Hotline 24/7
08983-08983

Cơ quan quản lý Dược phẩm Pháp Khuyến cáo: Kháng sinh quinolon có thể gây tàn tật vĩnh viễn

Ủy ban đánh giá nguy cơ Cảnh giác dược của Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (PRAC) vừa khuyến cáo, cần giới hạn chỉ định các kháng sinh fluoroquinolon nói riêng và các kháng sinh quinolon (đường uống, đường tiêm hoặc dạng hít) nói chung sau cuộc rà soát tác dụng phụ gây tàn tật vĩnh viễn được báo cáo mới đây.

Sau cuộc họp tháng 10/2018, PRAC đã đưa ra các khuyến cáo sau:

1. Không sử dụng quinolon và các fluoroquinolon trong:

- Điều trị các nhiễm trùng có thể cải thiện mà không cần điều trị hoặc không nghiêm trọng (như viêm họng);

- Dự phòng tiêu chảy khi du lịch hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu dưới tái phát;

- Điều trị cho bệnh nhân đã từng gặp ADR nghiêm trọng với kháng sinh fluoroquinolon hoặc quinolon;

- Điều trị nhiễm trùng nhẹ hoặc trung bình, trừ khi không dùng được các thuốc kháng khuẩn thường được khuyến cáo khác.

2. Sử dụng thận trọng các quinolon và fluoroquinolon:

- Ở người cao tuổi, bệnh nhân bị có vấn đề trên thận, bệnh nhân ghép tạng, đặc biệt trên người được điều trị bằng các corticosteroid toàn thân. Những bệnh nhân này có nguy cơ cao xuất hiện tổn thương gân do fluoroquinolon và quinolon.

PRAC cũng khuyến cáo cán bộ y tế nên nhắc nhở bệnh nhân ngừng điều trị khi có các triệu chứng trên cơ, khớp và hệ thần kinh.

Kết quả đánh giá dữ liệu về tính an toàn của loại kháng sinh này cho thấy tuy tỷ lệ bệnh nhân được điều trị bằng các kháng sinh này gặp tác dụng phụ gây tàn tật vĩnh viễn là rất nhỏ, tức phản ứng là rất hiếm gặp, chủ yếu liên quan đến cơ, gân và hệ thần kinh nhưng không thể coi thường. PRAC thậm chí đã khuyến cáo nên rút số đăng ký của một số thuốc thuộc nhóm này.

Đối với các kháng sinh quinolon nằm ngoài khuyến cáo, PRAC cũng cảnh báo không sử dụng kháng sinh fluoroquinolon trong các trường hợp như: Điều trị nhiễm khuẩn trường hợp có thể cải thiện khi không cần điều trị hoặc các loại nhiễm khuẩn không nghiêm trọng (như viêm họng); Dự phòng tiêu chảy khi đi du lịch hoặc nhiễm khuẩn đường niệu dưới tái phát (nhiễm khuẩn đường tiết niệu không lan tới bàng quang); Điều trị cho bệnh nhân có tiền sử mắc phản ứng có hại nghiêm trọng khi sử dụng kháng sinh fluoroquinolon hoặc quinolon.

Đặc biệt, thận trọng khi sử dụng cho người cao tuổi, bệnh nhân có bệnh thận, bệnh nhân ghép tạng hoặc được điều trị bằng corticosteroid toàn thân do các đối tượng này có nguy cơ tổn thương gân gót chân cao hơn khi sử dụng các kháng sinh fluoroquinolon và quinolon.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các kháng sinh quinolon  sử dụng trong điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng như nhiễm trùng đường tiết niệu, đường ruột, sinh dục, tai mũi họng, nhiễm trùng da. Theo ANSM, cần xem xét trước thông tin về các tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi sử dụng các quinolon, hướng dẫn cho bệnh nhân về các dấu hiệu gợi ý của các tác dụng bất lợi đó và cách xử trí.

