Hotline 24/7
08983-08983

Chống ùn tắc giao thông trước cổng trường học: Mở cổng phụ để “đỡ” cổng chính

Sau nhiều nỗ lực, ùn tắc giao thông của Hà Nội được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, một tồn tại lớn vẫn chưa được giải quyết là nạn ùn tắc tại các cổng trường...


Về vấn đề trên, trong thông báo Kết luận về việc chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM mới đây của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã yêu cầu: “Ngành giáo dục chỉ đạo các trường học không để việc đón, đưa học sinh gây ùn tắc trước cổng trường. Bộ GD&ĐT nhanh chóng có phương án chống ùn tắc trong trường hợp này”.

Khảo sát của PV, tình trạng ùn tắc tại các cổng trường vẫn nghiêm trọng. Và với các biện pháp quanh co như hiện nay, vấn nạn này vẫn chỉ giẫm chân tại chỗ. Để giải quyết bài toán này một cách có hiệu quả và sớm nhất, việc cần làm trước mắt là mở các cổng trường cho phụ huynh vào sân trường đón học sinh.


Cảnh thường thấy ở các cổng trường giờ tan tầm. Ảnh: Quang Minh

Bất lực!

Tại phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là điểm nóng về ùn tắc giao thông giờ tan học nhiều năm qua. Là tuyến phố ngắn nhưng có đến 3 trường tiểu học, 1 trường mầm non. Chiều 2-10, trước cổng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, số 31 Nhà Chung, cách giờ tan tầm khoảng 20 phút, lượng người đứng chờ đón học sinh đã đông kín trên vườn hoa trước cổng trường và tràn xuống cả lòng đường. Lúc tan trường, đoạn phố này kín đặc bởi dòng xe cộ, phụ huynh và học sinh.

“Nhiều năm nay rồi, ngày nào cũng thế. Phố nhỏ mà lượng học sinh của trường là hơn 1.000 em, không những vậy nhiều phụ huynh  còn đón con bằng ô tô nên ùn tắc là chuyện cơm bữa” - anh Thắng, chủ một quán cà phê gần cổng trường cho hay.

Chung tình trạng này, cổng trường tiểu học Tràng An cách đó khoảng 200m cũng bị dòng người xe vây kín, choán hết lòng đường. Hiện, mặc dù là quận có diện tích nhỏ của Hà Nội, chỉ 5,3km2 nhưng quận Hoàn Kiếm có tới trên 30.000 học sinh. Trong đó học sinh Tiểu học và THCS đa số được cha mẹ đưa đón.

Cảnh tượng này cũng diễn ra tương tự trong giờ cao điểm chiều 2-10 tại cổng các trường: Cát Linh, Phan Chu Trinh, Quang Trung, Hoàng Diệu, Giảng Võ… và phổ biến tại cổng các trường: Tiểu học Nguyễn Trãi, phố Khương Trung; Khương Thượng, phố Tôn Thất Tùng; Phương Mai, trên phố Phương Mai; Tiểu học Bình Minh, phố Thợ Nhuộm; Tiểu học Ðiện Biên, phố Quán Sứ; THCS Trưng Vương, phố Lý Thường Kiệt; Tiểu học Lê Ngọc Hân ở phố Lò Ðúc...

“Dù trường đã tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt, nhưng tình trạng cũng chỉ thuyên giảm khi có sự hỗ trợ của CA phường và dân phòng, chứ riêng nhà trường thì bất lực” - Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Đống Đa, cho hay.

Trước đây, để giải quyết tình trạng ùn tắc, lộn xộn giao thông tại một số cổng trường, Sở GTVT Hà Nội đã cho cắm biển cấm dừng đỗ trước một số cổng trường. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời bởi lẽ nếu không đứng ở cổng trường để đón con, phụ huynh cũng không biết tìm chỗ đứng nào khác.



Cần sự phối hợp từ phụ huynh

Trước tình trạng lộn xộn, ùn tắc trước cổng trường, mới đây trường tiểu học Phan Chu Trinh, đường Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình phải nhờ tới lực lượng dân phòng và trật tự của phường nhắc nhở phụ huynh; kết hợp bố trí các lớp tan học chênh nhau 5-10 phút nên tình trạng trên đã phần nào chuyển biến. “Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi nhiều phụ huynh rất “ương”” - một bảo vệ của trường, cho hay.

Nhằm xoa dịu tình trạng ùn tắc diễn ra trước cổng trường, trường tiểu học Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm cũng phải duy trì một đội trật tự viên để giải quyết vấn đề trên. Song, không phải trường nào, phường nào cũng có chi phí để duy trì lực lượng này lâu dài.

