Hotline 24/7
08983-08983

Có phải cứ mắc viêm đại tràng là sẽ ung thư?

Đại tràng cũng giống như các bộ phận khác, nếu không được chăm sóc cẩn thận dễ dẫn đến các căn bệnh như viêm đại tràng, làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa cũng như sức khỏe của mỗi người. Khi bị viêm đại tràng điều lo lắng nhất của người bệnh là liệu căn bệnh này có diễn tiến thành ung thư không?

Viêm đại tràng là gì?


Viêm đại tràng hay viêm ruột đại tràng để chỉ những bệnh có tổn thương viêm mạn tính hay cấp tính do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra ở ruột và đại tràng.

Viêm đại tràng là một bệnh ở hệ tiêu hóa thường gặp, tỉ lệ mắc bệnh cao ở những nước đang và kém phát triển. Theo thống kê của Bộ Y tế, số lượng người Việt Nam mắc bệnh đại tràng mãn tính đã lên tới 4 triệu người, cao gấp 4 lần tỷ lệ mắc bệnh trung bình trên toàn cầu, lớn hơn tổng lượng người mắc bệnh của toàn châu Âu.

Bệnh khởi phát từ một đợt viêm đường tiêu hóa cấp tính do nhiễm khuẩn hay các ký sinh trùng trong ăn uống, tạo ra những tổn thương trên niêm mạc đại tràng. Lại thường xuyên tiếp xúc với thức ăn nên niêm mạc đại tràng trở nên dễ bị kích ứng và làm bệnh tái phát trở lại. Đây chính là “mầm mống” của bệnh viêm đại tràng mãn tính.


Nguyên nhân viêm đại tràng


Có rất nhiều nguyên nhân gây ra viêm đại tràng như:

Viêm đại tràng do vi khuẩn gây nhiễm trùng ruột kết: Nguyên nhân là do người bệnh ăn phải thức ăn kém vệ sinh, ôi thiu gây ngộ độc thực phẩm, nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời để bệnh kéo dài có thể dẫn đến tiêu chảy ra máu, cơ thể mất nước nghiêm trọng.

Viêm đại tràng do lị amip: Amip này rất nguy hiểm, nó lẫn vào thức ăn, đi qua dạ dày, ruột non, cuối hỗng tràng và vào đại tràng gây bệnh.

Viêm đại tràng do lao: Bệnh thường thứ phát sau khi bị lao phổi hoặc cũng có trường hợp lao ruột nguyên phát do nhiễm khuẩn lao qua đường ăn uống.

Căng thẳng nhiều, lo lắng, mất ngủ… làm rối loạn vận động của đường tiêu hoá, trong đó có đại tràng cũng là nguyên nhân hình thành bệnh. Ăn những thực phẩm không tốt cho người vị viêm đại tràng như thức ăn có nhiều chất béo, gia vị cũng làm cho triệu chứng của bệnh xuất hiện.

Viêm đại tràng có tiến triển thành ung thư?


Bệnh đại tràng chia 2 thành loại có loại gây ung thư có loại không. Tron đó, bệnh đại tràng chức năng, không có tổn thương trên niêm mạc đại tràng nhưng vẫn gây đau bụng, táo bón, đi ngoài phân lỏng, hoặc gây cả hai táo bón và đi ngoài lỏng. Bệnh ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt hàng ngày nhưng không ảnh hưởng đến tính mạng.

Bệnh đại tràng trên niêm mạc có tổn thương viêm, gây chảy máu đại tràng, sau 8 - 10 năm thường tiến triển nặng, nguy cơ tiến triển thành tế bào ác tính gây ung thư. Một loại nữa không viêm nhưng soi thấy polyp, trong đó có polyp tuyến trên 1cm nguy cơ gây ung thư cao hơn, dưới 0,5cm ít gây ung thư.

Phân biệt viêm đại tràng với viêm đại tràng co thắt




Đau bụng, đi ngoài nhiều lần trong ngày đều là những triệu chứng của bệnh viêm đại tràng và đại tràng co thắt. Chính vì những triệu chứng giống nhau như vậy khiến nhiều người bị nhầm lẫn giữa 2 bệnh này, dẫn tới việc điều trị sai hướng và bệnh không khỏi được.

Nếu viêm đại tràng là tình trạng viêm nhiễm khiến niêm mạc đại tràng bị tổn thương do vi khuẩn và ký sính trùng tấn công qua đường ăn uống, cũng có thể khởi phát do viêm đường tiêu hóa cấp tính gây nên. Viêm đại tràng có các ổ viêm và loét nhìn thấy được khi siêu âm hoặc nội soi. Còn viêm đại tràng co thắt (hay còn gọi là hội chứng ruột kích thích): là một rối loạn cơ năng của đại tràng, người bệnh không có biểu hiện bất thường nào ở đại tràng, khi nội soi không có ổ viêm loét.

Có thể phân biệt viêm đại tràng và viêm đại tràng co thắt bằng những dấu hiệu sau:

Triệu chứng

Triệu chứng viêm đại tràng

Triệu chứng viêm đại tràng co thắt

Đau bụng

Đau âm ỉ, đau thường cố định một chỗ, thường ở hố chậu trái hoặc phải

Đau dữ dội, đau quặn, có thể đau âm ỉ nhưng không nhiều, thỉnh thoảng có thể sờ thấy những cục rắn nổi lên dọc khung đại tràng

Đi ngoài

 

Đi ngoài táo hoặc lỏng, đi ngoài xong cảm thấy dễ chịu. Đi ngoài có thể có máu.

