Hotline 24/7
08983-08983

Có nên tiếp tục cho con uống thuốc điều trị Hp hay ngưng?

Câu hỏi

Em chào bác sĩ, Chồng em bị viêm dạ dày, xét nghiệm Hp+, con gái 5 tuổi xét nghiệm Hp+, bác sĩ cho thuốc điều trị cho bé 7 ngày tái khám, khi tới tái khám thì lại không gặp bác sĩ hôm trước, bác sĩ khác khám không cho điều trị, nói bé còn nhỏ nên căn cứ theo lời mẹ kể (đánh răng hay ói, bé rất lười ăn, 5 tuổi có 16kg) thì bé chưa phải điều trị Hp mà chỉ điều trị trào ngược dạ dày và biếng ăn thôi. Em rất hoang mang, tại sao hôm trước bác sĩ kia khám, xét nghiệm phân, cho điều trị thuốc đã 7 ngày, tới khi tái khám bác sĩ này lại kêu không phải điều trị. Kính mong bác sĩ trả lời giúp em, bé em bị Hp+ vậy có phải chữa trị không?

Trả lời
Nên cho bé đi khám ở bác sĩ chuyên khoa Nhi khi con nhiễm HP phụ huynh nhé
Nên cho bé đi khám ở bác sĩ chuyên khoa Nhi khi con nhiễm Hp phụ huynh nhé. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Mục đích trước tiên của chỉ định xét nghiệm trên các bệnh nhân có các triệu chứng dạ dày ruột là để xác định nguyên nhân của triệu chứng chứ không chỉ xác định nhiễm H pylori.

Ở trẻ em có rất nhiều nguyên nhân gây ra ói và lười ăn dễ gây nhầm lẫn với nhiễm Hp ở trẻ em. Ngoài ra, để quyết định điều trị, bác sĩ cũng cần phải biết kết quả nội soi của bé là gì, test Hp nào được sử dụng để chẩn đoán vì mức độ tin cậy của từng test khác nhau.

Nhìn chung, chỉ định làm xét nghiệm và điều trị nhiễm Hp ở trẻ em không giống như ở người lớn nên nếu để cho bác sĩ tiêu hoá người lớn xử trí có thể sẽ dẫn tới việc tiệt trừ Hp quá tích cực, không phù hợp với lứa tuổi nhỏ. Như vậy, cần phải làm rõ nguyên nhân xảy ra triệu chứng của bé là gì, ở đây cần có bác sĩ nhi khoa chuyên về tiêu hoá khám và đánh giá trực tiếp.

Bạn nên cho bé tái khám tại bệnh viện Nhi, chuyên khoa Tiêu hoá, mang theo các kết quả xét nghiệm cũ để bác sĩ tư vấn cụ thể hơn bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm khuẩn Hp đặc biệt là ở trong môi trường có bố, mẹ bị nhiễm Hp hoặc môi trường có tình hình vệ sinh không tốt.

Triệu chứng của nhiễm Hp ở trẻ em là đau bụng: đau quanh rốn hay ở vùng thượng vị (là vùng ở giữa, nơi tiếp giáp giữa bụng và ngực, còn được gọi là “chấn thủy”), ít khi có ợ chua, đau có thể liên quan đến bữa ăn hay không. Một số trẻ bị loét dạ dày tá tràng có thể vào viện vì nôn ra máu hoặc đi tiêu phân đen hôi. Đôi khi trẻ không biểu hiện gì nhiều ngoài việc ngày càng xanh xao, thiếu máu mà không giải thích được.

Một số bệnh dạ dày tá tràng do vi khuẩn Hp gây ra trên trẻ em là viêm dạ dày tá tràng, loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa. Ung thư dạ dày rất hiếm gặp ở trẻ em. Ngoài bệnh lý trên dạ dày, trẻ em cũng thường bị thiếu máu thiếu sắt khi nhiễm Hp do vi khuẩn Hp làm giảm khả năng hấp thu sắt trong dạ dày, trẻ cũng có nguy cơ bị các bệnh dị ứng, miễn dịch và ban xuất huyết khi có Hp trong dạ dày.

Theo khuyến cáo của Hội Tiêu hóa gan mật châu Âu thì những trường hợp sau nên tiệt trừ Hp cho trẻ:

- Tất cả trẻ bị loét dạ dày tá tràng có Hp (+)
- Khi trẻ có Hp phát hiện qua mô bệnh học nhưng không có loét dạ dày tá tràng, có thể cân nhắc điều trị diệt Hp, việc điều trị lúc nào sẽ do phụ huynh quyết định dưới sự tư vấn của bác sỹ chuyên khoa.
- Trẻ nhiễm Hp mà trong gia đình có người bị Ung thư dạ dày.

Việc sử dụng kháng sinh cho trẻ trong thời gian dài có thể gây ra một số tình trạng như rối loạn vi khuẩn đường ruột, giảm sức đề kháng tự nhiên, gây suy nhược cơ thể trẻ và nhiều tác hại khác. Chính vì vậy, bạn cần thật cân nhắc khi quyết định điều trị Hp cho trẻ và lựa chọn giải pháp an toàn để điều trị.



Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X