Hotline 24/7
08983-08983

Chụp X-quang định kỳ có gây ung thư, AloBacsi?

Mời bạn đọc theo dõi nội dung tư vấn ngày 10/7 do BS Võ Thị Tố Uyên trả lời thắc mắc bạn đọc AloBacsi.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - BV Nhân dân Gia Định


Nội dung buổi tư vấn của BS Tố Uyên với bạn đọc AloBacsi:


- Nguyễn Phong Lưu


Thưa bác sĩ,

Em năm nay 37 tuổi, từ năm 24 tuổi bắt đầu đi làm đến nay năm nào em cũng đi khám sức khỏe định kỳ và chụp x-quang. Xin hỏi bác sĩ chụp x-quang nhiều vậy có nguy cơ bị ung thư không?

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Do tia X là những tia có bước sóng ngắn, năng lượng cao nên có khả năng gây ra các đột biến gen và tiềm ẩn nguy cơ ung thư. Nguy cơ này cao hay thấp phụ thuộc vào độ nhạy cảm của từng loại mô trong cơ thể với tia X. Bình thường trong cơ thể cũng phát sinh những đột biến gen tự nhiên nhưng sẽ được sửa chữa sớm.

Do đó, việc người ta thường làm nghiên cứu so sánh giữa mức độ gây đột biến của tia X so với các đột biến tự nhiên. Kết quả còn nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên đa số đều kết luận rằng, việc chụp X quang một lần/năm không làm tăng nguy cơ ung thư nếu so với đột biến tự nhiên bạn nhé!

 

- An Pham - phamtanan…@gmail.com

Chào AloBacsi,

Em bị bệnh yếu sinh lý giờ phải làm sao? Mong câu trả lời. Xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Vấn đề điều trị tình trạng của bạn đòi hỏi bác sĩ phải nắm rõ các thông tin về tuổi tác, các bệnh lý nền, tính chất, mức độ của rối loạn, nguyên nhân gây ra… Điều này đòi hỏi thăm khám trực tiếp và có sự hỗ trợ của một số xét nghiệm cận lâm sàng. Để an toàn và hiệu quả, bạn nên đến phòng khám nam khoa tại các bệnh viện lớn, thuận tiện việc đi lại của mình bạn nhé!

 

- Triệu Quang

Chào bác sĩ, tôi có vấn đề hết sức tế nhị và băn khoăn, mong được tư vấn. Tôi được biết là có nhiều phương pháp điều trị “viêm cánh” nhưng xin hỏi các phương pháp đó có để lại di chứng không? Phương pháp bắn laser và mổ nách thì sao ạ? Tôi khổ tâm vì nó quá. Xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn

Các phương pháp hiện nay dùng để loại bỏ tuyến mồ hôi bao gồm đốt laser, phẫu thuật nạo tuyến mồ hôi, bơm botox. Bất cứ phương pháp động chạm dao kéo nào trên cơ thể đều có nguy cơ gây ra biến chứng như nhiễm trùng, mất máu, đau…

Các phương pháp phẫu thuật và chiếu laser có tỉ lệ tái phát nhất định, phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ thực hiện. Do đó, bạn nên đến trung tâm uy tín để được thăm khám, đánh giá lại tình trạng bệnh của mình và tư vấn cụ thể hơn.

Thân mến!

 

- Cerija Kadane

Chào bác sĩ,

Con năm nay 13 tuổi và là nữ. Con có vấn đề muốn nhờ bác sĩ giúp con vấn đề sau ạ. Con không biết tại sao con thường đồ mồ hôi nhiều hơn những người xung quanh. Con chỉ đứng và tập các bài tập khởi động một chút thôi là mồ hôi con đã vã ra như tắm. Con thấy rất tự ti. Nhờ bác sĩ giúp con làm thế nào để bớt đổ mồ hôi ạ. Cảm ơn bác sĩ!

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Hiện tượng tiết mồ hôi khi vận động thể lực có tác dụng giải tỏa bớt lượng nhiệt thừa trong cơ thể, giữ cho nhiệt độ cơ thể ở mức ổn định. Đây là một phản ứng tốt và thường mồ hôi chỉ tiết ra nhiều khi các phương pháp thoát nhiệt khác (dẫn nhiệt, đối lưu, bức xạ) hoạt động không hiệu quả. Do đó, em cần chú ý mặc những bộ quần áo thoáng mát, hút ẩm tốt sẽ giúp làm giảm tiết mồ hôi.

