Hotline 24/7
08983-08983

Chuyên gia Nhi khoa Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Mẹ đã biết nấu ăn cho trẻ ăn dặm?

Sáng 18/4, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn về việc cho trẻ ăn dặm mà rất nhiều bà mẹ trẻ quan tâm: Độ tuổi nào bắt đầu cho trẻ ăn dặm, cho trẻ ăn dặm những thực phẩm nào, những lưu ý khi tập cho trẻ ăn dặm...

Chuyên gia tư vấn Nhi khoa Trịnh Ngọc Bình đang giải đáp thắc mắc của bạn đọc AloBacsi. Ảnh: Thanh Thủy
Chuyên gia tư vấn Nhi khoa Trịnh Ngọc Bình đang giải đáp thắc mắc của bạn đọc AloBacsi. Ảnh: Anh Khoa

Nuôi con luôn là cuộc hành trình đầy gian nan nhưng cũng đong đầy hạnh phúc đối với tất cả các bà mẹ, ở mỗi giai đoạn trẻ lớn lên mẹ lại phải chăm sóc trẻ ở những cách khác nhau. Nếu trẻ dưới 6 tháng chỉ nên sử dụng sữa mẹ là nguồn thức ăn thì trên 6 tháng trẻ nên bổ sung thêm các loại thực phẩm khác nữa.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Các bác sĩ khuyên cho trẻ ăn dặm vào tháng thứ 6, vì sao lại chọn thời điểm này ạ? Có phải mọi trường hợp đều nhất định phải đợi 6 tháng, hay cha mẹ có thể dựa vào dấu hiệu nào để biết bé có nhu cầu ăn dặm?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Các bác sĩ khuyên cho trẻ ăn dặm vào tháng thứ 6, chọn thời điểm này vì sữa mẹ sau 6 tháng không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng lên của trẻ, cả về cân nặng cũng như trí não. Hệ tiêu hóa của trẻ cũng ổn định dần, trẻ đã có thể giao tiếp bằng ánh mắt với những người xung quanh, nhu cầu ăn của trẻ cũng tăng lên nhiều so với giai đoạn trước đó, nên cần phải cho trẻ ăn thêm thức ăn bổ sung.

Mặt khác nhu cầu của trẻ ngày càng nhiều trẻ bắt đầu tập ngồi, tập bò nên việc bổ sung các loại thức ăn dặm cho trẻ là điều rất cần thiết. Khi bé đủ 6 tháng tuổi lúc này, cơ thể bé mới tiết ra enzyme có chức năng tiêu hóa các loại thức ăn khác ngoài sữa. Cho nên, ngoài việc bú sữa mẹ, trẻ cần được ăn thêm từ 1-2 bữa bột trong một ngày.

Nếu mẹ vì nôn nóng mà cho trẻ ăn dặm quá sớm, hoặc vì trẻ nhẹ cân nên cũng quyết định cho trẻ ăn dặm dù chưa đủ 6 tháng tuổi sẽ gây cho trẻ nguy cơ rối loạn tiêu hóa, do hệ tiêu hóa và miễn dịch của bé chưa phát triển đầy đủ để dung nạp những loại thức ăn mới.

- Do đó, tốt nhất nên cho trẻ ăn dặm vào tháng thứ 6 vì lúc này cân nặng tăng gấp đôi so với lúc sinh, trẻ biết ngồi và đầu đứng thẳng, trẻ biết lắc đầu hay ngoảnh mặt quay đi khi trẻ không muốn ăn, trẻ biết yêu thích thức ăn hoặc không muốn ăn món nào đó.

- Thường đến 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu mọc răng và có biểu hiện thích thú khi cho các thức ăn không phải là chất lỏng vào miệng. Trẻ biết sử dụng lưỡi để di chuyển thức ăn trong miệng và có khả năng cử động hàm để nhai. Lúc này, bộ máy tiêu hóa của trẻ đã phát triển hoàn thiện hơn, có khả năng tiêu hóa thức ăn đặc. Vì thế, đây là thời điểm thích hợp nhất để các bà mẹ bắt đầu cho trẻ ăn dặm.

Các bác sĩ khuyên cho trẻ ăn dặm vào tháng thứ 6, vì sữa mẹ sau 6 tháng không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng lên của trẻ. Ảnh minh họa - nguồn internet
Các bác sĩ khuyên cho trẻ ăn dặm vào tháng thứ 6, vì sữa mẹ sau 6 tháng không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng lên của trẻ. Ảnh minh họa - Nguồn internet.


