Hotline 24/7
08983-08983

'Chuyến xe 0 đồng’ chở nụ cười xuân của 300 người nghèo Sài Gòn về bến quê hương

Những chuyến xe 0 đồng, 3 năm nay vẫn thầm lặng lăn bánh trên khắp mảnh đất miền Trung. Nó không chỉ chuyên chở người nghèo về quê, mà còn chở cả nụ cười Xuân, chở niềm mong mỏi về những khoảnh khắc đoàn viên.

Đúng 23h lần lượt từng chuyến xe bắt đầu lăn bánh. Những nụ cười hạnh phúc niềm vui, cái vẫy tay tạm biệt thành phố còn in đậm qua từng ô cửa kính. Thế là chỉ sáng mai thôi, tất cả họ sẽ lại trở về quê hương, có một cái Tết nữa đầm ấm yên vui bên gia đình.



Ngoại Xuyên (64 tuổi, Bình Định) kể: Ngoại vào Sài Gòn bán vé số 8 năm trời ròng rã, cũng phải đôi ba lần phải ở lại Sài Gòn đón Tết vì không dư dả.Tết Sài Gòn với cụ vẫn là ăn chung ngủ chung với nhiều cụ già vé số ve chai khác, giá 25 nghìn/ngày. Đến chiều lại lặn lội đi bán khắp ngõ ngách Sài Gòn. Nghĩ về chiếc vé xe về quê, Ngoại tặc lưỡi: Gần triệu bạc lận con, đi về vô lại hết vốn vé số.


Cũng may năm nay, gặp được cô sinh viên tình nguyện giúp đỡ, xin hộ cho tấm vé xe về quê, Ngoại Xuyên mừng lắm. “Ngồi ghế gỗ mà đi đường dài thì cực đấy, nhưng Ngoại thấy vui trong lòng nên hổng sao cả. Ngủ một giấc mai tới nơi lại được gặp con cháu rồi” - Ngoại tấm tắc cười.
Những “chuyến xe 0 đồng” đong đầy tình người Sài Gòn.


Nay đã là 26 Tết, chỉ còn vài hôm nữa là bước sang năm mới Kỷ Hợi 2019. Nhiều người dân lao động ở Sài Gòn đang tất bật gói ghém lại câu chuyện mưu sinh năm cũ, nhanh chân trở về quê. Ai cũng mang theo niềm háo hức được trở về gia đình, trong vòng tay của ba mẹ, con cái và kể cho nhau nghe câu chuyện cũ quanh nồi bánh chưng xanh.

Thế nhưng, không phải ai cũng có đủ điều kiện để trở về quê ăn cái Tết cùng gia đình. Nhiều năm liền, những người bán vé số, ve chai, ăn xin,… vẫn phải chịu cảnh ở Sài Gòn đón Tết vì không đủ điều kiện về quê. Cứ thế, bao nhiêu năm xa quê là bấy nhiêu năm họ kèm nhèm nước mắt nghe tiếng con cháu qua điện thoại, rồi lặn lội bán buôn chờ thời gian trôi qua.


Tết xa quê là ký ức buồn nhất trong lòng người dân lao động nghèo!

Nhằm trợ giúp cho người nghèo có một cái Tết sum vầy, tổ chức VNO (Vietnam Organization) do các bạn sinh viên tại các trường ĐH TP.HCM đã tổ chức chương trình “chuyến xe 0 đồng” nhằm đưa mọi người về các tỉnh miền Trung đón Tết.

Trải qua ba năm thực hiện, “chuyến xe 0 đồng” đã thắp lên hàng ngàn nụ cười xuân các hoàn cảnh đáng thương. Từ 4 chiếc xe lúc ban đầu, giờ đây số lượng xe đã lên 7 chiếc, chuyên chở hơn 320 hoàn cảnh khăn trở về quê để kịp đón Tết.

Chị Gia Minh (25 tuổi - đại diện cho tổ chức VNO) chia sẻ: “Hầu hết hoạt động đều đều dựa trên kinh phí mà các bạn sinh kêu gọi hỗ trợ nhà hảo tâm. Năm nay may mắn, số lượng xe đã nhiều hơn nên chở được nhiều người về quê đón Tết hơn. Mỗi chuyến sẽ đi dọc từ Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, và xa nhất là Quảng Trị.”
Giữa đêm khuya, các bạn sinh viên vẫn nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Trước khi lên xe, họ sẽ phát nước uống, thực ăn, và bao lì xì mừng tuổi ừng người. Không những thế, với những hoàn cảnh già yếu, chân tay không lành lặn,… các bạn còn đỡ đần, chăm sóc tận tình. Trên mỗi chuyến, sinh viên sẽ đi theo, hỗ trợ mọi người, sau đó mới quay trở lại Sài Gòn để về quê đón Tết cùng gia đình.

Tấm lòng vì người nghèo của các sinh viên tình nguyện khiến cái Tết sum vầy càng thêm ý nghĩa.
Ngoại Bảy, chú Ba, cô sinh viên xa nhà và những người Sài Gòn nhân hậu

Ngay từ sớm, hàng trăm người lao động nghèo đã tập trung ở góc đường Kha Vạn Cân (Thủ Đức, TP.HCM) để chờ đợi giờ lên xe. Không ai giấu nổi niềm háo hức khi nghĩ về cái Tết đầm ấm yên vui lâu lắm mới được về.

Chú Lại (64 tuổi, Quãng Nam) vào Sài Gòn được 15 năm. Chiến tranh đã cướp đi đôi chân lành lặn khiến chú Lại trở thành gánh nặng gia đình. Từ đó, chú đành vào Sài Gòn, ngồi xe lăn để đi bán vé số. 15 năm ở Sài Gòn, cũng không biết bao nhiêu lần phải đón Tết xa nhà. “Năm nay chú cũng tính ở lại rồi, vì không đủ tiền. May có cô bé sinh viên giúp đỡ cho tấm vé về quê. Mấy năm vợ con cũng gọi điện hỏi hoài, nghe tin sắp về nên cả nhà mừng lắm!”

Cạnh đó, vợ chồng cô Lê Thị Diễm (46 tuổi, Bình Định) ẵm đứa cháu ngủ tròn vo trong lòng, ngồi lắng nghe chương trình nhạc xuân. Cô Diễm chia sẻ: Cô đi xe 0 đồng được 3 năm rồi, dù có nghèo cỡ nào thì Tết cũng phải dẫn cháu về quê đón Tết. Đêm qua, hồi hộp quá cô còn không ngủ được.

Mộng Trâm (20 tuổi, Bình Định) và Hảo (21 tuổi, Quãng Ngãi) là sinh viên của ĐH Ngân hàng TP.HCM. Vì hoàn cảnh khó khăn nên cả hai không đủ tiền mua vé xe về quê. May mắn nhận được thông tin qua mạng xã hội nên cả hai cùng đăng ký “chuyến xe 0 đồng”. Mộng Trâm chia sẻ: “Ở KTX bạn bè về hết, hàng quán cũng đóng cửa, hai tụi em phải ăn mỳ tôm qua ngày để chờ đợi ngày lên xe. Em còn mua ít bánh kẹo, quần áo cho mấy em nhỏ ở nhà, tất cả đều là tiền đi làm thuê mấy tháng nay…”.

Cái lạnh nửa đêm của những ngày cuối năm Sài Gòn, không làm giảm niềm mong mỏi được lên chuyến xe 0 đồng về với bến quê hương của 300 người nghèo tha hương.
Theo Vietnamnet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X