Ngoài ra, mồ hôi của người này nhiều hơn người khác còn do yếu tố di truyền. Ra mồ hôi nhiều không phải là điều đáng ngại, chỉ xảy ra vấn đề khi mồ hôi này có yếu tố vi khuẩn trên da phối hợp làm mùi trở nên khó chịu. Do vậy, em phải giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, tắm gội thường xuyên để rửa trôi mồ hôi và các loại vi khuẩn gây mùi trên da. Hạn chế ăn các loại thực phẩm có thể làm tăng mùi hôi cơ thể như rượu, chè, thuốc lá, hành tỏi, thức ăn nhiều dầu mỡ, gừng tươi, thịt vịt, gia vị quế hồi, ớt, hạt tiêu, café, mù tạt, các hương liệu có mùi nồng,…

Trong trường hợp đã áp dụng những phương pháp trên mà vẫn bị khó chịu vì hôi nách, em có thể đến các phòng khám thẩm mỹ để được tư vấn phương pháp làm giảm hoạt động của tuyến mồ hôi như: phẫu thuật, chiếu laser, tiêm botox. 

Thân mến!

 

- Minh Thuận

Chào bác sĩ,

Em năm nay nam 20 tuổi, mấy tháng nay da mặt em hay đỏ ửng lên như mỗi khi hoạt động mạnh hay những lúc hồi hộp, mụn thì đa số là mụn đỏ.

Triệu chứng này là bị gì vậy bác sĩ? Mong bác sĩ bớt chút ít thời gian giải đáp giúp em?

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Khi cơ thể vận động mạnh hoặc hồi hộp thường gây ra phản ứng giao cảm làm giãn mạch tại một số nơi, cụ thể là đỏ bừng mặt - đây là phản ứng sinh lý hết sức bình thường. Tuy nhiên, một số vị trí của mặt khi xuất hiện đỏ da bất thường không thể loại trừ khả năng bị bệnh lý tại da hoặc bệnh toàn thân gây viêm da, ví dụ như viêm da dị ứng, hồng ban cánh bướm, đỏ da do trứng cá...

Có lẽ bạn nên đến gặp bác sĩ Da liễu để được thăm khám cẩn thận, quan sát trực tiếp các sang thương để được chẩn đoán chính xác bạn nhé!


- Yuri Nghị


Chào bác sĩ.

Em năm nay 21 tuổi. Vài ngày gần đây em có biểu hiện đau đầu vùng trên gáy. Gáy có cảm giác đau và nhức, cảm giác buồn nôn hay có đờm trong cổ. Bác sĩ có thể tư vấn giúp em đó là triệu chứng gì không. Cảm ơn bác sĩ.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Hiện tượng đau đầu sau gáy có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như tăng huyết áp, các bệnh lý tại vùng mũi họng, bệnh lý thần kinh trung ương, mắt, hoặc do căng thẳng tâm lý.

Triệu chứng của bạn mới xuất hiện vài ngày, lại có liên quan với vấn đề mũi họng. Do đó không loại trừ khả năng viêm các xoang sau gây ra triệu chứng đau đầu.

Trước hết bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng để được thăm khám và định hướng chẩn đoán bệnh bạn nhé!

 

- Nguyễn Thị Hoàng Oanh

Em chào bác sĩ,

Hôm qua em bị khỉ ở Đảo Khỉ - Cần Giờ cào chảy máu ở tay. Hôm nay em có lên BVĐK Đồng Nai để khám, bác sĩ nói phải qua trung tâm y tế dự phòng hoặc viện Pasteur để chích ngừa. Bác sĩ cho em hỏi chỉ bị cào chứ không phải cắn thì có nguy cơ bị dại không ạ? Cảm ơn bác sĩ.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Virus dại chủ yếu lây lan qua nước bọt của súc vật tiếp xúc với vết thương hở trên cơ thể người. Dù đây chỉ là vết xước do cào thì cũng không loại trừ khả năng trước đó tay khỉ tiếp xúc với nước bọt của chính chúng.

Cẩn tắc vô ưu, tôi nghĩ bạn vẫn nên đi tiêm ngừa dại để phòng tránh những chuyện hi hữu có khả năng xảy ra. Thân mến!

