Hotline 24/7
08983-08983

Chua miệng sau ăn là em bị gì vậy AloBacsi?

Viêm màng ngoài tim, chua miệng sau ăn, tê cánh tay, tăng tế bào lympho trong máu, đau dạ dày ban đêm, giật phía sau tai, đi cầu phân đen... là nội dung tư vấn của BS Lan Hương.

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Minh Thông - thong…@gmail.com

Chào BS,

Em đi tiêu phân đen nên em có đi nội soi và kết luận là em bị viêm sung huyết hang vị mức độ trung bình, vậy nó có phải nguyên nhân làm cho phân bị đen không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Đi tiêu phân đen có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó sợ nhất là do xuất huyết tiêu hóa và nhiễm trùng đường ruột.

Phân đen do xuất huyết tiêu hóa có đặc tính là phân sệt như bã cafe, tanh, dính như nhựa đường, đang chảy máu thì sẽ có ánh đỏ, người bệnh thường có đau bụng do máu trong đường ruột kích thích, có thể buồn nôn, nôn, nếu đi cầu phân đen lượng nhiều hay đi ít nhưng nhiều lần thì sẽ mệt, vã mồ hôi, choáng váng do mất máu từ trung bình - nhiều.

Phân đen do nhiễm trùng đường ruột thì cũng hành đau bụng nhiều, sốt, tiêu nhiều lần, phân có thể lẫn nhày, mủ máu, nếu đi cầu phân cũng đen nhưng không có các tính chất trên thì coi chừng do nguyên nhân khác như: do thức ăn, bón nhiều, do thuốc (đặc biệt là thuốc bổ sắt)…

Tôi không rõ em đi tiêu phân đen với tính chất phân ra sao, có kèm triệu chứng gì hay không… Tuy nhiên, dựa vào kết quả nội soi thì em chỉ bị viêm sung huyết hang vị, sung huyết chứ không phải ổ loét gây xuất huyết, nghĩa là hiện tại kết quả nội soi không có ghi nhận tình trạng xuất huyết tiêu hóa trên (đã và đang xảy ra) vì thế chưa chắc là nguyên nhân gây đi cầu phân đen.


- Minh Lý - Hà Nội

Thưa BS,

Mấy ngày gần đây em bị đau dạng như dây thần kinh, phía sau tai trái, giật đau theo cơn rất khó chịu. Xin hỏi em nên làm gì?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Minh Lý,

Những cơn giật cơ gây đau là do tình trạng rối loạn vận động thần kinh - cơ, triệu chứng này liên quan đến bệnh lý thuộc về hệ thần kinh.

Cụ thể là do dây thần kinh bị kích thích vì một lý do nào đó như: mỏi cơ, tinh thần căng thẳng, thiếu ngủ, thiếu vi khoáng chất, bệnh lý tổn thương thực thể...

Nếu cơn đau liên tục và tăng giảm theo nhịp đập của mạch máu thì đây là bệnh lý của mạch máu, thường gặp là viêm mạch máu.

Như vậy, với triệu chứng này, em nên đến bệnh viện đa khoa để kiểm tra, đăng ký khám chuyên khoa Nội thần kinh để BS thăm khám và chỉ định thêm một số xét nghiệm giúp chẩn đoán chính xác bệnh, điều trị thích hợp tương ứng.

Trong thời gian này, em cần thư giãn, nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, không uống rượu bia, không hút thuốc lá.


- Hùng Nguyễn - Bắc Giang

Dạ thưa BS,

Cháu năm nay 22 tuổi và đang lao động tại nước ngoài. Cháu hay bị triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, tức ngực, khó thở và hay chảy máu cam thất thường, lúc làm việc ngồi lâu khi đứng dậy hay bị hoa mắt chóng mặt.

