Hotline 24/7
08983-08983

Chuyện hậu sự lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hôm nay (23/9), nếu tính theo lịch Âm (30/8) thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa tròn một năm.

Với người dân Việt, đây lại là dịp để chúng ta hồi tưởng lại một Đại lễ tang hy hữu, đầy cảm xúc của dân tộc khi tiễn đưa một vị tướng yêu kính của nhân dân về nơi vĩnh hằng.

Khoa A11, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 là nơi có vinh dự được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao nhiệm vụ chăm sóc và điều trị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh cả của Lực lượng vũ trang chúng ta mỗi khi đau, ốm.

Riêng đợt cuối cùng, Đại tướng đã có 1.559 ngày liên tục nằm nơi đây. Lẽ ra, thời gian đó, chúng ta có thể hoàn toàn chủ động trong việc bàn bạc để lo hậu sự cho Đại tướng. Song có những điều, chỉ tới khi Đại tướng trút hơi thở cuối cùng, chúng ta mới bàn chuyện hậu sự cho Đại tướng một cách thực sự theo hướng đưa về nơi đất Mẹ.

Chuyện hậu sự lễ tang Đại tướng Võ Nguyên GiápXe pháo chở linh cữu Đại tướng được đưa từ miền Nam ra bằng tàu hỏa - Ảnh: T.Q.N

Trong vô vàn thứ được gọi là "hậu sự" của một đám tang, có lẽ có hai điều quan trọng cần được chu toàn, đó là khâu nghi thức tang lễ, trong đó một phần là nội dung bài điếu văn. Khâu thứ hai, cũng không kém phần quan trọng, đó là công tác hậu cần. Với lễ tang này thì quả là cực kỳ quan trọng.

Điều khiến ai trong Ban chỉ đạo tang lễ cấp Quốc gia cũng có thể cực kỳ yên tâm, đó là khâu này lại được Bộ Quốc phòng giao cho Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Công binh, những đơn vị có nhiều kinh nghiệm về công tác đảm bảo của quân đội lo toan.

Sự "chọn mặt gửi vàng" này quả là chính xác bởi không dễ gì một cơ quan nào có thể lo nổi, đặc biệt là đối với lễ tang của Đại tướng. Theo ông Văn Chiến (Tổng cục Hậu cần), trong một báo cáo của ngành Hậu cần quân đội, khi tổng kết công tác bảo đảm hậu cần cho Lễ tang Đại tướng thì ngay sau khi nhận được Kế hoạch số 1587 của Bộ Tổng Tham mưu ngày 8/10/2013, Tổng cục Hậu Cần đã ra một loạt "mệnh lệnh" khác kèm theo để triển khai cho kịp thời.

Các đơn vị cấp Cục được giao việc gồm có Cục Vận tải, Cục Xăng dầu, Cục Quân nhu, Cục Doanh trại, Cục Hậu cần Quân khu 4 đều được huy động (riêng Cục Quân y thì lại thuộc Bộ Quốc phòng nên chúng tôi không đề cập ở đây). Một "Sở Chỉ huy tiền phương" được thành lập và họ lập tức lên đường vào Quảng Bình "đốc chiến".

Chuyện hậu sự lễ tang Đại tướng Võ Nguyên GiápXe pháo đưa linh cữu Đại tướng qua đèo Lý Hóa, H.Bố Trạch, Quảng Bình - Ảnh: T.Q.N

Theo đó, thực hiện mệnh lệnh cấp trên, Cục Vận tải đã phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sử dụng riêng một đoàn tàu mang ký hiệu HBN 2a từ ga Sóng Thần đi thẳng Đồng Hới với 13 toa chở hàng, 1 toa chở quân có nhiệm vụ vận chuyển một đơn hàng đặc biệt (gồm 1 linh xa, 7 xe Zin131, 4 xe GAT và 2 xe UAZ) trưng dụng của Quân khu 7 làm nhiệm vụ đón, rước linh cữu Đại tướng từ sân bay Đồng Hới về Vũng Chùa (Quảng Trạch, Quảng Bình), nơi sẽ an táng Đại tướng.

