Hotline 24/7
08983-08983

Chữa bệnh nhờ hoa, khó tin nhưng có thật

Không chỉ tỏa hương làm đẹp cho đời, theo Đông Y một số loại hoa được kể tên dưới đây còn có tác dụng trị liệu bệnh hiệu quả không kém các loại thuốc đắt tiền. Điều ngạc nhiên là đây đều là những loài hoa khá quen thuộc trong đời sống hằng ngày mà bạn có thể tìm thấy ngay trong vườn nhà mình.

Hoa hồng

Được xem là hoàng hậu của các loại hoa, hoa hồng tôn là sứ giả của tình yêu nhờ vẻ đẹp thanh tú. Hoa có nhiều cánh, nhiều màu sắc như trắng, hồng, đỏ, vàng, hương thơm dịu và kín đáo. Tinh dầu chứa nhiều trong cánh hoa được xem là phương thuốc quý để chữa bệnh khi có thể hỗ trợ kích thích và điều hoà hệ thần kinh, gia tăng hoạt động của các tuyến nội tiết, loại bỏ rối loạn phức tạp trong các cơ quan nội tạng và tái tạo tế bào…. Theo Đông y, hoa có vị ngọt, mùi thơm ngát, tính bình, có công dụng chữa trị các chứng bệnh: ho ra máu, tiểu tiện, lỵ…


Bài thuốc chữa bệnh

Chữa ho cho trẻ nhỏ:

Lấy cánh hoa hồng trắng tươi trộn với nước quất và 1/2 thìa nhỏ mật ong đem chưng cách thuỷ cho trẻ uống.

Chữa hôi miệng:

Hoa hồng 5g, hãm nước sôi để nguội ngậm, súc, rồi nhổ. Hoặc rửa sạch 5g hoa nhai ngậm rồi nhổ.

Chữa viêm sưng tuyến vú:

Hoa hồng 7 bông, đinh hương 7 nụ, cho cả 2 vào nồi cùng một lượng rượu vừa đủ. Nấu lên rồi uống nước, bỏ cái. uống lúc no.

Kinh nguyệt không đều:

Hoa hồng 5g, hoa quế 3g, rượu 50ml. Chưng cách thuỷ hay hấp cơm, để nguội uống.

Hoa quỳnh

Được mệnh danh là nữ hoàng bóng đêm, hoa quỳnh mang lại cho ta cảm giác về loài hoa vừa đẹp lại vừa huyền bí đến lạ. Trong dân gian, hoa quỳnh được xem là vị thuốc đặc trị các bệnh ở phổi và hệ hô hấp.

Theo Đông y, hoa quỳnh có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh phế (mát phổi), chống ho, loãng đờm, tan đờm, tiêu viêm (sưng đỏ đau), cầm máu. Nó thường được dùng chữa ho ra máu trong bệnh lao phổi, tử cung xuất huyết, viêm họng, khản tiếng, dùng ngoài chữa đinh nhọt, chấn thương da bầm tím.


Bài thuốc chữa bệnh từ hoa quỳnh

Chữa ho ra máu trong bệnh lao phổi:

Dùng hoa quỳnh 3-5 bông, đường kính 15g, sắc nước uống trong ngày.

Chữa lên cơn hen:

Dùng hoa quỳnh, Kim ngân hoa mỗi thứ 9-12g, sắc nước uống thay trà trong ngày.

Chữa đinh nhọt, đòn ngã sưng đau:

Dùng hoa quỳnh hoặc thân cây giã nát, đắp vào chỗ da bị bệnh.

Hoa cúc

Có rất nhiều loại cúc bao gồm cúc bách nhật, bạch cúc, kim cúc, cúc móc, cúc vạn thọ,…và chúng đều có tác dụng ngang nhau trong việc điều trị bệnh.

Theo Đông y, hoa cúc có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải cảm, giáng hỏa, mát gan, làm sáng mắt.