Nếu ăn dặm sớm hơn hay muộn hơn sẽ có bất lợi gì, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

- Nhiều trẻ mới 3-4 tháng tuổi mẹ đã cho con ăn dặm, sẽ không tốt cho trẻ vì đường ruột của trẻ còn non nớt chưa có đủ các men cần thiết để tiêu hóa thức ăn ngoài sữa mẹ. Nếu thời gian tập trẻ ăn dặm sớm hơn 6 tháng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là bệnh tiêu chảy vì thức ăn bổ sung không có những yếu tố kháng khuẩn, yếu tố tăng cường miễn dịch và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như sữa. Ngoài ra, các loại ngũ cốc, rau quả từ thức ăn bổ sung cũng có thể làm hạn chế việc hấp thụ sắt trong sữa mẹ, khiến trẻ bị thiếu máu.

- Trẻ ăn dặm muộn hơn 6 tháng sẽ dễ bị suy dinh dưỡng do không đủ dưỡng chất cung cấp khi cơ thể trẻ càng ngày càng phát triển.


Những trường hợp nào tuy đã đúng thời điểm nhưng buộc phải tạm hoãn cho bé ăn dặm ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Cho trẻ ăn dặm khi cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh. Khi trẻ đã đúng thời điểm ăn dặm nhưng  trường hợp sức khỏe trẻ không được khỏe mạnh như trẻ sau tiêm chủng, trẻ bị ho, viêm nhiễm, bé mới tiêm ngừa, mọc răng, người nhà bị cảm cúm hay hắt hơi sổ mũi (với nguy cơ ngày hôm sau trẻ cũng sẽ bị lây và sẽ bị sổ mũi). Tốt nhất là nên đợi thêm một vài tuần cho tới khi mọi sinh hoạt của trẻ trở lại bình thường mới bắt đầu cho trẻ ăn dặm.

BS Ngọc Bình cho biết, trẻ ăn dặm muộn hơn 6 tháng sẽ dễ bị suy dinh dưỡng. Ảnh: Thanh Thủy
BS Ngọc Bình cho biết, trẻ ăn dặm muộn hơn 6 tháng sẽ dễ bị suy dinh dưỡng. Ảnh: Anh Khoa.


Ở tháng thứ 6, hệ tiêu hóa của trẻ có thể xử lý những món ăn như thế nào ạ? Nguyên tắc nào cần tuân thủ khi cho trẻ ăn dặm?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Các nguyên tắc cần biết khi cho trẻ ăn dặm:

- Thức ăn cần được xoay nhuyễn thật mịn

- Không nên ép nếu trẻ không thích ăn

- Cần cho trẻ làm quen với 1 món ăn trong 3 ngày để theo dõi trẻ có dị ứng hay không

- Cho bé ăn từ lỏng đến đặc, ngọt đến mặn. Giai đoạn này hệ tiêu hóa của bé còn yếu nên hạn chế các thực phẩm tanh như cá, tôm, chỉ nên bổ sung thịt lơn, gà dạng bột.

- Không nêm nếm gia vị vào món ăn nấu cho trẻ

- Cho trẻ ăn từ từ, giai đoạn 6 tháng tuổi chỉ nên ăn 1-2 bữa trong ngày

- Nấu cho trẻ 4 thực phẩm cần thiết: tinh bột (gạo tẻ), đạm (thịt nạc lợn, ức gà), chất béo (dầu ăn, dầu oliu), vitamin và khoáng chất (cà rốt, bí đỏ, khoai lang).

- Giai đoạn này sữa mẹ vẫn là thực phẩm chủ yếu của bé

- Sau khi trẻ ăn các thức ăn xay, nghiền nhuyễn. Có thể bắt đầu bằng bột ngũ cốc giàu sắt trộn với sữa mẹ hoặc sữa bột. Khi trẻ đã bắt đầu quen với việc ăn các chất rắn, mẹ có thể tiếp tục với các loại trái cây, rau quả và thịt nạc.

- Mỗi trẻ có một cơ địa khác nhau. Thực phẩm này đối với bé này thì tốt nhưng đối với bé kia có thể khó hấp thụ. Mẹ nên lưu ý kĩ và thử lại với bé sau 1, 2 tuần nếu lần đầu bé không chịu ăn.