Cháu muốn có một sức khỏe ổn định để an tâm làm việc. Xin BS tư vấn giúp cháu về tình trạng hiện tại ạ. Rất mong được BS sớm trả lời. Cháu cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Hùng,

Các triệu chứng khó tiêu, đầy bụng, tức ngực, khó thở ở người trẻ là những biểu hiện bất thường, báo hiệu sức khỏe có vấn đề, nhưng chưa đủ để chỉ điểm ra bệnh gì vì có thể gặp trong rất nhiều bệnh cảnh khác nhau.

Có thể là bệnh phối hợp nhiều cơ quan (như tiêu hóa, tim mạch…), cũng có thể nằm chung trong một nguyên nhân bệnh lý lớn (như vấn đề của nội tiết, hệ lụy của áp lực công việc - căng thẳng lo âu nhiều…).

Do vậy, BS không thể chẩn đoán bệnh cho em nếu chỉ dựa vào các thông tin trên, BS phải khám trực tiếp cho em và có thể cần một số xét nghiệm hỗ trợ mới chẩn đoán được nguyên nhân.

Còn triệu chứng ngồi lâu đứng dậy bị hoa mắt chóng mặt là do tụt huyết áp tư thế, tụt huyết áp tư thế thoáng qua, ở người trẻ thường là do giảm trương lực co thắt mạch máu khi chuyển đổi tư thế nhanh.

Ngoài ra, còn gặp trong những nguyên nhân bệnh lý như thiếu máu, huyết áp thấp, bệnh lý tim mạch... khi đó triệu chứng sẽ dễ xảy ra và nặng nề hơn.

Nói tóm lại, em cần đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, tốt nhất nên đi theo BHYT, có thể đăng ký khám tổng quát, hay chuyên khoa Tim mạch và chuyên khoa Tiêu hóa đều được.

Song song đó, em nên tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất, uống nhiều nước, tránh thay đổi tư thế đột ngột, tránh thức khuya, tránh các chất kích thích như cafe, trà đặc, bia rượu, không hút thuốc lá.


- Thu Em - thuem…@gmail.com

Xin chào AloBacsi,

Em năm nay 36 tuổi, cứ đêm đến là em lại bị đau dạ dày, đau nhói sau lưng. Em uống thuốc bao tử của bệnh viện lại không bớt, uống nước mật ong pha với nước ấm cũng không khỏi.

Em thật sự rất khổ, đêm nào cũng đau đến gần sáng mới ngủ được. Mong BS cho em biết nguyên nhân và cách chữa trị ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Về vấn đề của em, trước hết là em nên nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng và xét nghiệm tầm soát Hp (là 1 loại vi khuẩn gây viêm loét dạ dày tá tràng) xem tổn thương ở dạ dày tá tràng ra sao, viêm nhẹ hay nặng, có ổ loét hay không.

Thứ hai là em nên xem lại có dùng thuốc gì ảnh hưởng lên dạ dày hay không, như các thuốc giảm đau nhóm NSAID, corticoide.

Xem lại chế độ sinh hoạt xem có tuân thủ đúng không (hạn chế ăn đồ chua, cay, nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm hay vận động mạnh sau khi ăn trong vòng 2 giờ).

Xem lại cách uống thuốc có đúng không (có loại uống trước ăn, có loại uống sau ăn 2 giờ).

Như vậy, nói tóm lại là em cần tái khám lại chuyên khoa Tiêu hóa, nên nội soi dạ dày và để BS điều chỉnh thuốc cho phù hợp, đồng thời cần tuân thủ chế độ sinh hoạt như trên, em nhé!


- Tú Linh - Long An

Thưa BS,

Lâu lâu em hay bị khó thở, mệt mỏi trong người, bị tê từ lưng đến khuỷu tay, đầu cũng bị như nhức mà nhẹ hơn một chút. BS cho em hỏi đó là triệu chứng của bệnh gì ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Tú Linh thân mến,

Những biểu hiện trên báo hiệu sức khỏe có vấn đề, nhưng chưa đủ để chỉ điểm ra bệnh gì, vì có thể gặp trong rất nhiều bệnh cảnh khác nhau, như thiếu máu thiếu vi khoáng chất, huyết áp thấp, căng thẳng lo âu nhiều, bệnh lý tim mạch, thần kinh cơ, rối loạn thần kinh thực vật…

Do vậy, BS phải khám trực tiếp cho em và có thể cần một số xét nghiệm hỗ trợ mới chẩn đoán được nguyên nhân.