Cúc bách nhật vị ngọt hơi chát, tính bình, tác dụng khử đờm, bình suyễn, tiêu viêm, giảm ho, dùng chữa hen suyễn, viêm phế quản cấp hay mạn tính, ho gà, lao phổi, ho ra máu, đau mắt, đau đầu, hạ sốt cho trẻ nhỏ.
   
Bạch cúc vị ngọt, hơi đắng, tính hàn, tác dụng tán phong thanh nhiệt, mát gan, sáng mắt, chữa phong.
   
Kim cúc vị đắng, cay, tính hơi ôn, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chữa mụn nhọt sưng đau, đau mắt đỏ có sưng, đau đầu, chóng mặt, chữa cảm lạnh, cúm, viêm não nhẹ, viêm mũi, viêm da mủ, hoa mắt, cao huyết áp, viêm gan, kiết lỵ, chảy nước mắt nhiều.
   
Cúc vạn thọ vị đắng, mùi thơm, tính mát, tác dụng tiêu viêm, làm long đờm, trị ho. Lá hoa hỗ trợ giúp mát gan, phổi, giải nhiệt, chữa đau mắt, ho gà, viêm phế quản, viêm loét miệng, viêm hầu, đau răng. Có thể dùng đắp ngoài đê trị viêm tuyến mang tai, viêm tuyến vú, viêm da mủ.


Bài thuốc chữa bệnh từ hoa cúc

Cao huyết áp:

Bạch cúc 10g, hoa hoè 8g, lạc nhân 3g. Ngày uống một thang chia 3 lần trong 10 ngày liên tục.

Hoa mắt chóng mặt:

Bạch cúc, hoa thiên lý mỗi vị 10g, ngải cứu 12g, rau má, lá đinh lăng mỗi vị 8g. Ngày uống một thang chia 3 lần, liên tục trong 5 ngày

Đau đầu:

Bạch cúc 9g, hoa nhài 3g, rau má 10g, cúc bách nhật 5g. Ngày uống một thang chia 3 lần, uống liền 3 – 5 ngày.

Hoa nhài

Theo y học cổ truyền, hoa và lá nhài có vị cay và ngọt, tính mát; có tác dụng trấn thống, thanh nhiệt, giải biểu, lợi thấp. Có công dụng trị ngoại cảm phát sốt, đau bụng, mụn nhọt độc. Hoa sắc nước dùng rửa mặt, chữa viêm màng khóe mắt và màng mộng, trẻ lên sởi có sốt, sởi mọc không đều, lá dùng trị bạch đới.

Bài thuốc chữa bệnh từ hoa nhài

Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp:

Hoa nhài 10g, hoa hòe 10g, kim cúc 6g, hoa đại 6g. Sắc với ba bát nước còn một bát, chia uống hai lần trong ngày, vào sáng và tối sau ăn, mỗi liệu trình 10 ngày.

Nhức mỏi, đau đầu gối:

Hoa nhài 50g, móng giò lợn 200g. Cách chế biến: Móng giò lợn rửa sạch, chặt khúc, ướp gia vị, hoa nhài rửa sạch để ráo. Cho 3 bát nước đun sôi móng giò khoảng 30 phút, cho hoa vào, nêm gia vị vừa đủ bắc ra ngay. Ăn khi canh còn nóng, có thể dùng làm canh ăn với cơm, mỗi tuần ăn khoảng 3 – 5 lần.

Chữa mất ngủ:

Hoa nhài 10g, Bồ công anh 20g, Kim ngân hoa 20g, Cam thảo đất 10g, ngày uống một thang chia 2 – 3 lần, liên tục trong 7 ngày. Hoặc hoa nhài 6g, tâm sen 8g, hãm với nước sôi dùng thay nước, liên tục từ 7 – 10 ngày sẽ thấy kết quả rõ rệt.

Không chỉ mang đến vẻ đẹp cho cuộc sống, những loài hoa này còn có tác dụng chữa bệnh hiệu quả. Bạn có thể trồng chúng trong vườn nhà vừa ngửi hương ngắm hoa, vừa dùng làm thuốc mà hiệu quả không kém gì thảo dược.

Theo Mùa Gió Heo May

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X