Hotline 24/7
08983-08983

Cơ hội nào cho bệnh nhân nghèo chữa bệnh?

Sáng 20/1, tại khoa phẫu thuật tim BV đại học Y dược TPHCM, bé T.M, hơn một tháng tuổi, khóc ngọ ngoẹ khi được điều dưỡng chăm sóc vết thương sau ca mổ tim.

Tưởng như không qua khỏi, nhưng bé T.M đã mạnh khỏe sau hơn một tháng điều trị. Tuy nhiên, vấn đề mà gia đình đối mặt là chi phí chữa trị quá nhiều không thể lo được.

Nhìn bề ngoài bé khoẻ mạnh, chẳng ai ngờ trước đó có lúc tưởng chừng bé đã không có mặt trên cõi đời này.

Mẹ bé, chị D., 28 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM, cho biết chị lập gia đình cách đây hai năm. Hai vợ chồng đều nghèo, đi làm mướn kiếm sống. Năm qua, chị D. có thai, đi siêu âm bác sĩ phát hiện thai bị bệnh tim bẩm sinh và kêu bỏ thai, nhưng chị từ chối vì là đứa con đầu. Chị nói: “Đến tuần thứ 33 đi siêu âm lại, bác sĩ hội chẩn nói bệnh bé nặng lắm, sanh ra điều trị rất tốn kém. Nghe thế, tôi rất phân vân”.

Chỉ trông đợi lòng hảo tâm

Nhưng trong cuộc hội chẩn đó có BS Cao Đằng Khang, phó khoa phẫu thuật tim BV Đại học Y Dược TPHCM. Anh nói: “Em bé bị đứt đoạn động mạch chủ, thông liên thất và còn ống động mạch. Vẫn còn cơ may điều trị cho bé, nhưng phải có nhà hảo tâm giúp đỡ”.

Ra đời tại bệnh viện sản, em bé được chuyển sang bệnh viện đại học Y dược theo dõi, nhưng đến ngày thứ 9 thì ngưng tim, ngưng thở. “Chúng tôi định để bé 2 - 3 tuần tuổi mới mổ. Nhưng không ngờ bé lại diễn tiến xấu. Có ý kiến đề nghị không mổ, nhưng tôi nghĩ nếu không mổ bé chắc chắn chết, mổ là cơ hội duy nhất để bé có thể sống”, BS Khang nói.

Ca mổ không khó, nhưng do các vấn đề về tim nên hai phổi của bé bị tổn thương nặng. Bác sĩ phải để hở xương ngực bé trong hai tuần, hồi sức nhi tích cực cho bé hơn một tháng, cuối cùng sức khoẻ bé dần dần được cải thiện.

Sau nhiều ngày điều trị, T.M ổn định và nay mai sẽ về nhà. Mổ xong, không ít người bi quan vì tưởng bé không qua nổi, nhưng không ngờ thành công tốt đẹp. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất hiện tại là chi phí nằm viện và điều trị của T.M lên cả trăm triệu đồng, chỉ trông đợi vào lòng hảo tâm, vì gia đình bé quá nghèo.

Sát giường T.M là trường hợp tương tự đến từ Đồng Tháp. Chị T., mẹ bé, cho biết con được bốn tháng tuổi, nhưng ba tháng phải nằm ở bệnh viện nhi đồng vì bệnh tim nặng và viêm phổi do nhiễm trùng bệnh viện. Thời may, bác sĩ bên BV Đại học Y dược TPHCM qua hội chẩn và nhận về điều trị.

Theo thông tin từ bệnh viện, bé bị kênh nhĩ thất toàn phần, suy tim và có hội chứng Down nhẹ. Chị T. vừa nói vừa khóc: “Đứa đầu của tôi phải bỏ vì khám thai bác sĩ phát hiện bệnh nặng. Đứa này tưởng khá hơn nhưng không ngờ. Hai vợ chồng đều đi làm mướn kiếm sống, sang năm xã mới đưa vào diện hộ nghèo, nên tiền chữa bệnh cho con không biết lấy đâu bây giờ”.