Em nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, có thể đăng ký khám tổng quát.

Song song đó, em nên tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất, tránh thức khuya, tránh các chất kích thích như cafe, trà đặc, bia rượu, không hút thuốc lá và bổ sung thêm một số vi khoáng chất cho cơ như canxi, magie, kẽm, kali, vitamin nhóm B.


- Võ Thảo - vn…@gmail.com

Chào BS,

Ba em đã từng hút dịch màng ngoài tim cách đây 2 tháng, bây giờ bệnh chuyển sang viêm màng ngoài tim thì có nên phẫu thuật không?

Nếu không phẫu thuật thì bệnh có trở nặng hoặc phẫu thuật thì có ảnh hưởng đến sự hồi phục cũng như tỉ lệ thành công trong ca mổ hay không?Em cám ơn và chờ sự hồi đáp của BS ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Thảo thân mến,

Viêm màng ngoài tim có 3 thể là cấp (< 6 tuần), bán cấp (từ 6 tuần - 6 tháng), mạn (> 6 tháng). Đại đa số các trường hợp viêm màng ngoài tim cấp không có biến chứng, bệnh sẽ tự khỏi và đáp ứng tốt với điều trị nội khoa.

Thuốc điều trị chủ yếu là thuốc kháng viêm không steroid. Bên cạnh đó, điều trị đặc hiệu là điều trị nguyên nhân (phải xác định nguyên nhân do đâu, do virus, nhiễm trùng, lao, ung thư, nhồi máu cơ tim… hay viêm màng ngoài tim vô căn).

Phẫu thuật cắt màng ngoài tim chỉ áp dụng trong tràn dịch tái phát nhiều hay viêm co thắt màng ngoài tim.

Do đó, để biết có nên phẫu thuật hay không thì gia đình nên tham khảo ý kiến của BS đang điều trị cho bố em, người nắm rõ bệnh án của bệnh nhân nhất, em nhé!


- Phạm Thị Hằng - Bình Dương

Thưa BS,

Em xét nghiệm máu cho kết quả hàm lượng LYM% cao 51,6%, LYM 3,15. Vậy em có bị sao không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn Hằng,

Lympho là các tế bào chuyên biệt của hệ miễn dịch, số lượng tế bào lympho cao hơn bình thường thường là tình trạng tạm thời và vô hại.

Tuy nhiên, nó có thể là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng hơn, như nhiễm khuẩn mạn, chứng tăng bạch cầu đơn nhân do nhiễm khuẩn và nhiễm virus, bệnh bạch cầu dòng lympho mạn, bệnh Hodgkin...

BS cần thực hiện các xét nghiệm khác để xác định tăng tế bào lympho có phải là nguyên nhân gây ra bệnh, bởi vì thành phần lympho cần được đánh giá cùng với các chỉ số huyết học khác (số lượng bạch cầu, tỉ lệ bach cầu trung tính, tỉ lệ bạch cầu ái toan, ái kiềm...) và các thông tin lâm sàng khác thì mới có ý nghĩa.

Như vậy, dựa vào thông tin em cung cấp thì tôi chưa thể kết luận được em có bị sao không, em nên tham khảo ý kiến của BS đang điều trị cho em hoặc người BS kê chỉ định này cho em, tức là người nắm rõ bệnh tình và các xét nghiệm em đã làm nhất, em nhé!


- Phạm Thanh Sơn - hoanhson…@gmail.com

Em chào BS,

Khoảng 2 đến 3 ngày lại đây em tự nhiên bị chua trong miệng, nhất là sau khi ăn, bụng thỉnh thoảng có bị nê chứ không đau, em không ợ hơi hay ợ chua.

