Hotline 24/7
08983-08983

Có phải hôm Tết em uống rượu, ăn thịt gà làm vết thương đau nhức?

Trong 2 giờ trực tại văn phòng AloBasi chiều 3/2, BS Lan Hương trả lời về biểu hiện rên hừ hừ khi ngủ ở người cao tuổi nhiều câu hỏi về gãy xương - vấn đề nóng của dịp Tết.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung buổi tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- Nguyen Quoc Khanh - nguyenquoc…@gmail.com

BS ơi, một bên thận có 4 cái nang thì có phải là bệnh thận đa nang không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Bệnh thận đa nang (Polycystic Kidney Disease – PKD) là 1 rối loạn di truyền đặc trưng bởi sự tăng trưởng của nhiều u nang trong thận. Chẩn đoán xác định bệnh thận đa nang khi ít nhất có 3 nang thận, với ít nhất 1 nang ở một thận. Khi có dưới 3 nang, hoặc nang chỉ có ở một bên thận, hoặc không thấy nang, thì không chẩn đoán được là bệnh thận đa nang, em nhé.


- Ngọc An - Ninh Thuận

Dạ BS cho em hỏi,

Em bị gãy xương cẳng chân, gãy cả 2 xương. Hiện giờ em đã được cố định ngoài được 3 tuần. Xương của em vỡ thành rất nhiều mảnh. Bây giờ em thấy bàn chân và các ngón chân có cảm giác tê rất nhiều và sưng nữa là vì sao ạ? BS giúp em với.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Ngọc An,

Gãy xương làm xáo trộn hệ thần kinh - mạch máu quanh khu vực đó, lưu thông mạch máu không được tốt như trước đây nên sẽ dễ gây sưng nề và tê, tình trạng này còn rõ hơn ở trường hợp gãy xương nặng, gãy nhiều mảnh.

Ngoài ra, chân còn chịu thêm ảnh hưởng của trọng lực và sức nặng cơ thể đè lên nên khi em đi lại nhiều hoặc đứng nhiều thì chân sẽ sưng nề và tê nhiều hơn. Tình trạng này là lành tính, có đặc điểm là sưng nhiều vào cuối ngày nhưng sẽ giảm khi kê chân cao, khi xoa bóp, ít sưng hơn vào buổi sáng; khác với sưng nề do viêm hay chèn ép là sẽ có kèm nóng đỏ đau hoặc da tím tái, không cải thiện nhiều khi kê chân cao và sẽ tiến triển nặng hơn nếu nguyên nhân viêm/ chèn ép không được giải quyết.

Vì thế, em cần tái khám lại BS chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, nơi đã điều trị cho em để BS xem xem có nhiễm trùng hay chèn ép gì nguy hiểm không mà xử trí thích hợp. Trong thời gian này, em chú ý hạn chế đi lại tối đa có thể, hạn chế đứng lâu, khi ngồi/ ngủ nên kê chân cao, có thể xoa bóp sẽ giúp cải thiện.


- Bạn đọc Lan - TPHCM

Thưa BS,

Em vô tình bị mèo con cắn dí máu ở đầu ngón tay. Từ hôm bị cắn đến nay là hơn 1 tuần rồi nhưng em chưa đi tiêm vắc xin, con mèo nhà em thì vẫn ăn uống sống bình thường, em không thấy biểu hiện dại ở nó.

Theo em biết thì bị cắn ở đầu chi phải đi tiêm ngay mà em lại chưa tiêm, liệu giờ tiêm còn có hiệu quả không? Mà con mèo nhà em vẫn sống bình thường thì em có khả năng bị dại không? em lo lắm, xin BS tư vấn giúp em. em cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Lan thân mến,

Nếu con mèo đã cắn em sau 10 ngày mà vẫn khỏe mạnh bình thường và còn sống, thì em không cần điều trị dự phòng dại sau phơi nhiễm, điều này an toàn vì con vật kia chắc chắn không bị dại và không lây bệnh cho em.

