Hotline 24/7
08983-08983

Cô gái hành thiền không nhắm mắt để mạnh mẽ hơn

"Thiền như tấm vé trở về tuổi thơ, khi hành thiền, tôi trở nên vô tư như đứa trẻ được tiếp thêm năng lượng để mạnh mẽ đối diện với cuộc đời", Đặng Quỳnh Nga 33 tuổi là huấn luyện viên yoga thiền tại Hà Nội chia sẻ. Cô cũng chó biết, thiền không nhất thiết là phải nhắm mắt ngồi một chỗ.

Khi thiền, mọi người thường nhắm mắt và hít vào thở ra để cơ thể duy trì nhịp thở, tốt cho quá trình hô hấp. Nga ngược lại thường mở mắt và tập trung nhìn vào một đối tượng như một cây nến cháy, một bông hoa sen hoặc một cái cây. Cô cho rằng nhìn vào bông sen để nhớ đến nơi mọc lên là bùn và tin rằng "dù khó khăn thì ngày mai trời sẽ lại sáng". Hay nhìn vào cây để suy ngẫm về quá trình gieo hạt, chăm bón rồi ra hoa kết trái và nhắc nhở bản thân về luật nhân quả hay đạo lý uống nước nhớ nguồn.

"Thiền đến với mình rất tình cờ", Nga kể. 8 tuổi, bố mẹ ly hôn khiến Nga mất niềm tin vào cuộc sống. Cô chuyển về sống cùng ông bà. Từ cô bé vô tư, Nga bị mặc cảm với định kiến xã hội "mẹ nào con nấy". Hàng ngày, Nga chỉ đi học, lên thư viện rồi về nhà.

Đặng Quỳnh Nga hành thiền để giải tỏa căng thẳng và áp lực. Ảnh: Thùy An

Cuộc sống của Nga tiếp tục bị xáo trộn khi ông phát hiện bị ung thư. Dù vậy, ông vẫn dành sự quan tâm và tình yêu thương cho đứa cháu gái thiệt thòi. Nhờ vậy, Nga được thức tỉnh. Cô gái mở lòng mình để đón nhận những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

Sau đó, Nga tìm đọc những cuốn sách tạo động lực và tham gia một khóa học kinh doanh. Tại đây, cô gặp gỡ nhiều người tài giỏi, nhất là thầy giáo. Trò chuyện mới biết, thầy học thiền 3 năm. Cô quyết định hành thiền để được mạnh mẽ và giỏi giang như người thầy mà mình ngưỡng mộ.
Năm 2011, Nga bắt đầu dành thời gian để tìm hiểu về thiền. Cô đọc sách và tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội để có kiến thức nền tảng rồi mới đến lớp học. Cô tập đều từ 20 đến 30 phút mỗi ngày, kết hợp với yoga.

Những ngày đầu tập làm quen, khớp lưng và khớp háng đau buốt khiến cô không ngủ được sâu giấc. Cô gái cho rằng hành thiền cần tập trung, hạn chế nói chuyện. Khi ngồi thiền nên chọn không gian yên tĩnh, ngồi thẳng lưng và thả lỏng cơ thể.

Khó khăn lớn nhất khi thiền là cần người thầy đầu tiên dẫn dắt. Thời gian đầu, cô hiểu sai về thiền, thậm chí hoảng sợ khi nghe có người còn bị tẩu hỏa nhập ma. Thầy vừa hướng dẫn thiền vừa giáo dục lối sống. Nhờ đó, Nga giải tỏa được những căng thẳng trong lòng và học được cách phán đoán trước khi đưa ra quyết định.

Thiền giúp tái tạo năng lượng, giúp người tập luôn thoải mái và có tinh thần tốt hơn. Ảnh: Thùy An.

"Thiền như con mắt thứ 3 nhìn thấy điều mà mắt thường không nhìn thấy", cô tâm sự.

Bài thiền thường có những chủ đề riêng như thiền giải tỏa stress, thiền cân bằng, thiền cho đời sống tình dục hay thiền chữa lành, giải tỏa nỗi sợ. Do đó, trước mỗi bài tập, Nga luôn trao đổi vấn đề của mình với thầy dạy.  Nga cười nhiều hơn kể từ khi học thiền.

"Thiền như làn nước mát chảy từ đỉnh đầu xuống đáy cột sống làm trôi đi mọi phiền muộn, tắc nghẽn và thanh lọc cơ thể, mang đến nguồn năng lượng mới", Nga nói.

Thiền cũng là món ăn, lúc cần ăn nhanh, lúc cần ăn chậm. Bạn có thể tập thiền một tiếng vào sáng sớm hoặc trước khi đi ngủ. Ngoài ra, có nhiều bài tập ngắn 20 đến 30 phút để rèn luyện sức khỏe và tinh thần.

Cô không quá khắt khe về chế độ dinh dưỡng. Nga ăn đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ và chỉ ăn 3 đến 4 món trong một bữa ăn. Cô hạn chế nói chuyện khi ăn, uống nhiều nước, ăn rau củ quả. Nga cho rằng ăn uống khoa học mang đến cuộc sống lành mạnh và tích cực hơn.
"Yoga là thiền động còn thiền là yoga tĩnh", Nga chia sẻ.

Yoga và thiền đều có lợi cho sức khỏe, nhất là bà bầu. Mẹ bầu đặt tay lên bụng, tiếp xúc và tâm sự với con. Mẹ có thể nhẩm miệng câu nói như "con là người mạnh mẽ", "mẹ yêu con" và xây dựng đức tính cho con từ trong bụng mẹ. Thiền giúp mẹ bầu hạn chế nóng giận, nghén, kiểm soát cảm xúc và giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Thiền cũng dành cho nam giới. Anh Nguyễn Văn Hiển, thầy giáo dạy yoga 36 tuổi nói tùy vào mục đích mà bài tập dành cho nam và nữ có sự khác biệt. Điều quan trọng trước tiên là đam mê và tấm lòng đẹp, biết yêu thương, chia sẻ. "Phải sống hướng thiện, sống tốt thì mới cảm nhận được lợi ích của thiền", anh nói.

Ngoài thiền, Nga còn là giáo viên dạy Yoga. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bên cạnh việc rèn luyện sức khỏe, Nga còn đến lớp, hướng dẫn học viên thiền và yoga. Cô nói dạy học cũng là cách cô truyền cảm hứng cho mọi người.

"Thiền như tấm vé trở về tuổi thơ", Nga chia sẻ. " Khi hành thiền, tôi trở nên vô tư như đứa trẻ được tiếp thêm năng lượng để mạnh mẽ đối diện với cuộc đời".

Theo VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X