 

- Linh Huong

Chào BS! Tôi có con gái 3 tuổi. Hôm trước có làm xét nghiệm máu tại viện huyết học trung ương với kết quả xét nghiệm cụ thể là: Hb A1: 92,9. Hb A2:2,8. Hb E:4,3 thì có được coi là bệnh Thalassimie không? Xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Thalassemia là bệnh lý di truyền tính trạng trội, gen nằm trên nhiễm sắc thể 11 hoặc 16. Bệnh có 2 thể là beta-thalassemia và alpha-thalassemia. Mỗi thể bệnh lại phân ra nhiều mức độ biểu hiện khác nhau.

Kết quả điện di Hemoglobin của cháu bé có tỉ lệ HbA2 thấp, không tồn tại thể Bart hoặc HbH nên ít nghĩ đến bệnh lý Thalassemia. Tuy nhiên, có sự xuất hiện của HbE, nên có thể chẩn đoán cháu bị thiếu máu do bệnh lý Hemoglobin E.

Các trường hợp bệnh HbE đơn thuần (dị hợp tử hoặc đồng hợp tử) thường ít có triệu chứng, chủ yếu phát hiện khi phân tích công thức máu thấy có hồng cầu nhỏ nhược sắc - cần phân biệt với thiếu máu thiếu sắt. Bệnh gần như không cần điều trị gì, nếu có thì nên được tư vấn trước khi có ý định sanh con, vì HbE kết hợp với Thalassemia sẽ làm cho thiếu máu nặng hơn.

Thân mến!

 

- Chung Nguyễn

Cho em hỏi, mỗi lần tiếp xúc với nước lâu lâu là em bị bong da là bị sao? Mong bác sĩ giải đáp.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Hiện tượng dễ bị bong da có thể do da bạn bản chất bị khô, thiếu nước. Nên khi tiếp xúc nước lâu, các tế bào da trương phồng nước, sau đó mất nước nhanh dẫn đến tróc da. Ngoài ra hiện tượng bong da còn có thể do da tiếp xúc với nhiều loại hóa chất ăn mòn như bột giặt, nước xả, nước rửa chén…

Để cải thiện, bạn nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất này, có thể bổ sung thêm một số loại vitamin, khoáng chất nuôi dưỡng da như kẽm, vitamin PP, vitamin A, C, E…

Thân mến!

 

- Xuân Trang Nguyễn

Thưa bác sĩ,

Cháu hiện 23 tuổi, đã bị dị ứng thời tiết khoảng 3 năm trở lại đây, càng ngày càng nặng và rõ rệt. Cứ mỗi khi thời tiết nóng hoặc lạnh bất thường là cháu lại bị mẩn ngứa đỏ, hạt li ti, gãi thì nó sần lên như hạt, và chủ yếu ở đùi và mông. Nhưng đợt vừa rồi thì cháu bị nổi mẩn cả ở trên khuỷu tay, tuy nhiên rất ít.

Cháu đã đi khám và uống thuốc Loratadine, Telfats và Pexonadin theo đơn thuốc bác sĩ kê cho, thì đỡ cho mỗi lần uống. Nhưng cứ dùng hết, thời tiết thay đổi thì cháu lại bị ngứa. Và thường ngứa nhất vào chiều tối, ban đêm, dịu vào ban ngày. Gần đây cháu kê cả thuốc sắc để uống nhưng vẫn không cải thiện được tình trạng, thậm chí nặng hơn.

Cháu muốn nhờ bác sĩ tư vấn giúp xem cháu bị bệnh gì và có thể khám chữa như thế nào cho phù hợp. Liệu có thể uống thuốc để khỏi không ạ? Cháu gửi kèm hình ảnh cháu chụp để bác sĩ kiểm tra dùm. Mong bác sĩ tư vấn giúp. Cháu cảm ơn ạ.


BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Các loại thuốc loratadine, telfast, fexofenadine là các thuốc thuộc nhóm kháng histamine, có tác dụng làm giảm triệu chứng ngứa và mề đay khi sử dụng sớm, còn giai đoạn đã xuất hiện sang thương thì rát ít tác dụng.