Nhưng em chú ý chăm sóc vết thương kỹ để tránh nhiễm trùng, nếu có biểu hiện sưng nóng đỏ đau hành sốt, tụ mủ thì phải đến BS để được xử trí thích hợp. Khi nuôi chó mèo còn cần phải tiêm ngừa dại và tẩy giun định kỳ cho nó.


- Hoang Nam - hoangnam…@gmail.com

Chào BS,

Em đang bó bột nhưng có vết thương té xe chưa lành ở đầu gối. Hồi hổm vết thương cứ chảy nước, em đi BV tái khám, BS đã rạch dọc bột cho em nhưng đến nay vết thương lâu lâu vẫn có chảy và nghe rét. Không biết như vậy có ảnh hưởng gì đến vết thương không ạ? Em cám ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Hoàng Nam,

Dịch vàng trong rỉ ra từ vết thương là huyết tương, là dịch vô trùng có tác dụng làm mát, ẩm và che chắn vết thương. Tuy nhiên dịch này là môi trường tốt để vi khuẩn xâm nhập, do đó phải rửa vết thương hằng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc pha với Povidine, sau đó dùng gạc mềm chấm khô và có thể quấn lại bằng gạc lưới khô, không quấn quá chặt vì chủ yếu để tránh va đập thêm, hoặc đắp gạc Duoderm cũng được, từ từ sẽ hết.

Nếu vết thương rỉ dịch mủ, lẫn máu kèm sưng nóng đỏ đau nhiều hơn là đã nhiễm trùng, phải vào viện để BS xem lại ngay. Với vết thương ở chân thì em nên hạn chế đi lại, càng đi lại nhiều hay đứng lâu thì càng tăng tạo dịch.

Vết thương rộng quá thì dịch cũng tạo ra nhiều hơn, cần thời gian chăm sóc lâu hơn. Nếu vết thương rỉ dịch kéo dài hay dịch ra quá nhiều thì cũng phải tái khám lại BS, em nhé.


- Huỳnh B. A. - mai…@gmail.com

Chào BS,

Cháu năm nay 15 tuổi, là nữ. Hiện tại cháu đang mắc bệnh xì hơi nhiều lần, cháu đã bị gần một năm. Đi khám được chẩn đoán bị ruột kích thích. Tình trạng của cháu đã giảm một chút so với lúc đầu bị bệnh.

Cháu đang cố uống nhiều nước và nhai kĩ, uống thuốc nhưng bệnh vẫn không khỏi. Cháu xin hỏi cần ăn uống như thế nào và uống thuốc gì để khỏi bệnh? Cháu xin cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Thực tế, ai cũng phải “xì hơi” vì nó chứng tỏ đường tiêu hóa hoạt động tốt. Về bản chất thì “xì hơi” nhiều không phải là bệnh. Tuy nhiên, với một số người thì “xì hơi” nhiều, liên tục lại là biểu hiện của một số bệnh về đường ruột.

Nếu như em có bất kỳ các bất thường nào kèm theo việc xì hơi như đau bụng, tiêu chảy, tiêu bón, tiêu ra máu, sụt cân, thiếu máu, sốt... thì nguyên nhân có thể là các bệnh lý nguy hiểm.

Các nguyên nhân lành tính của xì hơi nhiều gồm viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích, loạn khuẩn ruột, nhiễm giun sán... và phần lớn là do nguyên nhân từ thực phẩm ăn vào, gồm chế độ ăn nhiều tinh bột, khoai, đậu, mì gói, nước có gaz, trứng, rượu, đường nhân tạo...

Để giảm xì hơi, em nên khám chuyên khoa tiêu hóa để xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp, điều chỉnh lại chế độ ăn, hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu và các thực phẩm làm tăng tạo hơi đường ruột, có thể dùng thêm probio hay sữa chua mỗi ngày để bổ sung vi khuẩn đường ruột.

Tôi không khám cho em nên mọi tư vấn chỉ mang tính tham khảo, em cần trao đổi thêm với BS chuyên khoa tiêu hóa trực tiếp điều trị cho em nhé.


