Hotline 24/7
08983-08983

Chống thực phẩm bẩn: Doanh nghiệp chân chính "nản chí"

Người dân sẵn sàng trả giá cao hơn để được ăn thực phẩm sạch nhưng chưa tin doanh nghiệp; doanh nghiệp cũng muốn làm ăn tử tế để cung cấp thực phẩm an toàn nhưng nản chí" vì bị cạnh tranh bởi thực phẩm không rõ xuất xứ….

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn: Bất cập trong quản lý và giải pháp cho doanh nghiệp” diễn ra chiều 18/1 do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.

Tọa đàm trực tuyến

Vi phạm tràn lan nhưng sáu năm chỉ xử lý hình sự một vụ

Mỗi năm, Việt Nam có 168 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 5.000 người mắc và khoảng 30 người tử vong. Năm 2017, cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người mắc, 24 người tử vong.

Trước thực tế đó, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra 625.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm (chiếm 19,8%); trong đó xử lý hành chính 35.759 cơ sở với số tiền trên 61 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2011-2016, mặc dù số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm chuyển qua hình sự khoảng 300 vụ nhưng chỉ duy nhất có 1 vụ bị khởi tố.

Theo ông Hồ Quang Thái, Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả cho biết, hiện có năm Luật, ba Nghị định, ba Thông tư liên tịch và hàng chục Thông tư liên quan khác đến việc xử lý thực phẩm bẩn. Mới đây, Nghị định 178 cũng đã ban hành quy định rõ mức phạt với cá nhân, tổ chức vi phạm.

Tuy nhiên, theo ông Thái, mặc dù pháp luật cơ bản đã hoàn thiện, nhưng việc thực thi của các cơ quan chức năng dường như chưa chặt, có tình trạng né tránh trách nhiệm hoặc năng lực nghiên cứu, vận dụng các văn bản pháp luật chưa được triệt để.

Ông Hồ Quang Thái - Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả
Ông Hồ Quang Thái - Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả

"Đơn cử như chúng tôi kiểm tra ở chợ Kim Biên TPHCM thì thấy bày bán hoá chất một cách công khai các chất kích thích cây cối mọc nhanh, tẩy hàng ôi thiu, hương liệu pha chế đồ uống... Hay các tư thương dùng hoá chất để ướp tẩm thực phẩm như măng, biết là rất hại nhưng khi bắt giữ người sai phạm thì không xử lý được vì chưa có chế tài” - ông Thái dẫn chứng.

Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả đưa thêm một ví dụ về việc quản lý lỏng lẻo: “Chúng tôi có kiểm tra mộtdoanh nghiệpmỹ phẩm. Quy chuẩn doanh nghiệp tự công bố và được Sở Y tế TPHCM cấp chứng nhận nhưng khi chúng tôi kiểm tra đột xuất thì tất cả các sản phẩm đều vi phạm”.

Còn ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, chế tài xử phạt không nghiêm khiến cho thực trạng sản phẩm không an toàn vẫn vô tư bày bán trên thị trường.

Doanh nghiệp muốn làm ăn tử tế cũng khó

Nhiều chuyên gia nhận định, thực trạng sản xuất nhỏ lẻ của các hộ dân là nguyên nhân chính khiến cho cơ quan quản lý khó kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm và làm nản chí các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Theo ông Hồ Quang Thái - Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả, thực trạng thực phẩm bẩn đang gây bức xúc dư luận bởi khi đi chợ, kể cả đi siêu thị, người tiêu dùng băn khoăn không biết dùng loại thực phẩm nào là sạch, là an toàn.

Ông Nguyễn Văn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ kể một câu chuyện không mới: “Một người bạn tôi khi về làng thấy bà cụ bán đu đủ thì ghé vào mua. Sau khi anh ấy đi một quãng đường dài để về nhà thì bà cụ kia đã chạy theo để đòi lại quả đu đủ vì nó đã được tiêm thuốc. Người bạn đó đã hỏi tôi một câu hỏi "Tại sao một bà cụ già như vậy, nông dân chất phác lại làm việc vô tâm như vậy?".

Ông Hồ Quang Thái - Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả
Ông Nguyễn Văn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ

Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ cho rằng, nguyên nhân là vì, việc quản lý hóa chất đang có nhiều vấn đề, dễ bị người nông dân sẽ lạm dụng. Nếu quản lý chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, sản xuất thì sẽ giảm bớt tình trạng lạm dụng đó.