- Chia nhỏ bữa ăn để bé không bị đầy bụng và hấp thụ quá nhiều chất dinh dưỡng trong một lần ăn.

- Mẹ nên biết thức ăn nào phù hợp với độ tuổi nào và thức ăn nào tuyệt đối cấm. Nhất là đối với những bé có cha/ mẹ hay bị dị ứng thực phẩm.

- Mẹ nên dùng thực phẩm mua tươi sống, an toàn nơi uy tín hay các siêu thị, cửa hàng tiện ít có nguồn gốc rõ ràng, trong quá trình sơ chế và chế biến thực phẩm. Thực phẩm dành cho bé phải được xay hoặc nghiền nhuyễn.

- Nên thay đổi thức ăn thường xuyên cho trẻ để tránh dư thừa chất dinh dưỡng và cũng là để trẻ tập với những món ăn mới.

- Cho trẻ bú và ăn dặm song hành với nhau vì thời điểm này bé vẫn cần phải có sữa mẹ để đảm bảo những dinh dưỡng tối cần thiết.

- Luôn ở bên cạnh bé khi bé ăn để kịp thời can thiệp nếu bé bị nghẹn.


Thời kỳ ăn dặm của trẻ gồm mấy giai đoạn, mỗi giai đoạn bé có thể ăn những gì? Nhờ BS cung cấp một thực đơn thông dụng cho từng giai đoạn?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Thời kỳ ăn dặm của trẻ có thể chia thành những giai đoạn như sau:

Giai đoạn ăn dặm khi trẻ 6-9 tháng tuổi

- Chén bột đầu tiên là bột loãng (2 muỗng bột trong 200ml nước). Để thay đổi khẩu vị, nên cho bé ăn bột ngọt và bột mặn đan xen nhau.

Sau khoảng 1 tháng trẻ ăn bột loãng, thì cho trẻ ăn bột đặc hơn (4 muỗng bột trong 200ml nước). Có thể cho thịt và rau đã nấu chín, thái nhỏ sau đó xay mịn, cho vào chung với bột. Đây là cách giúp trẻ hấp thụ chất xơ thúc đẩy quá trình tiêu hóa và cũng là tập cho trẻ quen dần với mùi vị thức ăn.

Những thức ăn dặm đầu tiên của bé nên có mùi vị nhẹ nhàng và các thành phần phải nhuyễn mịn. Khi trẻ bắt đầu ăn bằng cách trộn lẫn bột với một chút sữa hàng ngày của trẻ tạo nên thức ăn mới với vị quen thuộc, làm cho trẻ bớt lạ.

Giai đoạn ăn cháo khi trẻ 10 tháng tuổi

Giai đoạn này trẻ đã mọc răng và có thể nhai thức ăn mềm nên nấu cháo cho trẻ ăn. Chén cháo đầu tiên là cháo loãng.

Nên chế biến thêm cả thịt và rau xanh để đảo bảo đủ chất cho trẻ ăn. Giai đoạn này không nên xay nát thức ăn sẽ làm trẻ không học nhai được, từ đó trẻ không cảm nhận được mùi vị thức ăn, dẫn đến trẻ nhanh chán ăn, có thể gây ra biếng ăn. Do đó, nên băm nhỏ thịt và rau xanh thay vì xay nhuyễn tất cả mọi thứ.

Chỉ nêm cho trẻ bằng muối hoặc nước mắm, nhạt hơn khẩu vị người lớn.

Ngoài cháo, nên cho trẻ làm quen với các thức ăn mềm như bún, phở, mì, nui… để trẻ đổi khẩu vị, kích thích sự ngon miệng.

Giai đoạn ăn cơm nát - khi bé mọc đủ 20 răng sữa

Không nên cho trẻ ăn quá sớm, sẽ không tiêu hóa được thức ăn, dẫn đến không hấp thu được chất dinh dưỡng. Cho ăn quá muộn, trẻ sẽ không có đủ dưỡng chất để phát triển, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng.

