Hotline 24/7
08983-08983

Có triệu chứng bệnh trĩ, em có nên uống theo toa thuốc cũ?

Câu hỏi

Thưa BS, Em đã từng trĩ nội cấp độ 2 cách đây 1 năm trước. BS có kê cho em những loại thuốc sau: Daflon 500mg, Protolog (thuốc đặt), Cipro 0,2mg, Transamin 500mg. Nay em bị đi đại tiện ra máu lại, nhưng không có triệu chứng đau rát hay táo bón ạ. Vậy thưa BS, em nên uống theo toa thuốc cũ hay tái khám lại ạ (nếu uống theo toa cũ có cần phối hợp thêm gì không ạ)? Em đang sử dụng thuốc tránh thai Diane 35 và sắp hết vỉ. Vậy khi dùng toa thuốc trĩ cũ đến chu kỳ kinh có vấn đề gì không ạ? Em xin chân thành cám ơn!

Trả lời
Toa thuốc cũ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Toa thuốc cũ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Đi cầu ra máu đỏ là triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa dưới do trĩ, viêm loét đại trực tràng, polyp đại trực tràng, ung thư đại trực tràng... trong đó, đi cầu ra máu đỏ tươi mỗi khi đi phân cứng thường gặp do bệnh trĩ, dù trĩ độ 1 cũng có thể gây đi cầu ra máu, đặc điểm là máu đỏ tươi chảy ra trước khối phân hoặc nhỏ giọt sau tiêu phân cứng, không hòa trộn với phân.

Trước đây em đã từng đi cầu ra máu và có trĩ nội độ 2, hiện em cũng không có đau rát hậu môn thì có khả năng em bị trĩ xuất huyết, tuy nhiên, chưa đủ cơ sở để loại trừ các bệnh lý khác kể trên. Mặt khác, toa thuốc cũ hiện giờ chưa chắc phù hợp, bởi vì nếu em chỉ bị trĩ nội xuất huyết không kèm nhiễm trùng thì không cần kháng sinh (trong toa thuốc cũ có kháng sinh). Quan trọng nhất là, theo luật khám và chữa bệnh hiện nay của Bộ Y tế, BS không được phép kê thuốc thông qua kênh truyền thông mà không thông qua thăm khám + hỏi bệnh trực tiếp với người bệnh, điều này là do vấn đề an toàn của người bệnh.

Do đó, em cần phải khám chuyên khoa Tiêu hóa để BS khám tổng quát và khám bụng, khám hậu môn trực tràng, làm một số xét nghiệm cần thiết (như xét nghiệm phân, xét nghiệm máu, siêu âm bụng, nội soi đại trực tràng...) để xác định chắc chắn nguyên nhân và từ đó có hướng điều trị thích hợp.

Diane 35 là thuốc tránh thai 21 viên, khi uống hết 21 viên thì phải ngưng 7 ngày rồi mới uống lại, trong thời gian này em tranh thủ đi khám để BS cân nhắc lựa chọn thuốc phù hợp cho em.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Bệnh trĩ (bệnh lòi dom) là hậu quả của việc áp lực trong các tĩnh mạch hậu môn tăng lên. Áp lực tăng lên này khiến cho các tĩnh mạch bị ứ đọng máu, làm cho người bệnh khó chịu và đau, đặc biệt là khi ngồi. Bệnh trĩ được chia làm hai dạng, tùy thuộc vào vị trí xảy ra, bao gồm:

- Trĩ nội: liên quan đến các búi tĩnh mạch bên trong trực tràng. Trĩ nội thường gây chảy máu nhưng không gây đau. Khi các búi trĩ to lên, chúng có thể lồi ra ngoài hậu môn, tình trạng này gọi là sa búi trĩ.
- Trĩ ngoại: liên quan đến các tĩnh mạch xung quanh hậu môn. Trĩ ngoại có thể gây ngứa hoặc đau và đôi khi có thể kèm theo chảy máu.

Bệnh trĩ thường không nguy hiểm hoặc đe dọa tính mạng và không truyền nhiễm.

Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh trĩ:

- Ăn nhiều ngũ cốc, trái cây và rau xanh
- Uống nhiều nước
- Tập thể dục để giúp ngăn ngừa táo bón
- Giữ cho khu vực hậu môn sạch sẽ
- Không dùng giấy vệ sinh khô ráp: bạn nên vệ sinh hậu môn bằng khăn giấy ướt không chứa chất tạo mùi sau khi đi vệ sinh
- Chườm nước đá để làm giảm sưng.

Trĩ là bệnh vùng hậu môn trực tràng. Nguyên nhân gây bệnh trĩ một phần do yếu tố di truyền, một phần do chế độ ăn uống sinh hoạt và các bệnh lý làm tăng áp lực tĩnh mạch khác. Một khi trĩ có biến chứng sa ra ngoài nhiều, chảy máu hoặc búi trĩ nghẹt, bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay để được tư vấn điều trị thích hợp. Những trường hợp trĩ nhẹ hơn, bạn cũng nên đi khám bệnh sớm. Bác sĩ không chỉ kê toa thuốc mà còn cho bạn những lời khuyên về cách chăm sóc và ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn.


Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X