Hotline 24/7
08983-08983

Chuyện về ngôi miếu nhỏ và nhân chứng sống đại dịch SARS sau 17 năm

Cái miếu nhỏ nằm im lìm ở góc Bệnh viện Việt - Pháp. Ít người biết, miếu nhỏ thờ 6 y bác sĩ trong và ngoài nước tử vong trong lúc chiến đấu ngăn chặn thành công đại dịch SARS ở Việt Nam cách đây 17 năm.

Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) bị cách ly, đóng cửa, 65 người nhiễm. Cả tuyến phố Phương Mai gần đấy không có một bóng người. Nỗi lo sợ ngập tràn thành phố.

Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên mắc dịch. Đội ngũ y, bác sĩ quốc tế khắp nơi đổ về hỗ trợ. Bệnh viên Việt - Pháp nằm trong tâm điểm theo dõi dịch của WHO.

Thời điểm đó, y, bác sĩ không được ra ngoài. Các bác bảo vệ cũng phải thuê trọ gần đó vì không dám về gia đình. Các thiết bị tối tân đều rất khó sử dụng với một loại bệnh mới chưa từng có phác đồ.

Bệnh viện Việt - Pháp, tiền đồn chống SARS không chỉ ở Việt Nam mà còn là một trong những tiền đồn ngăn chặn bệnh của thế giới.

6 y bác sĩ cả trong và ngoài nước đã ra đi mãi mãi. Trong đó, một bác sĩ trước khi mất đã tình nguyện hiến lá phổi của mình để những người ở lại có cơ sở nghiên cứu và ngăn chặn bệnh.

Sau 45 ngày, Việt Nam là quốc gia đầu tiên WHO tuyên bố ngăn chặn thành công đại dịch có nguy cơ toàn cầu.

Những giọt nước mắt trong khoảnh khắc ấy của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Việt Pháp vẫn được lưu trữ trong các khuôn hình.

Giờ nhắc lại dịch SARS, nhiều người chúng ta cũng chỉ nhớ lờ mờ. Nhưng, vẫn còn nhiều y bác sĩ Bệnh viện Việt - Pháp mang di chứng khi qua khỏi bệnh. Họ phải đối mặt với nỗi đau từng ngày trong suốt 17 năm qua.

Nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng, y tế của chúng ta vẫn còn nhiều điều cần hoàn thiện. Song, 45 ngày chống SARS ấy xứng đáng được ghi vào lịch sử về những nỗ lực và hi sinh của các y, bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Nghĩ về chuyện đó, ta cũng thấy xứ sở mình nhỏ bé và mạnh mẽ biết bao nhiêu.

Miếu nhỏ nằm im lìm ở góc Bệnh viện Việt - Pháp

Nửa nhân viên bệnh viện mắc bệnh

Gặp y tá trưởng Nguyễn Thị Mến - bệnh nhân nặng nhất qua khỏi trong đợt dịch SARS 2003 tại Bệnh viện Việt - Pháp thấy ký ức in đậm trong từng lời kể của chị.

Vài ngày sau khi tiếp xúc với bệnh nhân Hong Kong, quốc tịch Mỹ tên Chong Cheng, chị Mến thấy người ớn lạnh, sốt, cơ bắp đau nhức. Gọi điện đến bệnh viện xin nghỉ thì được biết vài đồng nghiệp khác cũng có triệu chứng tương tự. Dù được kiểm tra, uống thuốc, xông hơi... nhưng bệnh chị càng lúc càng nặng hơn. “Cùng lúc một loạt nhân viên xin nghỉ ốm đến nỗi sếp còn tưởng bọn mình đình công”, chị nói.

Vừa nói vừa xoa đôi bàn chân tê mỏi do di chứng để lại, y tá Mến tiếp tục câu chuyện của mình: “Trước ngày tôi hôn mê có nhiều đồng nghiệp cũng mắc bệnh cùng nhập viện. Nằm bên cạnh tôi lúc đó là bạn Uyên - đồng nghiệp thân thiết của tôi ho rũ rượi. Tôi thì sốt cao, rét từng cơn, nhiệt độ lên tới 42 độ. Tôi vẫn nhớ có ai đưa mình đi đo huyết áp, chuyển phòng. Sau này mới nghe kể lúc đó chuyển phòng để đặt nội khí quản cho Uyên để thở máy. Ngày Uyên mất thì ngày đó tôi cũng rất nặng, bệnh viện gọi về nhà bảo người nhà chuẩn bị bộ quần áo sẵn phòng lúc mất.

Từng người, từng người ra đi, bệnh viện lúc đó rối ren vì gần một nửa nhân viên mắc bệnh, vậy là bác sĩ phải làm công việc của hộ lý, giám đốc đi đổ rác, hộ lý đi đo huyết áp… Một số bác sĩ bỏ việc không quay lại làm nữa. Tôi còn nghe kể có người đi vào thang máy bấm lên bấm xuống bao lần mới quyết định đi hay không đi”.

