Hotline 24/7
08983-08983

Chụp cộng hưởng từ có hại không và những vấn đề cần lưu ý?

Chụp cộng hưởng từ có hại không là câu hỏi của rất nhiều người. Qua các chứng minh, đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh an toàn nhưng cần phải tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn để tránh các động xấu cho người chụp hoặc thiết bị chụp.

Chụp cộng hưởng từ là gì?

 
MRI hay còn gọi bằng tiếng Việt là chụp cộng hưởng từ. Nguyên lý cơ bản của chụp MRI là một phương pháp thu hình ảnh của các cơ quan trong cơ thể sống và quan sát lượng nước bên trong các cấu trúc của các cơ quan.

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ có độ tương phản cao, chi tiết giải phẫu tốt giữa các loại mô từ mô mềm, dịch trong tổn thương, hệ thống mạch máu, hệ thống thần kinh, khớp xương, nên có giá trị hơn hẳn các phương tiện chẩn đoán khác như CT scan, siêu âm…

Dựa vào các hình ảnh rõ nét của phim cộng hưởng từ, bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn cho người bệnh phương pháp điều trị hợp lý bằng thuốc hay phẫu thuật và theo dõi sát sao diễn tiến bệnh để có thể điều chỉnh thuốc cho phù hợp với từng trường hợp.

Mặc dù đem lại nhiều ưu điểm nhưng chụp cộng hưởng từ vẫn còn tồn tại một số nhược điểm như: chi phí cao, một số bệnh nhân bị chứng sợ nơi chật hẹp hay đóng kín gặp khó khăn khi chụp, thời gian chụp lâu khoảng 15-30 phút không phù hợp chụp cấp cứu, vỏ xương và tổn thương có canxi khảo sát không tốt bằng X.Quang hay chụp CT, không thể mang theo thiết bị hồi sức vào phòng chụp.

Hiện nay, người ta đánh giá khả năng chụp của máy MRI qua đơn vị tính là Tesla. Hiện nay các máy ở các cơ sở y tế có độ mạnh dao động từ 1,5-3 Tesla. Có những máy có độ mạnh đến 7 Tesla đã được sản xuất nhưng sử dụng còn hạn chế, chưa được thương mại hóa. Như vậy khi chụp, bệnh nhân có thể chụp ở những máy có độ mạnh từ 1,5-3 Tesla là tốt nhất.
 
Chụp MRI là phương pháp an toàn. Người chụp không bị nhiễm xạ, nhất là với những máy chụp cộng hưởng từ hiện đại có từ lực cao, cho chất lượng hình ảnh rõ nét về các tổn thương.  Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Khi nào cần chụp cộng hưởng từ?


Câu hỏi nhiều người đặt ra là chụp cộng hưởng từ có gây hại không?

Chụp cộng hưởng từ được xem như một trong những phát minh có tính cách mạng trong kỹ thuật y học. Nó đã được nghiên cứu, chứng minh là an toàn, không gây nhiễm xạ cho bệnh nhân.

Bệnh nhân chỉ chụp cộng hưởng từ khi có chỉ định của bác sĩ sau khi đã được khám bệnh cẩn thận, đôi khi sau khi làm siêu âm và các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh đơn giản khác. Khi đó dựa trên cơ sở các triệu chứng có được sẽ có sự hội chẩn giữa bác sĩ khám bệnh và bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, nhưng kết luận về chẩn đoán mới chính xác.

Cộng hưởng từ được ứng dụng khảo sát trong hầu hết các hệ thống cơ quan, nhưng thường được chỉ định rộng rãi trong:

Chụp cộng hưởng từ sọ não: U não, u dây thần kinh sọ não, tai biến mạch máu não, nhồi máu não, xuất huyết não, dị dạng mạch máu não, chấn thương sọ não, động kinh, sa sút trí tuệt, xơ cứng rải rác, bệnh lý viêm não, màng não, các dị tật bẩm sinh não như teo não, khuyết não…

Chụp cộng hưởng từ cột sống: Bệnh lý cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, u tủy sống, rỗng tủy, xơ cứng rải rác, thoát vị màng não tủy, chấn thương cột sống, chảy máu, phù tủy, gãy xương, viêm cột sống, đĩa đệm nhiễm trùng, lao cột sống, viêm tủy…

Chụp cộng hưởng từ đường tiêu hóa: Các bệnh lý gan, thận, lách, tụy và đường mật, u gan , u tuyến thượng thận, u tụy, u tử cung, sa trực tràng, sa âm đạo…

Chụp cộng hưởng từ vú: Các u lành tính và các tính, các viêm nhiễm vú.

Chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp: khớp gối (rách sụn chêm, đứt dây chằng chéo), khớp háng (hoại tử vô khuẩn, viêm khớp háng), các khớp vai, khớp khuỷu, khớp cổ tay, khớp cổ chân, viêm xương và mô mềm, u xương và mô mềm…

- Cộng hưởng từ đã được chứng minh là vô hại với thai nhi. Tuy nhiên, với phụ nữ có thai 3 tháng đầu, chỉ nên chụp cộng hưởng từ khi thật cần thiết vì đây là giai đoạn tạo cơ quan của thai nhi.
 
Đây là phương tiện chẩn đoán không xâm lấn, không gây đau. Hiện nay chưa ghi nhận tác hại của chụp MRI đối với cơ thể. Thời gian chụp có thể từ 25 - 45 phút, trong quá trình chụp máy vận hành có thể hơi ồn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Cần làm gì để đảm bảo an toàn khi chụp cộng hưởng từ?


Trước khi chụp cộng hưởng từ, người bệnh cần tuân theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế.Đến nay, chưa ghi nhận tác hại của từ trường đối với cơ thể. Nhưng từ trường cao của máy có thể gây hại đến các thiết bị cấy ghép bằng kim loại bên trong cơ thể.

Do đó:

- Bệnh nhân cần tháo các vật dụng, đồ trang sức bằng kim loại như đồng hồ, kẹp tóc, khuyên đeo tai, khuyên mũi, các vòng đeo cổ, vòng đeo tay, răng giả (tháo lắp được), chìa khoá, máy tính, máy điện thoại di động, thẻ tín dụng…

- Bệnh nhân có cấy ghép y sinh như van tim, stent mạch vành làm bằng vật liệu tương thích từ có thể chụp được ngay sau khi cấy ghép, với các vật cấy ghép có chứa ít sắt từ thì có thể chụp được an toàn sau 6 tuần.

- Đối với các dụng cụ cấy ghép điện cơ như máy tạo nhịp, thiết bị khử rung, cấy ghép ốc tai, sẽ không an toàn khi chụp và cần có các chỉ dẫn chuyên biệt.

- Bạn không cần nhịn ăn trước khi chụp và cần đi tiểu trước khi chụp vì thời gian chụp có thể kéo dài đến 1 giờ.

Cần lưu ý với các bệnh nhân nặng, hồi sức, có gắn các thiết bị theo dõi, các thiết bị phải an toàn tương thích với từ. Vì vậy, nếu người bệnh có đặt máy tạo nhịp tim, dùng van tim nhân tạo, máy trợ thính, cấy ghép thiết bị điện tử, đinh nội tủy hay sử dụng kim loại kết hợp xương, mảnh đạn trong người, vòng tránh thai T Cu 380A, răng giả… thì cần báo với nhân viên y tế trước khi chụp.

Để có chất lượng hình ảnh tốt, bệnh nhân cần nằm yên, không cử động trong lúc chụp MRI. Đối với trường hợp cần tiêm thuốc tương phản từ, nhân viên y tế sẽ hỏi bệnh nhân về tiền sử dị ứng uống, tiền sử bệnh thận trước khi chụp và hướng dẫn ký giấy cam kết.

Thuốc tương phản từ không gây độc cho cơ thể nhưng có thể gây dị ứng với các biểu hiện như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, tê rần tay, chân và nổi mẩn ngứa. Các tác dụng ngoại ý này thường nhẹ và mất hẳn sau khi dùng thuốc chống dị ứng.

Chụp cộng hưởng từ ở đâu, chi phí bao nhiêu?


Tại các bệnh viện công, chi phí chụp cộng hưởng từ dao động từ 1,8 - 2,5 triệu đồng, tùy thuộc vào vị trí chụp, cơ sở y tế, có hay không có thuốc cản quang…Thậm chí, nếu chụp cộng hưởng từ toàn thân có thể lên đến 10 triệu đồng.

Hiện nay tại Việt Nam có nhiều bệnh viện đã trang bị máy chụp cộng hưởng từ để phục vụ cho công tác chẩn đoán bệnh.

Tại Hà Nội có: BV Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện 19.8, BV Quân Y 354, BV Tim Hà Nội, BV Đại học Y Hà Nội, BV Quận y 103, BVĐK Quốc tế Vinmec, BV Bạch Mai, BV Y học Cổ truyền Bộ Công An,

Tại TPHCM có: BV Thống Nhất, BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân 115, BV Đại học Y Dược TPHCM, BV Trưng Vương, Bệnh viện 30/4, BV Quận 7, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec, Bệnh viện FV, BV Quận Thủ Đức, BVĐK Hồng Đức, BV Quốc tế City,

Miền Trung có: BV Trung ương Huế, Trung tâm Y khoa Medic Huế…
 
P.N (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X