Hotline 24/7
08983-08983

Có điều trị khỏi viêm niêm mạc tiền môn vị-hang vị dạ dày và Hp dương tính?

Câu hỏi

Em chào BS, Em đi khám dạ dày được chẩn đoán là lỗ môn vị khép không kín, viêm niêm mạc tiền môn vị-hang vị dạ dày và dương tính với vi khuẩn Hp. Bệnh của em có khỏi được không ạ và liệu có bị ung thư dạ dày không? Em cảm ơn BS.

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Vi khuẩn Hp. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Vi khuẩn Hp. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Kết quả kiểm tra cho thấy em bị viêm dạ dày do Hp. Hp là 1 loại vi khuẩn gây viêm loét dạ dày. Dạ dày mới bị viêm chưa có loét thì không đến nỗi nguy hiểm hay “nặng lắm”, cũng chưa ghi nhận thông tin nào trong phần em cung cấp cho thấy em bị ung thư dạ dày rồi. Bệnh viêm dạ dày do Hp có thể chữa khỏi được nhưng em cần phải điều trị đàng hoàng theo hướng dẫn của BS (nghĩa là không điều trị theo lời truyền miệng), nếu không bệnh sẽ không hết và Hp có thể gây ra loét, viêm mạn và dẫn đến ung thư dạ dày.

Hp là vi khuẩn gây viêm loét dạ dày thường gặp. Nhiễm Hp kèm có triệu chứng đau dạ dày thì cần phải trị, nếu không bệnh sẽ không hết và Hp có thể gây ra loét, viêm mạn và dẫn đến ung thư dạ dày. Trị Hp thì BS sẽ phải dùng kháng sinh, vì đây là vi khuẩn, và phải dùng 2-3 loại kháng sinh phối hợp với thuốc ức chế tiết dạ dày từ 10-14 ngày mới diệt được Hp (phác đồ chuẩn của hội tiêu hóa gan mật Việt Nam và thế giới), vì chúng trú ẩn sâu trong thành của dạ dày. Em nên đến khám chuyên khoa Tiêu hóa để được kê thuốc phù hợp (BS không được phép kê thuốc khi không trực tiếp khám cho người bệnh).

Sau đợt điều trị thì em cần ngưng tất cả các thuốc trong 1 tháng rồi quay lại kiểm tra xem Hp đã được tiệt trừ chưa, nếu chưa thì BS sẽ đổi sang phác đồ khác cho em vì chúng rất “ranh ma”, nhưng mình cũng có nhiều phác đồ để đối phó với chúng nên em đừng quá lo lắng. Ngoài ra, em cần hạn chế ăn đồ chua cay, nước có gas, nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, café, bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm / vận động mạnh sau khi ăn trong vòng 2 giờ.

Về vấn đề lây nhiễm, Hp rất dễ lây nhiễm qua đường tiêu hóa. HP có nhiều trong nước bọt, mảng cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh, lan truyền qua người lành chủ yếu thông qua đường ăn uống chung, hôn môi.

Để hạn chế nhiễm khuẩn Hp trong cộng đồng, em nên tập thói quen giữ vệ sinh cá nhân và tránh chung đụng trong ăn uống. Nếu có điều kiện, nên dùng phần ăn riêng, nhất là nước chấm. Nếu món ăn bắt buộc phải dùng chung, nên để vào đó một chiếc muỗng sạch dùng chung. Khi dùng đũa cá nhân tránh để đũa chạm vào những phần thức ăn còn lại, gắp nhanh và dứt khoát, không khua khoắng. Không nên dùng chung ly uống nước hoặc rượu để đảm bảo vệ sinh cho mình và cho người. Tập thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, không liếm nước bọt khi đếm tiền, lật giấy...

Ống nội soi tại BV đã được khử khuẩn sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế để giảm thiểu tối đa việc lây nhiễm chéo Hp giữa các bệnh nhân với nhau, em nhé.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Hp là loại vi khuẩn cư trú trong niêm mạc dạ dày gây ra các bệnh viêm loét dạ dày. Sau khi tiến hành xét nghiệm nếu phát hiện sự có mặt của vi khuẩn này thì việc sử dụng kháng sinh để loại bỏ Hp là vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, các loại thuốc chống lại Hp đều có những tác dụng phụ tác động lên cơ thể người bệnh.

Thuốc dạ dày diệt khuẩn Hp bao gồm nhiều loại kháng sinh khác nhau và có thể gây 1 số tác dụng phụ như: rối loạn tiêu hóa, ngứa, nổi ban đỏ, nổi mề đay, sôi bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đi ngoài, viêm đại tràng màng giả, phát ban, các vấn đề về tim mạch, đau đầu, giảm tiểu cẩu trong máu,...

Để làm tăng thành công trong điều trị vi khuẩn Hp và hạn chế các tác dụng phụ của thuốc, bạn nên:

- Sử dụng thêm N-acetyl cysteine để cải thiện sự xâm nhập của kháng sinh qua lớp nhầy dạ dày, tăng hiệu quả của kháng sinh.
- Uống thuốc đúng, đủ liều theo phác đồ điều trị và hướng dẫn của bác sĩ.
- Không sử dụng các chất kích thích trong quá trình uống thuốc.
- Duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục, làm việc điều độ, giảm stress và tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, chia nhỏ bữa ăn, ăn đầy đủ chất, nhiều hoa quả, rau củ,... nhằm hạn chế tình trạng chán ăn, đắng miệng.
- Uống nhiều nước ấm, có thể bù điện giải bằng oresol nếu người bệnh bị tiêu chảy.
- Không được sử dụng thêm các loại thuốc khác khi đang điều trị dạ dày nếu bác sĩ chưa cho phép. Trước khi bác sĩ khám thì người bệnh nên nói về các bệnh của mình để bác sĩ thay thế các loại thuốc phù hợp.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X