“Tôi mong muốn câu chuyện bắt đầu từ trách nhiệm mỗi con người. Doanh nghiệp có thể làm giả thực phẩm bẩn vì họ không gắn với thương hiệu của chính họ” - ông Cường nói.

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga cũng thừa nhận, điểm yếu trong công tác quản lý an toàn thực phẩm là truy xuất nguồn gốc và thu hồi thực phẩm. Việt Nam chưa có hệ thống kiểm soát, thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan… khiến việc truy xuất nguồn gốc vô cùng khó khăn.

“Nhiều năm qua, có rất nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, thực phẩm truy xuất nguồn gốc. Nhưng các doanh nghiệp vẫn còn loay hoay tìm thị trường, tìm sự cạnh tranh với thực phẩm bày bán ngoài chợ” - bà Nga nói.

Ông Trần Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam nhận định: “Chỉ sản xuất lớn hơn mới quản lý tốt hơn. Lúc đó, người sản xuất mới quan tâm xây dựng thương hiệu, người dân được hưởng thực phẩm sạch và cơ quan quản lý mới có thể truy xuất nguồn gốc”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng đánh giá, hiện quyền thông tin về hàng hóa, đơn vị kinh doanh sản xuất còn hạn chế.

“Người tiêu dùng khó có thể kiểm tra được chất lượng hàng hóa, kể cả những hàng hóa có tem, giấy chứng nhận. Điều này khiến doanh nghiệp muốn làm ăn tử tế, tâm huyết cũng khó có điều kiên phát triển" -ông Hùng nói.

"Theo khảo sát của chúng tôi, người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận giá đắt hơn nhưng phải an toàn. Nhưng số tiền bỏ ra đó có mua được sản phẩm chuẩn hay không là cả vấn đề. Có thể nói giữa người sản xuất và người tiêu dùng chưa “gặp” được nhau" - ông Hùng thông tin.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thùy Dương - Tổng Giám đốc Siêu thị SEIKA Mart cho biết, niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm vẫn chưa có khi bản thân nhiều sản phẩm đã có chứng nhận nhưng người tiêu dùng vẫn chưa tin hoàn toàn. "Bản thân chúng tôi có tiếp xúc với nhà cung cấp làm sản phẩm sạch, đạt chất lượng thực sự, nhiều đơn vị khởi nghiệp vất vả để đưa ra sản phẩm chất lượng từ tâm huyết của họ. Chúng tôi rất cần có giải pháp để hỗ trợ những doanh nghiệp đó để họ có thể tiếp tục sản xuất, cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng” - bà Dương chia sẻ.

Bà Bùi Bích Liên, Giám đốc Kinh doanh thương hiệu ORFARM bày tỏ quan ngại khi Việt Nam chưa có bộ quy chuẩn cụ thể về sản xuất thực phẩm sạch. “Nếu bộ quy chuẩn không rõ ràng sẽ khó khăn cho doanh nghiệp khi bị kiểm tra. Có rất nhiều đoàn thanh tra của các bộ, ban, ngành khác nhau xuống kiểm tra doanh nghiệp, và họ có nhiều tiêu chí, cách nhìn khác nhau khi đánh giá về các doanh nghiệp chúng tôi. Nếu không có bộ quy chuẩn chung sẽ xảy ra sự lẫn lộn” - bà Liên bày tỏ.

ÔngTrần Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Namđưa ra một ý kiến rất đáng chú ý, đó là “khi nói đến thực trạng an toàn thực phẩm, chúng ta mới đang quan tâm tới khâu cuối cùng, đó là khâu tiêu dùng. Tuy nhiên khi nói tới an toàn thực phẩm phải nói tới chuỗi thực phẩm vì nó tồn tại qua các khâu như sản xuất, vận chuyển, tiêu dùng”.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, ngay cả định hướng về truyền thông, hệ thống giám sát vẫn đang chú trọng ở khâu cuối cùng nhiều hơn tới khâu đầu tiên. “Nếu chúng ta không giải quyết tốt khâu đầu tiên - khâu sản xuất thì chưa giải quyết hết được gốc vấn đề của an toàn thực phẩm” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam nhận định.

Để xây dựng chỉ tiêu thực phẩm an toàn, Phó Cục trưởng Trần Việt Nga cho biết, Bộ Y tế có ban hành gần như đầy đủ các chỉ tiêu an toàn. Tuy nhiên, bà Nga mong muốn doanh nghiệp và các hiệp hội sẽ là đầu mối xây dựng tiêu chuẩn và đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước để nâng tầm lên thành tiêu chuẩn quốc gia.

Theo Mỹ Dung - VnMedia

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X