Ông Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch UBND phường Giáp Bát cho rằng, sự hỗ trợ từ lực lượng CA phường và dân phòng, tự quản là rất cần thiết. “Nếu biết sắp xếp, để lực lượng này hỗ trợ trong các giờ cao điểm tại các cổng trường chống ùn tắc là hiệu quả, chứ bảo vệ trường là chưa đủ” - ông Tiến nói.

Cũng tìm giải pháp tình thế, trường tiểu học Nam Trung Yên, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, đành phải ghi lên bức tường xung quanh trường vị trí các lớp tan học và dán ảnh tập thể của từng lớp lên tường, kèm khẩu hiệu tuyên truyền. Phụ huynh cứ theo đó mà đứng, chờ cô giáo dẫn học sinh ra. “Nhưng nhiều phụ huynh ý thức kém, tiện đâu họ đứng đó, nhắc mãi không xuể” - đại diện tổ bảo vệ của trường, nói.

Một thực tế đáng buồn, nhiều trường đã nỗ lực đưa ra các biện pháp, song vẫn chỉ là đơn phương  do thiếu hợp tác từ phía các phụ huynh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân không nhỏ góp nên tình trạng ùn tắc trước các cổng trường tồn tại nhiều năm qua. Vì thế, mới đây còn có ý kiến xử lý phụ huynh học sinh đỗ, để xe… tràn lan khi đón con.

Chia sẻ với PV báo PL&XH, đại diện nhiều trường cho biết, chỉ khi nào có mặt lực lượng chức năng thì phụ huynh chấp hành, còn bảo vệ trường, thậm chí thầy cô giáo trực tiếp ra nhắc nhở, vẫn phớt lờ, trừ khi là chủ nhiệm lớp con mình theo học.

“Cách đây hơn một tuần, có phụ huynh cứ đứng lì giữa cổng trường buôn điện thoại, bị bảo vệ ra nhắc đã to tiếng cãi lại. Bác bảo vệ phải tìm cô chủ nhiệm lớp của con phụ huynh đó ra thì chị này mới dịu giọng và hôm sau đến trường xin lỗi” - một hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàng Mai, chia sẻ.

Bên cạnh đó, có nhiều trường chủ động tích cực bố trí điểm đón học sinh cho phụ huynh, song chính quyền địa phương nhiều nơi còn buông lỏng quản lý hoặc làm ngơ cho lều lán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường khu vực trước cổng trường học để bán hàng; chưa nỗ lực phối hợp với nhà trường... “Cái này, TP cần có chỉ đạo sát sao mới giải quyết được” - ông Trần Hồng Khanh, trú tại phố Bạch Mai, nói.

Như phố Quán Sứ, trước cổng trường tiểu học Ðiện Biên thường xuyên ùn tắc giao thông vào thời điểm học sinh tan học nhưng hè phố đối diện cổng trường khá rộng và một phần lòng đường ở khu vực lại được bố trí làm điểm trông giữ ôtô, hè hai bên cổng trường là các hàng quán. Phụ huynh đành dừng, đỗ dưới lòng đường bởi sân trường rất hẹp.

Bà Lê Hoàn Châu, Hiệu phó trường THCS Nguyễn Trãi, đường Giang Văn Minh, quận Ba Đình, dẫn bài học từ trường khi còn chung khuôn viên với trường cấp 3 Nguyễn Trãi là cần “phải chặn ngay từ đầu”.

Ngoài ký cam kết với phụ huynh, học sinh…, bố trí các đội thanh niên xung kích, phụ trách đoàn… đứng cổng trường vào mỗi giờ tan trường, hướng dẫn, nếu có học sinh tụ tập hoặc có biểu hiện tụ tập trước cổng trường là nhắc nhở, giải tỏa ngay. Nếu không chấp hành là thầy cô giáo có ý kiến, nên học sinh rất nghe lời.

Điều quan trọng theo bà Châu là đánh vào thi đua, cái này đã có quy định và phải làm nghiêm. “Đơn cử như hàng tháng, Sở GD&ĐT có thông báo từ Phòng CSGT về các trường hợp học sinh vi phạm giao thông, trường nào có trường đó phải giải trình, căn cứ vào đó để xét thi đua… nên trường làm rất gắt gao và thường xuyên, cho nên nhiều năm trở lại đây không có học sinh vi phạm” - bà Châu, nói.