- Ngọc Diệp - Đồng Nai

Cháu đang dùng thuốc trị mụn. BS khuyên không sử dụng các loại thực phẩm có đường kể cả trái cây. Những người bệnh tiểu đường vẫn sử dụng được các loại trái cây như bưởi, ổi... vậy trái cây là ngọt tự nhiên sao cháu cũng không dùng được? Xin BS cho cháu lời khuyên.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Ngọc Diệp,

Người bị mụn nhiều cần phải kiêng đồ ngọt, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng và phải uống nước nhiều để thanh lọc cơ thể. Không nhất thiết là “không sử dụng các loại thực phẩm có đường kể cả trái cây”, chỉ cần hạn chế ăn các món đó là được, nghĩa là ăn ít lại, tăng cường rau xanh và uống đủ nước.

Trái cây mặc dù là ngọt tự nhiên nhưng ăn nhiều quá thì cũng dư đường và có loại trái cây nhiều đường hơn loại khác (VD như sầu riêng, mít, xoài, na (mãng cầu ta)…). Người bị tiểu đường cũng cần hạn chế đồ ngọt và có chế độ ăn hợp lý do bệnh tình.


- Nguyễn Hoàng H. - bla…@gmail.com

Chào BS,

Em 20 tuổi, vài ngày gần đây em thường xuyên đi ngoài ra máu, phân mềm dẻo, có nhầy và có cả máu trong nhầy nữa. Trước đó khoảng 10 ngày em có đi soi phân ở BV Hòa Hảo nhưng không có gì, BS chẩn đoán HCRKT cho thuốc uống giảm tình trạng đi ngoài nhiều lần, nhưng đến mấy hôm nay thì đi ra máu. Sức khỏe của em vẫn bình thường xin BS tư vấn giúp?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Có nhiều nguyên nhân gây đi cầu ra máu bao gồm trĩ, nhiễm ký sinh trùng, viêm loét đại trực tràng, polyp đại trực tràng, ung thư đại trực tràng...

Xét nghiệm phân bình thường thì chưa đủ để kết luận là hội chứng ruột kích thích, do vậy nếu em còn đi ngoài nhiều lần, còn thấy máu trong phân thì cần khám lại BS chuyên khoa tiêu hóa, để BS khám tổng quát và khám bụng, khám hậu môn trực tràng, làm một số xét nghiệm cần thiết (như xét nghiệm máu, siêu âm bụng, nội soi đại trực tràng...) mới xác định chắc chắn nguyên nhân và từ đó có hướng điều trị thích hợp.


- Nguyễn Nhật Q. - Cần Thơ

Em đi phân màu đen, mùi hôi như phân bình thường, em cũng không có dâu hiệu chóng mặt hay mệt mỏi. Xin hỏi BS em bị gì ạ, em cũng không ăn thức ăn có màu đen.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Đi cầu phân đen sợ nhất là do xuất huyết tiêu hóa và nhiễm trùng đường ruột.

Phân đen do xuất huyết tiêu hóa có đặc tính là phân sệt như bã cafe, tanh, dính như nhựa đường, đang chảy máu thì sẽ có ánh đỏ, người bệnh thường có đau bụng do máu trong đường ruột kích thích, có thể buồn nôn, nôn ra máu đỏ bầm/từng mảng đen như sương sa, nếu đi cầu phân đen lượng nhiều hay đi ít nhưng nhiều lần thì sẽ mệt, vã mồ hôi, choáng váng do mất máu từ trung bình - nhiều. Nếu phân đen do nhiễm trùng đường ruột thì cũng hành đau bụng, sốt...

Nếu đi cầu phân cũng đen nhưng không có các tính chất trên thì coi chừng do nguyên nhân khác, như do thức ăn, bón nhiều, do thuốc (đặc biệt là thuốc bổ sắt)... Tất cả các triệu chứng của em cho thấy phân đen này là bình thường, không có dấu hiệu nguy hiểm.


