Hotline 24/7
08983-08983

Có nên dùng bia để uống giải độc rượu?

Câu hỏi

Xin chào bác sĩ, Vừa qua tôi thấy báo chí đưa tin vụ bác sĩ ở Quảng Trị dùng bia để giải độc rượu, như vậy nếu chồng tôi say rượu quá mức, tôi cho uống bia có được không bác sĩ?

Trả lời

ThS.BS Khâu Minh Tuấn

ThS.BS Khâu Minh Tuấn

Phụ trách khoa Cấp cứu tổng hợp - Bệnh viện Nhân dân 115

Có nên uống bia khi say rượu? Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Có nên uống bia khi say rượu? Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Vừa qua, báo chí đưa tin đội ngũ bác sĩ khoa Hồi sức chống độc Bệnh viện đa khoa Quảng Trị đã truyền 15 lon bia vào dạ dày bệnh nhân ngộ độc methanol và đã cứu sống được bệnh nhân. Tin này làm cho các đệ tử lưu linh tột độ phấn khích, các hãng bia thì hồ hởi gấp bội, trong khi đa phần cư dân mạng hoang mang phương pháp “dĩ độc trị độc” của các bác sĩ.

Rượu ethanol mà chúng ta thường uống chủ yếu được phân hủy tại gan bởi men ADH, sau đó nhanh chóng được phân hủy thành CO2 và nước rồi đào thải ra ngoài. Do đó nếu uống một lượng ethanol (bia rượu) hằng ngày ở một mức độ vừa phải thì ít có khả năng gây ngộ độc cấp tính.

Rượu methanol ngoài tác động gây độc, ức chế hệ thần kinh như ethanol, khi phân hủy nó còn sinh ra formaldehyde, có thể làm hủy hoại thần kinh mắt gây mù và acid formic, formate gây toan chuyển hóa, giảm oxy máu và các rối loạn khác làm cho bệnh nhân nhanh chóng hôn mê dẫn tới tử vong. Tuy nhiên, ngộ độc methanol diễn tiến chậm vì nó cần thời gian chuyển hóa thành các chất gây độc nêu trên.

Kể cả ethanol (rượu uống được) và methanol (không uống được) đều có thể gây độc và gây chết người nhưng methanol nguy hiểm hơn nhiều.

Một vài nghiên cứu cho thấy trong cùng một thời điểm, ethanol có thể ức chế methanol. Trong “Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc” của Bộ Y tế Việt Nam năm 2015, trang 180 có đề cập và chỉ định dùng ethanol truyền dạ dày trong xử trí cấp cứu ngộ độc methanol nhưng chỉ đề cập “rượu mạnh”. Sử dụng bia để truyền cho bệnh nhân thay ethanol nguyên chất chỉ là biện pháp “túng thế tùng quyền”.

Tại Mỹ, việc sử dụng ethanol trong cấp cứu ngộ độc methanol đã được sử dụng cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng chưa được FDA chấp nhận do chưa đủ chứng cứ, hơn nữa nó là rượu và có tác hại chứ không phải hoàn toàn an toàn. Nếu tai biến xảy ra thì quả là lợi bất cập hại!

Nói dùng bia truyền để cứu sống bệnh nhân ngộ độc methanol là một cách nói quá, nó chỉ là một bước trong quá trình cấp cứu, quan trọng nhất vẫn là hồi sức, giữ được các dấu hiệu sinh tồn ổn định như hô hấp, tuần hoàn và chống toan chuyển hóa, quan trọng nhất vẫn là lọc máu để loại trừ chất độc.

Vì vậy, bạn không nên dùng bia để cho chồng uống giải độc rượu vì có thể làm tăng tình trạng ngộ độc ethanol.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Quy định về Hướng dẫn và xử trí ngộ độc do Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế ban hành ngày 31/8/2015, nêu rõ bệnh nhân bị ngộ độc rượu do có chứa chất methanol (cồn công nghiệp), với các tiêu chuẩn như nồng độ methanol trên 20 mg/dl, nhiễm toan chuyển hóa không giải thích được nguyên nhân, có thể dùng ethanol trong thời gian chờ đợi lọc máu hoặc đang được lọc máu.

Ethanol sẽ ngăn cản việc methanol chuyển hóa thành các chất độc (axit formic và format), methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu.

Việc sử dụng ethanol hiệu quả, rẻ tiền nhưng có tác dụng phụ lên thần kinh trung ương, hạ đường huyết, rối loạn điện giải. Dù vậy, các bác sĩ có thể sử dụng ethanol đường uống đơn giản hơn, dễ theo dõi và điều chỉnh hoặc đường tĩnh mạch. Tại Quảng Trị, các bác sĩ đã áp dụng giải độc methanol cho bệnh nhân bằng cách sử dụng ethanol đường uống (sử dụng ethanol có trong bia).

Cục Quản lý Khám chữa bệnh quy định dùng rượu uống (chọn loại an toàn, có ghi rõ độ cồn), pha loãng thành rượu có nồng độ 20% (1 ml chứa 0,16 gram ethanol) và cho liều ban đầu 4ml/kg để uống hoặc nhỏ giọt vào sonde dạ dày, khi uống có thể pha thêm đường hoặc nước quả. Sau liều ban đầu này có thể cho uống liều duy trì, bằng khoảng 1/10 liều ban đầu.

Trong quá trình sử dụng ethanol đường uống, các bác sĩ cần theo dõi nồng độ ethanol trong máu (nếu có điều kiện), duy trì 100-150mg/dL. Theo dõi tri giác, nôn, uống thuốc, tình trạng hô hấp, mạch, huyết áp, đường máu, điện giải máu. Xử trí tai biến và cần đảm bảo bệnh nhân được cung cấp đủ glucose.

Bác sĩ sẽ ngừng ethanol khi bệnh nhân đạt các tiêu chuẩn sau: khoảng trống thẩm thấu máu về bình thường hoặc nồng độ methanol máu dưới 10m/dL. Tình trạng nhiễm toan chuyển hóa như mô tả trên và lâm sàng (đặc biệt thần kinh trung ương) đã cải thiện.

ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh việc điều trị ngộ độc rượu bằng cách nào chỉ có thể tiến hành ở trong bệnh viện và dưới sự thực hiện của bác sĩ có chuyên môn, tuân thủ theo phác đồ điều trị, có sự giám sát thường xuyên.

Người dân không được tự dùng bia giải độc rượu trong cộng đồng vì không thể xác định được đúng tình trạng ngộ độc của cơ thể là do chất gì (methanol hay ethanol), khi đó sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.


ThS.BS Khâu Minh Tuấn
Phó khoa Cấp cứu tổng hợp, BV Nhân dân 115

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X