Hotline 24/7
08983-08983

Có nên dùng phấn rôm cho trẻ sơ sinh?

Nhiều bà mẹ có thói quen, sau khi bé tắm xong thường thoa phấn rôm cho da bé mịn màng, chống hăm tã, nhưng nếu sử dụng trong thời gian dài thì rất có hại cho sức khỏe của trẻ.

Chị Liên (Mai Dịch, Cầu Giấy) chia sẻ, chị rất thích thoa phấn rôm cho bé, vì da dẻ bé mịn màng, hạn chế được hăm tã cho bé, nhất là ngủi mùi con rất thơm, không giống những bé nhà khác cứ có mùi mũi dãi thậm chí mùi khai.

Cũng tương tự như chị Liên, chị Hà Anh ở Cầu Diễn cũng rất thích thoa phấn rôm cho em bé mới sinh nhà mình, mỗi khi tắm xong, chị cứ chấm rặm phấn rồi phủ khắp nách, bẹn con, nhiều khi bé còn hắt xì cả lên, không biết bé có hít phải chút phấn nào không, và tác hại ra sao nữa.

Theo báo cáo của các Trung tâm kiểm soát độc chất các nước cho thấy, phấn rôm tiềm ẩn những nguy hại đối với sức khỏe của trẻ khó lường mà ít người biết đến. Mặc dù không gây độc toàn thân nhưng hít phải phấn rôm dễ gây thiếu oxy do tắc đường dẫn khí, cản trở hoạt động nhung mao hô hấp. Trẻ hít phải phấn rôm có thể gây ho, suy hô hấp và di chứng phổi về lâu về dài có thể xảy ra.

Theo báo cáo hàng năm của Trung tâm kiểm soát độc chất Hoa Kỳ, đã có đến 6.291 trường hợp ngộ độc phấn rôm xảy ra vào năm 2002. Xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 6 tuổi 5.719 trường hợp (91%), 259 trường hợp (4,1%) ở trẻ lớn hơn 6 tuổi và cũng có 301 trường hợp (4,8%) xảy ra ở người lớn. Có 409 (6,4%) ca phải nhập viện.

Bởi lẽ, trong phấn rôm có chứa một lượng bột đá nhảy talc nhất định, khi bôi lên người, một chút bột bị trẻ hít vào có thể được thải ra ngoài nhờ chức năng tự vệ của khí quản, nhưng nếu sử dụng lâu dài, trẻ hít bột talc vào quá nhiều chất này sẽ hút khô các chất nội tiết bình thường của cả tầng biểu bì khí quản, phá hoại chức năng mao tiêm của khí quản; trường hợp bị nặng còn làm tắc khí quản, biểu hiện ra là trẻ ho không dứt, thậm chí thở hổn hển, chữa trị không có hiệu quả.

Cùng với đó các chuyên gia y tế cũng khuyên không nên sử dụng phấn rôm cho bé gái nhất là vùng kín mặt đùi trong, ngoại âm hộ, bụng dưới…nếu bé gái sử dụng phấn rôm trong thời gian dài, nguy cơ phát bệnh u buồng trứng tăng cao.

Có nên dùng phấn rôm cho trẻ sơ sinh?
Các chuyên gia y tế cũng khuyên không nên sử dụng phấn rôm cho bé gái nhất là vùng kín mặt đùi trong, ngoại âm hộ, bụng dưới… Ảnh minh họa

Ngoài ra, các nhà khoa học giải thích nguyên nhân phấn rôm có liên quan tới khối u ác tính ở buồng trứng là do cấu tạo cơ thể bé gái. Hố chậu và bộ phận sinh dục bên trong của nữ thông với bên ngoài, do đó bụi phấn, chất ô nhiễm siêu nhỏ từ môi trường có thể xâm nhập vào hố chậu thông qua âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, ống dẫn trứng dẫn đến viêm nhiễm, tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển. Khi thoa phấn rôm vào vùng bụng dưới của bé gái, các hạt bụi phấn li ti sẽ dễ dàng xâm nhập cơ thể và nhiễm vào âm đạo của bé.

Một số tài liệu thống kê của nước ngoài cho thấy, cứ 70 bé gái mới sinh ra thì có một bé sẽ mắc phải u ác tính buồng trứng trong cuộc đời của mình. Ung thư buồng trứng rất khó phát hiện, tỷ lệ tử vong trong số các bệnh u bướu ở phụ nữ chỉ đứng sau ung thư cổ tử cung.

Khoang chậu ở nữ giới nối thông với thế giới bên ngoài, đặc biệt là bộ phận sinh dục trong của phụ nữ nối trực tiếp với thế giới bên ngoài. Vì vậy, bụi đất, các loại hạt của môi trường bên ngoài đều có thể xâm nhập vào trong khoang chậu thông qua ngoại âm bộ, âm đạo, cổ tử cung, ống dẫn trứng và còn bám vào bề mặt của buồng trứng, kích thích các tế bào thượng bì của buồng trứng sinh trưởng, gây ung thư buồng trứng.

Tuy hiện nay vẫn chưa có kết luận hoàn toàn về việc phấn rôm có thể gây ra ung thư buồng trứng nhưng các bà mẹ trẻ cần thận trọng khi thoa phấn, không được để bột bay lung tung; tránh xoa phấn rôm cho các bé gái ở phần dưới của cơ thể, kể cả ở phụ nữ trưởng thành cũng không nên sử dụng.

Sau khi sử dụng cần cất ngay phấn rôm vào chỗ quy định, không được để cho trẻ dùng làm đồ chơi, tránh xoa cho trẻ ở những nơi có gió, tránh cho gió thổi bay những bột này vào khí quản của trẻ.

Theo Lan Thảo - Sức khỏe cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X