Thuốc cũng không đánh vào căn nguyên miễn dịch cơ thể, do đó tình trạng dị ứng sẽ không giảm đi nếu vẫn còn tiếp xúc với dị nguyên. Tình trạng tăng phản ứng dị ứng còn có thể liên quan tới nhiễm ký sinh trùng, nhiễm virus, bệnh tự miễn toàn thân…

Nếu bệnh kéo dài dai dẳng, bạn có thể đến khám bác sĩ để làm một số xét nghiệm máu tầm soát nguyên nhân khác bạn nhé!

 

- Đanh Vũ

Chào bác sĩ,

Cháu bị cận với: mắt phải là 1,25; mắt trái là 4 + lác nhẹ. Vậy khi đủ 18 tuổi cháu mổ cận có hết lác không? Hoặc có bài tập cho mắt nào giúp hết lác không? Xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào cháu,

Lé có thể do nguyên nhân điều tiết hoặc do liệt các cơ vận động nhãn cầu.

Nếu do vấn đề điều tiết, tức là trẻ có tật khúc xạ chênh nhau giữa hai mắt, thì lé có thể được điều chỉnh nếu đeo kính sớm khi mắt chưa bị nhược thị.

Lé do liệt cơ hoặc mắt đã nhược thị chỉ có thể điều chỉnh bằng phẫu thuật.

Cháu nên nhờ bố mẹ đưa đến các bệnh viện chuyên khoa Mắt để được đo kính phù hợp và tư vấn cụ thể hơn tùy vào tình trạng mắt hiện tại của mình cháu nhé!

 

- Phạm Vinh

Thưa bác sĩ, con năm nay được 19 tuổi.

Vào ngày 10/6/2016 con bị gãy tách đầu mác xương mác và sau đó vài ngày con đã đi bó bột. Cho con hỏi đến ngày 15/7/2016 con có thể tháo bột được không? Cảm ơn bác sĩ.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Mục đích của bó bột là để cố định cẳng chân, tránh chân bị di lệch làm cho xương khó liền lại. Thông thường bó bột từ 6-8 tuần vì thời gian đó đủ để liền xương, tuy nhiên tốc độ hồi phục còn phụ thuộc vào độ tuổi, cơ địa từng người và mức độ tổn thương của xương.

Do đó, em cần phải chụp X quang lại để đánh giá chỗ gãy và tham vấn thêm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình để đưa ra quyết định phù hợp với tình trạng bệnh của em.

Thân mến!

 

- Ngọc Diệp

Chào bác sĩ,

Con của em là bé gái, được 2 tuổi rưỡi bị ngã gẫy lồi cầu ngoài. Cháu đã được bó bột ở BV Việt Đức hơn 1 tuần rồi. Bác sĩ cho hỏi là bao nhiêu lâu thì cháu có thể tháo bột. Xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Trường hợp con bạn bị gãy lồi cầu ngoài có chỉ định bó bột tôi nghĩ khả năng di lệch ít. Các tổn thương xương gãy ở trẻ thường mau lành nếu cố định tốt và dinh dưỡng đầy đủ. Do đó, sau khoảng 2 tuần, bác sĩ sẽ cho chỉ định chụp lại X quang và đánh giá thời gian tháo bột (thông thường từ 4-6 tuần).

Nếu di lệch ít và giai đoạn này bé được cố định tốt, tôi nghĩ sẽ ít có di chứng sau này. Các trường hợp gãy di lệch nhiều cần nẹp vít, đôi khi gây kích thích sụn khớp phát triển bất thường sẽ dễ xuất hiện di chứng hơn.

 

- Bạn đọc tên Văn

Bác sĩ ơi, chỗ này của cháu như bị xương cá mắc vậy. Bác sĩ có thể xem cho cháu là bị làm sao? Thi thoảng hơi đau nhói lên tai bác sĩ ạ. Cảm ơn bác sĩ.


BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Dựa vào hình ảnh bạn cung cấp, bác sĩ nhận thấy đây là một khối gồ lên tại vị trí khẩu cái mềm. Do không thăm khám trực tiếp, không rõ mật độ của khố cứng hay mềm, độ di động, chạm vào có đau không, có nổi hạch cổ không… nên bác sĩ chưa thể khẳng định đây là khối u gì.

Tốt nhất bạn nên đến phòng khám tai mũi họng để được thăm khám và đưa ra chẩn đoán phù hợp.

Thân mến!