Các loại thực phẩm cho trẻ ăn dặm:

Cho trẻ ăn đủ 4 loại thực phẩm như: Chất tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Rau củ quả là thực phẩm ăn dặm hàng đầu cho trẻ cần phải bổ sung. Mẹ nên cho trẻ ăn các loại củ như cà rốt, khoai lang, củ dền, bí đỏ. Một số loại quả khác cũng tốt cho trẻ như đu đủ, chuối, bơ,... Các loại thịt nạc, thịt bò, thịt gà, cá hồi cũng rất tốt cho trẻ. Nên cho trẻ uống thêm sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, váng sữa, phô mai,… là thức ăn dễ ăn, trẻ sẽ rất thích khi sử dụng, sữa chua chứa canxi, giúp cải thiện đường ruột cho trẻ.
s
Theo BS, khi lựa chọn và chế biến thực phẩm cho trẻ ăn dặm, cha mẹ cần lưu ý gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Những lưu ý khi tập cho trẻ ăn dặm:

Trẻ cần có thời gian để “làm quen” với những thực phẩm, hương vị mới, vì thế hãy tập cho bé ăn từng chút một.

Việc cho trẻ tập làm quen với thức ăn thực phẩm, hương vị mới một cách từ từ sẽ cho phép bạn phát hiện các dấu hiệu dị ứng thực phẩm của bé như như tiêu chảy, đau bụng hay nổi mề đay. Cho bé ăn một loại thực phẩm mới trong vài ngày. Nên bắt đầu với các loại quả và rau màu vàng, vốn dễ tiêu hóa hơn các loại rau củ màu sắc khác.

Những thực phẩm tốt cho trẻ bắt đầu ăn dặm là: chuối, cà rốt, rau, táo, đào, lê, khoai lang, súp lơ và bí ngô hầm nhừ. Các loại rau quả nghiền nhuyễn này có thể cho thêm nước sôi, nước mát hay sữa mẹ, sữa công thức để làm loãng trước khi cho bé ăn.

Nếu thấy trẻ không muốn ăn món ăn mới, bạn dừng lại vài ngày rồi cho trẻ thử lại. Trẻ có thể sẽ chỉ thích thú với vài loại thực phẩm nên tiếp tục thử lại các món bé không thích cho tới khi bé chịu ăn nhiều hơn.


BS có thể chia sẻ các mẹo để giúp việc ăn dặm của trẻ được thuận lợi hơn? Nếu bé không chịu ăn dặm thì cha mẹ nên làm gì?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

- Để giúp việc ăn dặm của trẻ được thuận lợi thì cha mẹ nên tập cho trẻ ngay từ ngày đầu ăn dặm như: không cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi, không ép trẻ ăn, không nên cho trẻ ăn vặt trước khi ăn dặm, không nên nấu các món mà trẻ không thích hay thức ăn hâm đi hâm lại nhiều lần.

- Nếu trẻ không chịu ăn dặm thì cha mẹ nên giúp bé ăn ngoan là mẹ chế biến các món thức ăn sao cho phong phú đa dạng, hình thức đẹp không nên nấu lặp lại một số món sẽ làm trẻ chán ăn. Khi chế biến thức ăn mẹ cần quan tâm đến độ tuổi của trẻ để chế biến thức ăn sao cho thích hợp như bé mới bắt đầu ăn dặm, mẹ nên nấu loãng, mịn, còn đối với các bé lớn hơn mẹ nên chế biến thức ăn đặc và lợn cợn hơn một chút và nên trang trí đẹp cho món ăn cũng sẽ khiến trẻ thích thú với thức ăn hơn.

- Tập cho trẻ tự ăn bằng cách cho trẻ ngồi chung bàn ăn với người lớn và cho trẻ tự bốc ăn hoặc cầm muỗng tự múc ăn dù trẻ múc chưa quen và làm bẩn quần áo, mặt mũi lem nhem nhưng trẻ sẽ thấy thích thú và hào hứng vì mình giống người lớn, bé sẽ ăn ngoan.

Cho trẻ ngồi chung bàn ăn với người lớn, tự bốc ăn hoặc tự múc ăn, trẻ sẽ thấy thích thú và ăn ngoan. Ảnh minh họa - nguồn internet
Cho trẻ ngồi chung bàn ăn với người lớn, tự bốc ăn hoặc tự múc ăn, trẻ sẽ thấy thích thú và ăn ngoan. Ảnh minh họa - nguồn internet


Những sai lầm thường gặp khi các gia đình cho bé ăn dặm là gì, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Những sai lầm thường gặp khi các gia đình cho bé ăn dặm là:

- Nhiều mẹ nấu bột hay cháo sợ trẻ không đủ dinh dưỡng nên cho thật nhiều thịt, cá, trứng,… Do đó, lượng đạm dư quá nhiều làm cho trẻ rối loạn tiêu hóa và làm cho trẻ biếng ăn.

