Hotline 24/7
08983-08983

Chóng mặt, nhìn mờ... sau khi uống thuốc hạ máu, có phải em bị tăng huyết áp?

Câu hỏi

Xin chào bác sĩ, Năm nay con 23 tuổi, cao 1m77, nặng 75kg, sức khỏe từ trước tới giờ rất tốt. Con bắt đầu tập gym từ 2 năm trước, mỗi ngày tập với cường độ nặng, tập khoảng 2h/ngày (5 buổi/tuần), 2 ngày cuối tuần con thường chạy bộ cự li dài (khoảng 5km- 7km), sau đó là đi bộ thêm 10-15 phút, mỗi lẫn chơi tập luyện xong con cảm thấy rất khỏe và thoải mái. Ngày 1/4/2019, con bị tái phát viêm xoang sàng và đi khám ở bệnh viện, bác sĩ cho hay là huyết áp cao 140/90 (tay trái), có dặn: không ăn mặn, tập thể dục... tuần sau kiểm tra lại. Ngày 2/4 con mua máy đo huyết áp điện tử ở bắp tay Omron HEM 7120, khi mua chủ cửa hàng đã thử độ chính xác của máy cho con xem (chú ấy đo cho vợ bằng máy này và sau đó đo lại cho vợ bằng đồ đo huyết áp hay được sử dụng ở bệnh viện), kết quả 2 cái rất trùng khớp. Con bắt đầu tự kiểm tra, đo từ ngày 3/4 đến ngày 10/4. Mỗi ngày đo vào 2 buổi, buổi sáng đo vào lúc 9h, buổi tối đo vào lúc 20h. Mỗi lần đo thực hiện 2 lần, rồi lấy giá trị trung bình. Kết quả như sau, chỉ số trên dao động từ 112-122mm hg, chỉ số dưới dao động từ 68-74mm hg (con đo ở tay trái, tư thế nằm. Các yêu cầu trước khi đo con đều thực hiện đúng, và học cách đo từ ngưới bán máy và xem thêm ở trên mạng). Đến ngày 11/4 con đi tái khám lại và có đưa số liệu cho bác sĩ coi, bác sĩ đo huyết áp cho con lại bảo là vẫn cao 140/90, nói là máy đo huyết áp điện tử của con hư rồi. Bác sĩ có cho con thuốc hạ máu, nói mỗi sáng uống 1 viên loại thuốc hạ máu Amlodipin 5mg. Con uống thử vào 9h sáng ngày 12/4 và 13/4. Trong 2 ngày uống thuốc có thấy có triệu chứng bất thường như: khi ngồi chuyển sang tư thế đứng thì bị mệt, chóng mặt, mắt nhìn mờ (hoa mắt). Vào 4h sáng ngày 14/4 con giật mình thức dậy, cảm thấy rất khát nước (cực kỳ khát - hồi đó tới giờ con chưa bao giờ bị khát nước như thế này vào buổi khuya), sau đó đứng dậy đi lấy nước uống thì bị chóng mặt, mắt nhìn mờ, ra mồ hôi. Con lấy được nước và uống rất nhiều, nằm xuống nghỉ một lát thì hết. Từ đó con không dám uống thuốc hạ máu nữa. Xin bác sĩ giải đáp dùm con là con có bị tăng huyết áp không? Con chân thành cảm ơn.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào em,

Ở tuổi của em, tăng huyết áp vô căn ít khi xảy ra nhưng không có nghĩa là không có. Tuy nhiên, nếu theo như em mô tả, huyết áp ở nhà đo bình thường, trong khi huyết áp tại bệnh viện luôn cao thì có một bệnh lý gọi là tăng huyết áp áo choàng trắng. Tức là khi tới bệnh viện, người bệnh có cảm giác căng thẳng, hồi hộp khiến cho huyết áp tăng cao hơn bình thường. Nếu là trường hợp này thì không phải điều trị.

Hiện tại em nên ngưng thuốc, theo dõi huyết áp tại nhà mỗi ngày bằng máy omron hoặc có thể tới trạm y tế gần nhà để đo nếu muốn chính xác hơn. Nếu vẫn còn những lần đo huyết áp cao, em nên sắp xếp đi khám ở bệnh viện chuyên khoa  Tim mạch để được bác sĩ đánh giá xem xét chỉ định đặt máy theo dõi huyết áp liên tục 24 tiếng, xác nhận có tăng huyết áp hay không, lúc đó mới quyết định có dùng thuốc không em nhé!

Thân mến.
Mời tham khảo thêm:

Tăng huyết áp áo choàng trắng (white coat hypertension) xảy ra khi huyết áp đo tại bệnh viện, phòng khám luôn ở mức cao (140/90 mmHg hoặc cao hơn). Thế nhưng khi về nhà, huyết áp của bạn lại trở về mức bình thường và không hề ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Hiện tượng này chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo sợ, hồi hộp khi đi khám bác sĩ, khiến tim đập nhanh hơn và tăng áp lực lên thành mạch máu. Trong nhiều trường hợp, huyết áp tâm thu có thể cao hơn thực tế đến 30 mmHg.

Đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học chứng minh tác động của tăng huyết áp áo choàng trắng lên sức khỏe người bệnh. Hội chứng này thực ra khá phổ biến (khoảng 20% số trường hợp) và thường sẽ dần dần biến mất theo thời gian. Một số bệnh nhân chỉ cần đến lần khám thứ 3 là đã có thể tự tin, trong khi số khác phải mất nhiều thời gian hơn.

Trên thực tế, bác sĩ có thể góp phần giúp cải thiện hội chứng này bằng cách gầy dựng lòng tin, sự sẻ chia với bệnh nhân, tạo ra môi trường giao tiếp thoải mái, vui vẻ. Nhờ vậy, người bệnh sẽ không còn cảm thấy lo âu, bồn chồn và tăng huyết áp áo choàng trắng cũng biến mất.

Về lý thuyết, nếu huyết áp của bạn liên tục ở mức cao trong ba lần đo tại bệnh viện, bác sĩ sẽ bắt đầu nghi ngờ và chẩn đoán tăng huyết áp. Chính vì vậy, bạn cần trung thực chia sẻ với bác sĩ về sự khác biệt huyết áp giữa đo tại bệnh viện và đo tại nhà.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X