 

- Nguyễn Ngọc Phương Thư

Chào bác sĩ,

Năm nay em 16 tuổi. Em để ý thấy xung quang vùng núm vú của em chỗ quầng đen có các vết như hột màu trắng, không đau. Em không biết nó là bị gì. Cảm ơn bác sĩ.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Về sinh lý, vùng quầng vú bình thường cũng đã có những hạt nhỏ gọi là hạt montgometry, đây là các đầu ra của các ống dẫn sữa phụ. Các hạt này sẽ to hơn khi có thai hoặc cho con bú. Đôi khi vị trí này cũng xuất hiện tình trạng viêm nang lông, làm nổi lên các hạt nhỏ li ti như mụn.

Vì không có hình ảnh cụ thể nên bác sĩ chỉ có thể đưa ra các phỏng đoán dựa trên miêu tả của em. Tốt nhất em vẫn nên đi khám để được bác sĩ trực tiếp kiểm tra và đưa ra chẩn đoán phù hợp nhất.

Thân mến!

 

- Thiện Tâm

Xin chào bác sĩ.

Vợ tôi có nút ruổi (hay mộng thịt) gì đó trên mi mắt dưới. Muốn đi tẩy hoặc cắt đi, không biết có nên hay không? Nếu có thể cắt thì nên cắt ở đâu? Xin cảm ơn bác sĩ


BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Đa số nốt ruồi ở mi mắt thường lành tính, bạn nên theo dõi kĩ kích thước của nốt thay đổi theo thời gian để phát hiện các bất thường khi nốt ruồi có nguy cơ chuyển sang ác tính.

Do vị trí nốt ruồi khá nhạy cảm, có lẽ bạn nên đến khám tại bệnh viện mắt có uy tín tại địa phương để được thăm khám và tư vấn cụ thể hơn.

Thân mến!

 

- Tân'ss Hoàng'ss

Chào bác sĩ,

Em bị vỡ xương gót được 6 tháng rồi mà chỗ mắt cá chân và gót chân vẫn còn sưng và đau. Em đi lại vẫn khập khiễng. Bác sĩ cho em hỏi là làm gì để khỏi sưng và đau? Bao lâu thì em mới đi lại như thường được. Em cảm ơn bác sĩ.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Xương gót là xương chịu lực chính của cả cơ thể, do đó gãy xương gót gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh. Không rõ bạn đã dùng biện pháp gì để cố định trong thời gian qua, đã tập phục hồi chức năng chưa, được kê những loại thuốc gì.

Tình trạng sưng của chân có thể do viêm tại chỗ hoặc do bất thường hệ thống mạch máu chân, khi tái khám bác sĩ sẽ cho bạn siêu âm mạch máu tại đây, tùy vào mô tả phù hợp với bệnh lý nào. Nếu chỉ do viêm tại chỗ, điều trị chủ yếu là kháng viêm, giảm đau và tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng khi giảm bớt triệu chứng.

Do đó, bạn vẫn nên tái khám lại bác sĩ chuyên khoa bạn nhé!


- My Phuong, 20 tuổi – dothimy...@gmail.com

Thưa BS,

Từ năm cháu học lớp 11 thì da xuất hiện những vết đỏ nhỏ ở tay chân và mặt. Nó đỏ rồi chuyển thành màu nâu và đen, nó rõ dần và ở sát bề da của cháu. Tay chân cháu hiện rất nhiều. Xin hỏi BS, có cách nào khỏi không ạ? 

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Các tổn thương da mà bạn mô tả có thể là các dát sắc tố do phản ứng với các yếu tố vật lý, hóa học. Thường gặp nhất là do dị ứng với các loại thuốc hoặc mỹ phẩm.

Hiện tại, bạn nên tránh nắng thật tốt và hạn chế sử dụng các loại hóa chất lạ cho cơ thể, quan sát sự thay đổi của sang thương.

Nếu được bạn vui lòng cung cấp thêm hình ảnh để bác sĩ có cái nhìn trực quan hơn bạn nhé!


