Hotline 24/7
08983-08983

Chuyển viện cần làm những gì, AloBacsi?

BS Lan Hương hướng dẫn thủ tục khi chuyển viện và giải đáp các trường hợp ngủ say li bì, rối loạn thần kinh thực vật, đau hông bên phải, chức năng thận creatinin tăng...

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- Duong Minh Anh - Kon Tum

Bố tôi được chẩn đoán tại BV đa khoa tỉnh Kon Tum là bị bệnh viêm gan nhiễm độc do rượu, viêm dạ dày, viêm tụy, tiểu đường. Đã điều trị được 4 ngày nhưng không giảm. Hiện da ông rất vàng, nước tiểu vàng đỏ, bụng chướng, mệt mỏi, chán ăn.

Tôi muốn cho ông khám và điều trị tại BV Chợ Rẫy thì cần làm sao? Mong BS tư vấn sớm giúp ạ. Chân thành cám ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Minh Anh,

Việc chuyển bệnh nhân sang 1 BV khác, gia đình cần bàn bạc trực tiếp với BS điều trị.

Thứ nhất là xem BS đánh giá việc chuyển viện có an toàn cho tình trạng hiện tại của người bệnh hay không, cách chuyển bệnh an toàn nhất + kinh tế nhất cho gia đình là gì?

Thứ hai là chuyển viện theo hướng nào, nếu chuyển viện phù hợp với quy định thì bệnh nhân sẽ tiếp tục hưởng BHYT (BS tuyến dưới cấp giấy chuyển viện, chuyển viện có xe của BV xuất đi, có điều dưỡng theo xe).

Nếu gia đình kiên quyết xin chuyển viện và không có sự đồng thuận với BS điều trị thì đây là xuất viện theo yêu cầu, gia đình làm đơn xin xuất viện theo yêu cầu, sẽ không có giấy chuyển viện, sẽ không có toa thuốc và vấn đề chuyển bệnh là do gia đình tự liên hệ. Do vậy vấn đề này BS điều trị sẽ tư vấn kỹ cho gia đình, bạn nhé.


- Phạm Văn Cương - Hải Dương (hỏi tiếp)

Câu trước: Thân nhiệt luôn nóng có phải là bệnh?

Cám ơn BS Lan Hương,

Tôi bị như vậy cách đây 1 năm, chưa khám và điều trị ở đâu. Hôm qua tôi đi khám ở địa phương. BS đo huyết áp và nghe tim sờ vào da. BS kết luận là dối loạn thần kinh thực vật. Mong BS tư vấn thêm giúp tôi.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn Cương,

Rối loạn thần kinh thực vật là một bệnh lý không có tổn thương ở hệ cơ quan bao gồm tim mạch, hô hấp, thần kinh, nội tiết... (phải qua thăm khám và làm các xét nghiệm tầm soát loại trừ bệnh lý và kết quả mọi thứ đều bình thường) nhưng người bệnh vẫn có “cảm giác” khó chịu. Nếu bạn chỉ mới được kiểm tra huyết áp và khám tim thì chưa đủ cơ sở để chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật.

Theo thông tin bạn cung cấp thêm, tôi khuyên bạn nên đến BV đa khoa để kiểm tra sức khỏe thêm, đăng ký khám chuyên khoa nội tổng quát hoặc chuyên khoa nội tiết, chuyên khoa nhiễm đều được. BS cần thăm khám, làm xét nghiệm kiểm tra (huyết đồ, marker viêm nhiễm, chức năng gan thận tuyến giáp...) sau đó mới định ra bệnh và có hướng điều trị thích hợp.

Trong thời gian này, bạn chú ý tăng cường uống nước, có thể uống các loại nước mát tự nấu (mía lau, bông cúc, rong biển... chú ý không dùng nhiều đường quá), tăng rau xanh hoa quả, hạn chế thực phẩm cay nóng nhiều dầu mỡ, không cafe bia rượu, giữ không gian sinh hoạt thoáng mát.


- Nguyễn Việt Anh - vietanh…@gmail.com

Cách đây 2 ngày em bị một chai bia văng trúng đầu. Lúc đầu sưng to nhưng đã chườm đá và sáng hôm sau thì đầu hết sưng, vẫn còn nhức. Đến hôm nay thì chỉ hơi nhức khi chạm vào còn bình thường thì không tự nhiên nhức. Nhưng khi nằm chỉ nằm bên phải vì đầu bị va chạm bên trái.