Nỗi lòng người thầy thuốc

Những hoàn cảnh bi đát như hai trường hợp trên gặp khá nhiều ở các bệnh viện công lập hiện nay. Thời bệnh viện tự chủ tài chính, tính đúng, tính đủ mọi khoản lên bệnh nhân, nên viện phí là gánh nặng khá lớn đối với nhiều người, ngay cả khi họ có bảo hiểm y tế chi trả.

Trong thực tế, người nghèo là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất trong các bệnh viện hiện nay. Dù có chính sách miễn giảm viện phí cho họ, nhưng không phải trường hợp nào cũng được xác nhận hộ nghèo để đưa vào chính sách.

Một bác sĩ của BV Nhi Đồng 1 TPHCM, chia sẻ: “Chính quyền xã nhiều nơi rất ngại xác nhận hộ nghèo cho người dân, vì sợ ảnh hưởng đến thành tích chung của xã. Có xin được cũng nhiêu khê, mất nhiều công sức”.

Bệnh nhân vào viện không có tiền, bác sĩ cũng phải nhận chữa, trong trường hợp này bệnh viện phải trông cậy vào sự giúp đỡ của các hảo tâm. Nếu không tìm được, bệnh viện phải bỏ tiền ra, ảnh hưởng đến nguồn thu bệnh viện và đời sống nhân viên. Nhưng nguồn lực nào cũng giới hạn, không phải lúc nào cũng có được.

BS Cao Đằng Khang cho biết: “Chi phí mỗi ca mổ tim trung bình 50 - 70 triệu đồng, gia đình không có tiền mổ, tôi phải gọi các hội từ thiện trợ giúp, nếu không có, gọi cho nhiều người, mỗi người xin một chút rồi góp lại”.

Tuy nhiên, ngay cả khi có hội từ thiện trợ giúp, số tiền không phải lúc nào cũng được chuyển đến kịp thời. Vừa qua, khi tổng kết cuối năm, phòng tài chính một bệnh viện lớn đã phát hiện một hội từ thiện nợ gần 9 tỷ đồng. Đó là số tiền hội hứa trợ giúp các hoàn cảnh khó khăn nằm viện, nhưng lại chưa chuyển vào tài khoản.

Một bác sĩ tâm sự: “Lúc này bác sĩ điều trị cũng “liên đới”chịu trách nhiệm, bị phòng tài chính kêu lên làm việc và đốc thúc hỗ trợ “đòi nợ”. Bác sĩ không thể bỏ mặc bệnh nhân chết, phải làm hết trách nhiệm để cứu bệnh nhân, nhưng nay họ lại phải nhức đầu vì những chuyện ngoài chuyên môn. Điều này có thể khiến bác sĩ quyết định sai về chuyên môn, họ sẽ làm việc cầm chừng, nhắm mắt trước những ca bệnh khó, mặc kệ bệnh nhân. Bác sĩ lớn hành xử như thế, bác sĩ trẻ có thể bắt chước theo”.

Trước năm 1975 tại Sài Gòn có mô hình “nhà thương thí”, nơi bệnh nhân nghèo đươc chăm sóc hoàn toàn miễn phí, không lo nghĩ tiền bạc. Hiện tại, xã hội cũng chung tay hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, nhưng đó không phải là biện pháp căn cơ. Căn cơ nhất có lẽ là cho bệnh viện công lập một cơ chế tài chính để họ không phải băn khoăn trước những ca bệnh ngặt nghèo không đủ tiền chữa trị. Suy cho cùng, mọi người dù giàu hay nghèo đều bình đẳng trong điều trị, và không bệnh viện nào nghĩ đến chuyện kiếm lợi từ những ca bệnh phức tạp, gặp khó về tài chính.

Theo Bình Yên - Tiếp thị thế giới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X