Giải pháp


Tìm hiểu hiện nay, giải pháp được nhiều trường áp dụng có hiệu quả là mở cổng trường cho phụ huynh vào đón học sinh. Đây có lẽ là biện pháp nên và có thể áp dụng ngay để giải quyết tình trạng lộn xộn, ùn tắc trước các cổng trường lâu nay.

Nhưng, đáng nói là nhiều trường “ngại” áp dụng. Giải thích điều này, bà Vũ Kim Oanh, Phó hiệu trưởng cho rằng, sân trường là không gian để học sinh vui chơi và là khoảng trống cần thiết cho các em giữ được sự tĩnh lặng trong giờ lên lớp. Nếu cho phụ huynh vào sớm có thể gây mất trật tự, ảnh hưởng tới môi trường sư phạm.

Thực tế đã chứng minh cách mở cổng trường là khả thi và hiệu quả nhất. “Trường là khuôn viên của trường, lòng đường dành cho hàng trăm các phương tiện giao thông khác. Mở cổng, giải thoát là ý nghĩa và tiết kiệm cho xã hội rất nhiều thứ. Tôi thấy khó có lý do nào để các trường không mở cửa cho phụ huynh đón con” - anh Trần Đức Long, quận Đống Đa, bày tỏ.

Trường tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa, là một trong số ít những trường đầu tiên thực hiện việc mở cổng trường cho phụ huynh vào đón con. Trước đây, đoạn đường Hoàng Tích Trí luôn trong tình trạng ùn tắc do phụ huynh đứng chờ đón con, giờ thì tình trạng trên không còn. Các hàng quán bán rong trước cổng trường cũng không còn đất sống và tự tan biến. Đây rõ ràng là “một tác dụng kép”.

Nhà trường quy định mở cổng trường cho phụ huynh vào sân trường trước giờ đón con 15 phút. Trong sân, trước cửa mỗi lớp học được đặt một biển báo quy định khu vực đứng chờ của phụ huynh. Để đảm bảo không xảy ra lộn xộn trong sân trường, nhà trường cho mở một lối vào và một lối ra để phân luồng ngay từ sân trường. Cảnh ùn tắc trước cổng trường Kim Liên đã không còn.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Hiệu phó trường tiểu học Kim Liên, cách làm này đã nhận được nhiều ý kiến tán thành của phụ huynh. “Khi được vào tận sân trường chờ con, họ rất yên tâm. Không phải đứng chờ ngoài đường và không gây ùn tắc” - bà Vân cho hay.

Theo tìm hiểu, không chỉ có những trường có sân trường rộng mới thực hiện được việc này. Đa số các trường mầm non ở Hà Nội đều thực hiện việc mở cổng trường để phụ huynh vào đón con và đem lại hiệu quả thiết thực. Ở khối tiểu học, nhiều trường dù có diện tích sân trường không rộng nhưng vẫn áp dụng cách làm này như: Trường Tiểu học Mai Dịch, quận Cầu Giấy, trường Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng…

Ủng hộ cách làm này và cho rằng cần nhân rộng, anh Hoàng Tuấn Quang, phụ huynh có con theo học tại trường tiểu học Kim Liên nói: “Từ ngày nhà trường mở cổng trường cho phụ huynh vào tận sân trường để đón học sinh bằng cổng chính và đi ra bằng cổng phụ mình thấy rất nhẹ nhàng và thuận tiện. Không lo đứng ngoài cảnh sát “hỏi thăm” và gây ách tắc. Đa số phụ huynh vào trường đều có ý thức để không gây tiếng ồn, hơn nữa cũng căn sát giờ tan mới vào đón”.

Ông Nguyễn Đức Kha, Chánh Văn phòng Ban ATGT Hà Nội, cũng cho biết lý do khiến nhiều nhà trường không mở cổng trường là vì trường có diện tích quá chật, thậm chí không có sân trường. “Tuy nhiên đây chỉ là số nhỏ”. Sau trả lời của ông Kha, khảo sát của PV trong 2 ngày 2, 3-10 ở nhiều trường khác nhau trên địa bàn nội thành Hà Nội cũng chứng minh thực tế này.

Ngày 3-10, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, toàn bộ kế hoạch về công tác liên quan đến vấn đề trên đã được Sở chỉ đạo rõ trong các văn bản gửi xuống các trường và công khai trên website của Sở. Về mô hình mở cổng trường, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội, xác nhận đến nay Hà Nội mới chỉ thử nghiệm tại trường tiểu học Kim Liên và chưa có tổng kết, đánh giá về mô hình này.
AloBacsi.vn
Theo Quang Minh - Pháp luật & Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X