Hotline 24/7
08983-08983

Cô bé 11 tuổi là người nhỏ tuổi nhất hiến tạng ở Việt Nam

Đặng Mai An - 11 tuổi, con gái của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là cô bé nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam đăng ký hiến tạng ở Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia.

Bé Mai An (11 tuổi) đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, chết não.

Ghép tạng ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được những thành tựu to lớn. Nhiều kỹ thuật mới được thực hiện như ghép tạng từ người cho chết não và tim ngừng đập hay ghép tim, tụy, đa tạng... đã cứu sống nhiều người bệnh.

Phong trào hiến tạng đang nhân rộng và gia đình của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang ngụ Hà Nội, là gia đình đầu tiên ở Việt Nam cùng đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não. 

Một ngày cuối năm 2017, Mai An 11 tuổi cùng bố của mình là TS Đặng Hoàng Giang 52 tuổi và mẹ của mình là Vũ Chi Mai 44 tuổi cùng chị gái Mai Chi 17 tuổi thức dậy như bao ngày bình thường khác.

Cô bé 11 tuổi chần chừ đánh dấu vào ô ghi chữ "tim"

Đúng 8 giờ, gia đình Mai An tới Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.

"Chúng tôi đến đây để đăng ký hiến tạng", bố của Mai An nói với nhân viên của trung tâm.

Ở tuổi 11, Mai An đã nhận thức rất cụ thể, chính xác về cái chết. Mai An đánh dấu vào các ô thận, tuỵ, gan, xương... rồi dừng lại ngần ngừ rất lâu ở ô ghi chữ “tim”.

Thấy con gái ngập ngừng, bố của Mai An giải thích: “Nếu đăng ký hiến tim, một ngày nào đó, khi con không còn nữa, trái tim của con sẽ cứu sống một bạn khác đang cần tới nó”.

Rồi Mai An cũng đánh dấu vào ô “tim” và đưa tờ đăng ký cho anh nhân viên trung tâm. An cũng đổi ý kiến ban đầu và đồng ý để Trung tâm công bố danh tính của mình cho người nhận tạng (nếu họ muốn biết) và dùng làm truyền thông.

Cuối cùng, Mai An cảm thấy vui vẻ khi hình dung trái tim của mình đập tiếp trong cơ thể của một bạn khác, tự hào kể lại với ông bà.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, Mai An không phải là người dưới 18 tuổi đầu tiên ở trung tâm đăng ký hiến tạng, song lại là cô bé nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam đăng ký hiến tạng cùng gia đình.

Mai An bên cạnh ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người

Cả gia đình đồng lòng 

Bên cạnh Mai An là bố mẹ và chị gái cũng đang điền vào phiếu đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết/chết não.

Khoảng 20 phút từ khi xuất hiện ở trung tâm, gia đình 4 thành viên đã làm xong thủ tục đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não, cầm trong tay tấm thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng. 

Ông Phúc cũng cho biết thêm, gia đình ông Giang cũng là trường hợp gia đình trọn vẹn đầu tiên cùng đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não. “Đây là việc làm rất ý nghĩa và nhân văn cần được nhân rộng”, ông Phúc bày tỏ.

TS Đặng Hoàng Giang cho biết, theo quy định pháp luật, người thân trong gia đình đều có quyền được hiến tặng mô, tạng của người đã chết. Vợ chồng ông cũng đã ký xác nhận vào lá đơn đăng ký hiến tạng của hai con. 


"Tôi vận động và đưa cháu đi đăng ký hiến tạng như một việc giáo dục công dân để cháu hiểu được việc làm ý nghĩa này. Sau này cháu 18 tuổi, có tư cách công dân, giả sử muốn thay đổi ý định này thì đó là quyền của cháu, không thể can thiệp được. Tôi chỉ mong muốn các con mình hiểu biết và nhân ái", ông Giang chia sẻ.

Trong suốt năm 2017, TS Đặng Hoàng Giang đã đi theo hành trình cùng một số những người cận tử, tức là những người bị bệnh nặng để tìm hiểu cuộc sống của họ trước khi chết. Trong hành trình đó, ông cũng biết được tình trạng thiếu tạng ở Việt Nam.

Cũng trong quá trình đó, ông được truyền cảm hứng bởi một người mà ông đã đi theo, họ sống ở nông thôn, trình độ thấp nhưng đã có nhu cầu, mong muốn hiến tạng và họ phải rất khó khăn khi thuyết phục gia đình để gia đình đồng ý cho hiến tạng.

Cả gia đình TS Đặng Hoàng Giang tới Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến mô/tạng sau khi chết/chết não

Đó là trường hợp của một cô gái 28 tuổi ở Thanh Hóa, tên là Vân. Cô ấy ở một làng quê nghèo giáp biên giới Việt - Lào. Cô ấy chỉ học hết lớp 8, gia đình rất nghèo. Xung quanh làng xóm cũng còn những quan niệm cổ hủ, lạc hậu nên có rất nhiều dị nghị về quyết định hiến tạng của Vân.

Nhưng Vân đã vượt qua những khó khăn đó, trong nhiều tháng liền đã cố gắng thuyết phục bố mẹ cho phép mình hiến giác mạc. Với Vân, việc hiến giác mạc chính là sự đánh dấu đầy ý nghĩa cho việc kết thúc cuộc đời của mình. Cô ấy đã ra đi bằng một hành động có ý nghĩa.

Chính câu chuyện ấy đã thôi thúc ông Giang cùng gia đình quyết định hiến tạng, vì một người trong môi trường khó khăn, hoàn cảnh ngặt nghèo như thế họ còn làm được thì tại sao mình lại không làm được, trong khi mình không bị cản trở gì, cũng không mất gì. “Ai cũng muốn để lại dấu ấn trên đời và tôi cho rằng, hiến tạng cũng là một cách để lại dấu ấn rất có ý nghĩa”, ông Giang tâm sự.

Theo Gia đình Mới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X