Em muốn hỏi BS là có cần thiết phải chụp CT não không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Việt Anh,

Các dấu hiệu của chấn thương sọ não là nhức đầu nhiều, nôn ói, nhìn mờ, nhìn đôi, rối loạn cảm giác và/hay yếu liệt bất kỳ vùng nào trên cơ thể, co giật, nuốt khó, khó thở… khi có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, em cần đến BV để kiểm tra ngay.

Còn nếu chỉ có sưng đau to ở vị trí va đập thì đó chỉ là chấn thương phần mềm mà thôi, chưa cần thiết chụp CTscan sọ não. Em nên theo dõi thêm tại nhà và cục u do bầm máu có thể cải thiện bằng cách xoa lăn tích cực với dầu ấm.


- Bảo Ngọc - aa0…@icloud.com

Chào BS,

Cho em hỏi BS em bị đau phía bên hông bên phải lúc hít hơi thở mạnh, lúc cười, hắt xì, ho là nó bị đau mạnh. Triệu chứng như thế là bị gì vậy BS? Và cách chữa như thế nào ạ? Mong BS giúp đỡ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Bảo Ngọc,

Có nhiều bệnh lý ở các cơ quan ở vùng hông lưng phải có thể gây đau ở vị trí này, gồm thận, gan, ruột, cơ, xương sườn... tuy nhiên, triệu chứng đau vùng hông lưng phải xuất hiện và tăng lên khi vận động (thở mạnh, lúc cười, hắt xì, ho) thường hướng nhiều đến nguyên nhân gây đau tại cơ.

Mặc dù vậy, em vẫn cần đến BV để kiểm tra, BS cần thăm khám, hỏi lại bệnh sử và tiền căn, làm xét nghiệm, từ đó mới xác định chắc chắn nguyên nhân và điều trị thích hợp tương ứng.

Trong thời gian này, em chú ý nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh hay chơi thể thao, ăn uống đầy đủ chất, uống nhiều nước.


- Nguyễn Nụ - Hưng Yên

Cháu có câu hỏi muốn nhờ BS ạ,

Cháu có biểu hiện là ngủ rất say, li bì. Cháu có đặt báo thức chuông bài hát nhạc rất to, nhưng cháu ngủ say mà không biết gì.

Thêm nữa, dạo gần đây, cháu hay thấy buồn ngủ vào khoảng 9h sáng, khi ngủ dậy thì đầu rất choáng, hoa mắt ạ. Buổi chiều khoảng 5-6h tối, cháu cũng thấy hơi buồn ngủ, váng đầu ạ.

Vậy xin hỏi BS, cháu có gặp vấn đề gì không ạ? Cảm ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Nụ,

Triệu chứng của em là bất thường, là dấu hiệu của bệnh và cần đi khám BS, em nhé.

Những nguyên nhân thường gặp là thiếu máu, thiếu dưỡng chất ở người ăn uống không đầy đủ (thiếu đạm, thiếu vitamin và khoáng chất), huyết áp thấp làm giảm tưới máu lên não, căng thẳng đầu óc kéo dài, hay bệnh lý như hội chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh lý tại não...

Hội chứng ngưng thở khi ngủ hay gặp ở người béo phì, thừa cân, cổ ngắn, ngủ hay ngáy, do não thiếu oxy và dư CO2 trong lúc ngủ nên gây trạng thái lừ đừ vào buổi sáng. Nếu biết mình ngáy to, ngáy nhiều gần đây thì nên khám chuyên khoa hô hấp để được hướng dẫn trị liệu thích hợp.

Nếu không có biểu hiện của hội chứng ngưng thở khi ngủ thì em nên khám chuyên khoa nội thần kinh hay chuyên khoa nội tổng quát để BS xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp, em nhé


- Bạn đọc Tuấn - tuantn2…@gmail.com

Chào BS,

Em thử máu, chức năng thận creatinin của em tăng 130 hơn chỉ số bình thường 120 ml/l, có sao không BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Tuấn thân mến,

Creatinin máu là xét nghiệm đặc trưng của thận, khi chỉ số creatinin máu tăng so với ngưỡng giá trị bình thường thì có thể do nhiều nguyên nhân: giảm máu đến thận, viêm thận, thuốc, đau mỏi cơ... nên kiểm tra lại lần hai và kết hợp với chỉ số chiều cao, cân nặng để tính ra độ lọc cầu thận ước lượng (chức năng thận).