- Yến Ngọc - nhim…@gmail.com

Cách đây nửa năm em có đi xỏ khuyên tai ở sụn vành tai. Đến nay cạnh sát vết xỏ có phồng một nốt đỏ bên trong có dịch mủ. Em thường xuyên vệ sinh nước muối sinh lí và cồn iot loại màu vàng nâu. Tuy nhiên nó vẫn phồng lên và vài ngày lại có vẩy mỏng trên bề mặt nốt phồng. Xin BS cho biết đây là dấu hiệu gì và làm sao để hết sưng phồng được không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Yến Ngọc,

Theo thông tin em cung cấp, nhiều khả năng đây là nhọt ở vành tai. Những nhọt da này chăm sóc rất đơn giản. Em cần bôi thuốc kháng sinh - giảm viêm lên nhọt da mỗi ngày thì nhọt sẽ mau xẹp và không lan ra thêm. Về mặt lựa chọn thuốc nào thì em cần khám BS (da liễu, nội ngoại tổng quát đều được) vì quy định của bộ y tế là BS chỉ cho thuốc khi khám trực tiếp người bệnh.

Ngoài ra, em vẫn tắm rửa vệ sinh cơ thể mỗi ngày, chú ý vệ sinh kỹ 2 vành tai, thấm khô sau khi tắm, có thể dùng tăm bông hỗ trợ làm sạch. Nếu da mặt - da đầu nhờn nhiều thì cần lựa chọn sản phẩm dầu gội - sữa rửa mặt phù hợp vì nhờn là nguyên nhân sinh nhọt da.


- Viết Mến - Hà Nội

Chào BS, em mổ trật khớp vai được 2 tháng. Mấy hôm nay do tết nhất nên ăn thịt gà, uống 1 ít bia rượu và ăn bánh chưng, hôm sau có cảm giác đau nhức có phải do bia rượu không BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Viết Mến,

Ở người có bệnh Gout thì chế độ ăn nhiều thịt và bia rượu có thể gây đau khớp. Nếu em không bị Gout thì cảm giác đau nhức thường là do vận động nhiều ở nơi bị tổn thương, do trời trở lạnh hơn là do thức ăn với mức độ chỉ “ít rượu bia, ít thịt gà” như vậy.

Trước hết em nên nghỉ ngơi, ăn uống điều chỉnh lại cho phù hợp, thêm rau xanh trái cây, ít đạm ít tinh bột, không rượu bia. Nếu vẫn còn đau nhức nhiều thì cần khám chuyên khoa cơ xương khớp để được kiểm tra lại và xử trí thích hợp tương ứng, em nhé.


- Ngô Châu - doan.kim…@gmail.com

BS ơi! Mẹ em 70 tuổi, tai biến nhẹ. Gần đây cứ chợp mắt là rên hừ hừ. Em không biết là bị làm sao nên hỏi BS ạ. Em cảm ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Châu,

Biểu hiện của mẹ em có thể gặp trong rất nhiều nguyên nhân, như viêm nhiễm, bệnh lý hô hấp, tim mạch, thận... do vậy, em cần đưa mẹ đến BV để kiểm tra sức khỏe, có thể khám tổng quát hay chuyên khoa thần kinh đều được. BS sau khi thăm khám, làm xét nghiệm cần thiết sẽ xác định được nguyên nhân và điều trị thích hợp tương ứng, em nhé.


- Bích Thùy - Bình Thuận

Dạ chào BS,

Em dùng thuốc Acnotin10 được 18 ngày rồi nhưng môi em nứt và chảy máu. Hiện tại em có nên ngừng thuốc không và ngừng thì bao lâu em mới được uống lại? Mong BS trả lời giúp em, em cảm ơn nhiều ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Bích Thùy,

Acnotin 10 có thành phần chính là Isotretinoin. Tác dụng phụ hay gặp nhất là khô da, ngứa, khô mũi, chảy máu mũi, lở miệng, khô miệng, viêm mắt và đau khớp. Hiện tại nguyên nhân làm môi em nứt nẻ và chảy máu là do tác dụng phụ của Acnotin 10.

Em có thể xử trí bằng cách uống thêm nhiều nước trong ngày, ăn đồ mát, tránh thực phẩm cay nóng chiên xào. Nên bôi thêm kem làm ẩm và mềm môi, như dầu dừa, vaseline, kem dưỡng môi. Nếu môi vẫn khô nứt nhiều thì phải đến khám BS chuyên khoa da liễu để BS điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

Thân mến,

Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X