 

- Thúy Hiền, 50 tuổi - TPHCM

Kính chào BS,

7 ngày trước, mẹ con bị mệt, khó thở, có cảm giác nghẹn ở cổ kéo dài xuống ngực,

rất yếu (không ngồi, đứng dậy được). Bàn chân, bàn tay lạnh, tím tái và tê. Giữa lưng có cảm giác đau. Con xử lý bằng cách giữ ấm, xoa bóp và cho uống nước đường. Tình trạng kéo dài trong khoảng 20 phút thì hết. Tình trạng này mẹ con đã bị vài lần trước đây. Có lần xử lý bằng cách lấy kim chích vào 10 đầu ngón tay thì thấy khỏe lại.

Trong 3 ngày kế tiếp, mẹ con đỡ, nhưng vẫn cảm thấy khó thở, nghẹn ở cổ và rất dễ làm mệt - chỉ cần đứng khoảng 3 phút, nói chuyện hoặc đi vài bước là bị hụt hơi. Nhiều lúc đang nằm vẫn lên cơn khó thở.

Ngày thứ 4, con dẫn mẹ đi chụp X-quang phổi, siêu âm tim, CT-ngực, điện tâm đồ. Phổi bình thường, điện tâm đồ bình thường nhưng bị hở van 3 lá (2/4). BS kê toa Magie B6, Trimetazidin. Mẹ con đã uống được 2 ngày nhưng tình trạng vẫn vậy.

Kính hỏi BS có nên cho mẹ con làm thêm xét nghiệm nào khác? Vì vẫn chưa tìm được nguyên nhân đau giữa lưng đã xuất hiện gần 3 năm, và cảm giác nghẹn ở cổ xuất hiện gần đây. Tại sao hở van tim nhưng kết quả điện tâm đồ vẫn bình thường.

Con cảm ơn BS!

Tiền sử bệnh:

- Lúc nhỏ bị hen suyễn, hiện tại đã hết.

- Bị bướu cổ khoảng 7,8 năm trước, hiện tại không thấy có bướu cổ.

- U máu lành tính trong gan (phát hiện 2012; cuối 2014 vẫn giữ kích thước cũ).

- Viêm sung huyết hang vị (nội soi 9/2015).

- Trầm cảm, suy nhược thần kinh (uống thuốc điều trị từ đầu 2015; nhưng uống vài tháng nghỉ; chỉ đều đặn liên tục 5 tháng trờ lại đây).

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Các triệu chứng của mẹ bạn có thể do vấn đề hen suyễn tái phát hoặc do tâm lý gây ra, không loại trừ có một tình trạng bệnh lý nội khác nào khác mới xuất hiện. Hở van 3 lá đôi khi là biến đổi sinh lý bình thường, cần có sự đánh giá trực quan của bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

Mỗi loại xét nghiệm có vai trò nhất định, nếu xét nghiệm nào cũng chẩn đoán được tất cả các bệnh thì không cần thiết phải thực hiện nhiều loại gây tốn kém như vậy. Hở van tim nếu không gây ảnh hưởng lên trạng thái điện học của cơ tim thì không phát hiện được trên điện tâm đồ bạn nhé.

Nếu được, bạn nên đưa mẹ đi làm thêm các xét nghiệm máu thường quy kiểm tra chức năng gan, thận, chụp Xquang cột sống thắt lưng và đo lại chức năng hô hấp.

Thân mến!


- Hoài Khanh – lethanhhoai…@gmail.com

Thưa BS,

Con năm nay học lớp 8, có 1 cục u ở môi dưới. Nó không đau, khoảng 2mm có màu hồng và trắng. Ban đầu con nghĩ là bị lở miệng nên không quan tâm lắm nhưng sau 3 tuần không khỏi con bắt đầu dùng thuốc nhưng không khỏi. Nó có lần sưng lên và có máu ở trong đó, sau một lúc lại trở lại bình thường. Tưởng là bọng nước nên con cố làm vỡ, khi vỡ kèm theo máu. BS cho con biết bệnh này nguy hiểm không? Có phải con bị ung thư không? Con nên làm gì bây giờ? Con rất lo lắng. Mong BS tư vấn giùm con.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Em không nên quá lo lắng, vì kích thước 2 mm có thể đây chỉ là một mụn nước xuất hiện ở môi khi cơ thể em suy yếu sức đề kháng tạm thời mà thôi.

Hiện tại em nên giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng bằng nước muối thường xuyên và có chế độ sinh hoạt hợp lý, tình trạng bệnh sẽ cải thiện.

Trường hợp các mụn nước này vẫn kéo dài, em nên đến khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị phù hợp em nhé!



Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X