Hotline 24/7
08983-08983

Chuyên gia nói gì về việc xây ga tàu điện ngầm cạnh Hồ Gươm?

Với dân số và thực trang giao thông hiện tại, Hà Nội rất cần đến tàu điện ngầm, đó là ý kiến của TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải.

Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, từ ngày 9 đến 31/3, đơn vị sẽ tổ chức trưng bày, lấy ý kiến nhân dân về Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.

Theo quy hoạch tổng mặt bằng, nhà ga chính C9 được xem xét bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa Hồ Gươm, dài 150m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m, có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga).

Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10 m, tới tượng đài Cảm tử 81 m, đến đền Bà Kiệu 83 m, đến Tháp Bút 36 m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120 m.

Ga có 4 cửa lên xuống. Cửa số 1 được bố trí cùng cụm công trình phụ trợ trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội; cửa số 2 có một phần nằm trên vỉa hè đường Trần Nguyên Hãn và trên một phần đất của Tổng công ty Điện lực miền Bắc; cửa số 3 nằm trong khu vực vườn hoa Hồ Gươm (khu vực nhà vệ sinh đối diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội).

Cửa lên xuống số 4 có hai phương án, nằm ở phía trước điểm thông tin và hỗ trợ khách du lịch (cửa hàng Hồ Gươm Audio - Video Hà Nội cũ) hoặc dịch chuyển vị trí ra phố Hàng Dầu để tránh xâm phạm vào vùng bảo vệ I của di tích đền Bà Kiệu.


Phối cảnh kiến trúc cảnh lên xuống số 1. Ảnh: MRB
Phối cảnh kiến trúc cảnh lên xuống số 1. Ảnh: MRB

Trong thời gian trưng bày, Ban quản lý sẽ có bàn ghi nhận ý kiến tại chỗ, đồng thời tiếp thu các đóng góp của nhân dân cũng như chuyên gia, nhà khoa học thông qua email, khảo sát trực tuyến…

Được biết, đây là kết quả quá trình nghiên cứu thận trọng và lâu dài của các cơ quan chuyên môn của thành phố. Đồng thời, thống nhất ý kiến của rất nhiều cơ quan, đơn vị, bộ ngành liên quan và phù hợp với các quy hoạch và hướng tuyến đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Xung quanh việc đặt ga tàu ngầm cạnh Hồ Gươm, nhiều người cho rằng, đây là khu vực không gian xanh và là trung tâm hành chính, chính trị của Thủ đô do vậy cần tìm địa điểm thích hợp hơn để đặt ga ngầm C9. Trong đó, vừa phát triển được giao thông nhưng vẫn giữ gìn bảo tồn được di sản cảnh quan xung quanh Hồ Gươm, tránh tác động, ảnh hưởng đến di sản.


Lối lên xuống số 4. Ảnh: MRB
Lối lên xuống số 4. Ảnh: MRB

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, người có 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu giao thông cho biết: “Bờ hồ là “hòn ngọc” của Hà Nội, ga tàu điện ngầm ở đó là hợp lý vì sẽ chở hành khách đến xem. Từ khu đó có thể đến Nhà hát lớn, đến khu vực Tràng Tiền. Theo tôi, việc xây ga tàu điện ngầm ở đây chỉ cần lưu ý không nên để ảnh hưởng tới công viên sát bờ hồ”.

Ông cho biết thêm, việc đặt ga tàu điện ngầm ở đó sẽ tăng thêm lượng người đến Bờ Hồ chứ không phải riêng những người sống ở trung tâm.

Bản thân ông Thủy đã có nhiều năm nghiên cứu về tàu điện ngầm. Theo ông, đây là một công trình “cực chẳng đã” người ta mới làm vì chi phí xây dựng cực kỳ đắt. Tuy nhiên, với những thành phố từ 3 triệu dân trở lên thì phải xây dựng tàu điện ngầm để giao thông không bị ùn tắc.

Ưu điểm của tàu điện ngầm là an toàn, đi rất nhanh và tránh ô nhiễm bên trên vì nó chạy bằng sức điện. Lượng hành khách vận chuyển rất cao so với các phương tiện khác. Hà Nội xây tàu điện ngầm là rất đúng vì dân số Hà Nội gần 10 triệu người.

Theo Ngọc Thi - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X