Hotline 24/7
08983-08983

Có thể bù đắp thiếu ngủ bằng ngủ nướng?

“Ngủ thiếu một tiếng sẽ có ảnh hưởng rất khác so với mất ngủ nhiều tiếng, hay mất ngủ cả đêm thậm chí sẽ gây hại hơn nhiều so với chỉ ngủ khoảng một nửa đêm”.

Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock


Thiếu ngủ rất có hại đến sức khỏe, thậm chí còn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới của Thụy Điển công bố trên Tạp chí Sleep Research hôm 23/05 đã chỉ ra, nếu không thể ngủ đủ giấc trong tuần thì bạn vẫn có thể bù đắp nhờ ngủ nhiều hơn vào cuối tuần.

Các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu trên trong suốt 13 năm và phát hiện thấy: những người trong độ tuổi 65 trở xuống và ngủ ít hơn 5 tiếng một đêm thường có nguy cơ tử vong cao hơn đến 65% so với ai ngủ khoảng 6 - 7 tiếng. Tuy nhiên, nếu cân bằng được giữa những giấc ngủ ngắn trong tuần với việc ngủ nhiều hơn vào cuối tuần thì nguy cơ trên có vẻ không tăng mấy.

“Không thể khẳng định những phát hiện trên của chúng tôi là đúng 100%, nhưng đây có vẻ là một giả thuyết hợp lý”, Torbjörn Åkerstedt - giáo sư về y học hành vi tại Đại học Stockholm (Thụy Điển) và là tác giả chính của nghiên cứu - cho biết. Mặc dù trước đây cũng đã có những nghiên cứu khác về mối liên hệ giữa thời gian ngủ với nguy cơ tử vong, trong đó những người tình nguyện tham gia thường được hỏi về thời lượng ngủ trung bình trong tuần. Tuy nhiên, “Chúng tôi cho như vậy vẫn chưa đủ,” Åkerstedt nhấn mạnh.

Trong nghiên cứu của mình, Åkerstedt cùng các cộng sự đã thu thập dữ liệu của hơn 38.000 người trưởng thành trong một cuộc điều tra y tế ở Thụy Điển từ năm 1997. Những người tham gia được hỏi 2 câu về thời gian ngủ trong tuần và vào ngày nghỉ. Tiếp đó, nhóm tiến hành theo dõi những người này trong 13 năm sau, sử dụng dữ liệu khai tử quốc gia, và tính tới tác động của những yếu tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe (bao gồm cả tử vong) như giới tính, cân nặng hay hút thuốc.

Kết quả cho thấy, giống với nhiều nghiên cứu trước đây, thời gian ngủ thường có mối tương quan với nguy cơ tử vong. Nói cách khác, cả ngủ quá ít lẫn quá nhiều đều gây hại đến sức khỏe. Chẳng hạn, những ai ngủ ít hơn 5 tiếng một đêm và nhiều hơn 8 tiếng lại thường có tình trạng tệ hơn so với người ngủ đều 6 - 7 tiếng.

Thứ nữa, thời gian ngủ cũng liên quan đến một số vấn đề sức khỏe khác, như chứng đột quỵ, bệnh tim, hội chứng trao đổi chất, huyết áp và béo phì - tất cả đều có nguy cơ gây tử vong. Tuy nhiên, mối tương quan giữa thiếu ngủ với nguy cơ tử vong hãy còn là một ẩn số, có thể đã bị một nhân tố thứ ba dẫn dắt - chẳng hạn một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào đó chưa tiên lượng được, Åkerstedt nhận định. “Chúng tôi cũng chưa thể đưa ra lý giải chi tiết hơn cho những ảnh hưởng tiêu cực của giấc ngủ dài đối với sức khỏe, và cần có thêm nhiều nghiên cứu”, ông tiết lộ.

Ngoài ra, nghiên cứu trên cũng chỉ ra mối liên hệ giữa thời gian ngủ với sự sụt giảm, thậm chí là biến mất của nguy cơ tử vong ở người trên 65 tuổi. “Ở tuổi này, người ta thường có xu hướng ngủ đủ số giờ mà cơ thể cần, trong khi một người 30-40 tuổi lại hay có thói quen sinh hoạt hoàn toàn trái ngược”, Åkerstedt nói.

Mặc dù hệ quả của sự khác biệt này có thể được làm giảm nhẹ đi nhờ những giấc ngủ dài cuối tuần, song vẫn có những hạn chế nhất định. Nhiều nghiên cứu khác cũng phát hiện ra việc thiếu ngủ sẽ gây ra những biến đổi sinh lý như phá hủy các tế bào thần kinh, dẫn đến sự thay đổi về kết nối của não bộ trong dài hạn.

Cuối cùng, “ngủ thiếu một tiếng sẽ có ảnh hưởng rất khác so với mất ngủ nhiều tiếng, hay ngủ cả đêm thậm chí sẽ gây hại hơn nhiều so với chỉ ngủ khoảng một nửa đêm”, Åkerstedt nói.

Theo Nhật Phạm - Khoa học và Phát triển

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X