Hotline 24/7
08983-08983

Chồng cụt chân nuôi vợ mù lòa, hai mảnh đời bất hạnh mà ấm áp

Đã 4 năm kể từ ngày đôi mắt bà Lan không còn nhìn thấy ánh sáng, ông Năng vẫn miệt mài bán từng tờ vé số để chăm lo cho cuộc sống của cả hai trên đôi chân giả.

40 năm không có lấy một đứa con, mong ước của ông bà chỉ đơn giản là được ở bên nhau đến ngày giã biệt trần thế.

Tình yêu của anh lính cụt chân và cô thiếu nữ 

Nằm sâu trong con ngõ nhỏ, ngoằn ngoèo thuộc ngoại ô TPHCM là ngôi nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Năng (70 tuổi). Tiếp chuyện PV bằng nụ cười thân thiện, hiền hậu, ông Năng mời chúng tôi vào nhà uống trà. Trong khi đó, bà Lan, vợ ông vẫn đang nằm trên giường với chiếc radio đặt trên tai. Thấy chúng tôi ngạc nhiên bởi hành động của bà Lan, ông Năng cười giải thích, bà áp chiếc radio vào tận tai để nghe rõ hơn những bài kinh thánh.

Chậm rãi nhấp ngụm trà nóng, ông Năng bắt đầu kể về mối lương duyên của mình: “Ngày ấy, khoảng năm 1972, tôi đi lính ở chiến trường miền Đông. Thời gian đó, tôi không may đạp phải mìn và mất đi đôi chân. Khi đất nước hòa bình, tôi trở về quê sinh sống làm ăn, nhưng vì khiếm khuyết cơ thể, tôi trở thành gánh nặng của gia đình. Bởi vậy, tôi quyết định ra Biên Hòa (nay là TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai-PV) sống và làm ăn, không dựa dẫm vào gia đình nữa. Tôi còn nhớ thời điểm đó là năm 1973”.

Gia đình - Chồng cụt chân nuôi vợ mù lòa, hai mảnh đời bất hạnh mà ấm áp

40 năm không có lấy một đứa con, mong ước của ông bà chỉ đơn giản là được ở bên nhau đến ngày giã biệt trần thế


Ngày đó, ông Năng đi bán dạo nhiều thứ lặt vặt để kiếm sống. Cũng theo ông, lúc bấy giờ, thấy ông thương tật, người thông cảm cho ông thì ít, người khinh khỉnh ông thì nhiều. Nhưng ông bỏ ngoài tai tất cả để cố gắng bước đi bằng chính đôi chân giả của mình. Ngày bán được ít ông ăn ít. Có khi, một ngày, ông ăn chỉ dám ăn qua loa ổ bánh mì. Bánh khô đến rát họng, ông vẫn ráng nuốt cho qua bữa. Ngày nào bán được nhiều hơn, ông cũng chẳng dám tiêu xài phung phí. Ông luôn tằn tiện, dành tiền để sau này bệnh tật có cái mua thuốc. Một thân một mình, ông vẫn miệt mài bán hàng rong kiếm sống qua ngày.

Những ngày vất vả ở Biên Hòa, ông đã gặp bà Lan và có cảm tình với bà ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Tuy nhiên, ông vẫn không dám thổ lộ: “Tôi có cảm tình với bà ấy ngay từ lần đầu, nhưng chỉ giấu trong lòng thôi, vì ngày đó, bà đẹp lắm. Tôi không dám mơ cao, chỉ âm thầm theo dõi người ta thôi. Rồi tôi quan tâm người ta bằng những lời hỏi thăm chân thành. Tôi cũng chẳng ngờ sự chân thành của mình đã chạm tới trái tim bà ấy. Bà ấy nói thương tôi vì tôi biết làm ăn, không cờ bạc rượu chè, biết cố gắng còn hơn khối người lành lặn”.

Tình yêu của 2 người ban đầu bị gia đình bà Lan kịch liệt phản đối. Gia đình bà nghĩ ông Năng không đủ sức mang lại cho bà cuộc sống ấm no. Đâu có cha mẹ nào muốn gả đứa con gái đang thời thiếu nữ lành lặn, ngoan hiền, xinh đẹp cho một người tật nguyền. Hiểu được suy nghĩ đó của cha mẹ, bà Lan, ông Năng không trách, cũng không dám tính đến chuyện kết hôn. Ông nói, chỉ cần trong tim bà Lan có ông là ông đã hạnh phúc lắm rồi.

Gia đình - Chồng cụt chân nuôi vợ mù lòa, hai mảnh đời bất hạnh mà ấm áp (Hình 2).
Ông Năng dù bị cụt chân nhưng hằng ngày vẫn đi bán vé số để lo cho cuộc sống của hai vợ chồng

Một thời gian sau đó, thấy không thể cản trở tình yêu quá lớn của đứa con gái dành cho anh chàng thương binh, gia đình bà Lan đồng ý cho hai người kết hôn. Sau khi kết hôn, bà Lan theo ông Năng vào tỉnh Tây Ninh làm kinh tế mới. Vài năm khai hoang, mọi khó khăn vất vả đều đổ dồn hết lên đôi vai của người vợ lành lặn yêu chồng. Thấy vợ vì mình mà vất vả, ông Năng quyết định trở về Sài Gòn mưu sinh. Ông bà bắt đầu cuộc sống mới với đầy khó khăn và thách thức.