Vậy BS cho em hỏi bệnh của em là gì, có nguy hiểm không, cách điều trị như thế nào ạ?Em cảm ơn BS rất nhiều, mong nhận được sự hồi âm sớm của BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Thanh Sơn thân mến,

Triệu chứng miệng có vị chua sau ăn thường gặp trong trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản biểu hiện khác nhau ở nhiều người, không phải ai cũng phải có đầy đủ triệu chứng như ợ chua, trớ.

Ngoài ra, miệng có vị chua sau ăn còn gặp trong các nguyên nhân khác như sót thức ăn giữa các kẽ răng, nha chu, viêm hầu họng…

Do đó, trước mắt em nên đến khám tại chuyên khoa Tiêu hóa và Nha khoa để được kiểm tra kỹ, chẩn đoán bệnh và điều trị thích hợp tương ứng.

Ngoài ra, em nên vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas.


- Ngọc Tuấn - ngoctuan...@gmail.com

Kính gửi BS,

Em có khám sức khỏe định kỳ, kết quả HBSAg âm tính, Anti HCV âm tính, tuy nhiên em gặp phải vấn đề sau:

- Huyết áp: 140/90 đo lại lần 2 là 132/90.

- Men gan tăng: trị số AST là 89.7 U/L, ALT: 185.7 U/L, BS kết luận tăng men gan, cho thuốc Livact, uống trong vòng 1 tháng sau đấy xét nghiệm lại men gan (lúc này em chưa làm siêu âm gan).

Tuy nhiên sau khi siêu âm, BS siêu âm báo em mắc gan nhiễm mỡ độ 2.

Bởi vì em khám sức khỏe định kỳ theo tổ chức nên không được lấy kết quả siêu âm luôn, BS chưa kết luận hay tư vấn hướng điều trị cho gan nhiễm mỡ.

BS có thể tư vấn giúp em hiện tại trong thời gian chờ kết quả siêu âm và đến gặp BS chuyên môn, em có nên uống thuốc Livact để hạ men gan không, hay đợi đến lúc có kết quả siêu âm, đến gặp BS chuyên khoa để tư vấn điều trị kết hợp luôn ạ?

Trân trọng cảm ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Men gan của em tăng cao, xét nghiệm cơ bản về nhiễm viêm gan siêu vi B, C thì âm tính (mới là xét nghiệm ban đầu thôi, chưa loại trừ 100% không nhiễm viêm gan B, C vì một số ít trường hợp có thể là trong giai đoạn cửa sổ của bệnh).

Siêu âm bụng thấy gan nhiễm mỡ, nhưng không có kết quả xét nghiệm mỡ máu ra sao.BS kê cho em thuốc Livact, đây không phải là thuốc hạ men gan, thành phần chính của LIVACT granules là các axit amin chuỗi nhánh, được chứng minh lâm sàng là hiệu quả trong việc cải thiện hàm lượng albumin máu ở các bệnh nhân xơ gan.

Vấn đề thứ hai là coi chừng em bị tăng huyết áp. Mặc dù, huyết áp có thể tăng khi căng thẳng, lo âu, khi gặp BS (hội chứng áo choàng trắng)… nhưng với 2 lần đo huyết áp như trên thì phải cảnh giác với tăng huyết áp thật sự.

Như vậy, nếu em muốn gặp BS chuyên khoa để tư vấn điều trị luôn thì em nên khám 2 chuyên khoa là chuyên khoa Tiêu hóa và chuyên khoa Tim mạch.

Việc uống thuốc Livact theo tôi là chưa thật sự cần thiết. Tuy nhiên, việc có trong tay đầy đủ kết quả xét nghiệm là cần thiết vì BS sẽ dựa vào xét nghiệm em đã làm để định hướng bổ sung thêm xét nghiệmkhác nếu cần để tránh lãng phí.

