Hotline 24/7
08983-08983

Chuyển mùa, tử vong chỉ vì bị cúm "xoàng"

Sau khi sốt liên tiếp 5 ngày không hạ, bệnh nhân vào viện trong tình trạng viêm phổi nặng, suy hô hấp nặng.

Các bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, bệnh viện tiếp nhận rải rác bệnh nhân mắc cúm. Đáng chú ý, có một bệnh nhân tử vong là người nước ngoài (Thổ Nhĩ Kỳ - nơi xảy ra dịch cúm làm tử vong không ít người).

Bệnh nhân này khi tới Việt Nam vài ngày sau bị sốt liên tiếp 5 ngày liền. Bệnh nhân chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng viêm phổi nặng, suy hô hấp rất nặng. Điều trị suốt 1 tháng, bệnh nhân không thể qua khỏi.

Không ít trường hợp tại Hà Nội dù chỉ bị cúm thường nhưng khi nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng.


Một trường hợp cúm xoàng biến chứng viêm phổi phải nằm thở máy tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: TG
Một trường hợp cúm xoàng biến chứng viêm phổi phải nằm thở máy tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: TG

Mới đây nhất có 3 trường hợp nhập viện trong tình trạng viêm phổi nghi nhiễm cúm, đều đang thở máy. Trong đó có một trường hợp là nam giới 50 tuổi ở Phú Thọ.

Khai thác bệnh sử của bệnh nhân cho thấy, bệnh nhân này có mẹ mới mất vì viêm phổi nặng tiến triển không rõ nguyên nhân. Sau khi mẹ mất, người đàn ông này cũng có biểu hiện sốt, sau đó viêm phổi và được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Trong 2 tuần qua, có 5 ca viêm phổi nghi ngờ cúm nhập viện thì có 2 ca được xác định nhiễm cúm A(H1N1) và đang trong tình trạng thở máy.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương), có một tỉ lệ nhất định virus cúm tấn công gây viêm phổi trầm trọng, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Ngoài ra, virus cúm cũng có nguy cơ gây viêm cơ tim, nên ở các ca virus cúm tấn công phổi, tấn công cơ tim diễn biến bệnh nhân rất nặng.

“Vì thế, khi có dấu hiệu cúm như sốt, đau nhức toàn thân, hắt hơi, chảy nước mũi... mọi người vẫn thường tự điều trị triệu chứng ở nhà, sau vài ba ngày là đỡ. Tuy nhiên, nếu cảm thấy mệt mỏi quá mức bình thường, bệnh nhân nên đến viện. Đặc biệt khi thấy cơ thể sốt cao sau vài ngày sốt nhẹ, đau nhức người, kèm đau ngực, khó thở thì càng phải đến viện sớm” - BS Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo.

BS Cấp cũng cho biết thêm, virus cúm vào cơ thể gây suy giảm miễn dịch dễ dẫn đến viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, tuy nhiên, một số trường hợp virus tấn công trực tiếp gây viêm phổi với tổn thương lan tỏa rộng, diễn biến nhanh.

Đây là căn bệnh dễ lây lan, nhất là trong những ngày thời tiết miền Bắc ẩm ướt như hiện nay, virus cúm có cơ hội tồn tại trong môi trường lâu hơn nên dễ lây truyền bệnh hơn. Do virus ở trong các giọt nhỏ nước bọt từ người bệnh bắn ra không khí, thời tiết ẩm, các giọt này lâu khô, virus tồn tại lâu hơn.

Các chuyên gia khuyến cáo, vì cúm là bệnh lây qua đường hô hấp, nên để phòng bệnh, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh mũi, miệng, mắt. Khi đi đường, nên mang khẩu trang để bảo vệ đường hô hấp, tránh nhiễm bệnh qua đường hô hấp.

Khi đã nhiễm bệnh, nên nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế đến các nơi công cộng để tránh lây bệnh cho những người khác. Ngoài ra có điều kiện nên tiêm phòng vaccine cúm để phòng ngừa căn bệnh này.

Theo Quỳnh An - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X