Ngoài thể táo và lỏng, người bệnh còn hay có thể hỗn hợp kiểu đầu rắn đuôi nát, đi ngoài phân thường nhỏ dẹt như phân mèo. Đi ngoài xong vẫn có cảm giác muốn đi ngoài tiếp, ăn xong có cảm giác muốn đi ngoài ngay. Đi ngoài không bao giờ lẫn máu.

Yếu tố thần kinh

Người bị viêm đại tràng ít bị tác động bởi yếu tố thần kinh

Người bị đại tràng co thắt bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thần kinh như lo lắng, căng thẳng, stress tâm lý khiến các triệu chứng tăng nặng.

Triệu chứng khác

Thường chỉ có triệu chứng trong hệ tiêu hóa

Người bệnh thường có 1 số triệu chứng ngoài tiêu hóa như đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, hồi hộp, tim đập nhanh


Cách phát hiện viêm đại tràng


Y học hiện đại ngày nay vô cùng phát triển, để chẩn đoán bệnh viêm đại tràng, các bác sĩ cần dựa vào thăm khám lâm sàng và các cận lâm sàng như sau: Nội soi trực tràng hoặc soi đại tràng toàn bộ (đây là biện pháp chính để chẩn đoán viêm đại tràng); Xét nghiệm phân; Xquang khung đại tràng; Mô bệnh học.

Viêm đại tràng và cách điều trị


Viêm đại tràng là một bệnh rất khó điều trị dứt hẳn cho nên nguyên tắc chung là điều trị nội khoa với phương châm kiên trì, toàn diện, bao gồm các giải pháp như lựa chọn chế độ ăn uống, chế độ làm việc và sinh hoạt phù hợp.

Do đó, tùy theo bệnh trạng cụ thể mà việc điều trị viêm đại tràng sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc phù hợp để loại trừ nguyên nhân gây bệnh như sử dụng kháng sinh để chống nhiễm trùng, chống nhiễm nấm, chống ký sinh trùng, thuốc giảm đau và chống co thắt, chống tiêu chảy, chống loạn khuẩn...

Bệnh nhân khi thấy mình có triệu chứng viêm đại tràng nên đến gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán và điều trị, không nên tự ý dùng thuốc.

Viêm đại tràng là một bệnh rất khó điều trị dứt hẳn cho nên nguyên tắc chung là điều trị nội khoa với phương châm kiên trì, toàn diện. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Viêm đại tràng nên ăn gì?


Người viêm đại tràng nên hạn chế ăn những món ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, đồ ăn cay nóng. Cũng không nên ăn nhiều thịt, vì thịt có nhiều protein (đạm) là nguyên nhân dễ gây ra rối loạn tiêu hóa.

Nên ăn nhiều rau củ quả, đặc biệt là đồ luộc, thực phẩm giàu đạm như cá, thịt nạc xay, thịt gia cầm, đậu phụ, giá đỗ, đặc biệt là các loại thực phẩm xanh giàu đạm thực vật (như tảo spirulina, rau chùm ngây, rau ngót), sữa đậu nành, các loại sữa tách béo…

Nên bổ sung các loại rau quả xanh có chứa nhiều vitamin như: rau ngót, rau muống, rau cải,…có tác dụng nhuận tràng rất tốt giúp bệnh nhân giảm được những đau đớn khi đi vệ sinh.

Khi bị táo bón: người bệnh nên ăn nhiều các loại rau củ quả chứa nhiều chất xơ hòa tan dễ tiêu như chuối, bơ, khoai lang, khoai tây, rau mùng tơi, rau đay, bí đỏ, đậu đỏ, đậu đen,…

Khi bị tiêu chảy, phân mùi chua: nên hạn chế ăn các loại thực phẩm dễ lên men như dưa cà muối, sữa chua,…

Nên uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày. Bổ sung các loại đồ uống lành mạnh như sinh tố, nước ép rau quả, nước lọc…

Các thực phẩm dành cho người viêm đại tràng nên chế biến dưới dạng hấp, luộc hoặc kho. Hạn chế các món chiên, xào, rán, các loại nước có ga, chất kích thích... Ngoài ra, người bệnh không nên ăn các món ăn lạ, không bỏ bữa, không ăn quá nhiều một bữa gây quá tải cho hệ tiêu hóa và dễ đầy bụng, chướng hơi, dễ bị đi ngoài.

Bạn có thể phòng ngừa viêm đại tràng bằng cách:

- Vệ sinh ăn uống, không ăn thực phẩm đã ôi thiu hay thức ăn được chế biến từ thực phẩm nhiễm bệnh, ăn chín, uống sôi.

- Rửa tay trước khi ăn, không ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín như tiết canh, gỏi cá, thịt sống, các loại rau sống cần được rửa kỹ và tiệt trùng trước khi ăn.

- Ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau như thịt, trứng, cá, rau quả,...

- Có thể dùng các loại sữa chua, men vi sinh để hỗ trợ tiêu hóa, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.

- Tẩy giun sán định kỳ 6 tháng một lần.

- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để nâng cao sức khỏe.

Minh Phương (Tổng hợp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X