“Năm 1977, hai vợ chồng tôi khăn gói cùng nhau về Sài Gòn sinh sống. Ngày này qua ngày khác, tôi đi bán vé số, bà ấy đi lượm ve chai hoặc hái rau muống thuê kiếm thêm thu nhập. Số tiền cả hai kiếm được chả là bao, nhưng chúng tôi cũng tích góp được một khoản để dựng ngôi nhà trú mưa trú nắng ở quận Thủ Đức. Lúc cất xong nhà, vợ chồng tôi mừng lắm. Cuối cùng vợ chồng tôi, sau những tháng ngày vất vả cũng đã có được mái ấm cho riêng mình”, ông Năng chia sẻ.

“Bà lo cho tôi nhiều rồi giờ đến lượt tôi…”

Yên bề gia thất, vợ chồng ông Năng bắt đầu tính đến chuyện sinh con. Nhưng càng hy vọng có con bao nhiêu, cả hai lại càng thất vọng bấy nhiêu. Trong một lần kiểm tra, bà Lan được bác sĩ chẩn đoán bị u nang buồng trứng, khó có thể có con. Thấy bà buồn, ông Năng thương vợ, khuyên nhủ rằng mình sống tốt, ông trời rồi cũng thương.

Không đầu hàng trước nghịch cảnh, ông Năng đã đưa vợ đi chạy chữa khắp trong Nam ngoài Bắc nhưng không có kết quả. Nhiều đêm, thương vợ, ông rơi nước mắt vì xót xa, nhưng ông vẫn giấu nhẹm nỗi buồn trong tim để lo cho bà cuộc sống tốt nhất. Hơn 40 năm trôi qua, dù không có con nhưng ông bà vẫn yêu thương chăm sóc nhau hết mực.

Nhưng rồi, cực chẳng đã, số phận nghiệt ngã khi một lần nữa giáng “tai họa” xuống đầu cặp vợ chồng già. Mấy năm gần đây, bà Lan lại mắc chứng mù lòa, xơ vữa động mạch. Chưa kể, tai bà cũng không còn nghe rõ... Nhìn thấy bà như vậy mà tim ông quặn thắt. Nhiều đêm ông không ngủ được vì chăm lo giấc ngủ cho bà.

Gia đình - Chồng cụt chân nuôi vợ mù lòa, hai mảnh đời bất hạnh mà ấm áp (Hình 3).
Phần lớn thời gian trong ngày bà Lan nghe kinh và cầu nguyện

“Từ ngày bà ấy bị mù, cuộc sống của vợ chồng tôi trở nên khó khăn hơn. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều do tôi cáng đáng. Để có tiền mưu sinh, ngày ngày tôi đạp xe đi bán vé số quanh khu công nghiệp Sóng Thần bằng đôi chân giả. Sáng nào tôi cũng dậy từ tờ mờ sáng để chuẩn bị đồ ăn sáng cho bà ấy. Còn bữa trưa tôi gửi hàng xóm mua giùm”, ông Năng chia sẻ.

Cũng theo ông Năng, vì vợ bệnh nặng nên ông chỉ tranh thủ đi bán vé số một buổi, còn một buổi thì về nhà chăm vợ. Trung bình mỗi ngày ông bán được 50 tờ vé số, với chừng đó, ông kiếm được vài chục ngàn về mua đồ ăn cho hai vợ chồng. Ông kể: “Vì chỉ trông chờ vào việc bán vé số nên cuộc sống của vợ chồng tôi cũng cơ cực. Những ngày mưa, tôi không dám nghỉ vẫn đội áo mưa đi làm. Nhiều người thấy hoàn cảnh của tôi thương tâm nên mua ủng hộ. Năm nay, nhờ có mạnh thường quân mua cho tôi chiếc xe đạp điện nên việc đi lại của tôi cũng dễ dàng hơn trước. Giờ tôi cũng yếu lắm rồi, lúc qua đường tôi không dám chạy mà dắt bộ xe qua”.

Nhiều đêm, ông Năng thức trắng suy nghĩ về chuyện tương lai. Năm nay ông đã 70 tuổi, ông lo không may ông mất trước sẽ không ai lo cho vợ. Ông chia sẻ: “40 năm qua, bà ấy là chỗ dựa tinh thần để tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Dù bà không sinh được con cho tôi nhưng tôi vẫn chẳng bao giờ than trách. Với tôi chỉ cần được ở bên bà ấy trọn kiếp này là tôi mãn nguyện lắm rồi”.

Phần lớn thời gian trong ngày bà Lan nghe kinh và cầu nguyện. Cuộc đời của hai vợ chồng bà đã trải qua quá nhiều đau thương. Bà nói bà nghe kinh với mong muốn được thanh thản hơn và cầu nguyện cho ông có thật nhiều sức khỏe. Có lúc, bà hỏi ông : “Em đã không sinh cho anh được một đứa con, rồi còn bị mù nữa, sao anh không bỏ em đi cho rồi?”. Ông chỉ cười rồi đáp: “Hồi xưa em lo cho anh nhiều rồi giờ phải để anh lo cho em chứ”.

 Theo Hoàng Dung Nhi - Người đưa tin

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X