Em cũng cần tầm soát thêm các vấn đề của thận qua xét nghiệm nước tiểu, siêu âm bụng...Tốt nhất em nên khám lại tại chuyên khoa thận tiết niệu, em nhé.


- Lan Thu - phamlong…@gmail.com

Tôi 44 tuổi, bệnh cường giáp, đã điều trị uống thuốc kháng giáp 3 chu kỳ tức là 6 năm. Vừa rồi khám tổng quát biết bệnh tái phát. Vậy có nên uống thuốc tiếp hay là phải mổ? Tôi điều trị bằng phương pháp uống iot 131 có hiệu quả không?

Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào chị Thu,

Basedow là bệnh lý tự miễn, khi cơ thể tự tạo ra chất ảnh hưởng lên tuyến giáp. Thuốc uống chỉ ức chế quá trình tổng hợp hormone giáp, không đánh vào cơ chế tự miễn của cơ thể, do đó khi giảm liều hay ngưng thuốc thì tỉ lệ bệnh tái phát cao.

Trường hợp bệnh tái phát lại giống chị rất thường gặp. Khi bệnh tái phát, chị có thể chọn lại biện pháp uống thuốc kéo dài tiếp tục, hoặc phẫu thuật hoặc đồng vị phóng xạ (uống iod 131).

Điều trị phẫu thuật hay xạ trị bằng iod đồng vị phóng xạ là phương pháp được chọn lựa khi thất bại với điều trị bằng thuốc, thường đạt bình giáp sau lần đầu điều trị, tuy nhiên, 2 phương pháp này cũng có tỉ lệ tai biến riêng của nó.

Do đó, có thể nói rằng thuốc kháng giáp tổng hợp, phẫu thuật và xạ trị không có giải pháp nào là tối ưu 100%, khả năng tái phát và tai biến tùy loại, tùy mỗi bệnh nhân.

Việc chọn lựa dùng thuốc hay phẫu thuật tùy vào đánh giá của BS, và lựa chọn của bệnh nhân, điều này bạn có thể trao đổi với BS điều trị chính cho bạn.

Nhưng để giảm thiểu các tai biến có thể xảy ra, bạn cũng sẽ cần phải uống thuốc để ổn định tuyến giáp thì mới phẫu thuật an toàn được, và quá trình này cần vài tháng chứ không ngày một ngày hai được nên bạn không cần phải vội.


- Hương Ly - lydaohuong…@gmail.com

Xin chào AloBacsi,

Cháu hay gặp tình trạng như sau: đang ngồi bình thường tự nhiên có cảm giác hồi hộp, không làm chủ được suy nghĩ, tim đập nhanh, cố gắng trấn tĩnh nhưng không được và kéo theo đó buồn nôn, khó thở, nặng đầu, tưởng chừng như muốn ngất xỉu. Buổi tối ngủ hay bị tê tay, sinh hoạt thường ngày thì thường bị run tay không biết lý do.

Dạ vậy cho cháu hỏi có phải cháu đang bị rối loạn thần kinh thực vật không ạ? Cháu cảm ơn ạ!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Hương Ly,

Rối loạn thần kinh thực vật là một bệnh lý không có tổn thương ở hệ cơ quan bao gồm tim mạch, hô hấp, thần kinh, nội tiết... (phải qua thăm khám và làm các xét nghiệm tầm soát loại trừ bệnh lý và kết quả mọi thứ đều bình thường) nhưng người bệnh vẫn có “cảm giác” khó chịu ở nhiều cơ quan.

Em chưa kiểm tra gì cả (thăm khám, xét nghiệm) thì không thể kết luận là rối loạn thần kinh thực vật được. Bởi vì triệu chứng của em có thể gặp trong nhiều nguyên nhân khác nhau, như cơn rối loạn nhịp tim kịch phát, bệnh lý thần kinh cơ, cường giáp...

Em cần phải đến BV đa khoa để kiểm tra, đăng ký khám chuyên khoa nội thần kinh, tim mạch. Sau khi thăm khám BS sẽ có chẩn đoán xác định và điều trị tương ứng, em nhé.


