Hotline 24/7
08983-08983

Chữa bệnh viêm loét dạ dày tận gốc

Lo sợ bệnh sẽ phát triển thành ung thư là tâm trạng của nhiều người khi mắc bệnh viêm loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP mà không được điều trị dứt điểm.

Bà N.T.T.H., 52 tuổi, ở Q.Tân Phú, TPHCM đến BV Nguyễn Tri Phương (TPHCM) khám bệnh sau gần 10 năm được chẩn đoán mắc bệnh viêm dạ dày, được điều trị nhưng kết quả xét nghiệm vi khuẩn H. pylori (HP) vẫn dương tính.

Nội soi dạ dày để lấy mẫu làm xét nghiệm tại BV Nguyễn Tri Phương - Ảnh: Đặng Lê

Bệnh... dây dưa

Khác với bà H., ông Q.C.V., 60 tuổi, ở Q.11, TPHCM, được chẩn đoán bị viêm dạ dày từ ba năm nay. Qua nhiều lần nội soi và làm xét nghiệm máu nhưng kết quả đều không tìm thấy vi khuẩn HP. Điều ông V. lo lắng là dù được điều trị nhưng ông vẫn bị đau dạ dày kéo dài. Còn bà T.T.G., 31 tuổi, ở Q.Bình Tân, được xác định bị loét dạ dày do vi khuẩn HP và cũng được điều trị hết vi khuẩn. Dù bà tuân thủ nghiêm ngặt quá trình điều trị cũng như kiêng cữ những loại thức ăn bác sĩ đã dặn nhưng vết loét dạ dày không thể lành hoàn toàn, làm bà bị đau kéo dài.

BS Trần Ngọc Lưu Phương, phó khoa nội tiêu hóa BV Nguyễn Tri Phương, cho biết có nhiều bệnh nhân được chẩn đoán viêm, loét dạ dày nhưng không được điều trị khỏi vì những xét nghiệm trước đó có thể chưa tìm được tận cùng “cơ chế” của bệnh. Mới đây, BV Nguyễn Tri Phương áp dụng một xét nghiệm mới để chẩn đoán bệnh viêm, loét dạ dày. Xét nghiệm này sẽ nuôi cấy vi khuẩn HP, tìm được sự nhạy và kháng với kháng sinh của vi khuẩn, đồng thời xác định được chủng độc lực của vi khuẩn này và xác định được mức độ hoạt động của men CYP2C19 trong việc đào thải thuốc. Từ đó, các bác sĩ sẽ có cách sử dụng thuốc hiệu quả cho bệnh nhân.

“Bắt mạch” vi khuẩn

Áp dụng xét nghiệm mới này, các bác sĩ đã xác định bà H. bị viêm dạ dày rất nhẹ và bị nhiễm HP nhưng chỉ nhạy duy nhất với kháng sinh amoxcilin. Thế nhưng bệnh nhân lại có tiền sử dị ứng với ampicillin, amoxcilin và penicillin nên bác sĩ không thể dùng thuốc cho bệnh nhân. Xét nghiệm mới này phân lập được chủng vi khuẩn bà H. bị nhiễm có độc lực kém nên khả năng gây loét dạ dày hay biến chứng ung thư rất thấp (dưới 1%). Vì vậy, bệnh nhân không nhất thiết phải diệt vi khuẩn bằng mọi cách. Ông V. cũng được xác định bị nhiễm chủng vi khuẩn HP có độc lực trung bình và nhạy với tất cả kháng sinh, đồng thời được phát hiện có men CYP2C19 hoạt động mạnh để đào thải thuốc viêm loét dạ dày, nên với các thuốc uống chống tiết chất acid của dạ dày bệnh nhân dùng thông thường có hiệu quả không cao. Còn bà G. được xác định có men đào thải thuốc CYP2C19 hoạt động trung bình nên các bác sĩ đã phải điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp với bệnh nhân. Sau một tháng điều trị, bà G. hết đau, ăn ngon, ngủ tốt và tăng cân.

BS Lưu Phương cho biết trước đây để chẩn đoán người bệnh có bị nhiễm vi khuẩn HP hay không, các bác sĩ thường cho bệnh nhân nội soi dạ dày qua đường miệng để lấy một mẫu nhỏ của dạ dày làm xét nghiệm Clo-test hoặc giải phẫu bệnh. Clo-test được dùng rất phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới, cách đọc kết quả đơn giản vì chỉ cần thấy sự đổi màu của mẫu thử từ vàng sang hồng là dương tính. Thời gian có kết quả cũng khá nhanh, chỉ cần chờ 1-3 giờ là có kết quả tùy hãng sản xuất mẫu thử. Nếu để giải phẫu bệnh, cần lấy mẫu nhỏ của dạ dày, nhuộm màu nhìn dưới kính hiển vi xem vi khuẩn có hiện diện không. Ngoài ra, có thể test hơi thở hoặc xét nghiệm máu để tìm HP.

Với xét nghiệm mới Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vừa thực hiện còn giúp các bác sĩ điều trị hiệu quả các trường hợp viêm, loét dạ dày do vi trùng HP bị thất bại sau một thời gian điều trị thông thường và cho cả các trường hợp viêm, loét dạ dày khó lành, kéo dài mà không phải do HP.

Hơn 65% bệnh nhân viêm loét dạ dày do nhiễm HP

Theo BS Trần Ngọc Lưu Phương, tỉ lệ mắc bệnh viêm loét dạ dày trong dân số là 1-2%, trong đó tỉ lệ nhiễm vi khuẩn HP trong bệnh viêm loét dạ dày chiếm khoảng 65-68%.

Nguyên nhân gây ra bệnh dạ dày là do hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc điều trị đau khớp, ăn nhiều đồ chua cay, stress lo lắng, ăn uống không điều độ, bị nhiễm vi khuẩn HP (vi khuẩn này bị nhiễm qua đường ăn uống).

Những dấu hiệu có thể gặp trong bệnh viêm, loét dạ dày là đau bụng (trên rốn), cảm giác nóng rát, ợ hơi, nôn, buồn nôn, khó tiêu.


Theo Thùy Dương - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X