Trong mọi trường hợp, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng được mô tả dưới đây, bệnh nhân cần phải đi khám bác sĩ. Bệnh nhân không nên tự ý ngừng điều trị mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Bệnh viêm gân

Bệnh viêm gân liên quan đến các quinolon là tác dụng không mong muốn hiếm gặp nhưng có thể gây hậu quả nghiêm trọng (như đứt gân). Do đó, nếu xuất hiện dấu hiệu ban đầu như đau hoặc sưng ở gân, người bệnh cần đi khám ​​bác sĩ ngay lập tức. Các tác dụng này có thể xảy ra sớm nhất là 48 giờ đầu tiên sau khi sử dụng và lên đến vài tháng sau khi ngừng điều trị và có thể xảy ra sau một liều duy nhất. Khi xuất hiện của bệnh viêm gân sau khi điều trị bằng quinolon, cần ngừng điều trị và không nên sử dụng lại nhóm kháng sinh này sau đó. Cần có biện pháp thích hợp để các biểu hiện viêm gân hồi phục tốt như để các gân nghỉ ngơi, hạn chế vận động gót chân và tham khảo tư vấn chuyên khoa. Nguy cơ tăng lên ở những bệnh nhân đang được điều trị bằng corticoid, người cao tuổi, bệnh nhân hoạt động thể thao với cường độ cao hoặc trong giai đoạn bắt đầu đi lại sau khi nằm liệt giường.

Rối loạn nhịp tim - Nguy cơ gây kéo dài khoảng QT

Do các quinolon có khả năng gây kéo dài khoảng QT, cần thận trọng, thậm chí chống chỉ định dùng các thuốc ở những bệnh nhân có nguy cơ, bao gồm những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch đang sử dụng một thuốc khác có khả năng gây kéo dài khoảng QT hoặc bệnh nhân cao tuổi. Cần khuyến cáo bệnh nhân đến gặp ngay bác sĩ nếu họ gặp các dấu hiệu cho thấy có rối loạn nhịp tim.

Bệnh lý thần kinh ngoại biên

Các triệu chứng rối loạn thần kinh cảm giác và vận động ngoại vi đã được báo cáo với các quinolon, bao gồm cảm giác đau dữ dội, ngứa hay tê liệt, đặc biệt là ở tay hoặc chân. Những triệu chứng này có thể xảy ra nhanh chóng sau khi bắt đầu sử dụng các quinolon. Khi xuất hiện triệu chứng, bệnh nhân cần đi khám ​​bác sĩ để ngăn chặn bệnh tiến triển có thể gây ra những tổn thương không thể hồi phục.

Phản ứng nhạy cảm với ánh sáng

Bệnh nhân sử dụng quinolon cần được bảo vệ khỏi các bức xạ mặt trời hoặc tia cực tím để tránh phản ứng nhạy cảm với ánh sáng (bỏng da) trong suốt thời gian điều trị và một vài ngày sau khi kết thúc điều trị.

Các tác dụng phụ khác

Trong các tác dụng không mong muốn khác (có thể đặc trưng với một số quinolon nhất định), ANSM đặc biệt nhấn mạnh nguy cơ về co giật, biểu hiện tâm thần kinh hiếm gặp (như tự tử), ban mụn nước nặng trên da, trầm trọng thêm bệnh nhược cơ, tác dụng trên gan, rối loạn đường huyết, phản ứng tan máu trong trường hợp thiếu glucose-6-phosphat dehydrogenase (G6PD) hoặc rối loạn thị lực (bệnh nhân cần đi khán nhãn khoa ngay lập tức nếu thấy có giảm tầm nhìn).

Để biết thông tin đầy đủ về các nguy cơ an toàn của thuốc, ANSM đề nghị nhân viên y tế, bệnh nhân tham khảo chi tiết tờ thông tin sản phẩm đi kèm và tiếp tục tham gia báo cáo các biến cố bất lợi nghi ngờ liên quan đến các quinolon, đặc biệt là những phản ứng mới chưa được đề cập trong tờ thông tin sản phẩm, cho trung tâm cảnh giác dược khu vực tương ứng.

Tham khảo: http://ansm.sante.fr/S-informer/Points-d-information-Points-d-information/Profil-de-securite-des-quinolones-administrees-par-voie-generale-Point-d-Information

Theo ema.europa.eu 10/2018

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X