Hotline 24/7
08983-08983

Chứng liệt dạ dày ở bệnh nhân tiểu đường

Liệt dạ dày là một rối loạn tại đường tiêu hóa khiến thức ăn lưu lại trong dạ dày trong khoảng thời gian lâu hơn bình thường.

Do các dây thần kinh điều khiển quá trình di chuyển của thức ăn trong đường tiêu hóa đã bị tổn thương nên các cơ tiêu hóa không thể thực hiện đầy đủ chức năng vốn có, làm thức ăn sẽ lưu lại trong dạ dày và không thể được tiêu hóa.

Nguyên nhân

Những người bị liệt dạ dày thường bị tổn thương dây thần kinh phế vị, đây là dây thần kinh sọ kéo dài từ thân não cho tới các cơ quan trong ổ bụng, bao gồm cả các cơ quan trong đường tiêu hóa. Cũng giống như căn bệnh thoái hóa thần kinh ở bệnh nhân tiểu đường, tổn thương dây thần kinh phế vị sẽ làm rối loạn chức năng thần kinh và ảnh hưởng đến cơ quan tiêu hóa do các xung cần thiết để nhào trộn thức ăn bị chậm hoặc ngừng lại.

Liệt dạ dày rất khó chẩn đoán và thường bị bỏ quên đối với nhiều bệnh nhân, do vậy tỷ lệ mắc chứng liệt dạ dày ở bệnh nhân tiểu đường dao động rất rộng trong khoảng từ 5-65%.

Liệt dạ dày là biến chứng thường gặp ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán có mức đường huyết cao và không được kiểm soát tốt trong nhiều năm. Nồng độ đường huyết cao kéo dài sẽ làm thay đổi thành phần hóa học trong các dây thần kinh. Đường huyết cao kéo dài thậm chí còn gây tổn thương các mạch máu cung cấp oxy và dưỡng chất cho các dây thần kinh, bao gồm cả dây thần kinh phế vị dẫn tới chứng liệt dạ dày.

Do liệt dạ dày là một căn bệnh tiến triển, và một số triệu chứng của nó khá giống với chứng ợ nóng mạn tính hay buồn nôn, do vậy bạn có thể sẽ không nhận ra mình đang mắc căn bệnh này.


Các triệu chứng

- Ợ nóng
- Buồn nôn
- Nôn ra thức ăn chưa được tiêu hóa
- Dễ cảm thấy no dù chỉ ăn ít
- Sụt cân
- Đầy bụng
- Ăn không ngon
- Đường huyết không ổn định
- Co thắt dạ dày
- Trào ngược acid dịch vị

Các triệu chứng của liệt dạ dày có biểu hiện từ nhẹ đến nghiêm trọng, tùy thuộc vào mức độ tổn thương thần kinh phế vị. Các triệu chứng thường bùng phát sau bữa ăn giàu chất xơ hoặc chất béo là những thành phần khó tiêu hóa.

Biến chứng

Khi các lớp cơ tại dạ dày bị liệt sẽ dẫn đến hoạt động dạ dày không hoàn chỉnh. Tuỳ mức độ liệt, thức ăn hiện diện ở dạ dày lâu hơn bình thường mà không nhào trộn, nghiền và chuyển xuống ruột non. Thức ăn ở quá lâu trong dạ dày, sự lên men xảy ra, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Đôi lúc thức ăn kết tụ tạo thành những cục thức ăn cứng, gây buồn nôn, nôn và làm tắc ruột.

Người mắc chứng liệt dạ dày sẽ khiến căn bệnh tiểu đường vốn có trở nên trầm trọng hơn do sự trì hoãn quá trình tiêu hóa sẽ khiến việc kiểm soát đường huyết khó khăn hơn. Do vậy, mức đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường mắc chứng liệt dạ dày thường quá cao hoặc quá thấp.

Liệt dạ dày là một căn bệnh mãn tính khiến người bệnh phải chiến đấu trong một khoảng thời gian dài. Việc phải thay đổi chế độ ăn và cố gắng để kiểm soát đường huyết trong thời gian này gây không ít khó khăn cho người bệnh. Do vậy, họ thường cảm thấy chán nản và bi quan về bệnh tật của mình.

Các yếu tố nguy cơ

Những bệnh nhân nữ mắc tiểu đường là đối tượng có nguy cơ cao mắc chứng liệt dạ dày. Một số yếu tố khác có thể góp phần làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh bao gồm bệnh nhân đã có tiền sử phẫu thuật ổ bụng và/hoặc tiền sử rối loạn ăn uống.

Một số căn bệnh khác ngoài tiểu đường cũng dẫn đến chứng liệt dạ dày như nhiễm virus, sử dụng các loại thuốc làm chậm tiêu hóa, bệnh trào ngược acid dạ dày và rối loạn cơ trơn. Một số bệnh gây ra các triệu chứng của liệt dạ dày bao gồm bệnh Parkinson, viêm tụy mạn tính, bệnh xơ nang, bệnh thận và hội chứng Turner. Đôi khi liệt dạ dày không có nguyên nhân cụ thể.


Phòng và điều trị

Những người mắc chứng liệt dạ dày nên tránh ăn những thực phẩm thô chưa chế biến, bông cải xanh, cam, các sản phẩm từ bơ sữa như kem và sữa nguyên kem và các loại đồ uống có ga. Bác sỹ cũng khuyến cáo bệnh nhân nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày và thức ăn nên được xay nhuyễn. Điều cần lưu ý là luôn cần phải bù đủ nước cho cơ thể, nhất là khi bệnh nhân thường xuyên bị nôn mửa.

Hiện tại chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với căn bệnh liệt dạ dày. Đây là một chứng bệnh mãn tính chỉ có thể được kiểm soát thông qua việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, uống thuốc và kiểm soát tốt đường huyết, bao gồm cả việc sử dụng insulin hợp lý nếu bệnh nhân mắc tiểu đường type 2 phụ thuộc insulin. Trong những trường hợp đặc biệt, bác sỹ có thể chỉ định cho bệnh nhân chuyển sang dinh dưỡng lỏng.

Kích thích dạ dày bằng xung điện là một phương pháp có thể áp dụng trong những trường hợp liệt dạ dày nặng. Phương pháp này sử dụng một thiết bị được cấy trong khoang bụng của bệnh nhân và dẫn truyền xung điện tới các dây thần kinh và cơ trơn ở phần dưới dạ dày để kích thích. Phương pháp này có thể giúp giảm chứng buồn nôn và nôn ở bệnh nhân bị liệt dạ dày.

Đối với những ca bệnh nặng nhất, những người bị liệt dạ dày có thể phải sử dụng dinh dưỡng qua đường ống thông dạ dày và thức ăn lỏng.

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X