Hotline 24/7
08983-08983

Chữa “bệnh lùn” cho trẻ: Càng sớm càng tốt!

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị lùn hay còn gọi là chậm tăng trưởng chiều cao, trong đó, thiếu hormone tăng trưởng là nguyên nhân ít được nhận biết.

Tuy nhiên, trẻ bị chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng hoàn toàn có thể điều trị được, vấn đề là cha mẹ cần cho trẻ tầm soát và điều trị sớm mới có hiệu quả.

Sau 2 tháng triển khai chương trình “Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao miễn phí ở trẻ em trước tuổi dậy thì”, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) đã tiếp nhận gần 200 ca đến khám và điều trị. Trong đó, có 80 ca được chụp X-quang xương bàn tay để xác định tuổi xương.

Sau phần đánh giá bước đầu đó, có 30 ca được hẹn tái khám những lần sau để các bác sĩ kiểm tra vận động nhằm đánh giá chính xác tình trạng phát triển của trẻ.

Hiện tại, trong số những ca đến khám, bệnh viện đã chỉ định điều trị 3 ca và đang tiếp tục theo dõi 5 trường hợp nghi ngờ mắc chứng chậm tăng trưởng chiều cao nhưng dấu hiệu chưa rõ ràng.

Nhiều bậc phụ huynh đưa con đến tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao miễn phí tại khoa Nội tiết - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đây là lần đầu tiên bệnh viện triển khai chương trình này và nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Nói về ý nghĩa chương trình, đại diện bác sĩ khoa Nội tiết - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: “Chương trình ý nghĩa nâng cao nhận thức cho cộng đồng về chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ, đồng thời nâng sự tự tin cho phụ huynh khi chăm sóc bé. Nhờ chương trình, phụ huynh biết thêm nguyên nhân bé bị lùn ngoài di truyền, dinh dưỡng, chế độ thể thao chưa hợp lý... còn do thiếu hormone tăng trưởng”.

Bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám cho một trường hợp trong thời gian diễn ra chương trình

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ, trong đó, thiếu hormone tăng trưởng là nguyên nhân ít được nhận biết. Trẻ bị chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng hoàn toàn có thể điều trị được. Việc điều trị bằng hormone tăng trưởng có thể giúp trẻ đạt chiều cao bình thường khi trưởng thành.

Khi điều trị bằng phương pháp này, để đạt được hiệu quả tối ưu thì việc điều trị đúng thời điểm, đúng liều lượng là rất quan trọng. Trẻ nên được phát hiện sớm và được điều trị trước tuổi dậy thì, tốt nhất là điều trị trong khoảng độ tuổi từ 4-13 tuổi. Nếu qua “thời gian vàng” này, các sụn xương của trẻ không được kích thích sẽ đóng lại, dẫn đến việc dùng hormone tăng trưởng sẽ không còn tác dụng. Do đó, các bậc phụ huynh nên cho trẻ tầm soát sớm.

Bác sĩ hướng dẫn phụ huynh sử dụng máy Easypod - thiết bị bơm tiêm hỗ trợ sử dụng thuốc hormone tăng trưởng

Thông thường, trẻ mới sinh có chiều cao 48-50cm, trong năm đầu bé tăng khoảng 20-25cm, sang năm thứ 2 tăng 12cm, năm thứ 3 tăng 10 cm, năm thứ 4 tăng 7cm.

Từ năm 4-11 tuổi, trẻ sẽ tăng trung bình 6cm/năm. Đến tuổi dậy thì, bé gái sẽ tăng khoảng từ 6-10cm/năm, bé trai từ 6,5-11cm/năm.

Nếu trẻ không đạt mức tăng trưởng chiều cao bình thường đó, cha mẹ nên nghĩ ngay đến việc cho trẻ đi khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao sớm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X