Do đó, nếu không có khó chịu gì trong người thì em có thể chờ lấy đầy đủ kết quả xét nghiệm rồi khám chuyên khoa Tiêu hóa vì hiện em không có dấu hiệu nguy hiểm cần khám ngay lập tức.


- Nguyễn Thị Hương - TPHCM

Em chào BS,

Em bị đau họng nhẹ, hay bị sốt nhẹ, đau đầu, đau sau ót, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi nhiều ngày nhưng không hết và em có viêm xoang hàm - sàng.

Em xin BS xem giúp em bị gì và cần đi khám ở chuyên khoa nào? Ở đâu? Em xin cảm ơn rất nhiều.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Hương,

Với các triệu chứng trên, em nên đến bệnh viện đa khoa, đăng ký khám chuyên khoa Tai mũi họng trước vì có khả năng viêm xoang hàm - sàng của em đang hành đợt viêm cấp trên nền mạn.

Tuy nhiên, em cần khám tại bệnh viện đa khoa để BS kiểm tra các bệnh lý đi kèm khác có không (như thiếu máu, huyết áp thấp…), và chuyển khoa điều trị thích hợp cho em.

Em nên đi theo tuyến BHYT là tiết kiệm nhất, nếu có nhu cầu điều trị ngoài BHYT thì em có thể đến các bệnh viện đa khoa có chuyên khoa Tai mũi họng như BV Trưng Vương, BV Nhân dân Gia Định, BV Nhân Dân 115, BV Đại học Y Dược… em tham khảo thêm.


- Bạn đọc Nguyễn Thị Kim

Thưa BS,

Em bị tê cánh tay phải mà còn đau nữa, sử dụng thuốc lâu rồi không bớt. Xin BS tư vấn giúp em.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Triệu chứng tê đau toàn bộ cánh tay phải thì cần kiểm tra lại khớp vai, thần kinh - cột sống cổ, mạch máu lớn nuôi cánh tay đó…

Em không nên sử dụng thuốc giảm đau bừa bãi, có thể sinh tác dụng phụ như viêm dạ dày, tăng men gan, tăng gánh cho thận, nặng hơn là phụ thuộc thuốc nếu dùng thuốc giảm đau có tính gây nghiện, corticoid.

Với tình trạng này, em nên đến bệnh viện đa khoa, đăng ký khám chuyên khoa thần kinh và chuyên khoa cơ xương khớp để được BS kiểm tra toàn diện và điều trị thích hợp, em nhé!


- Kim San - ngothi…@gmail.com

Xin chào BS,

Mấy hôm nay em bị đau khắp bụng có hôm thì đau dưới rốn, hôm thì đau trên rốn, hôm thì đau bên hông phải, có khi thì đau giữa bụng.

Lúc thì đau âm ỉ lúc thì đau quằn quại, khi đau quằn quại thì em chỉ biết bật khóc vì quá đau có cảm giác muốn đi ngoài cực kì nhưng khi rặn lại đau trong bụng và em cảm nhận phần đau ở đường ruột, khi mới bắt đầu đau thì những ngày đầu em bị tiêu chảy và sau đó táo bón kéo dài.

Giờ em nên làm gì để biết được bệnh?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Kim San thân mến,

Với tình trạng này, để biết được bệnh và có hướng điều trị thích hợp tương ứng thì em nên khám chuyên khoa Tiêu hóa, BS sẽ thăm khám bụng và các cơ quan khác xem có gì bất thường hay không và siêu âm bụng tổng quát cho em và các xét nghiệm khác nếu cần để chẩn đoán ra bệnh.

Trong thời gian này em nên nghỉ ngơi, ăn thức ăn dễ tiêu, ăn chín uống sạch, tăng cường ăn nhiều chất xơ có trong rau xanh, hoa quả (chuối, đu đủ...), hạn chế thức ăn cay, nóng, nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ, phải uống đủ nước, tối thiểu là 2 lít nước/ngày.

Thân mến!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X