Một kế hoạch hợp tác giữa Cục Vận tải và ngành đường sắt với quyết tâm phải đảm bảo kịp thời và tuyệt đối an toàn được vạch ra, không khác gì kế hoạch triển khai phục vụ chiến đấu.

Với Cục Xăng dầu, cấp trên chỉ đạo phải đảm bảo lo hàng ngàn tấn xăng dầu chất lượng tuyệt đối an toàn cho công tác vận chuyển và phục vụ tại chỗ, trên những chiếc xe chuyên dụng hiện đại nhất.

Cục Quân nhu cũng nhanh chóng cấp cho Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Bình 100 bộ bàn ghế inox và ô che mưa, bạt che loại lớn cùng áo mưa, mũ… phục vụ cho khách tới tiễn đưa, cho Ban Tổ chức và gia đình phòng mưa gió.

Cục Doanh trại cũng dựng 2 nhà khung inox loại lớn để phục vụ Lễ an táng phòng mưa gió lớn.

Cơ quan Hậu cần Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình cũng đã khẩn trương đề ra kế hoạch báo cáo lãnh đạo Tỉnh để chỉ đạo ngành điện lực cung ứng đủ điện chiếu sáng cho khâu làm đường suốt đêm của Công binh cũng như trong và sau lễ an táng.

Có những chuyện rất tỉ mỉ như phối hợp với Sở Y tế Quảng Bình phun thuốc diệt côn trùng, tẩy uế môi trường cho cả một khu đồi rộng lớn cũng làm tốt đã cho thấy chỉ có lực lượng kinh nghiệm như Hậu cần quân đội thì mới làm chu đáo và tinh tế như vậy.

Rồi lại có những chuyện tưởng là bình thường nhưng cũng không thể không lo như bộ quân phục đặc biệt được X.20 may gấp cho Đại tướng mặc khi đã về bên kia thế giớitheo số đo vốn có, nhưng phải kết hợp với thể tạng thực sau mất của Đại tướng sao cho khéo nhất.

Chuyện hậu sự lễ tang Đại tướng Võ Nguyên GiápNgười dân viếng mộ Đại tướng dịp 49 ngày mất - Ảnh: T.Q.N

Vừa hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt trên, X.20 lại tiếp tục triển khai may gấp toàn bộ hệ thống bạt che, phủ lên khắp quãng đường dẫn khách vào viếng với 200 mét chiều dài, vậy mà chỉ sau 2 giờ, mọi việc đều tươm tất. Ấy là chưa kể phải may gấp 30 bộ quân phục nghi lễ cho cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ mộ tại Vũng Chùa.

Với mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Hậu cần quân đội cũng như cán bộ, nhân viên Viện Quân y 108 chăm sóc, chữa trị cho Đại tướng thời gian người nằm viện, họ đều xem đó như là một vinh dự, một phần thưởng vô giá đối với họ mà không một bằng khen hay thứ gì có thể thay được. Đó cũng là một kỷ niệm sẽ được họ luôn khắc sâu trong trái tim mình, không bao giờ phai…

Việc Đại tướng có tâm nguyện sau khi qua đời sẽ được yên nghỉ vĩnh hằng tại mảnh đất Quảng Bình quê hương, quả thật là rất ít ai biết đó là điều Đại tướng đã có ý từ lâu nhân một chuyến tới Vũng Chùa. Tuy rằng việc đưa Đại tướng trở về đất Mẹ là một hành trình kỳ công. Song dù có xa xôi là vậy, nhưng chỉ sau chưa được 11 tháng, đã có tổng cộng 110 ngàn đoàn với hơn 1,2 triệu lượt khách đến viếng mộ Đại tướng.

Chỉ cần nhìn vào lưu lượng người dân cả nước đến thăm, viếng mộ Đại tướng và chỉ nghĩ về điều này, những người lính Hậu cần và Công binh được vinh dự nhận nhiệm vụ trước Đảng và Nhà nước, Quân đội cách đây một năm càng cảm thấy tự hào.

AloBacsi.vn
Theo Quốc Phong - Thanh niên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X