Nhiều mẹ hay hầm xương, nghiền rau, xay thịt lọc lấy nước, bỏ cái để nấu bột cho trẻ vì sợ trẻ không nhai được và sợ trẻ bị hóc họng. Cho nên, các chất dinh dưỡng, vitamin phần lớn lại nằm trong phần xác thực phẩm làm trẻ ngán ăn.

- Nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ không nên ăn dầu mỡ sớm vì không cần thiết có thể khiến bé có nguy cơ béo phì. Tuy nhiên, khoảng 60% não của trẻ được cấu thành từ chất béo. Trong khi đó, chất béo là nguồn sinh năng lượng quan trọng, giúp cho sự phát triển sớm về trí tuệ và thể lực của trẻ. Đây cũng là thành phần giúp cơ thể hấp thu và sử dụng tốt các vitamin A, D, E, K tan trong dầu.

- Khi trẻ 6 tháng hay dù đã 12 tháng, 18 tháng, nhiều phụ huynh vẫn trộn lẫn và nghiền nhuyễn mọi thức ăn khiến bé không được học nhai, vô tình làm trẻ không chịu nhai mà chỉ biết nuốt thức ăn, từ đó không cảm nhận được mùi vị thức ăn, dẫn đến kén ăn và biếng ăn.

Ngoài ra, nhiều phụ huynh có thói quen nấu một nồi cháo có đầy đủ thịt, rau từ sáng rồi để bé ăn cả ngày. Với cách này, cháo bữa sau dễ bị vi khuẩn xâm nhập, chất lượng bữa ăn sẽ bị giảm sút khiến bé không đủ dưỡng chất, bé không thích ăn, thậm chí còn gây ra các bệnh về đường tiêu hóa.

Do đó, khi trẻ mới bắt đầu ăn dặm, cần tập cho trẻ ăn dặm bằng bột ngọt loãng, sau đó đặc dần theo từng giai đoạn phát triển của trẻ để hệ tiêu hóa của trẻ dần dần thích nghi tiêu hóa được thức ăn. Nếu ngay từ đầu mẹ cho trẻ ăn bột mặn có đầy đủ 4 nhóm thức ăn trẻ sẽ có khó tiêu hóa được thức ăn, nhất là chất đạm, có thể dẫn đến chướng bụng hoặc viêm ruột do hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, chưa hoàn thiện. Do đó, để có một bữa ăn dặm nhiều dinh dưỡng cho trẻ mẹ nên nấu đúng cách.


Các ông bố có vai trò như thế nào trong giai đoạn con ăn dặm, BS có thể gợi ý không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

- Thường thì cha nấu không ngon bằng mẹ, nên cha phụ mẹ đi chợ, mua thực phẩm tươi sạch an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Phụ giúp các việc nhà

- Cho trẻ ăn trong sự yêu thương.

- Chia sẻ, cảm thông với tâm trạng của vợ những lúc bé không chịu ăn, vợ phải vất vả cho con ăn

Nhiều ông bố bà mẹ trẻ lúng túng khi nấu ăn cho trẻ ăn dặm, họ nên đến đâu để được hướng dẫn?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Nhiều ông bố bà mẹ trẻ lúng túng khi nấu ăn cho trẻ ăn dặm, để được hướng dẫn, các ông bố bà mẹ nên đến các địa chỉ dưới đây:

- Trung tâm dinh dưỡng

- Khoa dinh dưỡng BV nhi đồng 1

- Khoa dinh dưỡng BV Nhi đồng 2

- Trung tâm dạy nghề
AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã giải đáp thắc mắc về việc cho trẻ ăn dặm mà rất nhiều bà mẹ quan tâm. Xin hẹn gặp lại bác sĩ trong lần tư vấn tiếp theo. Ảnh: Thanh Thủy
AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã giải đáp thắc mắc về việc cho trẻ ăn dặm mà rất nhiều bà mẹ quan tâm. Xin hẹn gặp lại bác sĩ trong lần tư vấn tiếp theo. Ảnh: Anh Khoa

Thực hiện: Mỹ Thi - Ảnh: Anh Khoa
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X