Hotline 24/7
08983-08983

Có nên tự uống bia để giải ngộ độc rượu?

Không nên nhầm tưởng "cứ uống bia là giải độc rượu", bởi việc sử dụng chất ethanol trong điều trị phải do bác sĩ quyết định liều lượng và cách dùng.

Sau công bố của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu bằng cách truyền gần 5 lít bia vào dạ dày kết hợp lọc máu, nhiều người hiểu lầm uống bia để giải độc rượu.

Bác sĩ Vũ Đình Thắng, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), khuyến cáo: "Người dân không nên tự ý thực hiện dùng bia giải độc rượu".

Theo bác sĩ Thắng, phương pháp dùng bia có ethanol giải độc cần phải do bác sĩ chỉ định và thực hiện ở cơ sở y tế, với liều lượng phụ thuộc vào tình trạng ngộ độc của bệnh nhân.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Ân, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Phó Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu TPHCM, cũng cảnh báo người dân không được hiểu "có thể chữa say rượu bằng uống bia".

"Nếu không có chẩn đoán ngộ độc methanol, người say rượu hay đang ngộ độc ethanol mà tự ý uống thêm bia sẽ làm tình trạng nặng hơn", tiến sĩ Ân cho biết.

Tiến sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, nói rõ: "Người bị ngộ độc methanol uống ethanol sẽ có tác dụng giải độc. Người bị ngộ độc ethanol vẫn tiếp tục uống ethanol thì bệnh sẽ càng trầm trọng".

Bệnh nhân Nhật khi đang hôn mê tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hoàng Táo.


Có các dấu hiệu khác nhau giữa người say rượu ethanol với ngộ độc cồn công nghiệp methanol.  Rượu dùng để uống là rượu ethanol nấu từ ngũ cốc. Uống rượu ethanol tùy mức độ có thể bị say, kích động lời nói và hành động, nhức đầu choáng váng, đi đứng loạng choạng, buồn ngủ, nôn ói, hôn mê...

Rượu bị pha với cồn công nghiệp methanol sẽ gây ngộ độc. Các biểu hiện ngộ độc methanol thường gặp là mệt, khó chịu, nôn ói, nhìn mờ, nhìn đôi, hôn mê dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

"Sau khi uống rượu khoảng 6-12 giờ nếu xuất hiện các triệu chứng mệt, nhìn mờ, lơ mơ, cần phải nhanh chóng vào viện", bác sĩ Thắng nói. Khi ấy bác sĩ sẽ cho bệnh nhân truyền ethanol qua sonde dạ dày và tiến hành lọc máu. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân chỉ cần lọc máu, không cần truyền ethanol.

Với người lớn liều 8 g methanol (1 ml dung dịch 100%) đã gây ngộ độc dẫn đến mù. Liều 10 g methanol (30 ml dung dịch 40%), nạn nhân có thể tử vong.

Trẻ em bị ngộ độc methanol với liều 0,25 ml/kg sẽ mù mắt và 0,5 ml/kg đủ để dẫn đến tử vong.

Thường các dấu hiệu nhiễm độc methanol diễn tiến qua hai giai đoạn. Giai đoạn kín đáo là từ vài giờ đến 30 giờ đầu sau uống. Triệu chứng ngộ độc lúc đầu thường nhẹ như ức chế thần kinh, an thần, vô cảm... nên bệnh nhân chủ quan bỏ qua hoặc trẻ nhỏ không được phát hiện.

Giai đoạn hai biểu hiện tình trạng ngộ độc rõ ràng hơn.

Rất nhiều trường hợp ngộ độc methanol hôn mê sâu vào bệnh viện tuyến dưới được chẩn đoán nhầm sang bệnh khác. Chẩn đoán nhầm khiến bệnh nhân được điều trị sai phác đồ, lỡ thời gian vàng, bệnh trạng trầm trọng hơn và ảnh hưởng tính mạng.

Theo Lê Phương - Lê Nga - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X