Những ngày y tá Mến hôn mê ở bệnh viện, chồng chị nhận hơn 10 cú điện thoại gọi đến nhà chia buồn là vợ chết. Cả gia đình sốc ghê gớm, khi bệnh viện nói không chết thì gia đình cũng không tin nữa. “Cũng may là dịch SARS chỉ hoành hành trong hơn một tháng rồi tắt. Và trong vòng hơn một tháng đấy thì độc lực của virus này cũng giảm dần. Những bệnh nhân mắc SARS hôn mê, phải đặt nội khí quản chỉ có tôi là người duy nhất còn sống”, chị Mến kể.

Cả gia đình bị kỳ thị, xa lánh

Thoát khỏi tử thần nhưng chị Mến không biết rằng người nhà mình bị cách ly từ khi biết chị mắc SARS. Ra viện một tháng các con chị vẫn chưa được đi học. Vợ nằm một chỗ, chồng phải đi chợ hoặc ra ngoài ăn cũng phải chọn một cái quán nào thật xa không ai biết mình. Con thì không có bạn chơi. Lúc đó chị sốc về bệnh thì ít mà sốc về tâm lý thì nhiều!

Chị còn nhớ mình gọi điện cho nhà trường để con được đi học thì nhà trường cho biết phải có xét nghiệm máu nhưng nhiều bệnh viện lại không dám làm xét nghiệm cho cháu. Họ bảo cháu đi học thì phụ huynh sẽ phản đối, cho con nghỉ hàng loạt. Lúc nằm viện chị không ngờ mọi việc lại náo loạn đến như thế. Về nhà tìm một chiếc áo lành lặn để mặc cũng không có vì người ta phun thuốc khử trùng vào ố vàng hết. Hàng xóm thì sơ tán, bố chồng ở tận Bắc Ninh lên thăm con dâu về cũng bị mọi người xa lánh. “Đến gia đình em bé mình chăm sóc ở viện trước khi bị SARS cũng gặp cảnh tương tự. Gia đình này mở cửa hàng điện tử, gas.. chẳng có ai mua, đi chợ mua thức ăn người ta cũng không chịu bán”, chị kể.

Sau khi xuất viện, chân phải chị Mến bị liệt, những tổn thương thần kinh, phổi khá nặng. Cả thời gian dài chị không tìm thấy một giấc ngủ bình thường. Chị phải điều trị vật lý trị liệu, châm cứu trong vòng nhiều tháng mới gượng đứng dậy được. Sau 3 tháng 3 ngón chân mới động đậy, sau 5 năm châm cứu bấm huyệt phục hồi chức năng giờ đôi chân vẫn đi lại khập khiễng.

“Mất ngủ triền miên, tôi phải có người massage, gội đầu mới có được giấc ngủ. Chồng tôi tình nguyện đêm nào cũng bóp chân cho vợ, hai người nằm trở đầu nhau như thế suốt mấy năm. Quen đến nỗi sau này cứ phải bóp chân cho vợ chồng mới ngủ được”, kể đến đây chị Mến bật cười hạnh phúc.

“Khi trải qua cuộc “thập tử nhất sinh” liền kề cái chết thì cuộc sống có nhiều đổi khác. Qua đó người ta sống bình tĩnh hơn, nhân ái hơn, quý trọng tất cả những gì cuộc sống đã ban tặng cho mình. Nhiều khi đau đớn muốn nghỉ để có nhiều thời gian tập luyện nhưng nghĩ lại thấy phí quá, mình phải làm thêm phần của cả những người đã mất. Cuộc sống luôn đòi hỏi con người ta phải cố gắng và mọi cố gắng đúng đắn đều có hương vị ngọt ngào”, y tá Mến chia sẻ.

Tháng 3, tháng 4 hằng năm là một dịp đáng nhớ của Bệnh viện Việt - Pháp cũng như cá nhân chị Mến. Rằm, mùng một hằng tháng chị đều ra ngôi miếu nhỏ thờ 6 y bác sĩ Việt Nam và nước ngoài đã ngã xuống trong trận dịch SARS 10 năm trước để thắp nhang tưởng nhớ họ...

[DAP]

Những mốc dịch SARS lây lan ở Việt Nam:

- 23/2/2003: Bệnh nhân Chung Cheng từ Hong Kong nhập cảnh Việt Nam, mang theo các triệu chứng bệnh cúm lạ.

- 26/2/2003: Chung Cheng nhập viện Việt Pháp, là người đầu tiên tại Việt Nam được xác định mắc bệnh SARS.

- 5/3/2003: Bệnh viện Việt Pháp được cách ly.

- 13/3/2003: Viện Y học lâm sàng tiếp nhận bệnh nhân SARS đầu tiên.

- 15/3/2003: Người Việt Nam đầu tiên chết vì SARS, là y tá Bệnh viện Việt Pháp. Sau đó là 4 y bác sĩ khác của bệnh viện này lần lượt tử vong.

- Từ ngày 8/4/2003 trở đi: Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới nào.

- 28/4/2003: Việt Nam được WHO công nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS.[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X