- Dat Nguyen - nguyentan…@gmail.com

Kính chào BS,

Em có đi khám tổng quát, xét nghiệm nước tiểu bị protein niệu. BS cho em hỏi mình làm cách nào để giảm protein trong nước tiểu? Em uống I.T.V [viết tắt bởi BTV] có được không BS? Em cảm ơn BS và rất mong nhận được sự phản hồi từ BS! Trân trọng.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Đạt,

Xét nghiệm nước tiểu có protein niệu dương tính thì còn gọi là tiểu đạm. Người sức khỏe bình thường vẫn có thể tiểu đạm lượng rất ít (làm xét nghiệm vi đạm niệu mới biết, xét nghiệm bằng que nước tiểu nhúng thường chỉ không phát hiện hoặc báo có vết); ngoài ra tiểu đạm có thể gặp trong các tình huống không phải bệnh như do vận động mạnh, tiểu đạm tư thế...;

Thế nhưng tiểu đạm cũng có thể gặp do các nguyên nhân bệnh lý nguy hiểm như viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận... Do vậy khi thấy tiểu đạm, điều đầu tiên là phải tìm ra nguyên nhân, vì mỗi nguyên nhân sẽ có cách xử trí khác nhau.

Em cần khám chuyên khoa nội thận để làm kiểm tra nước tiểu lại và khảo sát kỹ hơn các xét nghiệm về thận.



- Trần Công Danh - congdanh…@gmail.com

Chỉ số anti HBs của tôi khi đi xét nghiệm để là <3.10 và bên đơn vị đo để >= 10 mUI/ml thì nghĩa là sao và có cần kiểm tra gì không? HBsAg <0.100

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Danh,

Kết quả xét nghiệm này cho thấy hiện em không có nhiễm virus viêm gan B. Tuy nhiên, em cũng chưa có kháng thể bảo vệ với chúng, do vậy em nên tiêm ngừa viêm gan B để bảo vệ mình.

Phác đồ bao gồm tiêm đủ 3 mũi vắc xin, thời gian 0-1-6 tháng, sau 5-10 năm nên kiểm tra lại nồng độ kháng thể, nếu giảm xuống thì tiêm nhắc 1 mũi.


- V. V. Thạnh - Bình Định

Em đi cầu ra phân đen, đôi lúc đau bụng, mệt mỏi, nóng trong bụng, đi tiểu nhiều, không muốn ăn. Cho em hỏi những triệu chứng trên là em bệnh gì ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Thạnh,

Triệu chứng của em có thể gặp trong rất nhiều bệnh cảnh khác nhau, như viêm dạ dày ruột, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, hội chứng ruột kích thích, cường giáp, rối loạn thần kinh thực vật, thiếu dưỡng chất, viêm nhiễm mạn tính...

Em cần đến khám tại chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám, khai thác kỹ hơn bệnh sử, tiền căn, có thể làm xét nghiệm khi cần (như siêu âm bụng, xét nghiệm máu...), từ đó BS sẽ chẩn đoán xác định bệnh và điều trị thích hợp tương ứng, em nhé.

Trong thời gian này em nên nghỉ ngơi, ăn thức ăn dễ tiêu, ăn chín uống sạch, tăng cường ăn nhiều chất xơ có trong rau xanh, hoa quả (chuối, đu đủ...), hạn chế thức ăn cay, nóng, nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ, phải uống đủ nước, tối thiểu là 2 lít nước/ngày.


- Phung Quang Hòa - hoa_nguyen…@yahoo.com.vn

Bị tê các ngón tay, đau và mỏi bắp tay, đau vai bên phải là bệnh gì BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Em Hòa thân mến,

Triệu chứng của em có thể là biểu hiện của thần kinh - mạch máu bị chèn ép (nguyên nhân gây bệnh thường gặp là do vấn đề tại cột sống cổ, có thể là hẹp lỗ liên hợp ống sống, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm...chèn ép vào đường ra của mạch máu, thần kinh), có thể do thiếu vi khoáng chất cho cơ, do viêm khớp, do vận động quá mức...

Do vậy, em có thể khám ở chuyên khoa cơ xương khớp để BS kiểm tra kỹ và chẩn đoán xác định bệnh, từ đó mới có hướng điều trị thích hợp.

Trong thời gian này, em chú ý nghỉ ngơi, hạn chế vận động nặng hay chơi thể thao, ăn uống đủ chất, uống đủ nước, có thể uống thêm vitamin 3B, canxi, magie mỗi ngày.


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X