đều có nguy cơ bị hen suyễn. Suyễn ở trẻ em cũng có dạng điển hình là: ho, khò khè, khó thở, nặng ngực, tuy nhiên, nhiều trẻ còn nhỏ chưa biết nói để diễn tả cơn đau, hoặc trẻ bị suyễn giấu mặt.

Cha mẹ và BS không biết thường chỉ chữa phần ngọn - mà không chữa từ gốc nên trẻ cứ bị bệnh tái đi tái lại và đỉnh điểm là lên cơn suyễn. Nếu không được xử lý, cấp cứu kịp thời, tính mạng người bệnh sẽ bị đe dọa.

Tuy nhiên, bệnh suyễn hoàn toàn có thể kiểm soát cũng như người bệnh có thể sinh hoạt, đi học, làm việc như một người bình thường nếu phát hiện bệnh và điều trị sớm, đúng.

Theo đó, trẻ con hay người lớn, khi có dấu hiệu ho kéo dài hay bị khó thở, khò khè, nặng ngực, thở mệt khi gắng sức… nên đi khám chuyên khoa hô hấp để tầm soát suyễn. Hiện nay, việc tầm soát suyễn khá đơn giản. Người khám sẽ được BS hỏi thật kỹ về bệnh sử, tiền sử bản thân và gia đình.

Trẻ lớn, người lớn sẽ được làm hô hấp ký (thăm dò chức năng hô hấp). Trẻ dưới năm tuổi thì BS cho thử dao động xung ký (ngậm một ống thở) để chẩn đoán suyễn. Khi đã được chẩn đoán suyễn, người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị, cũng như chỉ dẫn của thầy thuốc.

Thực tế, những sai lầm thường gặp của bệnh nhân là: đang điều trị thì bỏ dở, hoặc điều trị ổn định thì chủ quan bỏ thuốc, hoặc không mang thuốc theo người, dùng không đúng liều chỉ định, làm sai thao tác xịt… dẫn đến bệnh suyễn tái phát, lên cơn.

Cần nhớ suyễn là bệnh phải được giám sát chặt chẽ và thuốc phòng ngừa, cắt cơn là vật bất ly thân. Đã có những trường hợp tử vong vì bệnh nhân quên mang theo thuốc khi đi ăn tiệc, đi chơi… và bất ngờ bị lên cơn, tắc nghẽn đường thở.

Do đó, việc phòng bệnh, ngăn cơn suyễn là điều quan trọng nhất. Một trong những cách phòng tránh lên cơn suyễn, theo BS Lê Thị Tuyết Lan, là: giữ ấm cơ thể, tránh ăn lạnh, uống lạnh. Đặc biệt, nên “sử dụng máy lạnh thông minh”, vì nấm mốc và vi khuẩn trong không khí là “kẻ thù” của bệnh lý hô hấp.

Vì vậy, khi sử dụng máy lạnh cần làm sạch màng lọc một tháng/lần và rửa máy lạnh ba tháng/ lần. Nằm quạt tốt hơn máy lạnh, nhưng không được để quạt thổi trực tiếp vào người. Nhà cửa không nên dùng chổi quét mà lau sạch bằng khăn ướt. Cần phơi nắng gối, drap, mùng, mền mỗi ngày, và giặt sạch mỗi tuần. Vì trong gối-nệm có chứa nhiều mạt nhà, có 85/100 ca dị ứng là do mạt nhà. Uống nhiều nước, nước cam, chanh, bưởi, tập thể dục, giúp tăng cường đề kháng cơ thể. Ngoài ra, phải loại trừ tác nhân kích phát cơn suyễn như: khói thuốc lá, phấn hoa, lông chó mèo và thức ăn dễ gây dị ứng…

Xử trí khi lên cơn suyễn

- Cách ly ngay bệnh nhân với yếu tố kích thích gây cơn suyễn.

- Xịt ngay hai nhát Ventolin hoặc hít thật mạnh hai liều Symbicort. Nếu ổn thì ngưng dùng. Sau 20 phút nếu không ổn, xịt thêm hai nhát nữa. Trong trường hợp đã dùng sáu nhát trong một giờ mà bệnh nhân vẫn khó thở thì phải đi cấp cứu ở BV gần nhất.

PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan

Theo Thùy Dương - Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X